Jun 16, 2019 - Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi năm C
Hãy trở nên đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi!
Các Bạn thân mến,
Chúa nhật tuần này Giáo Hội cho
chúng ta mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi chắc ai cũng
nhớ tới một câu chuyện thật ý nghĩa giữa Thánh Ausgutin với một em bé nhỏ nơi
bãi cát rộng lớn của biển Địa Trung Hải. Bởi chính em bé ấy đã giúp thánh
Ausgutin tỉnh ngộ, chấm dứt lòng ham muốn tìm hiểu về mầu nhiệm vĩ đại Thiên
Chúa Ba Ngôi.
Thật
vậy, từ rất xa xưa, con người đã cố gắng moi móc trí khôn để tìm hiểu về mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng vì là tạo vật, chỉ có thể hiểu được cái gì cụ
thể, có hình dáng rõ ràng, nên không làm sao hiểu được mầu nhiệm ấy. Cuối cùng
họ đã tìm ra nhiều cách ví von, so sánh để mong hiểu biết về Chúa Ba Ngôi như:
một hình tam giác đều với ba cạnh, ba góc bằng nhau; một chiếc lá cây chẽ làm
ba đều đặn; nước ở ba trạng thái khí, lỏng, rắn…
Dĩ nhiên những
so sánh vật chất giới hạn khô khan ấy không thể phản ánh trung thực và sống
động hình ảnh thực tại về Chúa Ba Ngôi.
Vi màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để khám phá, họăc
biết, mà để cầu nguyện và để sống.
Hãy nhìn xem vô vàn những điều nhỏ
bé đơn giản chung quanh, chúng ta cũng không thể lý giải đến tận cùng về nguyên
nhân - hậu quả rồi hậu quả - nguyên nhân như:
- Con gà hay quá trứng có trước?
- Hạt giống và bông lúa, cái nào sinh ra
cái nào?
- Cùng dòng máu nóng chảy trong cơ thể mình,
nhưng khi thì mách bảo chúng ta nhận biết về tình yêu; lúc lại làm chúng ta
luyến tiếc, buồn man mát hay nổi giận!?
- v.v…
Những
kinh nghiệm ấy giúp Kito hữu chúng ta tỉnh ngộ, tránh phiêu lưu vượt giới hạn
lý trí, khả năng... để phó thác nơi Đức Kito, Đấng đã mặc khải cho chúng ta về
một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Thánh Gioan đã ghi lại trong Tin Mừng kính Các Ngài
chúa nhật hôm nay, giúp chúng ta luôn được sống trong thế giới của Chúa Cha,
Chúa Con vá Chúa Thành Thần. Thế giới ấy không phải là một thế giới ở đâu xa,
mà chính là thế giới mà chúng ta đang sống hằng ngày với anh em.
1. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn
anh em tới sự thật toàn vẹn”:
a) Sự thật toàn
vẹn:
-
Trong thời gian Đức Giesu sống với các
môn đệ, thỉnh thoảng Ngài hé mở một số điều, thì các môn đệ đều không hiểu,
không chịu nổi, nên Ngài không nói nữa.
-
Khi sứ mạng của Ngài đã hoàn thành, thì
sự hiểu biết về Thiên Chúa của loài người chỉ mới bắt đầu.
-
Bởi trước khi Đức Giesu về trời, Ngài
hứa ban Thánh Thần đến dậy dỗ các môn đệ hiểu rõ tất cả những gì Ngài đã nói để
các ông hiểu được sự thật toàn vẹn:
. Biết Thiên Chúa, biết Chúa Cứu Thể và sự sống
đời đời.
. Sống đời đời không chú ý về sự tồn tại, kéo
dài của đời sống trần gian, mà là sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
. Được bước vào sự sống đời
đời là kinh nghiệm ngay tại đây và bây giờ, với vẻ huy hoàng, su uy nghiêm,
niềm vui, sự bỉnh an và thành khiết, là đặc tính của Thiên Chúa.
. Thiên Chúa là tình yêu, là phục vụ mọi người.
. Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.
. Màu
nhiệm cứu chuộc con người trần gian.
b) Những đặc điểm:
- Ai cũng biết trái đất là một trong vô vàn vô số các hành
tinh của hệ mặt trời.
-
Nghĩa là trái đất chỉ là một hành tinh
nhỏ bé, vô cùng nhỏ bé, không đáng kể.
-
Nhưng
nó lại được Thiên Chúa quan tâm, đặc biệt là tạo dựng nên con người giống hình
ảnh của Ngài và cho cư ngụ tại đấy. Rồi khi họ phạm tội, lại cho Thiên Chúa Ngôi
Hai xuống cư ngụ và chịu chết ở đó để cứu chuộc họ.
c) Một cuộc sống mơ
ước:
- Con người không cô đơn trên trái đất, nhưng
được sống cùng với gia đình, bạn bè, cộng đoàn, xã hội, thế giới…
- Nhưng
chúng ta luôn luôn mơ ước mình và mọi người được:
. Hiểu nhau, chân thành với nhau trong
mọi sự, mọi điều.
. Hết
lòng yêu thương nhau, không e dè, ganh ghét, đố kỵ nhau.
.
Hợp tác, giúp đỡ nhau trong mọi việc.
.
Chia xẻ với nhau về mọi mặt: tài sản vật chất, tinh thần, tình cảm...
- Đó
chính là cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Chúng
ta cần mơ ước cuộc sống đó, và tin rằng chúng ta sẽ đạt được.
- Bởi
Đức Giesu đã cho biết Thiên Chúa sẵn sàng thông chia cho chúng ta cuộc sống ấy
nếu chúng ta hợp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.
2. “Mọi sự Chúa Cha có
đều là của Thầy”:
a) Chúa Cha:
-
Chúng ta ai cũng được sinh ra từ một
người cha, và được sống trong tình yêu thương của cha mình.
- Tình
yêu thương ấy quảng đại ngay cả khi chúng ta còn là một bào thai, không biết
trai hay gái, đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay yếu đuối, thông mình hay chậm chạp,
ngoan ngoãn hay phá phách…
- Người
cha luôn muốn cho con mình tất cả những gì mình có, còn cố gắng mang lại cho
con mọi điều tốt đẹp mà mình không có, cũng như ước muốn con mình được những
điều tốt lành vô hình, vô dạng ngoài khả năng mình nữa.
- Người
cha cũng luôn muốn con mình được tồn tại mãi bên cạnh, còn đồng tình với con
khi con khỏe mạnh, thành đạt cũng như khi đau bệnh, thất bại.
-
Người cha lại còn là kẻ bị lệ thuộc vào
con, phải chiều chuộng con, nhường nhịn những yêu sách của con, phải hy sinh
cho con…
- Những
tâm tư, tình cảm, cách hành xử của người cha thế gian là hình ảnh của Chúa Cha
trên trời.
-
Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta
từ khi chúng ta chưa sinh ra, Ngài cũng dành mọi sự ưu đãi cho chúng ta, và
không bao giờ bỏ rơi chúng ta dẫu chúng ta có phản bội Ngài.
- Ngay
từ xa xưa, nhờ lý trí tự nhiên, con người đã nhận biết Thiên Chúa cách chắc
chắn, dựa vào những công trình và sự an bài của Ngài.
- Và
biết rằng Thiên Chúa là Cha của Đức Giesu và cũng là Cha của tất cả mọi người,
cách trọn vẹn, vì Ngài chỉ biết yêu thương và trao ban.
b) Ba Ngôi hợp nhất:
- Con người
giới hạn không thể hiểu được màu nhiệm hợp nhất cao siêu này, nhưng để sống thì
lại là điều hoàn toàn có thể.
- Dưới
khía cạnh của tình yêu, hình ảnh ấy rất quen thuộc, đó là một cộng đòan đoàn
kết, một gia đình hợp nhất yêu thương, đổ tràn vào trần gian.
- Màu
nhiệm Ba Ngôi giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa quan phòng khắp mọi nơi, sát
cạnh với nhân loại như bạn đồng hành.
- Nếu
chúng ta cảm nhận được, chúng ta sẽ như nhìn thấy Thiên Chúa, sẽ không bao giờ
bị cô đơn, không lo âu sợ hãi, không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ, tội lỗi.
- Khi
đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là công trình của Ngài tạo nên để phục vụ
con người, chúng ta chấp nhận được mọi người là anh em với nhau.
c) Hình ảnh của Thiên Chúa:
- Hiển
nhiên Đấng tạo dựng vũ trụ phải lớn hơn tất cả mọi loài thụ tao.
- Hình
ảnh Chúa Cha là một người cha già nhân hậu, luôn dang rộng đôi bàn tay ôm trọn
thế giới.
- Còn
hình ảnh đẹp nhất của Chúa Giesu là Người Mục Từ Nhân Lành.
-
Chúa Thánh Thần chính là tình yêu chân
thật thánh thiện, là chim bồ câu, là ngọn lửa sưởi ấm...
d) Đền thờ của Thiên Chúa:
- Chính
là tấm lòng chúng ta.
- Thiên
Chúa sẽ cư ngụ nơi chúng ta.
- Nên
chúng ta cần sống trung thực, thánh thiện để lòng mọi người xứng đáng là đền
thờ của Thiên Chúa.
- Đừng xúc
phạm các Ngài và cũng đừng để các Ngài cô đơn. Hãy tập thói quen tâm sự với các
Ngài mỗi khi lo âu, đau buồn xâu xé vì nhiệm vụ; vui mừng, hoan hỉ với thành
công, hạnh phúc để các Ngài an ủi, nâng đỡ, trao ban hồng ân tiếp tục.
3. Lưu ý:
- Thánh Kinh bàn nhiều về "mầu nhiệm Ba Ngôi". Ðặc biệt Tin Mừng thánh Gioan nói về
Chúa Cha, Ðức Giêsu và Chúa Thánh Linh:"Các con hãy đi khắp muôn dân và
làm cho họ thành môn đệ Ta: Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần" (Mt 28: 19).
- Thánh Luca trong sách
Công Vụ Tông đồ cũng như trong Tin Mừng của mình cũng đã nhìn lịch sử cứu độ chúng
ta như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời kỳ Cựu Ước là kỷ nguyên
của Chúa Cha, thời rao giảng Phúc âm là kỷ nguyên của Chúa Con và thời kỳ hậu
Phúc âm mà sách Công vụ ghi lại là thời kỳ của Chúa Thánh Linh.
- Và hình ảnh đặc trưng
nhất về Ba Ngôi xảy ra khi Đức Giêsu chịu phép rửa: một hình chim bồ câu
bay lượn trên Đức Giêsu, một tiếng từ trời phán ra: "Con là Con Ta yêu
dấu" (Mt 1: 11). Tiếng nói, chim bồ câu và Đức Giêsu, ba hình ảnh này
tạo nên một chân dung sống động về Ba Ngôi.
- Nên chúng ta không được
quên rằng hễ Chúa Cha ở đâu thì Chúa Con và Chúa Thánh Linh cũng ở đó. Ba Ngôi
luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu của sự vừa đơn nhất vừa đa dạng.
- Để có thể áp dụng tất cả
những điều nói trên vào hành động cụ thể, để Ba Ngôi Thiên Chúa sống động trong
cuộc sống riêng tư của chúng ta. Có một phương
cách mà nhiều người cho là hữu ích, đó là dùng ba phút để hồi tâm cầu nguyện
mỗi tối về một ngày vừa chấm dứt, trước khi đi ngủ như sau:
. Phút thứ nhất, rút ra
những điểm hay tốt trong ngày: như giữ được bình tĩnh khi bị vu khống. Rồi thưa
lên Chúa Cha đồng thời cảm ơn Ngài về điều ấy.
. Phút thứ hai, rút ra những điểm không tốt: như
làm lơ một người nào đó đang thực sự cần được giúp đỡ. Rồi thưa với Chúa Giêsu
điều này và cầu xin Ngài tha thứ.
. Phút thứ ba, nhìn về ngày mai, nhớ đến một
điểm cam go hiện thời, chẳng hạn phải đương đầu với ai đó về một sự việc gì.
Rồi thưa với Chúa Thánh Linh điều ấy và cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can
đảm để xử lý cho thích đáng. (Cha
Mark Link S.J)
- Việc thực hành này bao
gồm cả sự cầu nguyện lẫn sự xét mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc thực hành
này mang Ba Ngôi Thiên Chúa vào cốt lõi cuộc sống thường nhật của chúng ta.
- Tuy nhiên chúng ta cũng
đừng quên hay coi thường một nghi thức đơn giản dễ thực hiện và đã trở thành
thói quen, đã trở nên nhãn hiệu tuyên xưng đức tin là chúng ta thường làm dấu
Thánh giá trên người mỗi khi thờ phượng, đọc kinh cầu nguyện, ăn ngủ hay khi
gặp nguy hiểm: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen".
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi
toàn năng hàng hữu, Đấng chúng con tôn thờ, xin dạy chúng con biết Thiên Chúa
không chỉ bằng lý trí, mà còn là mối liên hệ cá nhân mật thiết với các Ngài,
cũng như mối liên hệ gần gũi, trìu mến, mật thiết nhất trên đời này.
Xin làm cho tấm lòng chúng
con bình an trong sạch, xứng đáng là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Mong sao không có gì khuấy
động sự bình an trong sáng của chúng con, để Các Ngài luôn hiện diện với chúng
con. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con vá Chúa Thánh Thần. Amen.
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét