Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

7 triệu chứng đau khi đi bộ thể dục bạn cần cảnh giác

Đi bộ là một trong các hình thức tập thể dục tốt nhất mà mọi người ở độ tuổi nào cũng có thể tập được. Đi bộ mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm căng thẳng, hỗ trợ giảm cân… Đây cũng là bài tập rất phù hợp với người cao tuổi hoặc người mắc bệnh béo phì.
Tuy nhiên khi cảm thấy chân đi khập khiễng, mỗi bước đi đều cảm thấy đau đớn thì bạn nên tạm nghỉ hoặc đến gặp bác sĩ tư vấn.

1. Đau ngón chân cái

Đau ở bên cạnh ngón chân có thể là dấu hiệu phát triển Bunion. Bunion thường phát triển do sự sai lệch của xương ở ngón chân cái dẫn đến đau và sưng. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do di truyền hoặc do đi giày dép quá chật. Cách đơn giản nhất để hạn chế đau đớn là bạn phải đi giày rộng rãi, cài thêm miếng đệm vào chỗ bị sưng. Song song với đó bạn cần đến gặp bác sĩ để được kê thuốc giảm đau, thuốc tiêu viêm, khi bệnh trở nên nghiêm trọng bạn có thể phải dùng đến điều trị vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

(Ảnh: Shutterstock)

2. Đau gót chân

Gót chân là điểm chạm đất đầu tiên trong mỗi bước đi của bạn. Vậy nên khi gót chân bị đau, bạn không thể nào đi lại bình thường được. Cơn đau lan ra từ gót chân đến trước bàn chân khi đi bộ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cân gan chân. Vì căn bệnh này xuất hiện khi bạn đang bắt chân mình hoạt động quá độ, vậy nên bạn cần giảm bớt số bước đi bộ trong các buổi tập luyện. Hoặc bạn có thể thử thay đổi môn thể thao, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp, thay vì đi bộ hoặc chạy bộ. Tránh đi đứng quá lâu.
Thay đổi cách đi đứng để giảm đau do viêm cân gan chân cũng có thể giảm thiểu các vấn đề của chân, đầu gối, hông hay cột sống. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo nẹp kéo giãn bắp chân và vòm của bàn chân của bạn trong khi bạn ngủ (duy trì một góc 90 độ giữa cẳng và bàn chân) để cân gan chân và gân Achilles được kéo dài qua đêm. Nếu bệnh trở nặng bạn sẽ cần dùng dụng cụ chỉnh hình và các biện pháp vật lý trị liệu.

(Ảnh: Shutterstock)

3. Đau cơ bắp chân

Hầu hết những người thấy đau cơ bắp chân chỉ bị căng cơ. Nhưng bạn nên lưu ý đau ở cơ bắp chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên. Thường xuyên đau bắp chân kèm theo chuột rút là dấu hiệu báo động bạn cần nghỉ ngơi. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở mông, đùi và bàn chân. Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh động mạch ngoại biên thì phải đến gặp bác sĩ ngay. Hẹp động mạch ngoại biên (peripheral arterial disease, PAD) là tình trạng bệnh lý gây ra do hẹp tắc lòng động mạch, thường là do các mảng xơ vữa và huyết khối bám trên thành mạch máu, gây suy giảm lưu lượng máu đến các chi, chủ yếu là chi dưới.

(Ảnh: Shutterstock)

4. Đau lưng dưới

Nếu gặp triệu chứng đau lưng dưới khi đi bộ, rất có thể bạn có vấn đề về tư thế. Tư thế xấu gây áp lực quá mức lên cột sống của bạn, gây ra hiện tượng đau lưng dưới. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên tập các bài kéo dãn lưng từ từ. Lunge là động tác rất tốt cho lưng. Cách thực hiện:
  •  Đứng thẳng, chân mở rộng bằng hông. Mũi chân hướng thẳng theo hướng đầu gối, tay chống hông hoặc thả lỏng nhẹ.
  •  Bước chân phải lên trên khoảng 60-90cm sao cho bắp chân và gối chân phải tạo thành một góc 90 độ, đầu gối không chạm sàn. Phần gót chân phải kiễng lên để ngón chân tiếp xúc với mặt sàn. Giữ cơ thể thăng bằng và siết chặt bụng.
  • Đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu, sau đó thực hiện tương tự với chân bên kia.
Trong trường hợp cơn đau xuất hiện liên tục và nhức nhối, có thể bạn đã bị rách cơ ở lưng dưới. Giải pháp cho bạn là ngừng tập các bài tập nặng và gặp bác sĩ để lấy thuốc giảm đau.

(Ảnh: Shutterstock)

5. Đau ống chân

Khi bạn đi bộ một quãng đường dài mà không được đào tạo trước thì rất dễ bị đau ống chân. Đi bộ marathon hoặc đi bộ đường dài cả ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến đau ống chân nhưng triệu chứng bớt nghiêm trọng hơn. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi khoáng 1-2 tuần là chân sẽ khỏi hẳn, nhưng quá thời gian đó mà cơn đau vẫn dai dẳng thì bạn cần đến gặp bác sĩ.

(Ảnh: Shutterstock)

6. Đau đầu gối

Đầu gối là những khớp dễ tổn thương nhất trong cơ thể bởi cấu trúc phức tạp của các khớp và sụn, và đặc biệt là thiếu phòng vệ. Nếu mỗi bước đi đều khiến đầu gối của bạn nhói đau, có thể bạn đã mắc bệnh viêm gân. Những hình thức tập luyện tốt nhất cho người đau gối là đi bộ và bơi lội, nhưng bạn cần làm ấm cơ thể cẩn thận trước và sau khi tập. Tránh tập ở những nơi có địa hình gập ghềnh và các hoạt động va chạm mạnh như chạy và nhảy, có thể làm cơn đau thêm trầm trọng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách hạ nhiệt cơn đau an toàn nhờ sử dụng túi nước đá và/hoặc khăn ấm hoặc đai quấn nóng. Có thể tắm vòi sen nước nóng buổi sáng hoặc tắm ấm trước khi ngủ ban đêm.

(Ảnh: Shutterstock)

7. Đau hông

Thực ra cơ thể bị đau không phải là điều xấu hoàn toàn. Những người thường xuyên vận động hoặc chơi thể thao có thể bị đau hông do các xương, cơ bắp quanh vùng này phải hoạt động chà xát và thực hiện co thắt nhiều. Đó là lời cảnh báo cho bạn biết bạn cần xem lại phương pháp và cường độ tập luyện của mình.

(Ảnh: Shutterstock)

Một số biện pháp khắc phục tình trạng đau hông bạn có thể áp dụng là:
– Nên để chân duỗi nằm thẳng và thư giãn. Nếu đau hông ở vị trí nào thì người bệnh nên nằm nghiêng về phía bên đó.
– Giảm cường độ làm việc, tránh làm quá sức để giảm bớt các cơn đau hông. Người bệnh nên thực hiện ngồi đúng tư thế, để lưng thẳng khi học tập và làm việc làm áp lực dồn lên cột sống thấp nhất.
– Kết hợp vật lý trị liệu và các bài tập tăng cường sức mạnh của cơ xương làm giảm đau hông.
– Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục đều đặn cũng nên đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối giúp lưu thông huyết mạch, thư giãn để tránh những cơn đau hông ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Minh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét