Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

NHỮNG THỨ CẠN KIỆT CẦN TRÁNH


NHỮNG  THỨ  CẠN  KIỆT  CẦN  TRÁNH
Thứ bảy - 25/05/2019-ĐGM GB Bùi Tuần


1.
Càng ngày tôi càng cảm thấy mình cạn kiệt về sức khỏe, khắp người đều đau, luôn luôn mệt mỏi.

Tình hình đó chỉ riêng mình mới hiểu được. Càng hiểu, tôi càng thêm cầu nguyện.

2.

Chúa thương dạy tôi. Cạn kiệt về sức khỏe là không thể tránh, nhưng cần tránh những cạn kiệt về trí khôn và về trái tim, cụ thể là tình mến Chúa yêu người thì dứt khoát đừng để cạn kiệt.

3.

Cùng với lời khuyên đó trong nội tâm sâu thẳm, Chúa đã cho tôi thoáng nhìn thấy thực tế hiện nay về cảnh cạn kiệt đạo đức trong nhiều lãnh vực đời đạo.

4.

Đạo đức là mến Chúa yêu người, xét về mặt đó, thì cạn kiệt là quá rõ. Có những con người cạn kiệt. Có những lễ lạy cạn kiệt. Có những hội nghị cạn kiệt. Chỉ còn hình thức đạo đức. Còn nội dung đạo đức là mến Chúa yêu người thì trống rỗng.

5.

Tuy nhiên, Chúa lại cho tôi nhận ra trên thực tế hôm nay sự phong phú về đạo đức cũng đang phát triển dưới nhiều hình thức.

Ngay tại địa phương này, các hình thức từ thiện là rất nhiều, các hình thức cầu nguyện được coi là rất ấn tượng. Trong công giáo có, ngoài công giáo có, âm thầm thôi. Nhưng đó là những đốm sáng hy vọng.

6.

Thấy vậy, tôi nhận ra rằng: Những cạn kiệt cần tránh, đang được nhiều người tránh một cách mạnh mẽ mà không chút phô trương.

7.

Những thoáng nhìn trên đây được lặp đi lặp lại trong tôi mỗi ngày. Nhờ vậy, tôi nay xác tín về sự cạn kiệt đạo đức phải là nguy cơ tôi phải hết sức tránh.

8.

Đối với tôi, sẽ là quá ngu dại, nếu tôi coi sự cạn kiệt đạo đức trong tôi là điều chẳng phải quan tâm.

9.

Cũng là quá ngu dại, nếu tôi coi sự cạn kiệt đạo đức trong tôi là điều dễ tránh được, chẳng khó khăn gì.

10.

Cũng là quá ngu dại, nếu tôi coi sự cạn kiệt đạo đức không ảnh hưởng nhiều đến sự tồn vong của Đất nước và của Hội thánh tại Việt Nam.

11.

Để tránh cảnh cạn kiệt đạo đức, tôi trở về nguồn đạo đức, nguồn đạo đức là Chúa.

Tôi tìm về Chúa. Tôi ở lại trong Chúa. Tôi gắn bó với Chúa. Tôi để Chúa dắt dìu tôi. Tôi cậy tin Chúa từng giờ, từng phút, từng giây. Chúa ở bên tôi.

12.

Chúa lại thương cho tôi gặp được những dấu chỉ hữu hình, để nhờ những dấu chỉ đó mà tôi kết hiệp mật thiết với Chúa hơn.

13.

Chúa cũng cho tôi thấy vai trò của tiềm thức đạo đức.

Càng ngày tôi càng thấy tiềm thức đạo đức là rất cần, nếu cạn kiệt thì sẽ rất khổ.

Tiềm thức ví như sóng ngầm trong nội tâm. Tiềm thức đạo đức là những hình ảnh đạo đức tưởng như quên rồi nhưng lại chìm sâu trong nội tâm. Nó âm thầm gây nên những thao thức đạo đức. Người có tiềm thức đạo đức, hễ thấy ai khổ thì tự nhiên đau, muốn cứu, hễ thấy Chúa bị bỏ rơi, thì tự nhiên buồn, muốn an ủi Chúa. Đau buồn của họ là những phản ứng mạnh, nhưng hồn nhiên.

Xem như tiềm thức đạo đức hiện nay có phần đang suy giảm.

14.

Một điều hết sức quan trọng tôi muốn nói lên ở đây, đó là đừng bao giờ để mình cạn kiệt về lòng tin vào Chúa. Cho dù tình hình của mình, của môi trường đời đạo, có bi đát đến đâu, chúng ta hãy cứ vững tin vào Chúa. Tình yêu của Chúa không bao giờ cạn kiệt.

15.

Riêng tôi, tôi còn để ý thêm về sự cạn kiệt niềm vui. Tôi sẽ cố gắng không để cạn kiệt trong tôi niềm vui được thuộc về Chúa, và được thuộc về Đất Nước Việt Nam này.

16.

Tôi sẽ cố gắng không để cạn kiệt về tình yêu trong tôi.

Tình yêu không bao giờ được cạn kiệt. Tình yêu là thương cảm, là cho đi, là tha thứ, là khiêm nhường dấn thân, là thăng tiến, và cũng là biết đón nhận một cách trân trọng và biết ơn.

17.

Tôi cũng sẽ cố gắng không để cạn kiệt trong tôi về kiến thức. Tôi sẽ cố gắng dành thời gian để đọc sách. Tất nhiên là những sách được chọn lọc, như sách của các thánh. Không chịu đọc những tài liệu thánh, sẽ dễ cạn kiệt về kiến thức đạo đức.

18.

Tôi cũng sẽ cố gắng không để cạn kiệt trong tôi về sự sống mới. Vì thế, tôi cầu nguyện rất nhiều. Có thể nói: Lúc nào tôi cũng cầu nguyện. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa, là đón nhận sự sống của Chúa.

Như thể, cạn kiệt mà không cạn kiệt. Xin Đức Mẹ luôn bao bọc lấy đứa con yếu đuối này.

ĐGM GB Bùi Tuần, 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét