Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

5 tố chất ảnh hưởng tới sức mạnh nội tâm

 Thứ ba, 24/5/2022, 10:00 (GMT+7)

5  tố  chất  ảnh  hưởng  tới  sức  mạnh  nội  tâm

Người có xu hướng hướng ngoại, chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao, dễ kiểm soát căng thẳng… dễ cân bằng trước những bất ổn trong cuộc sống.

Sức mạnh nội tâm có thể rèn dũa qua những sự kiện trong cuộc sống. Nhưng nó cũng có thể có từ bẩm sinh, tức trong hệ gene của mỗi người. Hiểu về kiểu gene giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc cân bằng cảm xúc, tránh áp lực, sống vui vẻ và công việc dễ thành công. Dưới đây là những tố chất thường ảnh hưởng tới sức mạnh nội tâm của một người theo bác sĩ tư vấn di truyền tại Genetica - Hà Thị Mỹ Hạnh.

Chỉ số thông minh cảm xúc (EQ)

EQ được biểu hiện qua một số đặc tính quan trọng như đồng cảm, kỹ năng xã hội, khả năng tự nhận thức, khả năng tự kiểm soát. Một người có EQ cao có thể dễ thấu hiểu tính cách, động lực của người khác, từ đó biết cách ứng xử phù hợp. Ví dụ, khi đang làm việc, một đồng nghiệp bắt đầu tranh cãi với bạn. Nếu có EQ cao, bạn sẽ cẩn thận kiểm soát phản ứng của bản thân với lời nói của đồng nghiệp. Bạn phân tích suy nghĩ, cảm xúc của họ và có cách xử sự mang tính xây dựng, góp ý hơn là tức giận.

Có trí tuệ cảm xúc cao đem lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện giao tiếp, giảm căng thẳng, các mối quan hệ tốt đẹp hơn, tăng cơ hội công việc, dễ thăng tiến. Một trong những gene ảnh hưởng đến quá trình này là OXTR - quy định cách hormone oxytocin ảnh hưởng đến bạn. Oxytocin có mối quan hệ chặt chẽ với hành vi của con người. Ví dụ, oxytocin giúp bạn đồng cảm với trạng thái tâm lý của người khác, một kỹ năng quan trọng thuộc về trí tuệ cảm xúc.

Trí tuệ cảm xúc là một tập hợp các kỹ năng linh hoạt có thể được tiếp thu và cải thiện bằng thực hành. Bạn nên tăng cường chỉ số EQ bằng cách mở rộng những điều bạn quan tâm. Bạn có thể cân nhắc về cảm xúc của ai đó đang gặp rắc rối hoặc cảm thấy suy sụp. Ví dụ, sẵn sàng giúp đỡ người khác là một cách đồng cảm.

Người có chỉ số EQ cao thường biết cách kiểm soát cảm xúc, sống tích cực. Ảnh: Freepik

Người có chỉ số EQ cao thường biết cách kiểm soát cảm xúc, sống tích cực. Ảnh: Freepik

Xu hướng hướng nội - hướng ngoại

Não bộ của người hướng ngoại và hướng nội bẩm sinh khác nhau ở cách phản ứng và xử lý dopamine. Người hướng ngoại thường quyết định dựa vào trực giác và cảm xúc. Người hướng ngoại thường có các đặc tính như hòa đồng, tự tin, giàu năng lượng, mạnh dạn, thường không thích ở nhà một mình.

Tính hướng ngoại đem lại khá nhiều lợi thế, nhất là trong công việc. Ví dụ, người hướng ngoại thường dễ được thăng chức và thường có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, tính hướng ngoại cũng kèm theo một số vấn đề. Ví dụ, người hướng ngoại đôi khi có hành động bộc phát, tức hành động thiếu suy nghĩ thấu đáo, khiến họ dễ gặp rắc rối hơn. Mức độ hướng ngoại được gene quy định đến 60%. Người hướng ngoại thường có một biến thể đặc trưng của gene DRD2 giúp họ dễ có cảm xúc tích cực hay dễ cảm thấy hài lòng hơn người hướng nội.

Hầu hết người hướng nội suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động, giúp họ có các lợi thế của tính thấu đáo. Nhưng người hướng nội thường nhút nhát, im lặng và thiếu tự tin. Họ thường thích ở nhà một mình hoặc với một người bạn rất thân do nồng độ BDNF (một protein quan trọng ở não) thấp. Để tăng cường nồng độ BDNF, bạn nên cân nhắc tập các bài tập sức bền, tránh tiêu thụ đường, tránh căng thẳng, hạn chế ở một mình và nên ở cạnh những người tích cực. Có những người vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Sức mạnh nội tâm của họ thừa hưởng cả những điểm mạnh và yếu của hai tính cách này.

Sự mất ổn định cảm xúc

Bất ổn cảm xúc là xu hướng một người cảm thấy cáu gắt, căng thẳng, ám ảnh, không kiểm soát được tâm trạng hoặc buồn bã. Bất ổn cảm xúc còn liên quan đến cảm giác cô đơn, ý thức bản thân và cảm giác lo lắng quá mức về sức khỏe. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 500 gene liên quan đến tính cách này, gene được biết đến nhiều nhất là SLC6A4. Gene này chi phối cách não bộ sử dụng serotonin, hormone "hạnh phúc". Một số biến thể của gene này có thể dẫn đến mất cân bằng serotonin trong não bộ, làm tăng nguy cơ bất ổn cảm xúc.

Những người bất ổn cảm xúc cao có thể có hành vi thiếu kiểm soát khi cố gắng điều chỉnh cảm xúc, ví dụ như ăn rất nhiều, nghiện trò chơi trực tuyến và phụ thuộc vào chất gây nghiện. Do số lượng vùng liên kết dopamine ít hơn, bạn có nguy cơ nghiện thuốc cao hơn. Nếu cảm xúc của bạn thường xuyên bất ổn, bạn nên nhận thức rằng bạn có xu hướng phụ thuộc vào thức uống có cồn và các chất kích thích khác.

Nghiên cứu chỉ ra việc tập thể dục và ngủ chất lượng là cách tốt nhất để tăng mức BDNF. Có nhiều loại chế độ ăn kiêng như chế độ ketogenic giúp tăng BDNF. Chế độ ăn nhiều chất bột đường và chất béo bão hòa làm giảm BDNF ở vùng hồi hải mã, độ linh hoạt của các khớp thần kinh, khả năng học tập. Bạn nên tránh các chế độ ăn nhiều chất bột đường và chất béo bão hòa.

Tức giận, căng thẳng thường xuyên là dấu hiệu của bất ổn cảm xúc. Ảnh: Freepik

Tức giận, căng thẳng thường xuyên là dấu hiệu của bất ổn cảm xúc. Ảnh: Freepik

Xu hướng chấp nhận rủi ro

Nhiều người thường gắn xu hướng mạo hiểm với các hành vi rất liều lĩnh. Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ đơn giản là tham gia những bộ môn thể thao mạo hiểm. Xu hướng mạo hiểm thường dẫn đến nhiều vấn đề như chấn thương thể chất, hao hụt tài chính và nguy cơ nghiện ngập. Tuy nhiên, người mạo hiểm có tính toán sẽ dễ thành công trong công việc hay trong kinh doanh cá nhân

Xu hướng mạo hiểm có mối quan hệ với một chất hóa học gọi là dopamine. Dopamine vẫn thường được biết đến là xúc tác "thỏa mãn" trong não bộ. Một gene liên quan đến dopamine là DRD4. Các biến thể của gene này quy định một vài hành vi mạo hiểm như trượt tuyết, trượt ván và ngay cả các quyết định tài chính táo bạo. Không phải mọi hành vi mạo hiểm đều xuất phát từ DRD4 và không phải người nào mang các biến thể của gene này cũng sẽ chấp nhận những mạo hiểm không cần thiết. Ưu điểm của người táo bạo là có nồng độ cao hormone môn kích thích tế bào thần kinh, mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần.

Khả năng kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng đơn giản là phản ứng của cơ thể đối với những thứ làm cơ thể mất thăng bằng. Phản ứng này phụ thuộc vào các tế bào não, cũng như các tín hiệu hóa học là hormone và chất dẫn truyền thần kinh. Có hai dạng căng thẳng phổ biến nhất là căng thẳng tích cực và căng thẳng tiêu cực.

Về mặt di truyền của khả năng kiểm soát căng thẳng, một số người được xếp vào nhóm "chiến binh", số còn lại được xếp vào nhóm "lo lắng". "Chiến binh" là những người có thể phân giải hoóc môn liên quan đến căng thẳng tốt hơn người khác. Vì vậy, họ vẫn có thể phát triển dưới các áp lực. Mặt khác, "lo lắng" là những người không có khả năng phân giải các hoóc môn liên quan đến căng thẳng tốt như nhóm người "chiến binh". Kết quả là họ sẽ không thể hiện tốt khi bị áp lực và thậm chí có thể bị lo lắng.

Căng thẳng tích cực là loại căng thẳng tốt, chẳng hạn như bạn cảm thấy căng thẳng về thể chất khi tập luyện thể dục. Đây là dạng căng thẳng có lợi vì nó cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngược lại, căng thẳng tiêu cực là dạng căng thẳng xấu. Theo thời gian, loại căng thẳng này sẽ có hại cho thể chất và tinh thầnk. Không phải khả năng kiểm soát căng thẳng được quyết định hoàn toàn bởi di truyền. Nó cũng có thể bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và lối sống. Ví dụ như người tập thiền có thể giúp giảm căng thẳng và không bị căng thẳng quá mức ngay từ đầu. Nếu bạn lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ tác động đến cách bạn đón nhận và phản ứng với căng thẳng.

Kim Uyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét