Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

NHÌN XA HƠN THEO CÁCH NHÌN CỦA THÁNH THẦN

 

NHÌN  XA  HƠN  THEO  CÁCH NHÌN  CỦA  THÁNH  THẦN

Fri, 13/05/2022 - Lm Minh Anh

“Tôi là ánh sáng đã đến thế gian!”.

Một triết gia nói, “Một số người sẽ thay đổi khi họ nhìn xa hơn và thấy ánh sáng! Những người khác chỉ thay đổi khi họ cảm nhận sức nóng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một số người sẽ thay đổi khi họ nhìn xa hơn và thấy ánh sáng!”. Câu nói của triết gia kia thật trùng hợp với điều mà Lời Chúa hôm nay bất ngờ mời gọi chúng ta: Hãy‘nhìn xa hơn theo cách nhìn của Thánh Thần!’. Hội Thánh Antiôkia đã có cái nhìn đó; Chúa Giêsu giục giãmôn đệ nhìn Ngài theo cách đó, nhận ra Ngài là ánh sáng của Chúa Cha,“Tôi là ánh sáng đã đến thế gian!”.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, tuy Barnaba và Saolô là hai nhà lãnh đạo cốt cán của Hội Thánh Antiôkia; thế nhưng, các tín hữu Antiôkia được miêu tả như đang làm một điều gì đó rất hào phóng! Họ đã để cho mình được tác động bởi Thánh Thần hầu có thể buông bỏ hai ‘tài sản’ lớn nhất của mình; nhờ đó,Phúc Âm có thể được rao giảng ở những chân trời xa lạ, mới mẻ. Nhờ có thể ‘nhìn xa hơn theo cách nhìn của Thánh Thần’,tín hữu Antiôkia đã vui lòng hy sinh để Barnaba và Saolô ra đi. Chúa Thánh Thần đã ‘đốt cháy’ trái timhọ; họ‘cảm nhận’ sức nóng của Ngài; nhờ đó, họ đủ khả năng tự làm rỗng mình, trở nên nghèo hơn, để nhiều người thuộc các miền dân ngoại được trở nên giàu có thiêng liêng.

Thánh Phaolô sẽ tiếp tục quảng diễn đề tài này trong thư Côrintô, “Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong chúng ta theo khuôn mẫu đó! Ngài luôn dịch chuyển chúng ta về phía trước, hiến thân và làm rỗng chính mình; nhờ đó,tương quan của người khác với Chúa Kitô được phong phú, Thiên Chúa được ngợi khen. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài!”.

“Tôi là ánh sáng đã đến thế gian!”. Chúa Giêsu muốn người đương thời, các môn đệ và cả chúng ta nhận ra Ngài là ánh sáng của Chúa Cha. Nhận thức này, cách nhìn này, sẽ thay đổi hướng đi của một đời người, một cách nhìn biến đổi từ bên trong, nhìn ra với ánh sáng; đúng hơn, ‘nhìn xa hơn theo cách nhìn của Thánh Thần’. Chính nhờ ân tứ của Thánh Thần, Đấng Phục Sinh giúp chúng ta trưởng thành hơn mỗi ngày trong đức tin, lớn lên trong sự nhận biết Chúa Cha nhờ đức mến, và ngày càng hiểu biết Lời mặc khải của Chúa Cha trong đức cậy. Bạn có muốn biết thêm về Chúa Cha, và lớn lên trong tình yêu biến đổi của Ngài không ? Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Trong Ngài, bạn sẽ tìm thấy niềm vui, sự tự do và sự toàn vẹn của thể xác, tâm trí, trái tim và linh hồn!

Anh Chị em,

“Tôi là ánh sáng đã đến thế gian!”, “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng”. Vào trần gian trong ánh sáng và sức nóng của Thánh Thần, Chúa Giêsu rọi chiếu Ánh Sáng Chúa Cha, là chính Ngài, cho con người.“Một số người sẽ thay đổi khi họ nhìn thấy ánh sáng” Giêsu! Ước mong sao, chúng ta thuộc trong số đó. Để rồi, nhờ Thánh Thần, chúng ta luôn được rọi sáng, cảm nhận được sức nóng. Như vậy, trong mọi biến cố buồn vui, nếu biết tắm mình trongÁnh Sáng Kitô, bước đi trong ân sủng Thánh Thần của Ngài, chúng ta sẽ nhìn mọi vấn đề dưới nhãn quang đức tin. Được như thế, Thánh Thần sẽ dễ dàng dịch chuyển chúng ta về phía trước; nương theo Ánh Sáng ấy, chúng ta sẽ có một tầm nhìn rộng lớn hơn để thấy rõ chương trình và kế hoạch xót thương của Thiên Chúa.Đến lượt mình, một khi đã ‘nhìn xa hơn theo cách nhìn của Thánh Thần’, chúng ta tiếp tục dẫn người khác đến với Ánh Sáng Giêsu qua cách sống của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ‘nhìn xa hơn theo cách nhìn của Thánh Thần’; và để đưa người khác đến với Chúa, trước hết, xinánh sáng Chúa rọi vào những vùng tối trong con, và cứu con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*************

TRUNG THÀNH HAY KHÔNG TRUNG THÀNH

“Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”.

Không phản bội nào tồi tệ hơn phản bội của một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè! Julius Caesar đã trải nghiệm một phản bội như vậy. Một trong những kẻ âm mưu ám sát thủ lĩnh La Mã ngày 15/3/44 B.C. là Marcus Junius Brutus. Caesar không chỉ tin tưởng mà còn ưu ái Brutus như con trai. Theo các sử gia La Mã, trước đó, Caesar chống lại sự tấn công dồn dập của các sát thủ. Nhưng khi nhìn thấy Brutus với con dao được rút ra, Caesar lặng trân, ngừng vùng vẫy, kéo áo qua mặt, và để lại một câu hỏi nổi tiếng, “Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trải nghiệm bị phản bội của Caesar 44 năm trước Chúa Giêsu, cũng là trải nghiệm của chính Ngài. Ấy thế, bất chấp con người trung thành hay phản bội, Thiên Chúa vẫn chứng tỏ Ngài mãi trung thành ! Đó cũng là những gì Lời Chúa hôm nay tiết lộ! Lòng trung thành đó hiện thực nơi Chúa Giêsu qua tình yêu Ngài dành cho các môn đệ, dù họ ‘trung thành hay không trung thành!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một cái nhìn tổng quan về một buổi cử hành ‘phụng vụ Lời Chúa’ của người Do Thái. Một ngày Sabbat, các tông đồ vào hội đường, nghe đọc sách luật và các ngôn sứ; hôm đó, Phaolô được mời chia sẻ. Nhân cơ hội này, Phaolô đã rao giảng về tình yêu thuỷ chung của Thiên Chúa, Đấng đã chọn Israel, giải thoát Israel, và chịu đựng Israel.Đó là một Thiên Chúa trung thành với giao ước đã lập với các tổ phụ; đặc biệt, lời hứa của Ngài với Đavít, “Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Ngài ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ”. Đức Giêsu là hiện thân sự trung thành của Thiên Chúa!

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay là bữa ăn Vượt Qua; ở đó, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trong lần gặp gỡ cuối cùng này, Ngài nói đến việc ‘trung thành và không trung thành’; Ngài biết một trong các môn đệ sẽ phản bội. Việc biết trước như thế lẽ ra, khiến Ngài tránh xa những con người này để tự bảo vệ mình; nhưng thay vào đó, Ngài vẫn tỏ ra yêu thương, trìu mến và tế nhị ngay cả với kẻ mà Ngài biết sẽ “bán” Ngài. Trong những giây phút cuối cùng của hành động phản bội ấy, Chúa Giêsu vẫn “trao bánh” cho Giuđa, một cử chỉthân thiện nhất của người đang yêu;và Ngàicũng gợi ý bóng bẩy, may ra người môn đệ này biết suy nghĩ lại, “Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”. Ngài mở rộng tình bạn cho Giuđa đúng vào lúc Giuđa đang mưu toan bán Thầy. Tình yêu và lòng trung thành của Chúa Giêsu vẫn bền bỉ đến cùng… đến tận thập giá, đến tận phục sinh! Khi Ngài tắt hơi, trừ một mình Gioan, không môn đệ nào có mặt để cảm thông với Ngài. Ấy thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không hề nhắc đến sự bất tín của một ai. Ngài thấu hiểu, cảm thông, và tiếp tục yêu thương, tha thứ, đồng hành với họ.

Anh Chị em,

“Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”, câu nói của một trái tim tan nát; “Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”, câu nói của một trái tim vỡ vụn!Với Chúa Giêsu, đó là gót chân của một trong những môn đệmà Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện để chọn lựa. Ba năm gần gũi Thầy, nghe bao điều, thấy bao phép lạ… vậy màGiuđavẫn đang tâm phản bội. Dẫu thế, Chúa Giêsu vẫn cứ đeo bám để yêu; Phaolô quả quyết, “Nếu ta không trung tín,Ngài vẫn một lòng trung tín, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình”. Trung tín là bản chất của Thiên Chúa; với Ngài, con người ‘trung thành hay không trung thành’xem ra không còn quan trọng. Tạ ơn Chúa, đã cho chúng ta tin và đi theo một Đấng tuyệt đối trung thành; và sự trung thành của Ngài chính là tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chớ gì chúng ta đừng phản bội, phản bội lời khấn, phản bội thiên chức, phản bội lời thề trước bàn thờ với nhau! Để từ đó, chúng ta trở nên những sứ giả nói cho thế giới rằng, ‘Nhân loại này đang có một Đấng tuyệt đối yêu thương, tuyệt đối trung thành’. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ranh giới giữa ‘trung thành hay không trung thành’thật mong manh. Xin giúp con trung tín với Chúa mỗi ngày và từng ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét