Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Quen thuộc với điều gì nhất? - Con của sự khích lệ!

 

Quen  thuộc  với  điều  gì  nhất? - Con  của  sự  khích  lệ!

Fri, 13/05/2022 - Lm Minh Anh

QUEN THUỘC VỚI ĐIỀU GÌ NHẤT?

“Chiên sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Một người Mỹ du lịch Syria, thấy ba người chăn chiên dẫn đoàn chiên của mình đi chung trên một con đường. Một lúc sau, người thứ nhất hô to, “Men ah! Men ah!”, tiếng Ả Rập là “Hãy theo ta!”. Chiên của anh tách khỏi đàn, theo anh lên một ngọn đồi. Người thứ hai cũng làm như thế, chiên của anh đi theo anh. Người Mỹ nói với người thứ ba, “Vui lòng cho tôi mang mũ, gậy và đồ đạc của anh, tôi sẽ gọi, xem chiên có theo tôi không?”; người ấy sẵn sàng. Người Mỹ gọi, “Men ah! Men ah!”, chẳng con nào ngẩng lên! “Thế chiên không nghe ai khác, chỉ trừ anh thôi sao?”. Người chăn chiên trả lời, “Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện thú vị từ xứ Syria bất ngờ đặt một câu hỏi khi chúng ta đối diện với Lời Chúa hôm nay. Bạn ‘quen thuộc với điều gì nhất ’trong cuộc sống? Nói cách khác, tiếng nói nào vang lên trong tâm trí bạn hầu hết thời gian? Chúng tathường nghe rất nhiều điều vốn ảnh hưởng đến mình; một số tốt và một số không tốt! Chúa Giêsu muốn chúng ta là những con chiên tỉnh táo, “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Có lẽ chúng ta thường hay tự trấn an rằng, “tiếng nói” hoặc những gì gặp phải hàng ngày không ảnh hưởng mấy đến tôi ! Thế nhưng, tiếng nói của truyền thông, của văn hoá đại chúng, tình cảm, tiền bạc,danh tiếng, dục vọng và nhiều hơn thế…lại ảnh hưởng mạnh mẽ và áp lực lên chúng ta. Và dù tin hay không tin, chúng vẫn tác động ! Tin Mừng hôm nay nói đến sự đối lập giữa tiếng của Giêsu Mục Tử với “tiếng người lạ”. Thường thì chiên dễ thuần thục khi được dạy dỗ để phản ứng có điều kiện; chiên học nghe tiếng của chủ chăn, chủ chăn thường nói chuyện với chiên. Khi đã quen với giọng của anh, chiên sẽ quay lại và đi theo anh khi nghe gọi.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Chúng ta sẽ đi theo giọng nói mà chúng ta quen thuộc nhất. Bất cứ điều gì mà chúng ta đắm mình trong đó mỗi ngày, sẽ lớn lên trong lòng và lôi kéo chúng ta làm theo, dù là vô thức ! Điều này đặt ra câu hỏi, vậy thì bạn ‘quen thuộc với điều gì nhất?’. Lý tưởng là chúng ta dành đủ thời gian trong Lời Chúa, học ngôn ngữ, giọng điệu và tiếng nói của Ngài; lý tưởng là chúng ta dành một phần thời gian trong ngày, mỗi ngày, để im lặng đủ hầu chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Khi làm điều này, chúng ta xây dựng cho mình một thói quen nghe tiếng Chúa và trở nên dễ chịu,an ủi bởi tiếng của Ngài.Một khi thói quen này được hình thành, chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc nhận ra tiếng Chúa bất cứ khi nào Ngài gọi giữa những bận rộn của mình. Chúng ta sẽ nhận ra đó là tiếng Chúa, và làm theo ngay !

Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ cho việc lắng nghe này. Phêrô bị những người đồng hương trách vì đã giao du với người ngoại. Thế nhưng, nhờ cầu nguyện và lắng nghe, Phêrô đã nhận ra ý Chúa nói với ông qua một câu chuyện dài mà ông đã kể cho họ,“Nghe xong, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng, ‘Vậy ra, Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống’”.

Anh Chị em,

“Chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Chúa Giêsu không bao giờ nghe ‘tiếng người lạ’, Ngài luôn hướng về Chúa Cha, quen với tiếng nói của Cha,để luôn làm điều đẹp lòng Cha.Ngài là khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Cũng thế, với chúng ta, đừng để những ‘tiếng người lạ’ trong thế giới lấn át tiếng nói của Chúa ! Chúa Giêsu không bao giờ xa lạ;Ngài là bạn, là anh em. Vấn đề là chúng ta ‘quen thuộc với điều gì nhất?’. Nên biết, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra giọng của Ngài. Vì thế, hãy cẩn thận! Chúng ta luôn có nguy cơ bị phân tâm bởi tiếng của rất nhiều người lạ. Hôm nay, chúng ta được mời gọi đừng để mình là “chiên bị bệnh, sẽ đi theo bất cứ ai”, bất cứsự giả tạo nào của thế gian! Hãy bước theo Mục Tử Giêsu, Đấng dẫn đường chắc chắn nhất vốn sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì giọng nói dịu dàng của Chúalà điều quen thuộc nhất của con. Xin đừng để con “đi theo bất cứ ai vì con đã hoá bệnh” lúc nào không biết!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*****************

CON CỦA SỰ KHÍCH LỆ

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

William Arthur Ward nói, “Hãy tâng bốc tôi, và tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, và tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, và tôi có thể không tha thứ cho bạn ! Và hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”.     

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thú vị thay ! Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người mà Hội Thánh và thế giới sẽ không bao giờ quên. Đó là Barnaba, một người được mệnh danh là ‘Con của sự khích lệ’ và Giêsu, một ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.

Barnaba, xuất hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất của Tân Ước. Barnaba theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Con của sự khích lệ”. Barnaba có tiếng là đã khích lệ mọi người ông gặp gỡ; điều này được thể hiện rất rõ qua trình thuật hôm nay.Một điều gì đó vừa xảy ra trong thành Antiôkia, khi những người ngoại giáo tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống để xem xét sự việc. Ông vui mừng với những gì mắt thấy và đã dành cho các anh em tân tòng một sự khích lệ lớn lao, giục giã họ tin yêu Chúa. Sau đó, Barnaba lập tức đến Taxô tìm Phaolô, một người mới tin Chúa; Barnaba khuyến khích Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này.Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột hàng đầu của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. Hội Thánh được khích lệ, mừng vui; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”. Thật không sai,Barnaba được gọi là ‘Con của sự khích lệ!’.

Với bài Tin Mừng, chúng ta, đoàn chiên Chúa gặp được một sự khích lệ lớn lao nơi Giêsu Mục Tử, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong; không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”. Thật an ủi khi biết Chúa Giêsu hết lòng vì chúng ta; Ngài quan tâm đặc biệt đến hạnh phúc tối thượng là “sự sống đời đời” của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ là những con chiên thụ động vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi”; nghĩa là, chúng ta vẫn có một vai trò nhất định trong mối quan hệ của mình với Thiên Chúa! Chúa sẽ làm tất cả những gì có thể để gìn giữ chúng ta, nhưng mỗi người cũng có phần của mình trong ‘cuộc chơi!’. Chúng ta phải im ắng đủ để lắng nghe Ngài, qua Phúc Âm, toàn bộThánh Kinh, qua từng biến cố, qua từng con người. Bởi lẽ, ngày nay, có nhiều tiếng nói đang cạnh tranh sự chú ý của chúng ta, chúng ta phải nghe cho được sự khích lệ của Ngài,hầu làm theo Ngài, với niềm tin rằng, sự khích lệ tận tâm của Ngài cho hạnh phúc của chúng ta là vô điều kiện.

Anh Chị em,

Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’,chúng ta sống một phần của ơn gọi của mình như những người con ‘được gọi để khích lệ’. Chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau phát triển trong mối tương quan với Chúa, giúp nhau trung thành với ơn gọi làm con Chúa. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau... cùng nhau hiệp hành trên con đường mang tên Giêsu mà tiến về nhà Cha ! Ước gì chúng ta có một trái tim lặng thinh đủ để nghe rõ ‘tiếng của lòng’Thiên Chúa và ‘tiếng của lòng’ con người! Từ đó, dám hy sinh, dám dấn thân, trở nên những người ‘con của sự khích lệ’ cho những ai đang bủn rủn, và đầu gối rã rời!Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’vẫn đóng một vai trò quan trọng, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cảvới Hội Thánh trưởng thành và thế giới hiện đại ngày nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa yêu mến Chúa luôn nung đốt lòng con; để ai gặp con, họ gặp được sự khích lệ… để “không bao giờ quên” Chúa, nhưng muốn đến gần Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét