Thế Nào Là Lỗi Đức Bác Ái Kitô Giáo?
7/29/2014
Thánh Phaolô, trong thư
thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, viết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba
đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13:13).
Catholic-Charities.jpg
Sở dĩ ngài nhấn mạnh về Đức
ái như vậy, vì căn cứ vào lời Giêsu đã truyền cho các môn đệ và mọi người
chúng ta phải tuân giữ và thực hành hai
giới răn quan trong nhất là mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết
sức ngươi” và “yêu người thân cận như chính mình”(Mc 12:30-31).
Thật vậy, yêu người khác
như yêu chính mình, đó là đức ái Công giáo. Đó là đức mến mà Thánh Phaolô đề
cao hơn cả đức tin và đức cậy. Điều này thật chí lý vì nếu chúng ta tin có
Chúa, yêu mến Chúa và hy vọng có ngày được gặp Chúa nhãn tiền thì chúng ta phải
thể hiện niềm tin và cậy trông đó bằng đức ái nồng nàn. Nói khác đi, đức ái là
thước đo đức tin và đức cậy. Nhưng làm thế nào để chứng tỏ chúng ta thực sự tin
và yêu mến Chúa?
Chúa Giêsu đã chỉ cho
chúng ta bí quyết: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu
mến Thầy” (Jn 14:21).
"Có và giữ"
nghĩa là biết những giới răn của Chúa và thực hành những giới luật đó để minh
chứng niềm tin và lòng mến Chúa thực sự.
Như vậy, thực hành tốt
hai điều răn quan trọng nhất của Chúa về yêu mến Người và yêu tha nhân là
cách biểu lộ hùng hồn nhất về niềm tin và yêu mến Chúa thực sự.
Trong giới hạn bài này,
tôi xin được trình bày đại cương về giới luật yêu mến tha nhân như yêu chính mình và những lỗi phạm đến điều
răn quan trọng này.
Yêu mến người khác như
yêu chính mình trước hết có nghĩa là mình ước muốn những gì tốt đẹp, hữu ích
cho mình thì mình cũng phải mong muốn và làm những việc ấy cho người khác. Mình
muốn được cơm no áo ấm, có những phương tiện vất chất tối thiểu cần thiết để sống
xứng đáng cương vị làm người thì cũng phải mong muốn và giúp người khác có được
những nhu cầu cần thiết đó. Mình muốn danh dự, tiếng tốt cho mình thì cũng có bổn
phận phải tôn trong danh dự và tiếng tốt của người khác như vậy.Nói khác đi, nếu
mình không muốn bị hiểu lầm bị vu cáo những điều xấu thì cũng không bao giờ được
phép gây ngộ nhận cho ai hoặc vô tình hay cố y bêu xấu ai vì bất cứ lý do gì.
Sau hết, mình muốn được thăng tiến về mặt trí thức và siêu nhiên, thì cũng phải
quan tâm đúng mức đến lợi ích tinh thần và thiêng liêng của người khác. Có như
vậy mới thực sự là yêu người như Chúa dạy.
Nói tóm lại, dùng thước
bác ái để đo mình thế nào thì cũng phải
dùng chính thước đó mà áp dụng cho người khác như vậy.Nhưng trong thực tế, có rất
nhiều người đã không sống bác ái hoặc tệ hơn nữa là đã lỗi phạm nhân đức này
cách nặng nề.
Cái tội lớn nhất của con
người ngày nay ở khắp mọi nơi trên thế giới là tội dửng dưng (indifference) trước
sự đau khổ của người khác. Đau khổ về thể lý như đói nghèo, tù đày, bị đánh đập,
hành hạ thân xác….Đau khổ về tinh thần như bị khinh chê, kỳ thị, lăng mạ, sỉ nhục,
bị bêu xấu trong công luận.Gây cho người khác những đau khổ này hoặc dửng dưng
khi thấy người khác phải chịu những đau khổ đó đều lỗi phạm đức ái mà Chúa
Giêsu đã dạy chúng ta phải tuân giữ để được vào Nước Trời, là Vương Quốc của
công bình, thánh thiện, và yêu thương. Có người đã nại lý do muốn sửa lỗi của anh chị em để giúp
họ cải tiến. Thiện chí này rất tốt và phù hợp với Phúc Âm nhưng phải thi hành
đúng với tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm Thánh Matthêu như sau:
“Nếu người anh em của anh
trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.
Nếu nó chịu nghe anh,thì
anh đã được món lợi là người anh em mình.Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy
đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai
hoặc ba chứng nhân.Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội
Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu
thuế” (Mt 18:15- )…
Như vậy, chỉ vì động cơ bác
ái thúc đầy mà ta muốn sửa lỗi người khác để giúp họ trở nên tốt hơn, chứ không
vì một lý do nào khác.
Nghĩa là, phải đoan chắc
rằng vì bác ái của Phúc Âm, vì thiện chí muốn giúp cho anh chị em mình nên hoàn
thiện mà phải khôn ngoan sửa lỗi cho người khác để họ biết sống đẹp lòng Chúa.
Việc này hoàn toàn khác với
mọi ý đồ muốn bêu xấu ai vì lầm lỗi nào đó. Người ViệtNam hay mắc một tội thông
thường là tội “nói hành nói tỏi người khác”. Chuyện gì không hay không tốt về
người khác thường được loan truyền mau lẹ trong cộng đồng, giữa những người
quen biết nhau. Chi tiết của câu chuyện được rỉ tai cứ gia tăng thêm từ người
này sang người khác. Cuối cùng chỉ có nạn nhận chịu mọi thiệt thòi, tai tiếng bất
công. Như thế, loan truyền tin cho người
khác biết chuyện không tốt của ai mà hậu quả làm mất danh dự, tiếng tốt của người
ấy là chắc chắn lỗi đức bác ái Công giáo.
Lại nữa, công khai bêu xấu
ai, hoặc lợi dụng truyền thông, báo chí để cố ý diễn dịch sai ý kiến của người
khác hầu dành thắng lợi cho phe nhóm của mình cũng là lỗi đức ái Kitô Giáo.Nghĩa là, Không phải
trách nhiệm của mình, nhưng chỉ vì muốn bêu xấu ai đó để thủ lợi cho phe nhóm
mình nên đã tìm mọi cách để loan tin cho
người khác biết chuyện kín hay xuyên tạc lời nói hoặc tư tưởng của người thứ ba
là phạm tội cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức Kitô Giáo. Tuyệt đối không có cơ sở
luân lý, Kinh Thánh hay tín lý nào cho hành vi bêu xấu làm nhục người khác ở
trong và ngoài Giáo Hội. Không ai có quyền tự dành cho mình trách nhiệm tố cáo để bôi nhọ người khác trước công
luận xã hội dù núp dưới với bất cứ danh
nghĩa nào. Phải tôn trọng danh dự, đời tư,
tính mạng và tài sản của người
khác như chính của mình. Đây là giới luật bác ái và công lý đòi buộc mọi công
dân và giáo dân phải tuân giữ khi sống trong xã hội và Giáo Hội.
Tóm lại, bác ái không chỉ
giới hạn trong việc cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, kẻ rách rưới áo quần.
Hơn thế nữa, Bác ái đòi hỏi phải yêu mến và tôn trọng người khác như chính
mình, vì mọi người đều là hình ảnh của Chúa và là anh chị em với nhau.
Vậy nếu không yêu thương,
tôn trọng được người anh em mà chúng ta trông thấy, gặp gỡ thường ngày trong cuộc
sống thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng chúng ta không nhìn
thấy được trong cuộc sống ở đời này?
LM. Px. Ngô Tôn Huấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét