SỐNG BÌNH AN LÀ SỐNG HIỆP HÀNH
(Suy
niệm Chúa nhật VI Phục Sinh)
Fri,
20/05/2022 - Lm Phạm Trọng Phương
Xưa có một ông vua tổ chức
một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã
tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức
ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.
Bức tranh thứ nhất vẽ một
hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi
bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh
mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.
Bức tranh thứ hai cũng vẽ
cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp
có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng
khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một
kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào
thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.
Bạn sẽ chọn bức tranh
nào?
Nhà vua đã chọn bức tranh
thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không
có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống
giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên
bình thực sự”.
Kính thưa,
Hôm nay ngang qua các bài
đọc, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm sự bình an của Đức Giê-su Phục Sinh,
một sự bình an đích thực chứ không phải sự bình an theo kiểu thế gian, là tạm bợ,
là mau qua. Giữa những xao động của xã hội, của công việc, của âu lo, của chán
chường, của thất vọng, của những hiểu lầm, của những vất vả, của những bệnh tật,
của những thiếu thốn, của những thao thức, của những ê chề thất vọng, thì sự
bình an từ tiền bạc, từ các thú vui trần thế sẽ không bao giờ giải toả được những
xao xuyến trên đối với mỗi chúng ta, tuy nhiên, chỉ có Đức Giê-su, nơi Đức
Giê-su và ngang qua Đức Giê-su, chúng ta mới đón nhận được sự bình an đích thực
và êm ái. Hôm nay, chính Đức Giê-su cũng khẳng quyết: Thầy để lại bình an cho
anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu
thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Quả thật, kính thưa, nhờ sự
hiệp hành bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, nhờ sự nối kết
một là ba, ba là một, chúng ta, nhân loại được đón nhận được sự thánh thiện, sự
hiệp nhất và yêu thương từ Ba Ngôi. Sự hiệp hành không dừng lại ở tại Ba Ngôi
Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận được sự hiệp hành của Ngôi Lời Thiên Chúa, là Đức
Giê-su, khi Ngài chấp nhận mang lấy bản tính nhân loại để trở nên giống con người
chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để hiệp hành và cứu độ con người chúng ta.
Trong 3 năm công khai loan báo Tin mừng cho nhân loại, tính hiệp hành nơi Đức
Giê-su được hiện thực hoá ngang qua cung cách sống, thái độ yêu thương, tha thứ,
lối sống thân thiện, gần gũi, bao dung và phục vụ hi sinh hết tất cả mọi người,
nhất là những hoàn cảnh bị loại trừ. Quả thật, để đón nhận được sự bình an, nguồn
sống từ nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người, con người chúng ta được mời gọi
hãy tin vào Ngài, hãy yêu mến Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, hãy ở lại
với Ngài để Ngài ở lại với chúng ta,…
Tuy nhiên, kính thưa, làm
sao chúng ta sống hiệp hành vói nhau: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ được
nếu trước hết và trên hết chúng ta không hiệp hành với Chúa, cụ thể với Đức
Giê-su Ki-tô ngang qua đời sống cầu nguyện, kinh hạt lễ lạy. Vì thế, để có lối
sống hiệp hành trong đời thường đối với anh chị em đồng loại, mỗi chúng ta cần
có sự nối kết và gắn bó chặt chẽ với Đức Giê-su, với Thiên Chúa, là nguồn mạch
mọi sự thánh thiện và bình an. Chính nơi Chúa, nơi Đức Giê-su, chúng ta mới đón
nhận được sự bình an chân thật và bền vững. Nhờ có sự bình an đó và ngang qua sự
bình an đó, chúng ta dễ dàng ra đi lan toả bình an và nối kết với tha nhân ngõ
hầu Tin Mừng Bình an được toả sáng. Quả thật, làm sao chúng ta sống bình an, và
lan toả sự bình an cho anh chị em chúng ta, nếu trước đó, chúng ta không đón nhận
sự bình an từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, cụ thể nơi Lời Ngài và Mình Máu
Ngài. Lối sống hiệp hành là bản chất của giáo hội. Làm sao hiệp hành với anh chị
em được nếu không có sự hiệp hành từ Thiên Chúa. Hay nói cách khác, làm sao ở lại
được với anh chị em đồng loại, nếu không ở lại với Thiên Chúa. Nói rõ hơn là, một
khi đã ở lại, hiệp thông với Chúa, thì không thể không ở lại, hiệp thông với
anh chị em. Hơn nữa, lối sống hiệp hành còn đòi buộc chúng ta phải biết lắng
nghe: lắng nghe Chúa để lắng nghe nhau. Không lắng nghe Chúa ngang qua đời sống
chuyên chăm cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ, thì làm sao chúng ta
lắng nghe anh chị em nơi gia đình, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi đồng ruộng,
nơi mọi công việc hằng ngày,…Quả thật, sống bình an là sống hiệp hành.
Tóm lại, ai trong chúng
ta cũng rất cần sự bình an. Tuy nhiên, để có sự bình an đích thực, chúng ta buộc
phải từ bỏ con người cũ, con người của tội lỗi, con người của sự lười biếng, để
can đảm bước theo Đức Giê-su, nguồn bình an đích thật. Thật vậy, chỉ nơi Đức
Giê-su và trong Đức Giê-su, chúng ta mới có được bình an, bình an vĩnh cửu, thứ
bình an mà không ai có thể cướp đi mất được. Và một khi đã tràn trề bình an đó,
chúng ta cũng không ngần ngại bước lên đường để sống hiệp hành với tha nhân, nhất
là đối với những ai đang sống trong hoàn cảnh thất vọng, chán chường, âu lo,
đói khổ, bệnh tật,…Đây là việc chúng ta đang thực thi sứ vụ Loan báo Tin Vui,
tin bình an cho tha nhân. Đó là cách thức thiết thực chúng ta đang thi hành lệnh
truyền của Thầy Giê-su: Như Cha đã sai Thầy và Thầy cũng sai anh em. Cầu Chúa
chúc lành và ban bình an cho anh chị em. Amen.
Linh mục Phaolo Phạm Trọng
Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét