Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

May 8, 2022 - Chúa nhật thứ IV Phục Sinh năm C- Hãy nghe theo Muc Tử

 May 8, 2022 -  Chúa  nhật  thứ  IV  Phục  Sinh  năm  C

Hãy tin  nghe Muc  Tử!
            




Các Bạn thân mến,
 Biến có lịch sử 30.4.1975 tới nay cũng đã gần nửa thế kỷ, thế mà con dân Việt Nam chúng ta vẫn nhắc với nhau những hình ảnh tan nát của cảnh chiến tranh. Cảnh này cộng với cảnh kia làm chúng ta cảm nhận sâu sắc cảnh đàn chiên không người chăn dắt! Chưa kể emails của chúng ta cũng tràn đầy những hình ảnh, những bài viết về biến cố mùa Xuân ấy phải không? Một ông bạn gởi email cho mình về những hình ảnh dân chúng chạy tán loạn năm ấy, với câu nói:"Buồn quá đi thôi!"- một cái thở dài, một lời thở than, như cam chịu, không oán trách, ân hận!? Mình hiểu được rằng các đấng mày râu, đường đường là những anh hùng một, hai, ba, bốn hoa mai hay một hai, ba, bốn ngôi sao đeo sáng chói trên vai, giờ này vẫn rất khổ tâm, nhức nhối, hổ thẹn, dù mấy chục năm đã trôi qua. Vâng, làm sao không tủi nhục khi hai tay uy quyền của các ông đột nhiên phải buông súng để xỏ vào gông cùm, vì lệnh của phe chiến thắng! Trong khi các ông vẫn đằng đằng sát khí, vẫn mạnh mẽ, vẫn quyết chiến vì lý tưởng, vẫn kiên trì chiến đấu đến cùng với Cộng Sản. Và rồi khi được tự do thì chỉ còn lại một thân thể già yếu, bệnh tật, phải ăn trợ cấp hàng tháng, hoặc làm những công việc không phải chuyên môn của mình, một nam nhi, một sĩ quan quân đội! Đau lòng lắm chứ! Nhưng giãi bày với ai? Qui trách nhiệm cho ai? Giận hờn ai? Đúng là cái khổ của người nghèo, cái bí tắc của người yếu thế, cái ấm ức của người không đánh mà lại thua!
Tinh thần, tình cảm hoảng sợ, lo lắng, thất vọng; thân xác mệt mỏi đau đớn, đói khát; gia đình, làng xóm, đất nước xáo trộn, tan hoang… Tâm trạng, hình ảnh ấy đúng như bầy chiên không người chăn dắt! Về tâm linh, tôn giáo mà cũng không người chăn dắt thì chúng ta sẽ còn vô cùng hoang mang, trôi nổi, rồi rơi xuống tận đáy vực thẳm lúc nào không hay!
Vậy hãy xin Chúa gìn giữ chúng ta, Ngài đã tự xưng mình là Mục Từ Nhân Lành, Ngài biết rõ từng con chiên, Ngài thí mạng sống vì con chiên, Ngài dẫn chúng ta tới sự sống thật.
1.    Lời tự xưng:
-  Thời gian rao giảng Tin mừng của Đức Giesu khi còn tại thế, Ngài luôn bị kẻ thù vây quanh và yêu cầu Ngài nói thẳng ra Ngài có phải là Đấng Messia hay không.
-  Trong một dịp quốc lễ, Ngài đang ở Gierusalem, tại đây cũng xảy ra vụ tranh luận với người Do Thái về vấn để Ngài có phải là Đấng Thiên Sai không?
-  Bài Tin Mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận đó, ghi lại lời Đức Giesu quả quyết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha
-  Và ẩn sau những yêu cầu ấy dân chúng có hai thái độ khác nhau: một số người thật sự muốn biết rõ, bởi họ đang nóng nảy chờ trông; một số khác thì câu hỏi này như một cái bẫy để gài Ngài, để bóp méo rồi tố cào Ngài về tội lộng ngôn, và tòa án của họ có thể buộc tội phản loạn để quan tổng trấn Lama kết án Ngài.
-  Sự thật Đức Giesu đã nhiều lần cho họ biết Ngài là ai, và Ngài không nhiều lời để nói về điều đó.
-  Hai lời tự xưng của Ngài đều được đưa ra ở nơi riêng tư: với người đàn bà nơi giếng Giacop, Ngài tiết lộ Ngài là Đấng Messia; với người mù bẩm sinh, Ngài tự xưng là Con Thiên Chúa.
-  Nhưng có một số lời tự xưng không cần phải nói ra, nhất là với đám đông thính giả đủ trình độ hiểu được vấn đề.
-  Trước hết đó là việc làm của Chúa: đây là giấc mơ về thời đại hoàng kim của Isaia:“Bấy giờ, mắt kẻ mù sẽ được sáng, tai kể điếc sẽ được thông, kẻ què sẽ nhảy như nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát.”
-  Đó chính là điều Đức Giesu đang làm: mọi phép lạ của Ngài đều là một lời công bố về kỷ nguyên của Thiên Chúa đã bắt đầu, Đấng Mesia sẽ đến.
-  Thứ hai, những lời Ngài phán dậy: Mose đã nói trước rằng Thiên Chúa sẽ cho nơi đây một nhà tiên tri mà mọi người phải nghe theo.
-  Thật vậy, bất kỳ ai đã nghe Đức Giesu, đã theo dõi việc Ngài làm, đều không cần thêm một lời tự xưng nào của Ngài nữa. Vì đó là những lời tự xưng mạnh mẽ, liên tục, nói lên Ngài là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa.
-  Nhưng số đông người Do Thái lại không chấp nhận lời tự xưng đó.
-  Tại xứ Palestin, chăn nuôi súc vật là nghề chính của dân chúng, các tổ phụ vĩ đại của họ như Abraham, Isaac, Giacob, Maisen, Davit… đều đã là những mục tử.
-  Nên họ đã diễn tả Thiên Chúa như một mục tử nhân lành, hết lòng yêu thương đàn chiên.
-  Và Đức Giesu cũng tự xưng là mục tử, đi xa hơn nữa, Ngài còn bày tỏ cho nhân loại biết chính Ngài là Thiên Chúa.
-  Đây là điều Ngài mặc khải thêm một khía cạnh tuyệt vời của màu nhiệm bản thân Ngài.
-  Ngài dùng ba động từ để nói về đàn chiên của Ngài, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết và theo.
-  Cho hay chủ chăn và đàn chiên có một mối tương giao thân tình, tha thiết, đặc biệt hiểu biết nhau, và Ngài đã dùng hình ảnh này để hứa ban đặc ân cho những người tin nhận Ngài, được:
     a) sự sống viên mãn:
         . ý thức được mọi điều là trở thành chiên của Ngài,
       . ý thức được mọi điều là trong cuộc sống trần gian sẽ qua đi,
       . được nếm trước sự sống huy hoàng rực rỡ, vốn là của Thiên Chúa.
    b) sự sống không bao giờ chấm dứt:
         . họ không phải diệt vong,
         . họ được biết rõ vinh quang của sự sống bất diệt,
         . sự chết thể xác không phải là chấm dứt, mà là bắt đầu.
     c) sự sống an toàn:
       . chẳng có gì giật họ khỏi tay Thiên Chúa được,
         . hạnh phúc hay đau khổ, Thiên Chúa vẫn nâng đỡ họ,
         . họ được sự thanh thản của Thiên Chúa, dù cả thế giới bị đại họa.
-  Đức Giesu không có ý nói những lời này cho một nhóm người dành riêng nào đó, mà cho mọi người muốn làm môn đệ Ngài.
-  Vì thế chiên cũng không chỉ là những người tin vào Ngài, mà là tất cả những ai đã đạt đến sự phát triển đầy đủ về đức tin và sự bỏ ngỏ đối với Đức Giesu.
-  Ngài lôi cuốn tất cả vào trong một sự hiệp thông, thân tình với Ngài dựa trên sự tự giác, ý thức và sự cho đi với nhau.
-  Lời tự xưng phi thường của Đức Giesu còn cho thấy lòng tin cậy phi thường của Ngài nơi Chúa Cha.
-  Tuy nhiên Đức Giesu, Đấng chăn chiên lành không trực tiếp điều khiển đàn chiên dưới thế gian, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo Hội để chăn dắt chiên thay cho Ngài.
-  Vì thế chúng ta có trách nhiệm kính trọng, yêu mến, thành tâm lắng nghe các vị lãnh đạo này, các Ngài sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa, đến với cuộc sống đời đời.
-  Hơn thế nữa, cần cộng tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh, để duy trì và xây dựng cộng đoàn chiên nhỏ bé địa phương mình, cùng với đàn chiên rộng lớn là Giáo Hội.
-  Đừng vì thân thế, khả năng, hành động của các vị chủ chăn mà bôi bác, kết án các ngài, bởi các ngài cũng còn là người với thân phậm yếu đuối mỏng dòn như chúng ta.
-  Đặc biệt cần sáng suốt đề phòng để tránh những xuí dục, những cạm bẫy phá hoại sự tôn trọng, sự đòan kết giữa chủ chăn và đàn chiên.
2. Chúa Cha đã ban chiên cho Đức Giesu:
 -  Đức Giesu cho thấy mặt thứ hai của vấn đề, đó là chính Chúa Cha đã ban chiên cho Ngài, cả Ngài lẫn chiên đều ở trong tay Chúa Cha.
-  Đức Giesu tin chắc vào chính mình, bởi vì Ngài tin chắc vào Thiên Chúa.
-  Thái độ của Ngài đối với đời sống không phải là sự tự tin, nhưng là tin cậy Thiên Chúa.
-  Ngài tin quyết vào sự an toàn tuyệt đối và sự chiến thắng tối hậu, không phải vì Ngài đã thu hết quyền năng về cho mình, những vì Ngài đã trao phó tất cả quyền phép cho Thiên Chúa.
-   " Tôi và Chúa Cha là một", thật là một huyền nhiệm đối với chúng ta.
-  Câu nói này không theo nghĩa trừu tượng, siêu hình, mà theo nghĩa mối liên hệ cá nhân với nhau, đồng lòng, đồng ý, song hành với nhau.
-  Hãy nhớ lại nhiều lần Đức Giesu đã cầu nguyện cho những kẻ thuộc về Ngài:"Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã trao có con, để họ nên một như chúng ta."
-  Rõ ràng quan niệm của Đức Giesu về sự hiệp nhất giữa Kito hữu với nhau cũng giống như sự hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa.
-  Ngài đã nói rõ để không ai hiểu lầm: cứu cánh của đời sống Kito hữu là mọi người đều trở nên một như Ngài với Chúa Cha là một vậy.
-  Bí quyết của mọi hiệp nhất ấy là tình yêu thương. Kito hữu yêu thương nhau để hiệp làm một, hiệp làm một vì yêu thương nhau.
-  Và điều làm chứng, bảo đảm cho tình yêu thương nhau là sự giữ các điều răn, là sự vâng lời Đức Giesu, vâng lời Thiên Chúa.
-  Tuy nhiên lời nói này của Đức Giesu phảng phất một sự tiền định.
-  Quả thật, Tin Mừng Gioan luôn ẩn phía sau mọi điều là một giáo lý về tiền định, mọi việc xảy ra như Thiên Chúa đã định cho nó xảy ra.
-  Tuy nhiên, Tân ước đã giữ cân bằng hai ý niệm trái ngược này: mọi việc xảy ra đều nằm trong chủ đích của Thiên Chúa, thế nhưng mọi việc này xảy ra theo cách mà ý chí tự do của con người phải chịu trách nhiệm.
-  Như số người Do Thái này đã tự khiến mình rơi vào chỗ bị định trước là không chịu nhận Đức Giesu.
-  Dưới cái nhìn của Gioan thì điều đó vẫn không làm cho họ hết chịu trách nhiệm về thái độ không tin của họ.
-  Và hiển nhiên những ai có thái độ như họ, cũng phải nhận kết quả như họ.
-  Thế nhưng tiền định là vấn đề mà chúng ta không thể đụng tới, bởi giới hạn to lớn của mình, nên hãy tin tưởng nơi chủ chiên Giesu, Ngài biết từng con chiên và quan tâm săn sóc để không một con chiên nào phải diệt vong, cũng chẳng ai cướp được chúng ta từ tay Ngài.
Lạy Chúa, Ngài đã dùng các mục từ, là những người thực hiện phương tiện Chúa dùng để ban ơn, chăn dắt và chăm sóc chúng con. Nhưng Giáo Hội đang bị quấy phá tư b, xin cho các mục từ can đảm, thánh thiện, được ánh sáng Chúa hướng dẫn để cai trị đàn chiên theo ý muốn tốt lành của Ngài.
Xin giúp chúng con biết nghe tiếng chủ chăn, biết đi theo vâng phục các ngài, vì chính Chúa đã trao chúng con cho các Ngài.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, mà mỗi ơn gọi đều là ơn gọi yêu thương. Xin vì tình thương, hãy ban cho Giáo Hội có được nhiều ơn gọi, để đàn chiên Chúa không bao giờ thiếu người chăn dắt. Amen.
Thân mến,
M.Gorettiduyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét