Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Lực nắm tay yếu có thể cảnh báo bệnh tim mạch

 

Lực  nắm  tay  yếu  có  thể  cảnh  báo  bệnh  tim  mạch

Chủ nhật, 1/5/2022,vnexpress.net

Lực cầm nắm của tay dần trở nên yếu ớt tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ảnh: Freepik

Tìm hiểu sức mạnh nắm tay có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa các nguy cơ về bệnh tim mạch, ngăn ngừa đột quỵ.

Tăng cường sức mạnh cho đôi bàn tay của bạn sẽ giúp ích nhiều cho những hoạt động thường ngày. Những động tác tăng cường sức cho bàn tay còn có tác dụng gia tăng độ dẻo dai, hạn chế các chấn thương khi tập luyện nặng. Bên cạnh đó, chúng còn có thể giúp bạn cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.

Theo một nghiên cứu Quốc tế về Dịch tễ học Thành thị và Nông thôn Triển vọng (PURE) đăng tải trên tạp chí The Lancet cho thấy lực cầm nắm là một yếu tố giúp đánh giá nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch tốt hơn cả đo huyết áp.

Các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi 13.9691 người trưởng thành từ 35 đến 70 tuổi đang sinh sống ở 17 quốc gia trên thế giới trong bốn năm. Kết quả cho thấy lực cầm nắm của nam giới trung bình dao động từ khoảng 30-38 kg. Ở phụ nữ, con số này sẽ dao 24,5-28 kg.

Trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu đã có 3.379 người qua đời. Sau khi hiệu chỉnh các biến số khác, các nhà khoa học tính toán rằng cứ giảm 5 kg sức mạnh cầm nắm của tay sẽ làm gia tăng 17% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, tăng 7% nguy cơ hình thành cơn đau tim và tăng 9% nguy cơ đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh cơ bắp yếu sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh mạn tính cao hơn so với những người có sức mạnh cơ bắp tốt.

Theo TS Darryl Leong - tác giả của nghiên cứu, làm việc tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Dân số, Khoa học Y tế Hamilton và Đại học McMaster (Canada), sức mạnh khi nắm chặt tay có thể là bài kiểm tra dễ dàng và không hề tốn kém.

Theo Harvard News, để xây dựng sức mạnh cơ bắp, hãy tập các bài đề kháng hai hoặc ba lần mỗi tuần và nên cho cơ bắp nghỉ một hoặc hai ngày giữa các buổi tập. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng các hoạt động hàng ngày để thử thách cơ bắp ở tay như nhấc đồ vật trên bàn làm việc hoặc xây dựng cơ chân, hông, mông, bụng bằng cách đi cầu thang bộ hoặc nhón gót chân.

Bên cạnh việc tập luyện, mỗi người cũng cần tuân thủ ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm và tối thiểu là đủ 6 tiếng. Bởi giấc ngủ rất quan trọng để phục hồi cơ bắp, chữa lành các mô bị căng thẳng. Cuối cùng là có chế độ ăn lành mạnh như đậu, các loại hạt và cá hoặc ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây, rau củ quả.

Huyền My (Theo Harvard)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét