Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Thói quen khiến bạn đánh rơi hạnh phúc

 

Thói  quen  khiến  bạn  đánh  rơi  hạnh  phúc

Chủ nhật, 22/5/2022, VnExpess.net

Vui buồn đến bất chợt, nhưng làm thế nào để có được hạnh phúc lại phụ thuộc nhiều vào thói quen của mỗi người.

Trong cuộc sống, có những thói quen tưởng là nhỏ nhặt, nhưng lại là nguyên nhân chính khiến con người sống không hạnh phúc.

1. Sử dụng điện thoại quá nhiều

Với nhiều người, điện thoại như một vật bất ly thân, sáng sớm nằm trên giường lướt điện thoại, tối trước khi đi ngủ cũng xem điện thoại.

Để thay đổi, hãy thống kê thời gian sử dụng điện thoại trong một ngày, một tuần của mình. Nếu con số khiến bản thân bạn cũng phải giật mình thì cần phải thay đổi ngay lối sống.

Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, từ lúc ngủ dậy cho đến khi đi ngủ. Ảnh minh họa: ecoguide-it.com

2. Quá cầu toàn

Đây là kiểu người luôn mong đợi bản thân có thể làm những điều tốt nhất. Họ thường quá khắt khe với chính mình, cảm thấy các thành tích đạt được không như mong đợi và khó chịu vì cảm thấy chưa đủ tốt.

Trong công việc, kiểu cầu toàn này có lợi ích đảm bảo năng suất, nâng cao tập trung và hiệu quả công việc. Nhưng những người cầu toàn với bản thân sẽ luôn cảm thấy quá tải hoặc không hài lòng với một thất bại nào đó thay vì ăn mừng cho những thành tích đạt được.

3. Quá chú ý đến dư luận

Cách mà người khác nhận xét về cách chúng ta sống ảnh hưởng nhiều hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Đối với một người, đó có thể là cả cuộc sống, nhưng đối với người xung quanh, nhiều khi đó chỉ là lời nói vu vơ, vô thưởng vô phạt.

Bạn không thể thay đổi suy nghĩ của người khác nhưng lại có thể làm chủ vận mệnh của chính mình. Lời nói là của người khác, cuộc sống là của mình, đừng để chuyện thị phi quyết định bạn hạnh phúc hay không. Vì vậy, hãy tập cách sống độc lập, hãy là chính mình, hãy cứ làm những điều mà bản thân mình cho là đúng.

4. Hoang phí thời gian để tiết kiệm tiền lẻ

Mua một món đồ, vì để tiết kiệm vài đồng lẻ mà mất nhiều thời gian nâng lên đặt xuống, so sánh giá với những nơi khác.

Cũng đừng vì tham giá khuyến mại hay ham giá rẻ mà quên đi chất lượng sản phẩm. Cuối cùng mua về mới phát hiện đồ dùng không tốt, vừa tốn tiền lại trút bực vào người.

5. Làm việc không có chủ đích

Mở máy tính học bài, làm việc nhưng lại bị cuốn vào một loạt tin tức nóng hổi trên mạng. Ngồi lướt web cả tiếng đồng hồ, nhưng công việc chính vẫn chưa làm được gì. Hay đi mua sắm, thấy rất nhiều thứ đẹp, giá rẻ, mua về chất đầy nhà nhưng cuối cùng lại không biết dùng vào đâu, vừa tốn thời gian vừa lãng phí tiền bạc.

Bạn chăm chỉ cả ngày để làm việc, nhưng không có kết quả để chứng minh cho sự cần cù đó. Vậy nên, bạn cần vạch ra chiến lược để tăng hiệu suất lao động. Ví như gạch đầu dòng ba việc cần ưu tiên, dồn nhiều tâm sức vào đó thay vì làm quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhưng đều dở dang.

6. Cố gắng làm tất cả mọi thứ nhưng không có mục tiêu

Khi dành sức lực dàn trải vào quá nhiều thứ, đôi khi bạn không thể trau dồi kỹ năng và sự thành thạo trong lĩnh vực mà mình mạnh nhất và phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất với bạn là tìm ra cái mình giỏi, đam mê bởi bạn chẳng thể làm được mọi thứ.

Nếu không có một kế hoạch nghĩa là bạn đã lên kế hoạch để nhận thất bại. Kế hoạch rất quan trọng trong việc giúp bạn đạt được mục tiêu. Đó chính là bản đồ giúp bạn đi từ điểm A đến điểm B một cách dễ dàng. Ta lập kế hoạch cho việc hoàn thành mục tiêu của mình như thế nào? Ta cần phải làm những điều gì? Hãy gạch đầu dòng các việc phải làm và có một chiến lược rõ ràng.

7. Gửi gắm hy vọng vào người khác

Đợi người khác đến giúp đỡ, chờ đợi người thấu hiểu cho nỗi khổ bản thân, mong muốn ai đó đến an ủi mình... thậm chí khát khao được yêu thích và cảm thông. Thói quen này chứng tỏ bạn là người yếu đuối, không thể tự lập, chưa đủ mạnh mẽ vững bước trên đường đời.

Không ai thay bạn sống cuộc đời của bạn. Một khi chấp nhận mình đã lớn thì đồng nghĩa với việc bạn cần có quyết định của riêng mình, không phụ thuộc vào ai.

8. Có tư duy nạn nhân

Khi nghiên cứu và điều trị cho các bệnh nhân - rất nhiều trong số đó bị trầm cảm, người sáng lập tâm lý học tích cực Martin Seligman nhận thấy nhiều người trong số họ mắc chứng "bất lực trong học tập".

Cảm giác bất lực quá mức thường dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân. Đây là lý do những người coi mình là "nạn nhân" trong câu chuyện của chính họ thường không hạnh phúc. Họ tin rằng cuộc sống luôn khó khăn và mình không thể làm gì để thay đổi. Họ chỉ biết chờ đợi người khác đến cứu mình vì nghĩ bản thân không thể hành động và tự cứu mình khỏi rắc rối.

9. Níu kéo quá khứ

"Giá như lúc đó mình không làm như vậy", "Nếu như khi xưa mình chọn công ty này thì giờ đã phát tài rồi"... Những câu chất vấn lương tâm tưởng chừng bâng quơ nhưng chỉ làm mất thời gian, mài mòn tinh thần, khiến bản thân không thể mạnh mẽ bước tiếp.

Chúng ta thường có xu hướng lưu giữ kí ức, hình ảnh về những sự kiện đã trải qua trong đời. Tuy vậy, sự thật là ưu tư, buồn phiền trong quá khứ chỉ khiến cuộc sống đảo lộn. Nếu cảm thấy có thể thay đổi, sửa chữa điều gì đó, hãy hành động ngay. Bằng không, nên để mọi việc diễn ra tự nhiên, qua đó tìm sự yên bình, tĩnh lặng cho bản thân.

Vy Trang (Theo zhihu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét