Đừng sợ - hãy bình an
5/21/2022
22/5
Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Phục Sinh (Cv 15:1-2,22-29; Tv 67:2-3,5,6-8; Kh
21:10-14,22-23; Ga 14:23-29)
PEACE.jpg
Pinterest
Câu nói: “Xa mặt cách
lòng” tiết lộ một sự thật chua chát của lòng con người. Khi xa nhau thì người
ta dễ quên nhau. Bao nhiêu đôi vợ chồng đỗ vỡ vì sống xa nhau. Bao nhiêu con
cái xa cha mẹ, thì dễ thành bất hiếu, bất nhân, bụi đời, hư hỏng. Bao nhiêu đầy
tớ khi chủ vắng nhà thì như gà mọc đuôi tôm. Đúng như dụ ngôn đầy tớ bất trung
(Mt. 24, 48-51)
Chúa Giêsu muốn đề phòng
cho các môn đệ khỏi lâm vào cảnh đau lòng xa mặt cách lòng, nên trước khi về trời,
về cùng Chúa Cha, Người đã đảm bảo với môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có
chuyện xa mặt cách lòng, và về phía con người cần phải giữ lời Thầy để xa mặt,
nhưng không cách lòng.
Và rồi ta thấy sợ hãi là
kinh nghiệm mà chúng ta vẫn thường hay có. Người trẻ sợ tuổi già mau đến. Thanh
niên khỏe mạnh sợ lúc bệnh tật hay ốm đau. Đôi trai gái yêu nhau say đắm sợ những
giây phút ân ái mặn nồng vụt tan biến. Người giàu sợ sẽ đến ngày khách kiệt…
Nói chung, có muôn vàn lý
do để phải sợ hãi. Khi đối diện trước cái chết, chính Chúa Giêsu cũng sợ. Sự sợ
hãi dâng lên tột độ đến mức mồ hôi và máu toát ra. Ngài đã lớn tiếng và rơi lệ
cầu xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7), vì Ngài lo sợ, nỗi sợ theo
bản tính tự nhiên của con người. Ngài sợ, vì tội lỗi của cả trần gian đang đè nặng
trên đôi vai Ngài và cuối cùng dẫn đến cái chết nghiệt ngã. Nhưng khi từ cõi chết
sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành nguyên lý cho chúng ta về sự bình an để thoát
vượt sợ hãi. Khi hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đến
giữa lúc các ông đang ngồi co rúm lại vì sợ sệt. Chúa thổi hơi vào các ông, ban
Thánh Thần và trao chúc bình an.
Thánh Gioan nêu ra tất cả
những chi tiết này để liên kết sự bình an với ân điển của Thần khí, hầu giúp
chúng ta thoát vượt sợ hãi. Ngài còn cho các môn đệ thấy những dấu chứng về cuộc
khổ nạn nơi thân xác Ngài, và đó cũng là vết tích gây nên sự sợ hãi nơi các
tông đồ trước đây.
Chúa Giêsu đã nói: “Thầy
để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế
gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợ hãi.” Những lời này Ngài nói
giữa bữa Tiệc ly. Phải chăng đây là một thời điểm không thích hợp để nói về
bình an, vì khi ấy hoàn cảnh bên ngoài rất là xáo trộn? Không, trái lại rất
thích hợp. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp
thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ
thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.
Sống theo ý Chúa thì con
người không còn sợ hãi, vì khi làm bất cứ việc gì thì có Chúa cùng thực hiện,
khi chọn Chúa là chủ của mình, chúng ta không còn bị dính bén bởi những tạo vật,
không bị nô lệ bởi những đam mê bất chính. Sống theo ý Chúa còn là mình để chọn
Chúa. Đó là bỏ đi cái tôi ích kỷ sống yêu thương, bỏ đi cái tôi danh vọng để
khiêm tốn để chấp nhận mình và đón nhận người khác, bỏ đi cái tôi hưởng thụ để
hy sinh để phục vụ. Hơn nữa, sống theo ý Chúa thì không sợ những dư luận của
người đời, không bị chi phối bởi khen chê, được mất, sướng khổ và sống chết.
Con người ta ai cũng muốn
có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng sẽ
không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô,
tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của
Thánh Thần.
Con người ta ai cũng cần
sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúa luôn muốn ban bình an
cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ,
linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị
em”, rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Có
bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.
Bình an là một hồng ân
Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm
bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên
bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.
Bình an không phải giống
như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là
tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha
nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình
an cho kẻ dữ.
Bình an là kết quả của
lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc
nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột
và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.
Muốn được bình an hạnh
phúc thật, con người cần phải có tâm hồn trong sạch, sống trong ơn nghĩa Chúa.
Tâm hồn biết hối cải, biết sống nhân từ, biết yêu thương và tha thứ, như chính
Chúa đã làm gương và dạy chúng ta noi theo bắt chước.
Khi trong tâm hồn có sự
bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh, thì chúng ta biết thông cảm với người làm ta
bực mình, dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến, sẽ khiêm tốn hơn
trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình… Hoa quả của bình an chính là tình
yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh
em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội.
Chúa nói hôm nay: “Ai yêu
mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến
và ở lại trong người ấy”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch để có được bình an.
Chân lý này cũng được Thánh Phanxicô Salê quảng diễn khi Ngài nói với chúng ta:
“Ama et fac quod vis”, bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm.
Lm. Anmai CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét