Wed, 31/05/2023 - Lm Nguyễn Văn
Ba Ngôi hằng ở cùng ta
SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM – A
(Ga 3, 16 - 18)
Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống, Giáo hội cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ Lời Chúa chỉ rõ, Chúa Cha là
Đấng thống trị, từ bi nhân hậu, đầy nhân nghĩa tín thành (x. Xh 34, 4b-6.8-9)
Chúa Con là Đấng ban ân sủng, Chúa Cha là nguồn suối tình yêu, Chúa Thánh Thần
là Đấng hiệp nhất các tín hữu (x. 2 Cr 13,11-13); Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi
ban Chúa con cho nhân loại, không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian
nhờ Người mà được cứu độ (x. Ga 3, 16-18). Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Ba Ngôi hằng
ở cùng ta
Có thể nói mà không sợ
sai lầm rằng, toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba
Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà
anh chị “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần“. Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh
Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ
nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng
trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện
vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng: Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này,
nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và
Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban
cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh.
Ba Ngôi cứu chuộc
ta
Chúa Cha là nguồn mạch của
tình yêu trong tư cách là Cha, Ngài đã yêu Chúa Con và yêu chúng ta như thánh
Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin
vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Đến
như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta” (Rm 8,32). Đây là tình yêu cứu chuộc, cao cả trong sáng tạo và thánh
thiện trong trao ban
Chúa Con là Đấng đón nhận
tình yêu. Người được Chúa Cha yêu thương “trước khi thế gian được tạo thành”
(Ga 17,24). Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha
trong công trình sáng tạo và cứu chuộc hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
Ngày truyền tin Con Thiên
Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Bà,
Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Khai mào sứ vụ công khai, Chúa Thánh Thần
ngự trên Chúa Giêsu, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần do Cha xức dầu tấn phong và
sai đi. Chính Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại (Cv 2,24). Trên Thập
giá Chúa Con trao Thần Khí cho Chúa Cha, thì vào ngày Phục sinh, Chúa Cha ban lại
Thần Khí cho Chúa Con, để trong Chúa Con, cùng với Chúa Thánh Thần đưa nhân loại
vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cứu chuộc là sáng kiến của
Chúa Cha. Chính Ngài đã đặt Đức Giêsu làm “Con với tất cả quyền năng” sau khi Đức
Giêsu đã “từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4). Vài dẫn chứng trên cho
chúng ta thấy tình yêu cứu chuộc của Ba Ngôi.
Ba Ngôi thánh hóa đời ta
Chúng ta cũng thường nói,
Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nhưng việc thánh hóa, không chỉ của Chúa
Thánh Thần, nhưng cũng là công việc chung của Chúa Cha, Chúa Con. Vai trò của
Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mở rộng và dâng hiến.
Chính do sự dâng hiến này mà, trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa luôn xuất hiện
trong Thánh Thần. Thánh Thần có mặt thuở tạo dựng (St 1,2), ngự xuống trên Đức
Giêsu (Lc 1,35), ùa vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Rm 1,4). Theo nghĩa
này, Thánh Thần làm trọn chân lý tình yêu khi cho thấy tình yêu chân thật không
đơn độc nhưng liên đới với Chúa Cha và Chúa Con.
Sự hiệp nhất của Ba Ngôi
trong tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là sự hiệp nhất trong tình yêu, với Đấng
vì yêu mà trao nộp Con mình (Chúa Cha), Đấng vì yêu mà để mình bị trao nộp
(Chúa Con), Đấng vì yêu mà tuôn tràn ngày Phục sinh để đưa con người vào trong
tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).
Thực ra thì tất cả sứ mệnh
và công trình của Đức Giêsu đều cho thấy sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha
trong Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa, Đấng nhận và trao ban Thần Khí, là một với
Chúa Cha (x.Ga 10,30), nhờ sự Phục sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất của
con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi (x.Ga 14,20; 17,21.23).
Xin dâng lời tôn vinh
chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét