Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

'Bắt bệnh' từ vị trí mọc mụn

 

Thứ hai, 5/6/2023, VnExpres.net

'Bắt  bệnh'  từ  vị  trí  mọc  mụn

Mụn mọc ở quanh miệng có thể gan chứa nhiều độc tố hoặc vấn đề nội tiết, mụn ở má liên quan phổi, tuy nhiên hầu hết do tuổi dậy thì, mồ hôi khi trời nắng nóng, trang điểm.

Bác sĩ Lê Minh Châu. Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng thực tế có nhiều nguyên nhân nổi mụn mà không chỉ vấn đề bệnh lý. Ví dụ, mụn ở cằm hoặc quanh miệng có thể liên quan đến nội tiết nhưng có thể do tuổi dậy thì.

Trẻ tuổi dậy thì thường nổi mụn ở trán, má, mũi. Đây là bệnh lý thường gặp trên 80% thanh thiếu niên và có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Nhiều trường hợp điều trị sai cách, tự ý sờ tay bóp nặn, dẫn đến nhiễm khuẩn và nổi mụn toàn mặt.

Mụn là do sự tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa lỗ nang lông, rối loạn hệ vi sinh vật trên da. Một số trường hợp bị viêm da do tự ý điều trị. Nhóm dễ nổi mụn là thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì; phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều bởi hormone sinh dục nữ, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt; người da nhờn hay thường xuyên hoạt động trong môi trường nóng ẩm.

Lối sống, thói quen sinh hoạt cũng là nguyên nhân gây nổi mụn. Bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng người ăn nhiều đường sữa, tinh bột hoặc đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường ngọt khiến da dễ lên mụn hơn.

Mùa hè, nhiệt độ tăng cao, tuyến mồ hôi và bã nhờn hoạt động mạnh tạo điều kiện cho bụi và vi khuẩn xâm nhập, làm bít tắc lỗ chân lông dẫn đến mụn. Nếu không chăm sóc đúng cách còn gây viêm, để lại sẹo lõm hoặc lồi, gây mất thẩm mỹ.

Người trang điểm nhiều, vệ sinh da không sạch sẽ, thường sờ tay lên mụn, nặn mụn, uống ít nước, ngủ ít, lạm dụng chất kích thích, đồ ăn cay nóng, cũng gây mụn.

"Do đó, vị trí mọc mụn chỉ là một nguyên nhân tham khảo, mà bác sĩ phải khám lâm sàng, thậm chí xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác được", bác sĩ Châu nói.

Mụn mọc là do sự tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa lỗ nang lông sự, rối loạn hệ vi sinh vật trên da và hiện tượng viêm do tự ý điều trị. Ảnh: Theo Beminima list

Vị trí mụn mọc gợi ý một số vấn đề bệnh lý hoặc thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý. Ảnh: Beminima list

Cách điều trị phụ thuộc vào tình trạng mụn. Ở mức độ nhẹ như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, có thể sử dụng sữa rửa mặt, các loại kem chứa thành phần benzoyl peroxide, acid salicylic.

Trường hợp nổi mụn đầu đen, mụn đầu trắng và vài sẩn mụn mủ, dùng thuốc bôi chứa benzoyl peroxide, clindamycin, erythromycin kết hợp thuốc thoa tiêu sừng như adapalene, tretinoin. Ngoài ra, tùy tình trạng bệnh, bác sĩ có thể thêm thuốc kháng sinh hay thuốc điều chỉnh nội tiết.

Với sẩn mụn mủ, bác sĩ kết hợp nhiều phương pháp và dùng thuốc isotretinoin để kiểm soát mụn.

Phương pháp laser, RF hay quang động học có thể rút ngắn thời gian điều trị, giảm mụn sưng viêm và hạn chế sẹo sau mụn.

Để phòng ngừa, cần làm sạch da đúng cách, không rửa mặt quá nhiều lần trong ngày. Sử dụng dưỡng ẩm dạng gel, tránh gốc dầu chứa những thành phần gây bít tắc lỗ chân lông. Tẩy tế bào chết, loại bỏ lớp da khô bám trên bề mặt da.

Hạn chế dùng tay chạm vào vùng da bị mụn hay tự ý nặn mụn. Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, bổ sung đầy đủ nước, kết hợp chế độ ăn nhiều rau xanh. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo hay đồ chiên, đồ cay nóng, chế phẩm từ sữa. Thay ga giường, giặt chăn gối thường xuyên. Không dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc để chữa mụn.

Minh An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét