Thứ sáu, 16/6/2023, VnExpess.net
Người trẻ Hàn Quốc cầm đồ để sống qua ngày
Đồ điện tử, túi xách là những tài sản được nhiều người thế chấp để trang trải chi phí sinh hoạt.
Từ khi việc vay tiền trực tuyến có thể thực hiện sau một cú nhấp chuột, nhiều cửa hàng cầm đồ ở Hàn Quốc chỉ còn là quá khứ. Nhưng gần đây, ngành dịch vụ cầm đồ bỗng nhiên hồi sinh nhưng chủ yếu phục vụ những khách hàng sở hữu đồ đắt tiền nhưng tạm thời thiếu tiền mặt.
Nằm ở khu Hongdae, Seoul, cửa hàng của Lee Yong-seok chuyên cung cấp các khoản vay được thế chấp bằng đồ công nghệ. Trái ngược với hình ảnh truyền thống tại các cửa hàng cầm đồ, nơi có song sắt, an ninh nghiêm ngặt, cửa hàng của Lee chỉ gồm tủ trưng bày túi xách, điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Đa phần khách hàng đến đây là sinh viên, dân công sở trong độ tuổi 20-30.
"Họ thường vay một số tiền nhỏ, từ 200.000-300.000 won (3,5-5,5 triệu đồng) bằng cách để lại máy tính xách tay, máy ảnh làm tài sản thế chấp. Họ đang cầm đồ tất cả mọi thứ", Lee nói.
Han Jung-woo, 35 tuổi, quản lý một doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến nhỏ ở Seoul, vừa vay 2 triệu won từ một cửa hàng cầm đồ địa phương, màn hình máy tính và máy tính xách tay là tài sản thế chấp.
"Khách hàng thường không trả tiền ngay sau khi ký hợp đồng khiến tôi gặp khủng hoảng về nguồn tiền. Điều này khiến tôi phải tìm đến các khoản vay để trang trải chi phí nhân viên", Han nói.
Đối với các nhiếp ảnh gia hoặc người sản xuất video, tìm đến các cửa hàng cầm đồ có thể là cách mở khóa các khoản đầu tư.
Cho, 31 tuổi, mở studio chụp ảnh nhỏ ở Seongsu-dong, phía đông Seouk, cho biết: "Tôi đã nhận được những khoản vay nhờ bằng việc cầm đồ một số máy ảnh cũ để vận hành cửa hàng".
Theo Hiệp hội tài chính cho vay tiêu dùng Hàn Quốc, đến hết năm 2022 nước này có khoảng 1.150 cửa hàng cầm đồ đang hoạt động và 200 đơn vị nhận đồ thế chấp là các thiết bị điện tử.
Dữ liệu của chính phủ cũng cho thấy số dư các khoản vay thế chấp tại gần 8.800 tổ chức cho vay trên toàn quốc, bao gồm các cửa hàng cầm đồ, đã tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 7,61 nghìn tỷ won vào năm 2021 lên 8,54 nghìn tỷ won.
Cửa hàng cầm đồ là sự lựa chọn tốt nhất cho những người gặp khó khăn tài chính nhưng không thể tiếp cận tín dụng từ các tổ chức cho vay cấp một hoặc cấp hai, nhất là người có hồ sơ tín dụng xấu. Bao gồm cả người nước ngoài mới định cư ở Hàn Quốc và chưa tạo được xếp hạng tín dụng đẹp.
Các tiệm cầm đồ hiện đại không kiểm tra tín dụng, họ chỉ quan tâm đến thẻ căn cước, độ thật giả và giá trị của món đồ được thế chấp. Chuyên gia đánh giá, quy trình nhanh chóng, không lưu lại dấu vết trong lịch sử tín dụng là điểm hấp dẫn với người vay dù lãi suất cao hơn. Một số cửa hàng được phát hiện tính lãi suất khoảng 3% mỗi tháng, trong khi lãi suất trung bình tại 5 ngân hàng cho vay hàng đầu như KB Kookmin, Shinhan, Woori và NongHyup chỉ khoảng 5,23-5,78% một năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của các cửa hàng cầm đồ là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng kinh tế đang xấu đi. Hoặc đơn giản là sự gia tăng của nhóm người tiêu dùng có tín dụng xấu.
Kang Kyung-hoon, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc), nói rằng cái gọi là tài chính "tiệm cầm đồ" thường phát triển mạnh trong nền kinh tế nghèo nàn, nơi không có đủ hỗ trợ tài chính từ những người cho vay cấp một và cấp hai. "Sự phổ biến này không phải là một điều tốt vì chúng biểu thị vai trò hạn hẹp của định chế tài chính", Kang nói.
Minh Phương (Theo Koreaherald)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét