Thu, 01/06/2023 - Lm Xuân Hy Vọng
THIÊN
CHÚA BA NGÔI
-
NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU, ÂN SỦNG và BÌNH AN
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Hôm nay,
cùng với Giáo Hội, chúng ta được thông phần vào sự sống của mầu nhiệm các mầu
nhiệm, là mầu nhiệm cốt lõi của đời sống đức tin Công Giáo, đó là Mầu Nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi. Lịch sửcủa Giáo Hội đã minh chứng hùng hồn về vô số cách chú giải,
giải thích về Mầu Nhiệm này của các Thánh Giáo Phụ lỗi lạc; hàng loạt ví dụ,
hình ảnh diễn giải mà các Ngài đã sử dụng nhằm giảng dạy, giúp chúng ta sống Mầu
Nhiệm cao cả này. Tuy nhiên, suy cho cùng, cho dù hình ảnh, ví dụ xác thực,
chính xác như thế nào đi nữa thì cũng trở nên khập khiễng, hữu hạn trước Mầu
Nhiệm vô hạn này. Chính vì thế, thay vì chúng ta cố gắng đi tìm lời giải thích
vì sao lại Một Chúa mà Ba Ngôi? hay Nếu là Ba Ngôi thì đáng lẽ phải là Ba Chúa
chứ? hay thay vì cố gắng truy tầm để hiểu Mầu Nhiệm này, thì tốt hơn hết chúng
ta nên học biết sống, cảm nghiệm Mầu Nhiệm này ngay cả nơi cuộc sống thường nhật,
trong đời sống đức tin, cầu nguyện, cộng đoàn, và trong những mối tương quan!
Trước hết, các bài đọc trong Phụng Vụ
Lời Chúa hôm nay đề cập một cách cụ thể, rõ nét đến Thiên Chúa là ai?Người như
thế nào? Người có phải như chúng ta thường tưởng tượng, suy đoán? hoặc là một vị
Thiên Chúa khác do tâm trí của chúng ta vô tình tạo ra? Nói một cách cụ thể,
chúng ta có xu hướng tạo cho riêng mình một vị Thiên Chúa quyền năng bằng cách
Người phải trừng phạt hết tất cả bọn người xấu xa, dẹp trừ hết mọi bất công xã
hội, mang lại lợi ích kinh tế cho mọi người! Nhưng Thiên Chúa thật của chúng ta
phải chăng như chúng ta nghĩ?
Nơi cuộc sống thường ngày, mỗi lần
chúng ta nghiêm trang ghi dấu Thánh Giá trên mình là lúc chúng ta đang tuyên
xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tuyên tín và xác tín rằng: Thiên Chúa
Ba Ngôi luôn ngự trị trong tư tưởng, lời nói, hành động, con người mọn hèn bất
xứng của chúng ta; hay nói cách khác, chúng ta thuộc vềThiên Chúa Ba Ngôi. Hơn
nữa, mỗi lúc chúng ta bắt đầu hay kết thúc công việc gì thì chúng ta cũng làm dấu
Thánh Giá trên ta như một lời xác tín, nguyện cầu, xin Thiên Chúa Ba Ngôi soi
trí mở lòng, hướng dẫn, đồng hành với ta trong công việc và cảm tạ Người đã
luôn hiện diện, trao ban, cho chúng ta cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Người
trong mọi sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi
một cách thân mật, gần gũi nhất mỗi khi tham dự vào Bàn Tiệc Thánh (Thánh Lễ).
Qua vị chủ tế, Thiên Chúa chào mỗi người chúng ta, Người mời gọi mỗi người
chúng ta sống tháp nhập vào tình yêu, ân sủng, bình an của Người và kết hiệp với
Người “nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tình
yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị
em” (x. 2Cr 13, 13). Và rồi trong suốt Thánh Lễ, chúng ta được cảm nghiệm Mầu
Nhiệm này qua Lời Chúa, được nếm mùi vị hạnh phúc đích thật nơi Thiên Chúa Ba
Ngôi qua việc rước lấy chính sự sống của Người; sau cùng, trước khi kết thúc
Thánh Lễ, Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ nơi tâm hồn, chúc lành cho mỗi người chúng
ta qua vị chủ tế,“xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, ban
phúc lành cho anh chị em”, và Người ước mong chúng ta sống với Người, trở nên
chứng nhân yêu thương, hiệp nhất, bình an trong mọi trạng huống cuộc đời ta như
lời kết thúc Thánh lễ “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, hay
nói một cách khác “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị ra đi, trở nên chứng nhân
tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Vị Thiên Chúa ấy cũng chính là Thiên
Chúa mà ông Mô-sen đã được diện kiến như bài đọc I trích sách Xuất Hành thuật lại
“Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh
34, 6), và được Thánh Sử Gio-an trình bày cụ thể, sống động hơn về một Thiên
Chúa đầy nhân hậu, vượt trên mọi trí hiểu, khôn ngoan, tầm cao vĩ đại của con
người “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những
ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời,…” (Ga
3, 16) và “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian,
nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Dừng lại nơi
đây, chúng ta cùng nhau xem lại tư tưởng của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi như thế
nào? “Thiên Chúa đầy lòng thương xót, từ nhân...” (x. Xh 34, 6), nhưng đôi lúc
chúng ta muốn Thiên Chúa biểu dương quyền năng của Người trừng phạt những ai ‘cản
mũi kỳ đà’ chúng ta, và nếu như Chúa thương xót, từ bi thì xin tỏ lòng từ nhân,
xót thương con, còn con có học sống, biểu lộ lòng thương xót này cho người khác
hay không, đó lại là chuyện của con! “Thiên Chúa bao dung, khoan nhân…” (x. Xh
34, 6), nhưng chúng ta chỉ muốn Người khoan nhân với chính ta, còn những người
khác không thuộc nhóm, không thuộc gu, không thuộc chính kiến, quan điểm,
v.v…thì đừng bao dung!! “Thiên Chúa chẳng tiếc gì, kể cả chính Con Một yêu dấu
của Người, mà Người trao ban cho ta để nhờ Người, thế gian được cứu độ” (x. Ga
3, 16), chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương đến dường nào, Người đã hiến
trao chính Con Một Người để cứu độ chúng ta, để mời gọi chúng ta biết sống hy
sinh cho tha nhân, bỏ mình, bỏ cái tôi, bỏ định kiến, thói quen xấu, v.v…,
nhưng tiếc thay, mỗi khi động đến quyền lợi, ích lợi cá nhân thì chúng ta ‘nắm
khư khư’ chẳng bao giờ buông !!! “Thiên Chúa không sai Con của Người để luận phạt
thế gian, nhưng nhờ Con của Người, thế gian không phải bị hư mất…” (x. Ga 3,
17), Thiên Chúa chẳng lên án, kết án chúng ta, nhưng chính chúng ta lại có xu
hướng chụp mũ, lên án, xét đoán anh chị em, ‘treo bản án kết liễu’ cuộc đời cho
tha nhân. Một trong 3 chứng nhân được ơn diện kiến Đức Mẹ tại Fatima, Bồ Đào
Nha (13/5-13/10/1917), đó là Sơ Lucia (đã qua đời) từng nói về Sứ Điệp Fatima
như sau: “Thiên Chúa chẳng bao giờ kết án ai phải xuống hoả ngục cả; nhưng vì
con người dùng tự do mà Thiên Chúa ban cho để lựa chọn mà thôi”. Nếu ai càng
xét mình trước khi xét đoán người khác, thì càng trở nên người đang sống, cảm
nghiệm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi! Nếu ai càng nỗ lực sống như Thánh Phao-lô răn dạy:
“Hãy vui lên, hãy nên trọn lành, khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí, và hoà
thuận với nhau…” (x. 2Cr 13, 11), thì “…Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn bình an và
tình yêu sẽ ở với người ấy” (x. 2Cr 13, 11), hay nói cách khác: người ấy đang cảm
nghiệm, sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi nơi đời thường của mình!
Thiên Chúa Ba Ngôi từ ái,
Sống trong sâu thẳm, hiện tại đời
con.
Lòng con bất xứng, hao mòn
Người hằng mời gọi, mãi trọn khoan
nhân.
Xét mình, chớ xét (đoán) tha nhân
Luôn vui, sống trọn, ân cần chia san.
Thiên Chúa - nguồn mạch bình an
Ba Ngôi hiển trị, trao ban ân tình.
Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét