Thu 08/06/2023 - Lm Nguyễn
Văn Nghĩa
ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG
(Lễ Mình và Máu Thánh Chúa
Kitô năm A).
“Thật, Tôi bảo thật các
ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống
nơi mình.” (Ga 6, 53). Khi Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói trịnh trọng theo văn
phong thời bấy giờ “thật, Tôi bảo thật.. (Amen…Amen…)” thì không chỉ nói lên tầm
quan trọng của nội dung lời tuyên bố mà còn nói lên tính tất yếu và thiết yếu của
chân lý đối với thính giả bấy giờ và nhân loại mọi thời. Căn cứ vào những lời
Chúa Giêsu tuyên phán ở trên, chúng ta thử hỏi rằng những thính giả lúc bấy giờ,
thực sự có sự sống nơi họ không. Hay nói cách khác, cần phải đặt vấn đề: sống
là gì?
SỐNG LÀ GÌ?
Một câu hỏi không dễ trả
lời. Câu trả lời khá phổ thông: sống là động. Trạng thái động đối lập với trạng
thái tỉnh (bất động). Trạng thái này có thể là di động, chuyển động, cử động
hay hành động. Nếu mô tả tình trạng sống là trạng thái động, thì vừa thái quá lại
vừa bất cập. Các khoáng sản như đất đá hay lớn hơn như quả địa cầu, các tinh
tú…chúng hằng di động và đang chuyển động. Vậy chúng đang sống ư? Với sinh vật
bậc cao là con người, nếu ở trong tình trạng hôn mê, không còn hành động cũng
chẳng cử động thì đã chết chưa?
Dưới cái nhìn sinh hóa
thì sống là một quá trình tổng hợp và trao đổi các hợp chất hữu cơ. Các học giả
trình bày khái niệm: sống là tồn tại có trao đổi chất với môi trường bên ngoài,
có sinh đẻ, lớn lên và chết. Một số triết gia vừa thực tế vừa phũ phàng cho ta
thấy sống là một quá trình tích lũy năng lực: sức khỏe, tiền bạc, địa vị…để tiến
dần về nấm mộ (cái chết).
Quả thật nếu quan niệm sống
như là một tình trạng đối lập với chết thì cuộc sống của con người trên bình diện
thể lý tự nhiên đúng là nghịch lý và phi lý. Và rồi người ta dễ dàng đồng quan
niệm với anh em Phật tử rằng cuộc sống (đời) là bể khổ với cái vòng lẫn quẩn
thành - trụ - hoại – không; sinh - lão - bệnh - tử.
Dưới nhãn quan Kitô giáo
theo ánh sáng Lời mạc khải thì sống là một trạng thái, đúng hơn là một động
thái ở cùng, ở với và ở trong Đấng là nguồn sống, là Đấng Sáng tạo, là căn
nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu, đặc biệt của loài người. Con người khi tự
ý cắt lìa, xa rời Thiên Chúa là đi vào cõi chết hay là đã chết, cho dù cơ thể
còn sinh động, còn tổng hợp các chất hữu cơ…
Sách Sáng Thế ký diễn tả
chân lý này khi cho thấy loài bụi đất chỉ thực sự là sống khi được Giavê thổi
sinh khí vào (x.St 2,7). Đến đây chúng ta mới hiểu được ý nghĩa lời Chúa trong
sách Đệ Nhị Luật khi Giavê thử thách dân Người trong hoang mạc, khi để họ phải
chịu đói cùng cực rồi ban Manna từ trời nuôi sống họ để họ ý thức, đúng hơn là
để họ tin nhận rằng: “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do
miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3).
“Tôi là bánh hằng sống từ
trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Một lời tuyên bố
công khai gây nhiều tranh cãi cho thính giả bấy giờ. Quả là chối tai! Nhưng đó
là sự thật, một sự thật nền tảng và thiết yếu cho con người đến nỗi Chúa Giêsu
trình bày một cách thẳng thừng tới mức “sống sượng”, không chút rào đón xa gần.
Người còn tái khẳng định chân lý ấy ở dạng thức đối nghịch: “Thật, Tôi bảo thật
các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống
nơi mình” (Ga 6,53). Chúng ta nhận ra tính tất yếu và khẩn thiết của chân lý
này qua thái độ của Chúa Kitô là sẵn sàng chấp nhận người ta, kể cả các môn đệ
rời bỏ Người. Và Người không ngần ngại để tự do cho cả nhóm Mười hai (x.Ga
6,60-71).
ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG
CẦN PHẢI ĐÓN NHẬN NGUỒN SỐNG TỪ THIÊN CHÚA VÀ HÀNH XỬ THEO SỰ SỐNG THIÊN LINH.
Thiên Chúa có thể ban cho
nhân loại sự sống của Người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Mình Máu Chúa Kitô
chính là một trong những phương thế đặc biệt Chúa ban sự sống của Người cho
nhân loại chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta dễ dàng tin nhận chân lý này hơn người
Do Thái xưa, vì chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên
vấn đề đặt ra là chúng ta có biết sống, cư xử, hành động theo nguyên lý hoạt động
của sự sống Thiên Chúa không.
Sự sống của Thiên Chúa
chính là tình yêu giữa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu
ấy được tỏ bày qua dòng lịch sử, qua lịch sử ơn cứu độ và được tỏ bày cách trọn
vẹn, hoàn hảo cho nhân loại nơi Đức Kitô, Ngôi Hai nhập thể làm người. Dựa vào
lời mạc khải và qua lời dạy của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp
Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta cùng xem xét một vài sắc thái của tình yêu
Thiên Chúa :
Một tình yêu thể hiện qua
tình bạn (Filia): Ngay từ thưở đầu công trình sáng tạo, Giavê đã ngày ngày dạo
chơi với con người và con người ở trước nhan Giavê cách thân tình như bạn hữu.
Sau khi phạm tội thì con người mới lánh mặt Giavê (x.St 3,8). Khi đã biết đến
giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho các môn đệ: “Thầy
không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy
đã gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy
đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Đã là bạn hữu chân thành
thì luôn tín nhiệm nhau. Sự tín nhiệm được thể hiện không chỉ qua việc tỏ bày
cho nhau cả những sự sâu kín của mình mà còn sẵn sàng trao phó trách nhiệm, cả
trong những việc lớn lao, cao cả lẫn hệ trọng. “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều,
cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy bá chủ cá biển, chim trời…”(St
1,28). Ngay từ đầu Giavê đã trao phó nhiệm vụ làm chủ vũ trụ thiên nhiên cho
con người. Đến thời viên mãn Chúa Kitô lại trao phó việc rao giảng Tin Mừng cứu
độ cho các môn đệ (x.Mt 28,16-20).
Một tình yêu thể hiện qua
việc đón nhận và trao ban (Eros và Agapê): Khi tạo dựng con người Giavê Thiên
Chúa đã sáng tạo loài tạo vật hữu hình cao cả nhất là loài người giống hình ảnh
và họa ảnh của mình (x.St 1,26-27). Có thể nói đây là một sự đón nhận toàn vẹn.
Xem ai như chính mình là một sự đón nhận hết cả tấm lòng. Trên thập giá, đôi
tay của Chúa Kitô giang ra, Trái Tim cực thánh của Người mở tung, là hành vi
tình yêu đón nhận cách hoàn hảo và trọn vẹn. Người đón nhận cả những lời hoan
hô Người khi Người vào thành thành Giêrusalem lẫn cả những lời nhục mạ khinh
khi của nhiều người Do Thái bấy giờ. Người đón nhận lời tuyên tín của Phêrô
thay mặt nhóm Mười Hai: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai…” (Ga 6,68) và đón nhận
cả sự phản bội, sự hèn nhát của các ngài khi bỏ Thầy chạy cứu lấy thân mình.
Người đón nhận nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ vốn ghen tức tìm mọi
cách loại trừ Người và đón nhận cả sự mê lầm của họ (x. Lc 23,34).
Khi đón nhận con người như
là hình ảnh của mình, Giavê Thiên Chúa đã trao ban chính công trình sáng tạo của
mình, một công trình như mới khởi đầu. Và Chúa Kitô khi đón nhận các môn sinh
làm bạn hữu thì Người đã trao ban công trình cứu độ mà Người vừa khai mở. Khi
đón nhận bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa thì Ngôi Hai đã thực sự trao
ban chức vị làm con Thiên Chúa cùng với gia sản thừa kế cho loài người.
Chính khi đón nhận là lúc trao ban. Chính lúc
trao ban là lúc đón nhận. Cả hai động thái trao ban và đón nhận luôn quyện lẫn
vào nhau trong một tình yêu đích thực. Và tình yêu ấy bắt nguồn từ Đấng là Tình
Yêu (x.1Ga 4,8). Hôm nay chúng ta cùng tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô trao ban cho
chúng ta chính Máu Thịt của Người qua Bí Tích Thánh Thể. Hiện diện trong Thánh
Thể là trọn vẹn Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa với thiên tình và nhân tính của
Người. Trao ban cho ta Thân Mình Người là Chúa Kitô đón nhận chúng ta nên một với
Người. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này: “Thưa anh em, khi ta
nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa
Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người
sao?” (1 Cor 10,16).
Được dự phần vào Mình và
Máu Thánh Chúa Kitô là để được sống. Và sự sống đích thực này phải được thể hiện
bằng tình yêu. Đó là tình yêu sẵn sàng đón nhận tha nhân, cả ưu điểm lẫn khuyết
điểm, cả mặt nổi trội lẫn khía cạnh hạn chế… Đó là tình yêu sẵn sàng trao ban
những gì tốt nhất, đẹp nhất của ta cho tha nhân và trao ban cả con người của
ta, sự sống của ta. Và đó phải là tình yêu luôn tìm cách nâng nhau lên hàng bạn
hữu. Nếu như được vậy, thì một điều chắc chắn là chúng ta đang sống thực sự và
thực sự đang sống cách dồi dào.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –Ban Mê Thuột
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét