Sun, 04/06/2023 - Trầm
Thiên Thu
MIỄN PHÍ
Bánh
Thánh Trên Trời Tự Hạ Xuống
Phàm
Nhân Dưới Đất Được Đưa Lên
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa
đã tha thiết mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu
không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng
nào.” (Is 55:1) Đó là cách “tiên báo” về Thánh Thể, và có liên quan đức tin – mệnh
danh là “mầu nhiệm đức tin.” Giáo Hội đã xác định như vậy. Mỗi khi lãnh nhận
Thánh Thể, chúng ta có trách nhiệm “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng
Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến.”
Có nhiều loại lương thực,
bánh là một loại thực phẩm, ăn để no một thời gian rồi lại cần ăn nữa, thậm chí
mỗi ngày người ta còn phải ăn vài lần mới ổn cái bụng. Và rồi ai cũng phải chết,
dù no hay đói, dù ăn bất cứ loại thực phẩm nào – kể cả loại thực phẩm chức năng
hoặc loại được coi là “để… trường sinh.” Có nhiều loại bánh: dẻo, cứng, ướt,
khô, ngọt, mặn,… và cả bánh chay nữa. Thích gì ăn nấy, đủ loại có thể tự chọn
theo sở thích riêng.
Sự sống liên quan việc ăn
uống, liên quan ẩm thực. Ăn để sống, chứ không sống để ăn. Lương thực là một phần
thiết yếu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ
vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của
Trung cộng. Do đó, người ta càng văn minh lại càng đáng quan ngại về thực phẩm
– kể cả các dụng cụ, nghĩa là rất cần có sự an toàn trong cuộc sống.
Sống thì phải ăn. Ăn để sống,
không sống để ăn. Có một loại bánh đặc biệt là Bánh Trường Sinh, tức là Thánh
Thể. Chúa Giêsu xác định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không
hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35) Thật vậy, chị
Marthe Robin (1902-1981, người Pháp) là người chứng tỏ điều Chúa Giêsu đã nói.
Chị Marthe ốm yếu từ nhỏ, rồi bị liệt năm 28 tuổi, và thi thoảng được Chúa Giêsu
hiện ra. Chị không thể ăn uống được bất cứ thứ gì, chị chỉ sống nhờ Thánh Thể
trong suốt 51 năm. Ngày 7-11-2014, Giáo Hội đã tôn phong chị là Bậc Đáng Kính.
Thánh Thể là bằng chứng
hùng hồn về Lòng Chúa Thương Xót, và liên quan đức tin, đức tin liên quan cách
thể hiện yêu thương, liên quan cuộc sống và con người – đặc biệt là những con
người hèn mọn. Mẹ Thánh Teresa Calcutta lý giải: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu
trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Vô hình mà hữu
hình. Rất cụ thể, rất thực tế!
Đối với Bí tích Thánh Thể,
chúng ta phải có đức tin trưởng thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm
giác. Chỉ có đức tin mới thực sự cảm nghiệm được Mình và Máu Thánh của Đức
Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Vấn đề tín lý quan trọng lắm. Tương tự, khi
nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không rất nguy hiểm. Ngày xưa có
nhiều tà thuyết hoặc dị giáo – chẳng hạn: Manichaeism (khoảng 216–276),
Donatism (năm 311), Macedonianism (khoảng năm 362), Arianism (thế kỷ IV),
Nestorianism (giữa thế kỷ IV–V), Priscillianism (thế kỷ IV–V), Pelagianism (thế
kỷ V), Albigensianism (thế kỷ XII–XIII), Calvinism (1570), Jansenism (thế kỷ
XVII),...
Đó là do niềm tin sai lạc
và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức tin Công giáo. Hãy cố gắng tâm niệm
như Thánh nữ Catharina Senensis (Catarina Siêna, 1347–1380): “Mặc dù tôi u mê yếu
đuối, nhưng tôi quyết không thất vọng đem linh hồn của tôi ẩn núp vào trong các
vết thương của Chúa Giêsu, xin Máu Thánh của Chúa Giêsu rửa sạch tội lỗi của
tôi.” Ngày nay cũng vẫn có các tà thuyết nhưng ở dạng khác, tinh vi hơn nên khó
nhận ra. Nên lưu ý: Thông minh giỏi giang là tốt, nhưng cũng rất nguy hiểm vì dễ
ảo tưởng và ảo giác!
Ai cũng biết rằng lương
thực và thực phẩm rất cần. Thật vậy, cũng chỉ vì “miếng ăn” mà chiến tranh
không ngừng xảy ra. Các dạng tội phạm cũng vì đó mà leo thang. Để hỗ trợ dân
nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp Quốc đã thành lập tổ chức FAO (Food and
Agriculture Organization – Tổ chức Lương Nông) ngày 16-10-1945 tại Canada. Trên
logo của FAO có dòng chữ “Fiat Panis” bằng La ngữ, nghĩa là “Để Có Lương Thực,”
Anh ngữ là “Let There Be Bread.” Tổ chức này nhằm ba mục đích: [1] Nâng cao mức
sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; [2] Nâng cao hiệu quả
sản xuất lương thực và nông sản; [3] Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế
giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói.
Ăn uống là một trong tứ
khoái của con người, ăn là hành động đứng đầu, là “đệ nhất khoái.” Tuy nhiên,
miếng ăn cũng có thể làm cho người ta vinh hoặc nhục. Có lẽ vì vậy, nhất là với
người có lòng tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.”
Ăn cũng có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn
không chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người
ăn (với mình) cũng ngon. Thế mới đủ “độ” ngon. Một chuỗi nghệ thuật liên quan.
Quả thật, chuyện ăn uống cũng đủ kiểu và đủ mức, nhiêu khê lắm!
Thấy người ta đói khát,
Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương mà làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hai lần cho
đám người quên cả cái bụng vì Ngài. Các thánh sử đã ghi lại phép lạ mà Chúa
Giêsu đã làm bằng cách hóa bánh ra nhiều: lần một, (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc
9:10-17; Ga 6:1-14) với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã cho 5.000 người no nê,
phần dư còn thu được 12 thúng đầy; lần hai, (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10) với 7 cái
bánh và vài con cá, Ngài cũng đã cho 4.000 người no nê, phần dư còn thu được 7
thúng đầy. Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong Dạ
Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu chết vì tội chúng ta. Máu và thịt là dấu chứng
tỏ của sự sống, và không thể tách rời.
Suốt 40 năm dân Chúa đi
qua sa mạc tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là manna, cứ ăn mãi nên dân
chán ngán. Chán ngán đồ ăn không mùi vị nên thèm đồ ăn ngon ngày xưa thường ăn,
đám dân ô hợp sống giữa dân Israel bắt đầu cảm thấy không chịu nổi, họ và cả
con cái Israel đều khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở
nào ta ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ,
nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy
manna thôi.” (Ds 11:4-6)
Môsê cũng “nhức đầu” lắm,
vì họ đòi thịt thì lấy đâu giữa sa mạc khô cằn và hoang vu như vậy? Kinh Thánh
cho biết rằng manna là loại “bánh từ trời,” nhìn như hạt ngò và trông như nhựa
hương. Lạ lắm. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà
nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên
dầu. Đêm về, sương rơi trên doanh trại, và manna cũng rơi xuống. (Ds 11:7-9)
Cái món “đặc sản” manna lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì… ngán lắm!
Thấy dân như vậy, Môsê “cầu
cứu” Chúa. Rồi Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả mét, dân
cứ việc lượm mà xơi cho đã cơn thèm. Nhưng ai cũng tham nên lượm nhiều để dành,
thế nên Chúa nổi trận lôi đình. (Ds 11:31-33) Tham thì thâm. Thần khẩu hại xác
phàm. Cái miệng hại cái thân Có ăn mà không khéo cũng khổ vậy! Có lẽ chúng ta
cũng chẳng hơn gì dân xưa. Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ vì người ta sai trái,
đã vậy còn cứng đầu cứng cổ, ngang bướng. Được ăn chưa biết cảm ơn lại dám nổi
loạn. Vô ơn bạc nghĩa! Nhưng Ngài vẫn nhân từ, vẫn tha thiết mời gọi đến để được
Ngài làm cho thỏa cơn đói khát, đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. (x. Is 55:1) Đó
cũng là “lời mời gọi cuối cùng.”
Ông Môsê nhắc nhở: “Anh
em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh
em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy
Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh
của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho
anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng
biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm
bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Ðnl 8:2-3) Chính Đức
Kitô cũng đã từng nhắc nhở y như vậy. (Mt 4:4; Lc 4:4) Xác cần ăn thì hồn cũng
cần ăn, có vậy mới sống và phát triển toàn diện.
Ông Môsê dẫn chứng cớ cụ
thể: “Bốn mươi năm qua, áo anh em mặc đã không rách, chân anh em đã không sưng
lên.” (Đnl 8:4) Ông tiếp tục giải thích và động viên: “Thiên Chúa của anh em, Đấng
đã đưa anh em ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong
sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn
không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống.
Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn manna, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng
biết, để bắt anh em phải cùng cực và thử thách anh em, hầu làm cho anh em được
hạnh phúc trong tương lai.” (Ðnl 8:14-16)
Thế nhưng trái tim phàm
nhân bằng đá hoặc đã xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, cứ tưởng
mình là “cái rốn của vũ trụ,” tự nhận mình là “số dzách,” cho nên lúc nào cũng
chỉ chực nổi loạn. Lô-gích thôi. Đó là chúng ta có “gen kiêu ngạo” của Ông Bà
Nguyên Tổ! Ôi, phàm nhân chúng ta dễ vô ơn lắm, dù có lãnh nhận đại ân. Và rồi
chúng ta cũng rất “chảnh,” luôn nghĩ mình “ngon lành,” tự nhận mình là ân nhân,
mặc dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố thí
(thay vì vứt bỏ). Thánh Vịnh gia nhắc khéo bằng lời mời gọi: “Giêrusalem hỡi,
nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà
ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.
Cõi biên cương, Người thiết lập hòa bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.”
(Tv 147:12-14)
Dân Israel là Dân Riêng của
Thiên Chúa, là hiện thân của chúng ta, vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài.
Chúng ta cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ơn. Thật vậy, Thánh Vịnh gia nói: “Chúa
bày tỏ lời Ngài cho nhà Giacóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối
xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người.” (Tv
147:19-20) Với lòng đại lượng bao la, Thiên Chúa ban tặng chúng ta mọi thứ, đặc
biệt là chính Con Một Yêu Dấu của Ngài. Đó là hệ quả của “khối tình si” của
Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con
của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)
Vâng, Ngài yêu thương
chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (x. Rm 5:8) Thánh Phaolô đặt vấn đề:
“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào
Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân
Thể Người sao? Bởi vì chỉ có MỘT tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng MỘT
Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là MỘT thân thể.” (1 Cr
10:16-17) Chữ MỘT rất quan trọng! Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải biết
yêu thương nhau – bằng mọi động thái, bằng cả con người của chúng ta.
Có lần Chúa Giêsu nói với
người Do Thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống
muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống.” (Ga 6:51) Có vẻ họ “chói tai” nên tranh luận sôi nổi và đặt vấn đề: “Làm
sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52) Với trí tuệ
loài người, tất nhiên làm sao họ hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa
Giêsu nói lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu.
Tất nhiên Chúa Giêsu biết
tuốt, và Ngài nghiêm túc nói với họ, đồng thời vừa xác định vừa giải thích: “Thật,
tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông
không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn,
và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và
tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống
nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là
bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:53-58)
Chúa Giêsu không chỉ làm
cho chúng ta sống, vì chính Ngài là Sự Sống, (Ga 14:6) mà Ngài còn cho chúng ta
được sống dồi dào. (Ga 10:10) Rồi ngay tại Bữa Tiệc Ly, điều đó đã được Đức
Giêsu thực hiện, đồng thời đó cũng là cách Ngài thực hiện lời hứa của Ngài: “Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Một cách tương tự là Ngài
cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ
khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14:16) Chúa Thánh Thần vẫn đang ở với
chúng ta hằng ngày cùng với Thánh Thể.
Mặc dù là “bánh từ trời,”
nhưng manna chỉ là lương thực bình thường, là loại bánh ăn để sống phần xác,
nghĩa là có ăn bao nhiêu rồi cũng... chết. Ngược lại, Mình và Máu Đức Kitô là
lương thực thiêng liêng, vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược, ăn để có sự sống
và được điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc biệt là Thánh Thể làm cho chúng
ta bất tử và được hưởng phúc trường sinh. Thánh Thể là Của Ăn Đàng, là Thần
Lương tăng lực để chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành trần
gian.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ
là chúng ta đón rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Vua Trời Đất vui mừng
hòa tan vào chúng ta, nên một với chúng ta, thật là đại phúc đối với phàm nhân
chúng ta.
Ước gì sau khi rước lễ,
chúng ta dành vài phút để cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót, và
tâm sự với Ngài. Thực sự Ngài rất muốn lắng nghe chúng ta về mọi điều buồn vui,
đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi đó rất
cần thiết và sinh nhiều ích lợi cho đời sống của mỗi chúng ta. Bí tích Thánh Thể
luôn “gắn liền” với đức tin. Mà đức tin (nói chung) là điều rất quan trọng
trong đời sống Kitô hữu, nhưng cũng phải thận trọng lắm, vì có thể dễ trở thành
cuồng tín hoặc tin lệch lạc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
xin thêm đức tin cho lòng tin còn yếu kém của chúng con, xin dùng Lửa Mến biến
chúng con thành khí cụ tình yêu của Ngài, xin hoán cải và làm cho chúng con xứng
đáng rước Ngài mỗi ngày suốt đời này. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với
Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét