Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Các việc đạo đức

 

Wed, 21/06/2023 - Huệ Minh

21.6 Thánh Aloysius Gonzaga, Tu Sĩ

2 Cr 9:6-11; Tv 112:1-2,3-4,9; Mt 6:1-6,16-18

Các  việc  đạo  đức

          Thánh Aloysius là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.

          Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí. Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.

          Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.

          Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.

          Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.

          Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.

          Cầu nguyện, ăn chay, bố thí là ba hình thức mà tín đồ nhiệt tâm, đạo đức của các tôn giáo thường làm. Đó là những việc thiện mà con người càng thành kính thi hành bao nhiêu thì càng đạt đến sự trưởng thành nhân bản bấy nhiêu. Tuy nhiên, những việc thiện tốt lành ấy lại bị con người lạm dụng cách không thương tiếc và nhiều khi lại gây ra nhưng hậu quả khó lường.

          Quả thế, trong ba việc thiện ấy thì cầu nguyện là việc dễ làm nhất. Ai cũng có thể cầu nguyện, cầu nguyện thường xuyên và nhiều lần, nhưng có mấy ai biết cầu nguyện đúng cách. Và đúng như từ ngữ người ta thường dùng ‘cầu xin’ – Người ta đồng hóa việc cầu nguyện với việc ‘cầu cạnh, xin xỏ’ – vô hình chung người ta  biến Thiên Chúa thành một ‘vị thần đèn’ để xin cái này cái kia,  mà không biết rằng cầu nguyện chính là thiết lập mối tương giao thân thân mật với Thiên Chúa là cha yêu thương vô cùng, và điều quan trọng là tìm kiếm và thi hành ý Cha. Chính vì tương quan thân mật và rất riêng tư ấy mà Chúa Giêsu dạy: Khi cầu nguyện “hãy vào phòng đóng cửa lại, cầu nguyện với Đấng hiện diện ở nơi kín đáo…” (x.c.6 )

          Có những người tham gia những giờ cầu nguyện chỉ là để phô trương cho người ta thấy, biết mình đạo đức; cũng có những người tham gia cầu nguyện như một hình thức để tụ tập giao lưu, và lắm khi những cuộc gặp gỡ như thế lại phát sinh những  vấn đề tiêu cực như nói hành, nói xấu, bình phẩm không tốt về người khác; cũng có những nơi thì việc đọc kinh cầu nguyện trong khu xóm  là dịp để các ông lai rai nhậu nhẹt … Đó là những điểm tiêu cực tồn đọng mà mỗi Ki-tô hữu chúng ta cần xét lại để hoán cải  và canh tân như lời cảnh tỉnh và mời gọi  của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay, đồng thời sống tinh thần cầu nguyện đích thực như Người dạy hầu trở nên con thảo của Cha trên trời.

          Thứ đến là ăn chay. Chay tịnh là một việc đạo đức tốt lành giúp con người kềm hãm xác thịt, làm chủ bản thân. Đối với người Ki-tô hữu ngày nay, luật Hội Thánh chỉ buộc một năm ăn chay hai ngày đầu và cuối mùa chay: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh – ngày Chúa Giêsu chịu chết. Tuy thế, ngày nay, trong cuộc sống luôn gia tăng các nhu cầu hưởng thụ thì đối với không ít người, việc chay tịnh là rất khó khăn. Và ở nhiều nơi, nhiều người còn giữ tục lệ ‘ba béo’ – trước thư tư lễ tro và ‘năm béo’ trước thứ sáu tuần thánh, nghĩa là người ta sẽ ăn ngon, ăn thỏa thuê trước ngày ăn chay - người ta tìm cách ăn bù trước hoặc sau ngày chay. Lại có những người giữ luật kiêng thịt bằng cách ăn hải sản đắt tiền.

          Vì vậy để trở về với Tin mừng, Giáo hội luôn mời gọi con cái mình giữ chay tịnh bằng cả tinh thần; sự chay tịnh phải hết sức tự nguyện và được thực hiện trong vui tươi; không những chay tịnh bằng việc kiêng ăn uống mà còn phải chay tịnh trong cả cách nghĩ, cách nói và thực hiện những nghĩa cử yêu thương; ăn chay không phải là để dành tiền để bữa khác ăn bù, nhưng là để chia sẻ với những người nghèo đói và kém may mắn hơn mình.

          Về việc bố thí. Trong một xã hội thực dụng ‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’ hoặc ‘thả con tép, bắt con tôm’ thì việc bố thí, chia cơm sẻ áo cho tha nhân lại càng hiếm hoi. Hoặc người ta bố thí theo hình thức ‘khua chiêng đánh trống’ để tìm danh lợi, lấy tiếng khen. Cũng có khi người ta bố thí chỉ là để thải ra những đồ thừa, hết hạn sử dụng, không thể sử dụng hoặc đem lại lợi nhuận cho họ - những việc bố thí như thế thường hạ thấp hơn là nâng cao nhân phẩm con người. Lại có những hình thức làm việc từ thiện để che lấp tội ác của mình như buôn thuốc phiện, buôn lậu, buôn người…. Chúa Giêsu dạy “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm để việc bố thí được kín đáo” (c. 3) cho thấy Thiên Chúa muốn việc từ thiện, tương thân tương ái phải phát xuất từ trái tim chân thành biết yêu thương, rung cảm trước sự bất hạnh, nỗi đau của tha nhân. Vì vậy việc bố thí là để phục vụ, nâng cao nhân phẩm con người, giúp con người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn chứ không thể trở thành hình thức khỏa lấp lương tâm hay mưu tìm danh lợi cho mình.

          Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

          Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét