Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Father’s Day năm 2015 - Có những ông bố như thế đó!

Father’s  Day  năm  2015
Có  những  ông  bố  như  thế  đấy!



Các Bạn thân mến,

Thật không công bằng khi suy nghĩ hay nói rằng các ông bố  không thể đảm đang việc nhà, không thể chăm nuôi con nhỏ, không thể nấu nướng, không thể khéo léo, nhẹ nhàng làm những việc phụ nữ thường làm phải không?

Hiện nay còn có những ông bố đặc biệt không chỉ rất giỏi về những công việc mà khi xưa riêng phụ nữ mới làm, mà còn lên đến chức“Vua” nữa như vua đầu bếp, vua cắt uốn tóc, vua thợ may, vua cắm hoa, vua trang điểm… ở Việt Nam các cậu, cac ông còn làm cả giáo viên nhà trẻ, mần non nữa!

Hôm nay duyenky xin nói đến các ông chồng bình thường, nghĩa là chỉ chuyên làm những công việc của “đàn ông”. Nhưng khi “cờ đến tay” họ thì họ cũng phải phất, và họ đã phất khá tốt, khá thành công đấy! Nghĩa là khi vì một lý do nào đó mà người vợ vĩnh viễn không còn ở bên cạnh các ông nữa như khi vợ chết, bệnh tật, đi nước ngoài hay đi tìm “một nửa” khác... để lại cả “gia tài của Mẹ” cho các ông trông nom, quản lý! Thì các ông cũng phải làm, mặc dù những công việc đó bản chất không phải là của mình, nhưng các ông đã sẵn sàng đón nhận,  dù ban đầu khiến các ông bối rối không ít vì vừa làm bố, vừa làm mẹ, nhiều khi cười ra nước mắt nữa!

Xin mời các Bạn cùng đọc những bài viết chia sẻ về chuyện“gà trống nuôi con” để thông cảm cùng như ái mộ các ông vừa làm bố, vừa làm mẹ đó nhé!

I. Gà trống nuôi con

Dân trí Nói đến chăm sóc, nuôi con khi chỉ có một mình, phụ nữ dường như đang được ưu ái hơn với những tên gọi như "single-mom" hay "làm mẹ đơn thân", cùng với đó là nhiều lời ngợi ca, khen tặng cho sự độc lập, mạnh mẽ, đảm đang, cùng lúc nhận cả hai vai trò...
Nhưng thử đứng lùi lại và quan sát rộng hơn, tôi thấy đàn ông cũng có những người đang âm thầm làm gà trống nuôi con đấy chứ.

Ít ai dành thời gian nói về họ, mặc dù, đàn ông chăm được con và chấp nhận ở vậy nuôi con còn đặc biệt hơn cả đàn bà dám đương đầu với thử thách đó.

Bởi, đàn ông thiếu một thứ gọi là bản năng chăm sóc con non của giống cái. Phụ nữ có thể làm tốt kỹ năng này ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Họ thích chơi búp bê và được tập luyện qua những trò chơi chăm sóc ấy. Cho đến khi trưởng thành, kỹ năng chăm sóc trở nên nhuần nhuyễn như ăn sâu vào máu thịt, đến mức rất nhiều người lầm tưởng họ sinh ra để làm "thiên chức" ấy. 
Thực tế chẳng có "thiên chức" nào gọi là "chăm sóc người khác" buộc vào vai phụ nữ cả, tôi đồng tình như vậy, song rõ ràng, về khả năng chăm sóc, phụ nữ có lợi thế hơn nam giới. Bởi vậy những ông bố dám ở vậy nuôi con, nên tặng họ điểm cộng đầu tiên cho lòng dũng cảm, dám đối mặt với thách thức vốn dĩ không hề là thế mạnh của mình.
Họ chăm sóc con ra sao? Nếu bạn từng nhìn thấy một ông bố đơn thân buộc tóc cho con, vừa cẩn thận tỉ mỉ lại hơi lóng ngóng vụng về, nếu bạn từng nhìn thấy một ông bố bế cô con gái bé nhỏ dán miếng hạ sốt trên trán đang thiêm thiếp ngủ trong vòng tay, khi ông bố ấy vẫn đang ngồi trước màn hình máy tính làm việc, nếu bạn bắt gặp một ông bố chơi bóng cùng con trai trên bãi cỏ công viên sáng cuối tuần, thì tôi tin câu trả lời  của bạn cũng giống như tôi: Họ làm rất tốt. 
Ở họ không có sự ồn ào than thở, càng không có chuyện các ông bố sẽ tụ tập để nói nhau nghe về việc làm bố đơn thân cực nhọc như thế nào, (có lẽ đó cũng là lý do họ ít được nhắc đến trong vai trò một ông bố đơn thân), nhưng điều đó không có nghĩa họ gặp ít khó khăn hơn hoặc làm không tốt.
Một ông bố có thể sẽ làm được nhiều việc hơn và kiếm được nhiều tiền hơn so với một bà mẹ (thực đáng tiếc, xã hội loài người ở nhiều nơi vẫn đang là như vậy), nhưng tôi nghĩ rằng họ gặp khó khăn ở một khía cạnh khác khi sống đời gà trống nuôi con. Có những ông bố hy sinh tình cảm riêng tư vì con hay không? Có đấy. Có những ông bố phải mất rất nhiều thời gian để kiên nhẫn học cách tắm cho con, pha sữa cho con, chuẩn bị cho con những món ăn riêng nó yêu thích, tìm hiểu về tâm lý của nó theo đặc điểm giới, theo giai đoạn phát triển hay không? Luôn có những người đàn ông như vậy. Họ cũng đáng được nhắc đến như một mặt khác của vấn đề một mình nuôi con.
Cho nên, nếu nhìn nhận vấn đề một mình nuôi con mà bạn chỉ nhìn thấy những bà mẹ đơn thân, thậm chí lớn tiếng phê phán những người đàn ông khiến phụ nữ "phải" lựa chọn đơn thân nuôi con, thì bạn hơi thiếu công bằng. Tôi không phủ nhận một mình nuôi con luôn là việc quá khó, nhưng hãy san sẻ cái nhìn đồng cảm cho cả hai phía, đàn ông lẫn đàn bà. 
Hà Minh

Ai cũng muốn có một gia đình trọn vẹn, đầy đủ nhưng nhiều người phải làm cha đơn thân.
Thấy cảnh hai cha con anh Vũ, phóng viên một tờ báo tại TPHCM, cùng nhau đi học, đi chơi rồi đi chợ, nấu ăn, nhiều người không khỏi ái ngại. “Từ trước đến nay, chuyện gì cũng mẹ cháu lo. Mẹ cháu ra đi đột ngột, tôi cũng suy sụp nhưng phải cố gắng vì con gái”- anh Vũ tâm sự.
Vừa làm cha vừa làm mẹ
Sau cái chết của vợ, mọi thứ trong gia đình anh Vũ đảo lộn. Ngày đầu tiên gọi con gái dậy đi học, bé nằm uốn éo trên giường và nói: “Con chờ mẹ gọi”. Mỗi lần nghe nhắc đến vợ, anh lại muốn khóc nhưng phải kìm lại, dịu dàng với con: “Mẹ ở trên trời biết con không ngoan thì không vui đâu”. Nghe thế, con bé mới chịu đánh răng, rửa mặt rồi thay đồ đi học.
Từ ngày trở thành gà trống nuôi con, anh phải tất tả xuôi ngược vừa lo kinh tế vừa chăm sóc con gái. Những việc như đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đi học..., trước đây vợ làm nay mình anh phải cáng đáng. Có hôm đang phỏng vấn, nhìn đồng hồ thấy đến giờ đón con, sợ cô bé tủi thân, anh phải xin dời cuộc hẹn lại. Anh kể: “May mà nghe hoàn cảnh của tôi, người ta cũng cảm thông, chứ không thì tôi cũng không biết xoay xở thế nào”.
Trong khi đó, anh Huấn, giảng viên trường đại học L. ở TPHCM, lại “đơn thân nuôi con” do một nguyên nhân khác. Chị Linh, vợ anh, nhận học bổng đi học nước ngoài khi con trai họ mới hơn 1 tuổi. Những ngày đầu, Linh còn siêng năng điện thoại, email về hỏi thăm 2 cha con nhưng sau đó thì thưa dần vì “bận học”. Rồi một người bạn ở bên đó báo tin vợ anh thân thiết với một người đàn ông ngoại quốc. Khi anh hỏi, Linh cũng thừa nhận mình phải lòng người đàn ông ấy và sẽ không trở về nữa.
“Chăm con nhỏ vất vả trăm bề nhưng trước đây tôi còn hy vọng là cố gắng một thời gian thì vợ về, giờ thì chẳng còn gì hy vọng nữa” - anh Huấn buồn bã nói. Anh kể những đêm con bệnh, anh thức suốt đêm địu con trên vai đi khắp nhà. Rồi những ngày con mọc răng, đi tước, anh phải vệ sinh, giặt giũ mệt phờ cả người nhưng không biết chia sẻ cùng ai...
Hy sinh cho con
Trong lần gặp tôi mới đây, anh Lâm, kế toán công ty A.P (quận 8 - TPHCM), tâm sự: “Suốt một thời gian dài, tôi không biết cà phê, nhậu nhẹt là gì vì làm việc ở cơ quan xong là tranh thủ về nhà tắm rửa cho 2 đứa nhỏ rồi cho đứa  lớn học, đứa nhỏ ăn. Nhiều lúc tôi tưởng mình không đủ sức để làm nhiều việc đến như vậy”. Vợ ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông, cô con gái lớn của anh Lâm mới 6 tuổi còn cậu con trai nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Thấy hoàn cảnh của Lâm, nhiều đồng nghiệp giới thiệu cho người này, người nọ nhưng anh đều từ chối: “Người ta còn son lấy mình đã 2 con thì thiệt thòi quá. Chưa kể, không biết người ta có thương con mình không?”.

II. Cảm ơn bố, người mẹ thứ hai của con
(Chủ nhật, 15/6/2014 –VnExpress.net)
Mẹ đi nước ngoài năm con 3 tuổi, bố nuôi và chăm sóc con với vai trò người mẹ. Nhà mình thiếu thốn đủ thứ, bố vất vả nuôi dưỡng chị em con mà không lời oán trách.

Thời gian thấm thoát trôi qua con vẫn miệt mài với những bài học để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Bố ơi, sắp tới ngày sinh nhật của bố rồi, con xin gửi tới bố của con lời tri ân sâu sắc nhất. 12 năm đèn sách, nhớ ngày nào bố đưa con vào lớp một, ôm con vào lòng và chở con đi trên chiếc xe máy, lúc đó con bé tí tẹo. Bỡ ngỡ bước đầu rồi cũng qua nhanh, con bước đi trước sự dìu dắt của bố. Ngày đó con cũng không hiểu chuyện gì nữa, mẹ đi nước ngoài năm con 3 tuổi, bố đã nuôi và chăm sóc con với cương vị một người mẹ. Nhà mình thiếu thốn đủ thứ, khó khăn, bố phải vất vả nuôi dưỡng chị em con mà không một lời oán trách. Bố chưa từng một lần đánh con hay có những hành động thô bạo với hai chị em con.
Trong mắt con, bố là người đàn ông mẫu mực, chịu thương chịu khó. Nhớ những ngày học mẫu giáo, chiều nào bố cũng đứng ở cổng trường đợi rồi đưa con về. Nhiều lúc con muốn hỏi về mẹ nhưng bố chỉ bảo mẹ đi làm xa, sẽ về vào một ngày gần nhất. Trong nhà lúc nào cũng chỉ có ba bố con, cứ 5h chiều khi tiếng đài phát thanh xã vang lên là lúc cả nhà mình ăn cơm. Nghe bài hát “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”, con đã hỏi về mẹ, bố chỉ im lặng.
Rồi những buổi trưa hè, buổi chiều đón con đi học về, lưng áo bố ướt đẫm mồ hôi, con hay hỏi bố sao bố tắm mà không lau khô người, bố chỉ mỉm cười ôm chặt lấy con. Giờ đã hiểu những giọt mồ hôi rơi xuống hồi đó để con có được sự trưởng thành như ngày hôm nay. Giọt mồ hôi đó là sự lo lắng, ân cần và chịu đựng trong gian khó để nuôi dạy chúng con.

Ngày con thi vào cấp 3, chị học xa nhà, bữa cơm chỉ còn hai bố con. Bố luôn ủng hộ và bên cạnh động viên nhưng con đã phụ lòng bố. Thi không đỗ con buồn lắm, khóc rất nhiều. Bố không trách mắng hay cáu gắt, chỉ động viên con phải cứng rắn, mạnh mẽ lên. Rồi bố rút hồ sơ chuyển cho con về trường THPT Kinh Môn 2. Ở nơi này con đã tìm thấy được niềm vui của bản thân. Con thấy những tình cảm ấm áp của thầy cô cũng như tình cảm của bố dành cho con mỗi ngày. Con thấy những người bạn cùng con vượt qua những khó khăn trong học tập và những nỗi buồn được sẻ chia.
Đã bao lần con nhìn thấy nét mặt âu lo, mệt mỏi của bố khi hàng đêm chăm chút cho con những lúc ốm đau. Bố chỉ nhìn con với ánh mắt như vừa trách mắng mỗi khi con nghỉ học đi chơi, nói dối. Bố nhìn như vậy rồi lặng lẽ bước đi, để lại con ngẩn ngơ và không biết nói gì. Con ân hận và tự trách mình sao lại để bố muộn phiền, không thốt ra được lời xin lỗi bố.
Bố à, lớn lên con chưa một lần hỏi về mẹ nhưng con không bao giờ trách mẹ. Con hiểu và tôn trọng quyết định đó của mẹ. Cảm ơn vì bố là người mẹ thứ hai của con. Con có hai người mẹ phải không bố? Hình như hai chị em quá ích kỷ khi giữ bố lại quá lâu bên mình. Ngày con học lớp 9 vẫn nhớ bố kể đã quen một người phụ nữ. Lúc đó con hụt hẫng lắm, ích kỷ vì sợ bố sẽ lấy cô ấy, sẽ bỏ rơi con, không còn chăm sóc con nữa.
Ngày bố phải nhập viện vì những buổi làm việc quá sức và những ca trực đêm khi làm tăng ca, cô ấy đến bên cạnh chăm sóc bố. Con đã gào khóc và hất tay cô ấy ra, bố chỉ im lặng ôm con vào lòng. Rồi thời gian cô ấy cũng làm con hiểu đó là hạnh phúc riêng của bố. Bố đã sống trong nỗi niềm thiếu vắng một người phụ nữ bên cạnh chăm sóc quá lâu rồi. Còn bây giờ con rất vui vì bố đã có một gia đình, một mái ấm hạnh phúc, con dần hiểu ra thứ hạnh phúc mà lâu nay bố mong muốn.
Dù thế nào đi nữa con vẫn mãi yêu thương bố bởi những gì đã trải qua trong cuộc sống này, khi con luôn có bố bên cạnh. Bố luôn dạy con phải sống sao để mọi người quý mến. Con luôn ghi sâu lời dạy của bố “Sẽ không cho phép mình sa ngã vào những cạm bẫy của xã hội”. Nếu một ngày kia những khó khăn thử thách của cuộc sống làm con vấp ngã, lúc đó bố đừng nâng con dậy, hãy để con tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình bố nhé. Bố chỉ cần theo dõi con từ xa và khích lệ bằng ánh mắt đầy yêu thương thôi, đó như nguồn sức mạnh tinh thần bố đã truyền cho con mãnh liệt, giúp con thêm tự tin trên con đường dài phía trước. Con cảm ơn bố nhiều lắm. 
Nhím

III. Câu chuyn rơi nước mt v mt "gà trng nuôi con"
(03-06-2013-VnExpress.net)

Ngày con gái nhỏ của anh mới cất tiếng khóc chào đời được 10 ngày tuổi, định mệnh quái ác đã cướp đi mạng sống của người vợ yêu thương nhất của anh. Và hơn 6 tháng nay, người đàn ông này phải vất vả sống cảnh "gà trống nuôi con" với bao nhọc nhằn.
Đó là hoàn cảnh của anh Trình Tuấn. Trải qua biết bao sóng gió, người đàn ông sinh năm 1984 này đã nên duyên cùng chị Nguyễn Thị Phượng và hai người sinh được một bé gái xinh xắn tên Nguyễn Kim Yến Nhi (bé Ủn).
Tuy nhiên, sự đời trớ trêu đã vĩnh viễn chia lìa vợ chồng anh, cướp đi người mẹ của con anh ngay khi bé Ủn cất tiếng khóc chào đời được 10 ngày. Từ đó đến nay, anh Tuấn buộc phải đảm nhận vai trò của cả người cha và người mẹ trong cảnh "gà trống nuôi con" để chăm sóc đứa con nhỏ thân yêu của mình. Hiện anh và con gái nhỏ đang sống tại Bàu Cát, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. 
Cuộc hôn nhân "kết trái" từ câu chuyện tình lãng mạn.
Chuyện tình yêu của anh chị bắt đầu như thế nào?
 Một lần, cô bé phòng kế bên nhờ tôi sửa máy tính, mẹ của Ủn ở chung phòng với cô bé này. Vì quá cặm cụi với cái máy tính, tôi chẳng để ý thời gian lúc đó đã hơn 12h khuya. Lúc này, mẹ Ủn đánh tiếng đuổi tôi về. Ấn tượng ban đầu về nhau không tốt lắm, mãi sau này khi thân nhau, mẹ Ủn mới bảo: “Đàn ông gì mà vô duyên, vào phòng toàn con gái mà cứ ngồi lì đến khuya”. 
Khi phòng của mẹ Ủn chuyển ra ngay ban công của khu trọ, nơi buổi chiều mọi người thường ra đây hóng mát, em và tôi mới có nhiều cơ hội tiếp xúc rồi dần trở nên thân thiết với nhau. Tôi thuộc 8x đời đầu còn em thuộc 8x đời cuối, chúng tôi chơi với nhau vô tư như hai anh em. 

Mọi người trong khu trọ tưởng hai đứa là một cặp, mỗi lần bị trêu ghẹo là chúng tôi cười to rồi đóng vai rất đạt với những lời tình cảm sến thật. Đôi khi, vai diễn nhập tâm khiến cả tôi và em phải giật mình tự hỏi tình cảm của chúng tôi là gì?
Một buổi sớm Sài Gòn se lạnh, dưới gốc cây trứng cá cạnh bờ kè, tôi đưa bàn tay nhăn nheo vì lạnh nói với em: “Cho anh mượn tay em làm ấm chút”. Em đưa tay cho tôi và tôi xoa nhẹ để lấy hơi ấm từ tay em. Lúc đó tình cảm của hai đứa có lẽ đã vượt qua ranh giới bạn bè một chút nhưng vẫn ngập ngừng không dám bước qua.
Chuyện tình yêu của chúng tôi có lẽ đã âm ỉ rất lâu từ trước, nhưng thực sự bắt đầu là vào một lần tôi chăm em trong bệnh viện. Em bị đau dạ dày, tôi chở em đi cấp cứu, khi trong phòng chẳng có người, em hỏi tôi làm gối ôm của em nhé. Tôi khẽ gật đầu nằm cạnh em nhưng trong lòng còn nhiều phân vân. Tôi sợ sẽ làm tổn thương em, tôi sợ đánh mất tình bạn và không trở lại như xưa được. 
Yêu nhau bao lâu, anh chị quyết định kết hôn? 
Từ lúc yêu nhau tới lúc kết hôn là khoảng hơn 3 năm. Trong khoảng thời gian đó chúng tôi cũng vài lần chia tay nhưng rồi cũng chẳng thiếu được nhau. Cho đến bây giờ thì tôi tin đó là duyên số.
Tôi là một người sống nội tâm nhiều nên chuyện tình cảm cũng ít chia sẻ với gia đình, chỉ khi hai đứa quyết định cưới tôi mới báo cho nhà. Bố mẹ hai bên đều không muốn con lập gia đình xa nhưng họ cũng không phản đối. Ngày cưới, sau khi đưa dâu, vợ tôi và người thân từ biệt nhau trong nước mắt. Điều mà cho tới giờ tôi vẫn còn cắn rứt vì đã lấy đi mãi mãi của gia đình vợ một người con gái. 
Anh ấn tượng nhất điều gì về vợ mình?
Tôi hay gọi em là Đầu Đất bởi em ngây thơ, nhí nhảnh, trẻ con, hay cười, hay bị tôi gạt nhưng lại khá cứng đầu. Đôi khi em bắt tôi chơi những trò trẻ con mà chắc hơn hai chục năm rồi tôi không đụng đến nó. Những điều đó ở em cuốn hút tôi và quan trọng nhất em chia sẻ cùng tôi những ý tưởng và con đường sự nghiệp mà tôi chọn. Đây là điều mà tôi không tìm được nhiều ở gia đình.
Tôi nhớ như in một lần, tôi chở em đi chơi Đồng Tháp Mười và bị lạc vào những con đường đất heo hút. Tôi trấn an em và em tựa sát vào lưng tôi nói: “Chỉ cần ngồi sau anh thì đi đâu cũng được”. Là đàn ông, tôi chỉ cần một người phụ nữ như thế!
Cuộc sống sau hôn nhân: Vất vả nhưng hạnh phúc
 Sau đám cưới, anh thấy cuộc sống thay đổi như thế nào?
Mọi chuyện không thay đổi nhiều với chúng tôi. Em vẫn sống cùng phòng trọ với bạn, còn tôi sống cùng em gái vì chưa tìm được nhà trọ ngay sau khi trở lại Sài Gòn. 
Đôi khi vợ chồng tôi không tin rằng đã có vợ có chồng. Em vẫn ngây thơ, hồn nhiên, còn tôi vẫn mải mê với công việc. Gần hai tháng sau ngày cưới chúng tôi mới chuyển về ở chung.
Lúc đó tôi bị tai nạn lao động ở chân nên mặc dù đang có bầu nhưng mọi việc như sửa chữa phòng trọ, chuyển đồ... một tay em lo lắng. Có lẽ cuộc sống của em từ đây thay đổi theo hướng vất vả hơn. Năm 2012 được đánh dấu là một năm hai vợ chồng đi bệnh viện như đi chợ. Tuy nhiên, trong tổ ấm của chúng tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. 
Cụ thể, những vất vả này như thế nào?
Có bầu tới tháng thứ 5, mẹ Ủn bị cổ tử cung ngắn phải nhập viện. Hơn một tháng sau bà nội mất, tôi về chịu tang nên xa vợ 1 tuần. 
Khi trở về, đưa vợ đi khám thì bác sĩ bảo thiếu ối phải nhập viện. Sau 4 ngày nằm viện nhưng nước ối không tăng, nóng ruột quá tôi đưa vợ đến bệnh viện Từ Dũ. Qua đây bệnh viện quá tải, vợ tôi cũng như nhiều người khác cứ vạ vật, nằm la liệt ngoài hành lang. Nằm được một ngày đêm thì nước ối tăng trở lại và bác sĩ cho vợ xuất viện.
Sau 1 tuần, em đau bụng dữ dội. Đi khám, nước ối của mẹ Ủn lại giảm và có dấu hiệu sinh nên tiếp tục nhập viện. Trải qua hai ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để thúc đẻ thì chúng tôi chào đón một bé gái nhìn rất "ghét". Lúc ấy, bé mới nằm trong bụng mẹ được 8 tháng.
Ngày định mệnh đến với hai bố con 
Ngày định mệnh đó đã ập tới gia đình anh như thế nào?
Một buổi sớm khác với thường lệ, trong khi mẹ cho Ủn bú ti, tôi ra khỏi nhà sớm với lời hứa chiều sẽ trở về với hai mẹ con. Tôi lên xe rời khỏi thành phố tới tham dự một sự kiện công nghệ ở Bình Dương. 
 Và không ngờ đó là ngày định mệnh, ngày cuối cùng thiên thần nhỏ của chúng tôi được bú mẹ. Dường như có sự sắp đặt của định mệnh để tôi ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ, đi xa khỏi thành phố, bật điện thoại ở chế độ im lặng, cho tới khi thấy 20 cuộc gọi nhỡ và được báo là em đang đi cấp cứu, tôi vẫn chưa tưởng tượng được nỗi đau sắp tới mà tôi phải đối mặt.
Chuyến xe trở về thành phố của tôi có lẽ chưa bao giờ dài đến thế. Nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh và tôi không tin điều tồi tệ nhất lại ập đến với mình. Bác sĩ liên tục nhấn mạnh cơ hội thành công là rất ít lúc tôi làm thủ tục tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu cho em. Trở về nhà, tôi ôm con vào lòng nói với con: "Ủn ngoan nhé, nhất định mẹ sẽ về với hai ba con mình!".


                                   Bìa sách "Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ" của Trình Tuấn.

Gà trống nuôi con, người cha trẻ này đã phải đối mặt với tháng ngày vô cùng vất vả, chông chênh khi người vợ thân yêu của anh đã mất chỉ sau khi bé Ủn mới chào đời được 10 ngày tuổi

Nói với con như vậy, nhưng thực ra tôi đang tự trấn an chính mình. Nhìn Ủn ngủ ngon giấc, tôi càng tin và hy vọng nhất định em sẽ về với ba con tôi.
Cuộc phẫu thuật thành công, các bác sĩ đã cầm được máu và mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm hơn với tôi, người thân và những người bạn đang sát cánh cùng tôi lúc đó. Hình ảnh đọng lại trong tôi lúc đó là khoảnh khắc tôi nắm tay vợ nằm cạnh thiên thần bé bỏng đang say ngủ trong đêm hôm trước ngày định mệnh. Cái nắm tay thật chặt và ấm như không thể có gì chia lìa được hạnh phúc. 
 Sáng hôm sau tôi được vào thăm vợ. Chưa bao giờ tôi khóc như thế. Hy vọng cứ vơi đi như những hạt cát trong đồng hồ, chỉ khác một điều dòng cát kia sẽ có thể lật ngược để chảy tiếp còn tôi thì không.
Em đã hôn mê và vĩnh viễn không bao giờ trở lại với ba con tôi. Hy vọng rồi tuyệt vọng, mọi thứ tuôn trào khiến tôi không thể bắt kịp cảm xúc của chính mình. Đôi khi tôi ngỡ mình đang trong một cơn ác mộng chờ tỉnh dậy để có em kề bên. Đôi khi lại tỉnh táo đến ngây dại.
Tại thời điểm này, sau hơn 6 tháng xảy ra sự việc đó, anh thấy mình đã thích nghi với cuộc sống chưa?
 Nhớ lại, sau khi lo xong hậu sự cho bà xã, tôi vào thăm con. Tôi chỉ được nhìn con qua cửa kính, tôi đã không thể cầm được nước mắt. Cô điều dưỡng đứng ở kế bên cũng vậy. Lúc đó tôi chỉ là một người cha thực tập với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm, nhưng tự hứa sẽ chăm sóc và nuôi dạy con nên người với tất cả tình yêu thương.
Cho tới bây giờ, tôi không biết mình đã thích nghi được điều đó hay chưa? Tôi đã khóc rất nhiều, chỉ khóc một mình, không dám khóc trước mặt con. Mỗi lần lên chùa thăm vợ, tôi không kìm nén được cảm xúc, cho dù nhiều lần thấy mình không còn khóc được nữa.
 Trước khi con chào đời, mong muốn của vợ chồng anh đó là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vậy sau mất mát này, một gà trống nuôi con như anh đã làm gì để thực hiện mong muốn đó?
Ủn ăn sữa mẹ từ khi mới chào đời, chỉ gián đoạn khoảng một tuần khi tôi gửi bé vào Từ Dũ vì không có điều kiện chăm sóc tốt cho con trong khi mẹ bé đang nguy kịch và phải lo hậu sự. Sau khi đón về, Ủn vẫn được bú sữa mẹ mà bạn bè tôi xin giùm từ nhiều bà mẹ khác.
Ủn bú hết rất nhanh số sữa xin được ban đầu, tôi được rất nhiều bạn bè giúp đỡ, họ xin sữa cho Ủn từ các mẹ trên diễn đàn, may sao cũng có kịp sữa cho con ăn. Cứ 3 ngày, tôi lại mang túi trữ sữa tới xin các mẹ cho Ủn ăn. 
Ngoài ra, tôi nhờ tới sự giúp đỡ của "Hội nuôi con bằng sữa mẹ" trên Facebook. Không ngờ các mẹ cho sữa rất nhiệt tình khiến tủ lạnh nhà tôi được một phen quá tải. Điều này khiến tôi tự tin chia sẻ một ý tưởng đã nhen nhóm trước đó về một ngân hàng sữa mẹ và kêu gọi các mẹ trong hội chung một tay để hiện thức ý tưởng đó.


Sống cảnh "gà trống nuôi con", vừa làm việc, vừa chăm con, anh đã gặp những vất vả gì?
Chúng tôi có một shop đồ chơi, sau khi vợ mất tôi chuyển hàng về nhà và bán online để có thời gian chăm con nhiều hơn. Mặc dù có mẹ phụ giúp, nhưng thời gian dành cho con chiếm khá nhiều nên công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng.
Bé Ủn hay thức đêm chơi nên tôi cũng phải thức chơi cùng con và căn cho bé bú cữ khuya. Khoảng 3 tháng sau khi mẹ mất, hễ cứ đưa bình sữa vào là bé khóc đẩy ra, tôi thực sự stress vì lo cho sức khỏe của con và áp lực dùng sữa ngoài từ bà nội và mọi người. 
Mặc dù biết giai đoạn này con chịu chơi và khỏe mạnh là được rồi nhưng một phần vì lo con không tăng cân, một phần không muốn không khí trong nhà căng thẳng nên tôi cũng xuôi theo ý nội. Nhưng Ủn bú vào là ói ra hết, ói cho đến khi chẳng còn gì trong bụng, thế nên tôi không cho nội dùng sữa bột nữa.
Con đã mất mẹ, không thể thiếu thêm ba! Như ai đó đã nói mỗi người đều có cuộc chiến riêng của mình, cuộc chiến của tôi bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn cạnh mình.

Dù đã mất mẹ nhưng bé Ủn vẫn được bú sữa mẹ hàng ngày. Sữa này do những người bạn của anh Trình Tuấn xin từ nhiều người mẹ đang cho con bú sữa mẹ hảo tâm khác
Bé Ủn đã hơn 6 tháng, bé đã biết làm những gì rồi, anh Tuấn? 
Ủn đã biết lật, biết lẫy, trườn và đã ngồi được khá chắc chắn. Cũng như các bé khác, Ủn phát triển bình thường, điều đó với tôi cũng quá đủ để hạnh phúc. Bé hay cười và khá ngoan, mỗi khi ngủ dậy thấy mặt ba là cười tươi rói và tự nằm chơi. Như thể bé biết hoàn cảnh của mình, bé thương ba… Cứ nghĩ như vậy tôi lại nghẹn ngào.
 Hiện, người đàn ông này vẫn nghẹn ngào khi nghĩ về người vợ vừa quá cố. Động lực sống của anh chính là chăm sóc và nhìn bé Ủn ngày một lớn hơn
Cảm ơn anh vì những chia sẻ chân thành của mình. Chúc anh và bé Ủn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống!
Minh Huy
IV. Cha  cõng  con  30 km  đi  học  mỗi  ngày
(VnExpress.net)

Ông Yu cõng con trai đến trường. Ảnh: zjol.com.cn

Hình ảnh một ông bố đơn thân Trung Quốc đi bộ gần 30 km mỗi ngày cõng con bị dị tật đến trường khiến nhiều người dùng mạng xã hội ở nước này cảm phục.

Yu Xukang, sống trong vùng nông thôn ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, thường thức dậy lúc 6h sáng và cõng con trai đi học một giờ sau đó, Shanghaiist cho hay. Khoảng 9h, ông bố đơn thân 40 tuổi trở về nhà làm việc đồng áng rồi quay lại đón con vào 4 giờ chiều.
Ông Yu phải đi bộ tổng cộng 28 km mỗi ngày để đưa con đi học bởi khu vực này không có xe cộ đi lại.
Qiang, Con trai Yu, 12 tuổi, mới học lớp một do tay chân và cột sống của cậu bé bị dị tật. Mẹ Qiang bỏ đi từ khi cậu bé 3 tuổi. Kể từ đó, ông Yu một mình nuôi dạy Qiang.
"Chúng tôi đã đi chữa trị ở nhiều nơi, từ trung tâm y tế trong thị trấn đến bệnh viện thành phố", ông nói. "Các bác sĩ đều không chẩn đoán được căn bệnh thằng bé mắc phải".
Đường đi khá khó khăn, ông phải thay 3 đôi giày cao su trong vòng nửa năm. Theo Yu, vấn đề nguy hiểm nhất trên đường là sự xuất hiện của những con chó hoang nhưng ông đã tìm ra cách xua đuổi chúng.
"Chúng tôi chưa bao giờ đến trường muộn cả", Yu hãnh diện nói.
Nguyễn Tâm

V. Gà trống nuôi con
 (Thứ Bảy, 12/04/2014 –Đongnai.net)
Vừa tan ca chiều, anh Nguyễn Phi Hùng (quê tỉnh Nghệ An) vội ra đầu ngõ mua bao cám về cho chị Huyền chăm heo. Về tới trại thì trời lất phất mưa. Đặt bao cám dưới đầu gường, anh đảo mắt tìm vợ nhưng chỉ thấy nồi nước tắm đang sôi sùng sục trên bếp. Linh tính báo điềm không may, anh Hùng liền gọi con trai đang trông nom các em tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) quay lại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) cùng cha tìm mẹ. Sau nửa giờ tìm kiếm thì cả hai sững sờ, đau xót khi vớt được xác chị Huyền bị đuối nước dưới ao sâu.

Từ ngày chị Huyền mất, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai của anh Hùng. Để các con ấm lòng, an toàn với mưa nắng khi thiếu mẹ, anh Hùng lại di chuyển đàn con từ KP.5, phường Thống Nhất sang KP.1, phường Quyết Thắng tá túc.“2 giờ sáng là tôi thức giấc ra trước cửa nhà trọ ngồi một mình thẫn thờ hút thuốc để chờ sáng. Nghe tiếng tàu xình xịch qua ga Biên Hòa, lòng tôi càng da diết nhớ vợ, nhớ quãng đời cơ cực mà vợ chồng chúng tôi chung vai gánh vác cưu mang đàn con, các em của nhau” - anh Hùng cay xòe mắt tâm sự.
* Bôn ba
Ga Biên Hòa lặng lẽ khi về chiều, những thanh ray láng bóng qua ánh điện hắt ra từ căn phòng trọ lụp xụp càng khó nhận biết đâu là chỗ trọ mới của 5 cha con anh Hùng vừa chuyển đến. Sau vài lần gõ cửa tìm nhà, cánh cổng sắt cót két mở ra và người đàn ông góa vợ Nguyễn Phi Hùng (54 tuổi) mở cửa đón tiếp chúng tôi vào nhà. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, anh Hùng bắt đầu hé lộ với chúng tôi về quãng đời phiêu bạt của mình từ năm 1987 đến nay. 

Thầy Nguyễn Huy Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa), cho biết 3 người con của anh Hùng gồm: Châu, Ngọc, Nguyên đều là học sinh giỏi của trường và nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để động viên các em. “Các em luôn là tấm gương sáng trước bạn bè về nghị lực vượt khó, tính tự lập trongcuộc sống và tinh thần ham học,yêu thương nhau” - thầy Nguyên chia sẻ.

Trải qua 30 lần di chuyển chỗ ở và nay 5 cha con anh Hùng tá túc tại khu nhà trọ ở KP.1, phường Quyết Thắng. Tuy vậy, 4 đứa con của anh, gồm: Toàn (26 tuổi), Châu (27 tuổi), Ngọc (14 tuổi), Nguyên (11 tuổi) vẫn không một ngày thất học, liên tục đạt học sinh giỏi các cấp. “Tôi và vợ tôi đều là con cả trong gia đình có 7 chị em, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác nên phải đứng ra lo cho các em. Cũng vì chữ tình, chữ nghĩa mà chúng tôi bôn ba khắp nơi mưu tìm cuộc sống. Vậy mà, cô ấy đã bỏ tôi ra đi khi con Châu học lớp 10, Ngọc lớp 5, Nguyên lớp 3, còn thằng Toàn thì vừa làm, vừa học đại học” - anh Hùng thổ lộ trong tiếng rầm rập của đoàn tàu ngang qua.
Một điếu thuốc mới được kê vào môi khi điếu kia vừa tàn. Anh Hùng bồi hồi nhớ về quá khứ: Năm 1981, sau khi học xong phổ thông, anh tình nguyện nhập ngũ. Đến năm 1984 thì anh xuất ngũ về phụ chị gái nuôi 5 đứa em nhỏ khi mẹ mất, cha đi bước nữa. Năm 1987, anh lập gia đình với chị Huyền và dẫn theo 5 em từ vùng quê Tường Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về vùng Con Cuông (Nghệ An) lập nghiệp. Chờ cho 5 người em lần lượt yên bề gia thất ở vùng đất mới, anh lập tức làm một chuyến đi dài, hết vùng đất này đến vùng đất khác tìm kiếm cuộc sống sung túc cho đàn con. “Từ Con Cuông tôi dẫn vợ con vào TP.Vinh, rồi các tỉnh Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh. Năm 2008 thì gia đình tôi về TP.Biên Hòa. Mỗi lần di chuyển chỗ ở là thêm một lần cơ cực, trắng tay. Tuy vậy, có 2 điều tôi luôn khắc nhớ trong lòng là tôi phải tháo khớp 2 ngón tay vì tai nạn lao động, và năm 2010 mất đi người vợ cùng kham chịu khổ với mình tại vùng đất Biên Hòa này” - giọng anh Hùng đứt quãng và những giọt nước nhỏ rịn ra từ hai hốc mắt sâu thẳm càng làm anh già hơn, tiều tụy hơn.
* Bảo bọc đàn con
Cuộc sống khó nghèo có vùi dập, làm nhụt chí người đàn ông góa vợ Nguyễn Phi Hùng với những nghịch cảnh đời thường cơm, áo, gạo, tiền. “Dù vợ chồng tôi bôn ba nhiều nơi, hết vùng sâu xa đến thành thị, nhưng vẫn không để 4 con một ngày thất học. Đi đến đâu cũng vậy, điều đầu tiên tôi dừng chân là nơi ở phải luôn gần trường, thuận tiện cho các con đi học. Còn công việc làm thì tùy nghi ứng phó, không công nhân thì thợ hồ, thợ sắt, thu mua ve chai hoặc bán hàng rong trên các vỉa hè… Vợ chồng không ngại khó việc gì, miễn sao hàng ngày kiếm đủ tiền chi phí cho sinh hoạt, phòng trọ và học hành của các con” - anh Hùng cho hay.

Chỉ có ngày chủ nhật, cha con anh Nguyễn Phi Hùng mới có mặt đầy đủ tại khu nhà trọ ở KP.1, phường Quyết Thắng.

Rồi anh lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về 4 niềm tự hào của anh, gồm: Toàn (hiện đang ôn thi cao học ngành quản trị kinh doanh), Châu (sinh viên năm nhất Truờng đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), Ngọc lớp 9 và Nguyên lớp 7 (Truờng THCS Thống Nhất) các em đều là học sinh, sinh viên khá giỏi và liên tục nhận học bổng. “Hôm hay tin mẹ mất, 3 chị em cháu chỉ biết ôm nhau nơi nhà trọ mà khóc suốt đêm. Hôm ấy, trời mưa lớn lắm, vì xót mẹ chúng cháu quên cả việc lấy thau hứng nước nên nhà lai láng nước ngập, giờ nhớ lại cảnh ấy cha con cháu không cầm được nước mắt” - em Châu bồi hồi nhắc lại chuyện buồn xảy ra 4 năm trước với gia đình em. Lúc ấy, Châu đang học lớp 10, còn em Ngọc lớp 5, Nguyên mới lớp 3.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Châu (con gái anh Hùng) tâm sự, mẹ mất, cha và anh phải tăng ca liên tục, nên ngoài việc học em phải có trách nhiệm chăm sóc 2 em Ngọc và Nguyên và lo cơm nước cho cả gia đình hàng ngày. “Trong 3 năm học THPT, hè nào con cũng tranh thủ đi phụ quán. Nay về TP.Hồ Chí Minh học đại học, con vẫn tìm việc làm thêm để chia sẻ với cha, anh trai phần chi phí học tập, nhà trọ, sinh hoạt” - em Châu tỏ bày.  

 Không còn người bạn đời cùng cam cộng khổ, anh Hùng vẫn kiên cường vai trò người trụ cột dù cơ thể chỉ còn 50 kg, mắt thâm sâu và gò má đọng trũng nước mắt khi đêm dài nằm bó gối trằn trọc. Từ ngày chị Huyền mất, trách nhiệm làm cha và kiêm luôn vai trò làm mẹ của anh càng làm cho anh để ý tiếng những chuyến tàu Bắc Nam chạy qua nhà khi về đêm. Bởi trong anh, những chuyến tàu ấy thỉnh thoảng lại có anh trở về quê thăm ông bà nội, ngoại già yếu và rước các em, cháu bên anh, phía vợ vào Biên Hòa cưu mang, tìm việc làm. “Số tiền hai vợ chồng tôi và cháu Toàn lao động trong tháng không đủ trang trải cho các khoản sinh hoạt gia đình, các con học hành và lễ nghĩa ngoài quê. Mỗi lần ra quê lo chuyện họ hàng, khi trở về là vợ tôi gầy và xanh xao hơn” - anh Hùng tỏ bày.
Thêm một chuyến tàu nữa qua ga và ngôi nhà trọ nhỏ của cha con anh  Hùng lại rung rinh vì sức mạnh của đoàn tàu. Bữa cơm tối đạm bạc của gia đình được dọn ra nền gạch và các con anh Hùng không quên bới một chén cơm đầy mời mẹ về cùng ăn. “Đời tôi rồi sẽ có một ngày sung sướng khi các con khôn lớn thành tài. Để chờ ngày ấy, tôi phải tiếp tục hy sinh vì con và không ngừng động viên các cháu dù bụng đói, điều kiện kinh tế khó khăn cũng không được một ngày vắng lớp” - anh Hùng chỉ tay vào vách tường phòng trọ treo chi chít giấy khen, chứng nhận học bổng của các con và trải lòng.
    Đoàn Phú 
VI. Nghệ sĩ Anh Tú:
"Tôi có lỗi vì không giữ được Thanh Thanh Hiền cho các con"
(29/04/2015 – VnExpress.net)


Chia sẻ:
Sau cuộc chia tay mối tình kéo dài 10 năm với nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ Anh Tú “đàn bầu” giờ đây đã có một cuộc sống ổn định bên hai cô con gái yêu. Khi các con bắt đầu lớn, có những vấn đề về tâm sinh lý lại khiến anh bối rối và thầm nghĩ, nếu có mẹ chúng ở bên, chắc các con anh sẽ hạnh phúc hơn và anh cũng không gặp những tình huống khó xử của cảnh “gà trống nuôi con”.
Không đi bước nữa vì sợ các con khổ.
So với thời điểm mấy năm trước, Anh Tú “đàn bầu” giờ đây vui vẻ và lạc quan hơn. Anh bảo: “Trong hoàn cảnh của tôi, không lạc quan không được.
Chuyện đã xảy ra rồi, nếu mình cứ buồn bã ủ ê thì không chỉ mình là người mệt mỏi mà con cái cũng bị chịu ảnh hưởng.
So với bạn bè cùng trang lứa, các con tôi đã chịu nhiều thiệt thòi khi không có mẹ ở bên. Nếu mình không tự vượt lên thì có nghĩa là cha mẹ đã làm khổ con hai lần”.
Chính vì vậy mà ngay sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn với Thanh Thanh Hiền, Anh Tú nhanh chóng gạt đi nỗi buồn mất mát của mình để lấy lại tinh thần cho các con. Lúc đó, ngoài tinh thần, anh còn phải đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Trước đây, thu nhập chính trong nhà là nhờ vào việc đi biểu diễn của Thanh Thanh Hiền vì show diễn của chị khá nhiều, cat-xê cũng cao ở tốp đầu.
Anh Tú toàn tâm toàn ý lo cho vợ đi diễn, đặt lịch, lo trang phục... giống như một người quản lý vậy. Khi chị đi rồi, nỗi lo thường trực của anh là làm sao để nuôi hai con, cha già và cả công ty nghệ thuật của mình tiếp tục vận hành.
Bởi nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của một nghệ sĩ ở đoàn nhà nước thì quá ít ỏi. Anh chủ động tìm kiếm các hợp đồng làm nhạc cho các vở diễn để có thêm thu nhập. Lúc đầu, anh chỉ nhận các vở cải lương, nhưng bây giờ, các đạo diễn, nhà hát tìm đến anh để đặt hàng đa dạng hơn.
Có cả chèo, thậm chí là liên quan đến Phật giáo - lĩnh vực còn mới mẻ - anh cũng nhận. “Cái gì chưa biết thì sẽ học”, anh bảo.
Sự tận tâm và vốn liếng chuyên môn vững chãi, Anh Tú luôn khiến các đạo diễn yên tâm giao phó phụ trách phần âm nhạc. Phòng thu khá hiện đại tại nhà riêng của anh cũng là địa chỉ quen thuộc cho các nghệ sĩ đến làm đĩa.
Cuối tuần, anh cùng các nghệ sĩ vẫn duy trì lịch diễn đều đặn nhiều năm nay với âm nhạc truyền thống ở Nhà Bát Giác (vườn hoa Lý Thái Tổ). “Năng nhặt thì chặt bị”, đến giờ, nghệ sĩ Anh Tú tạm hài lòng với cuộc sống mà mình vun đắp.
Không giàu có nhưng đủ sức lo cho hai con học hành đến nơi đến chốn. Đồng thời vẫn kiên trì ươm mầm cho Tú Linh (đang học lớp 10) và Thái Phương (đang học lớp 6) theo đuổi đam mê và năng khiếu âm nhạc.
“Hiền vẫn gửi tiền để tôi nuôi hai con nhưng là một người đàn ông, tôi không đòi hỏi chuyện đó. Có cũng được mà không có cũng không sao, vì cuộc sống của tôi bây giờ cũng tạm ổn.
Nếu không đủ thì cũng phải “gồng” lên cho đủ chứ”, anh nói.
Thời gian thấm thoắt trôi. Cuộc tình đẹp 10 năm của hai nghệ sĩ tên tuổi đã “đường ai nấy đi” được 5 năm. Ngày đó, hỏi Anh Tú có định nhờ cậy đến bàn tay của người phụ nữ khác để chăm sóc cho mình và hai đứa con còn nhỏ hay không, anh đã quả quyết là sẽ ở vậy nuôi con vì “hai lần đổ vỡ rồi, lấy nữa biết nó có bền?”.
Giờ gặp lại, thấy anh vẫn giữ lời hứa của mình, dù vẫn có vài người quý mến anh thật lòng.
Anh phân tích lý do không đi bước nữa là vì: “Người phụ nữ nào đến với mình cũng lại muốn sinh con để có sự gắn kết.
Như thế thì việc chăm lo cho Tú Linh và Thái Phương sẽ không còn nhiều nữa. Hàng ngày tôi có người giúp việc nên việc nhà cũng không phải làm nhiều, chỉ chuyên tâm vào nghệ thuật thôi.
Nhưng chỉ cần các con ngày nào đi học về cũng nhìn thấy bố trong phòng thu, ít nhiều cũng thấy sự yên tâm chứ. Mỗi ngày, ba bố con chỉ quấn quýt một lúc buổi chiều rồi ai làm việc nấy. Bố lo công việc sáng tác, các con lên gác học bài.
Sáng mai thì bố vẫn còn ngủ, hai đứa tự đạp xe đi học. Cuộc sống cứ bình lặng thế thôi nhưng nó tạo được sự yên tâm, không có sự xáo trộn.
Tôi vẫn có bạn gái, nhưng để đi đến với nhau thì không. Ai đến với mình thì tôi cám ơn, nhưng tôi luôn nói rõ với họ là nếu có người khác tốt hơn, mang đến một mái ấm gia đình thì hãy ra đi. Bởi nếu ở bên tôi thì sẽ thiệt thòi lắm”.
“Tôi hạnh phúc hơn Hiền vì được nuôi con”
Nhiều người thấy Anh Tú một mình nuôi hai con thì không khỏi trách móc Thanh Thanh Hiền bỏ con đi theo tình mới.
Lúc đầu, theo chia sẻ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, Anh Tú muốn là người ra đi, để lại ngôi nhà cho chị nuôi các con.
Nhưng chính chị là người bằng sự mạnh mẽ đã nhận thức rõ rằng, với sự nhẹ nhàng, nhân hậu của Anh Tú, sẽ là tốt hơn nếu các con ở lại với anh. Anh cũng có nhiều thời gian để chăm sóc con hơn vì Thanh Thanh Hiền liên tục đi biểu diễn.
Trong sâu thẳm, Anh Tú hiểu rõ sự hi sinh lớn lao của vợ cũ khi quyết định để anh nuôi con. Anh bảo: “Có người mẹ nào mà không muốn được gần con chứ?
Tôi thấy mình may mắn hơn khi có các con là động lực. Nếu không có hai đứa nhỏ, chắc là tôi sẽ không thể nhanh chóng vượt qua được sự chuếnh choáng của sự đổ vỡ lúc ban đầu.
Nhìn thấy hai đứa nhỏ hồn nhiên, vui tươi như những bông hoa trong nhà, lòng tôi nhẹ bẫng. Chúng là liều thuốc hữu hiệu để tôi cố gắng hơn.
Còn với người mẹ, dù có hạnh phúc thế nào nhưng không được nhìn thấy con hàng ngày thì mới là người đau khổ”.
Đôi khi, anh thấy mình có lỗi khi đã không giữ được mẹ cho các con mình có được mái ấm tròn trịa. Dù Thanh Thanh Hiền là người ra đi, nhưng anh không coi đó là lỗi của vợ cũ.
Anh tâm sự: “Mình phải như thế nào thì họ mới ra đi chứ? Thời gian này Hiền cũng ở Hà Nội nhiều nên cuối tuần là hai đứa lại đạp xe đến chơi với mẹ.
Mối quan hệ giữa chồng của Hiền với các con tôi cũng khá tốt. Các cháu cũng quý lắm chứ không có khoảng cách”.
Thiếu đi hình ảnh của mẹ, Anh Tú vừa làm cha vừa làm mẹ, lại vừa là bạn của con. Tuy nhiên, có những điều anh cũng không thể làm thay được mẹ khi con gái đến tuổi trưởng thành.
Điều khiến anh có chút lo lắng bây giờ là con gái lớn đang học lớp 10, đã bắt đầu có những biểu hiện tâm lý tình cảm tuổi mới lớn.
Những nỗi lo thường trực là có thật và anh thấy bối rối trong việc làm thế nào để giúp con tránh được những va vấp đầu đời.
Còn cô con gái thứ hai lại là một nỗi lo khác. Cháu thừa hưởng năng khiếu từ mẹ khá rõ nên liên tục nhận được những lời mời biểu diễn hoặc tham dự các cuộc thi. Là người sống trong cái nôi nghệ thuật, Anh Tú hiểu rõ khi “tài năng nở sớm” là như thế nào.
“Giờ mà cho đi thi là hỏng ngay. Vì sau đó sẽ nhận được các lời mời biểu diễn, dẫn đến bỏ bê việc học. Hơn nữa, học truyền thống phải để thật ngấm thì mới bền được vì các kỹ thuật của nó học rất lâu. Nếu không nắm vững thì sẽ bị thui chột hoặc không đạt đến trình độ cơ bản.
Phải 10 năm nữa, khi đã nắm chắc và làm chủ kỹ thuật căn bản, Anh Tú mới để con tham gia các cuộc thi. Không trở thành nghệ sĩ tài năng như mẹ thì con gái sẽ làm cô giáo dạy nhạc, như mong ước của con.
Trên hết, tôi muốn các con có một cuộc sống yên bình, không ồn ào và không nhất thiết phải là người nổi tiếng”, nghệ sĩ Anh Tú nói.
Nói về tình mới của Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ Anh Tú thật lòng:“Tôi thấy mừng khi Hiền đã tìm được tổ ấm. Tôi có thể ở một mình nhưng Hiền là phụ nữ thì không thể như thế được.
Ngay từ khi chia tay, tôi đã biết là cô ấy sẽ có gia đình mới nên khi nó xảy đến, tôi không thấy chạnh lòng gì.
Khi đã chia tay thì những gì xảy ra thuộc về riêng tư của người kia sẽ không khiến người ta quan tâm hay buồn lòng nữa. Nếu có quyến luyến, tiếc nuối là ở khoảng thời gian đổ vỡ thôi”. (theo giadinh.net.vn)


* Đó các Bạn thấy không? "Thiên chức làm mẹ" đâu phải chỉ riêng cuả phụ nữ, mà thời nay, nó phải là của chung mọi người, không phân biệt! Đàn ông, các ông bố cũng có thể làm những công việc cuả phụ nữ, các bà mẹ, và ngược lại, phụ nữ cũng đã làm được những công việc cuả nam giới! 
Thực tế đã chứng minh các ông bố đã hoàn thành tốt công việc của người mẹ.  Và hiển nhiên còn nhiều, rất nhiều những ông bố khác đang âm thâm một mình vừa làm bố, vừa làm mẹ, mà họ không nói ra hoặc chúng ta chưa biết đến.
Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta thấy rằng các ông bố đã thật tuyệt vời trong vai trò thay thế vợ, mẹ, của mình và của các con mình.
Ban đầu, cũng ngỡ ngàng, vất vả hơn phụ nữ, nhưng rõ ràng không có gì là không thể, trừ khi các ông không muốn mà thôi!
Vì thế chúng ta không chỉ cầu chúc, tuyên dương, tặng quà, tặng hoa cho các ông Bố trong ngày Father’s Day, mà cả trong ngày Mothers' Day của Mẹ nữa, chúng ta cũng phải cầu chúc, tuyên dương, tặng quà, tặng hoa cho các ông ấy nữa, vì các ông cũng rất xứng đáng mà, phải không?
Xin chân thành cám ơn các ông Bố, đặc biệt các ông Bố gánh trên đôi vai trách nhiệm của vợ mình, để lo cho các con mình nên người.

Happy Father’s Day các Bố nhé!
Thân mến,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét