Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Đời Sống Thánh Hiến

Đời  Sống  Thánh  Hiến
(Tue, 09/06/2015 - Trầm Thiên Thu - thanhlinh.net)




Năm nay là Năm Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn – giáo xứ và dòng tu. Khi nói đời sống thánh hiến, chúng ta thường nghĩ về các tu sĩ, những người sống theo lời khuyên Phúc Âm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng tất cả chúng ta đều phải nên thánh vì Thiên Chúa muốn như vậy (x. 1 Tx 4:3), nghĩa là các Kitô hữu đều được Thiên Chúa thánh hiến hoặc thánh hóa, chứ không riêng gì tu sĩ và giáo sĩ.

Ai cũng có những lời khấn với Thiên Chúa, cách này hay cách khác và có thể khác nhau về mức độ. Có những lời khấn vừa minh nhiên vừa mặc nhiên, đó là khi chúng ta lãnh nhận các bí tích. Lời khấn liên quan lời hứa, thường gộp chung là khấn hứa. Tu sĩ có các lời khấn công khai qua một nghi thức, và họ được gọi là những người sống đời sống thánh hiến.

Chữ “thánh hiến” (consecration) hoặc “thánh hóa” (sanctification) liên quan chữ “thánh” (saint). Cả ba từ đều phù hợp với chữ “thánh thiện” (holiness). Động từ “thánh hiến” (consecrate) hoặc “thánh hóa” (sanctify) là làm cho người/vật nên thánh bằng một nghi lễ tôn giáo (to make holy, to render holy).

Muốn được thánh hiến thì phải được gọi, được chọn. Nhưng trước đó phải nghe được tiếng gọi của Chúa, nhận biết ý Chúa. Thánh Phaolô nói: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

Chúa Giêsu đã ba lần dùng chữ “thánh hiến” trong một lần Ngài cầu nguyện: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:17-19). Được thánh hiến hoặc thánh hóa để làm gì? Để nên thánh. Tại sao chúng ta phải nên thánh? Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44; Lv 20:7). Ông Giô-suê cũng đã nói với dân: “Anh em hãy nên thánh, vì ngày mai Đức Chúa sẽ thực hiện những kỳ công giữa anh em (Gs 3:5). Đặc biệt hơn, chính Chúa Giêsu đã giải thích qua lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:16). Mọi Kitô hữu đều là những người “không thuộc về thế gian”, và Ngài yêu cầu họ phải nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Theo thần học Kitô giáo, thánh hiến là “tình trạng được tách ra dành riêng cho Thiên Chúa”. Các Kitô hữu ở trong tình trạng này khi được sinh bởi Thiên Chúa, như Thánh Phaolô xác định: “Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em” (1 Cr 1:30). Thánh hiến ở đây là tình trạng thuộc về Thiên Chúa, công việc này do chính Ngài thực hiện, là phần phức tạp của ơn cứu độ và là mối liên kết với Đức Kitô: “Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10:10). Đôi khi các thần học gia lại đề cập tình trạng này là “sự thánh hóa thuộc vị trí” (positional sanctification), cũng tương tự sự công chính hóa (justification).

Chúng ta thánh thiện theo vị trí, tức là nhờ Máu Đức Kitô mà chúng ta được sạch tội: “Nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13:39). Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng vẫn phạm tội, vẫn là tội nhân: “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:10). Đó là lý do Kinh Thánh nói đến sự thánh hóa là kinh nghiệm thực hành của việc chúng ta được tách ra dành riêng cho Thiên Chúa. Sự thánh hóa phát triển hoặc theo kinh nghiệm là hệ quả của việc tuân giữ Lời Chúa trong cuộc sống. Đó cũng là quá trình phát triển trong Chúa – tức là “sự trưởng thành tâm linh”, điều mà Thánh Phêrô đề cập: “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta” (2 Pr 3:18).

Thiên Chúa đã tạo dưng chúng ta nên giống Đức Kitô, và Ngài vẫn tiếp tục công việc đó, như Thánh Phaolô tin chắc: “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm” (Pl 1:6). Chúng ta phải không ngừng theo đuổi dạng thánh hóa này. Thánh Phêrô mời gọi: Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1 Pr 1:15). Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện thì không ai sẽ được thấy Chúa” (Dt 12:14). Sự thánh hóa đó đạt hiệu quả nhờ Lời Chúa, như Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17:17).

Thánh hóa phát triển là thánh hóa dần dần, thánh hóa liên tục, vì chúng ta được Chúa Giêsu sai đi vào giữa lòng thế giới để làm chứng về Ngài: “Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:18-19). Chúa Giêsu xác nhận: “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10:36). Mỗi chúng ta cũng được thánh hiến và được sai đi như vậy. Sự thánh hiến của Chúa Giêsu là kiểu mẫu hoàn hảo. Việc thánh hóa và việc sai đi là hai điều không thể tách rời. Vì chúng ta được Chúa Giêsu gọi là “những bậc thần thánh” (Ga 10:34-35), nghĩa là “được thánh hóa” hoặc “được thánh hiến”, chúng ta phải ưu tiên cho ơn cứu độ. Cách cư xử của chúng ta phải chứng tỏ cho thế gian biết rằng chúng ta được tách ra dành riêng cho Thiên Chúa: “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10:14). Cố mãi mà chẳng thấy khá hơn, đôi khi chúng ta tự thấy thất vọng về chính mình. Cứ bình tĩnh, ai sinh ra cũng là tội nhân rồi, chẳng ai làm thánh ngay được. Cứ dần dần, từng chút một, thay đổi mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn. Đó là nên thánh hàng ngày, qua từng hơi thở.

Thánh hóa có một nghĩa khác trong Kinh Thánh – thánh hóa hoàn toàn hoặc cuối cùng, tương tự tôn vinh hoặc ca ngợi. Thánh Phaolô cầu chúc: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1 Tx 5:23). Đức Kitô là “niềm hy vọng vinh quang” (Cl 1:27) và là mối liên kết sự xuất hiện vinh quang của Đức Kitô với sự vinh quang của chúng ta: “Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3:4). Tình trạng vinh quang này sẽ là “vinh quang cuối cùng” của chúng ta, vinh quang hoàn hảo như Đức Kitô, vì chúng ta được tách ra khỏi tội lỗi: “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2).

Tóm lại, “thánh hiến”“nên thánh thiện” hoặc “được tách ra”, là công việc Chúa Thánh Thần hoàn tất nơi con cái Chúa. Trong quá khứ, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự công chính hóa, sự thánh thiện theo vị trí trong Đức Kitô. Hiện nay, Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tới sự trưởng thành tâm linh, sự thánh thiện thực hành và phát triển. Trong tương lai, Thiên Chúa sẽ ban sự vinh quang cho chúng ta, sự thánh thiện cuối cùng và vĩnh viễn. Ba giai đoạn này của sự thánh hiến giải thoát người tin khỏi án phạt của tội lỗi (công chính hóa), thoát khỏi quyền lực của tội lỗi (trưởng thành) và thoát khỏi sự hiện hữu của tội lỗi (tôn vinh, vinh quang).

Như đã nói, thánh hóa là làm cho nên thánh. Theo nghĩa đặc biệt, chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh (Is 6:3). Ngài lá Đấng Thánh duy nhất, khác hẳn mọi loài. Không ai có thể chia sẻ “tính thánh” này của Thiên Chúa. Chúng ta nên thánh là được thánh hóa, được thánh hiến. Thiên Chúa bảo chúng ta phải nên thánh vì Ngài là Đấng Thánh (Lv 11:44; Mt 5:48; 1 Pr 1:15-16).

Thiên Chúa cũng đòi hỏi dân Ít-ra-en phải tuân lệnh truyền của Ngài qua ông Mô-sê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13:2). Thánh Phêrô dạy: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3:15). Thánh hiến cũng có nghĩa là “tin tưởng và vâng lời”. Có tin tưởng mới vâng lời. Vâng lời cao trọng hơn của lễ. Vâng lời là lời khấn thứ nhất trong ba lời khấn của tu sĩ, người được thánh hiến.

Phàm nhân không thể tự thánh hiến. Chính Chúa Ba Ngôi thánh hiến. Chúa Cha thánh hóa để chúng ta được nên công chính và hiện hữu trong Đức Kitô (1 Cr 1:30), qua Chúa Thánh Thần (2 Tx 2:13; 1 Pr 1:2) và nhân danh Đức Kitô (1 Cr 6:11).

Mặc dù Thiên Chúa thánh hóa bằng ân sủng, loài người vẫn có trách nhiệm nhận biết ơn Chúa nhờ đức tin. Đức tin là phương tiện thông chuyển ơn thánh hóa. Kinh Thánh cho biết có các phương thế khác để thúc đẩy đức tin là Lời Chúa, cầu nguyện, Giáo Hội, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Lời Chúa mặc khải Ý Chúa (Ga 17:17). Cầu nguyện giúp chúng ta sống đức tin trong mọi hoàn cảnh. Giáo Hội là môi trường để chúng ta thực hiện sứ vụ. Sự quan phòng là cách chăm sóc chúng ta hàng ngày để chúng ta có cách phát triển trong ơn thánh. Trong hoàn cảnh, dù vui hay buồn, dù hên hay xui, chúng ta vẫn đủ tự lập (Pl 4:11), chúng ta có thể thánh hóa mọi hoàn cảnh vì biết rằng Thiên Chúa cho phép điều đó xảy ra vì ích lợi cho chúng ta. Khi bị cám dỗ, chúng ta vẫn có cách, như Thánh Phaolô nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13). Như cành nho bị cắt tỉa để phát triển tốt, Thiên Chúa sửa dạy chúng ta chỉ vì muốn tốt cho chúng ta: “Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người” (Dt 12:10).

Sự thánh hiến hoặc thánh hóa cũng có hướng tích cực và tiêu cực. Về phương diện tiêu cực, sự thánh hóa là thanh luyện hoặc tẩy sạch tội lỗi (Is 66:17; 1 Cr 6:11; Ep 5:26; Tt 3:5-6; Dt 9:13). Người theo Chúa phải chịu đau khổ, khó nhất là phải từ bỏ chính mình, nhưng đó là điều kiện ắt có và đủ trong đời sống tâm linh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Từ bỏ mình không phải là sống khổ hạnh, kiềm chế niềm vui, hoặc làm hại thể xác, mà là từ bỏ ý riêng và vâng theo Ý Chúa. Nghe chừng đơn giản nhưng lại rất nhiêu khê, khó lắm! Đó là ưu tiên Thiên Chúa, chấp nhận mọi thứ vì Chúa: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33).

Về phương diện tích cực, sự thánh hóa là phát triển các động thái đúng đắn, công chính. Sống tốt để thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa (Ep 2:10), sống thánh thiện để nên giống Đức Kitô (1 Pr 1:15), vì chúng ta được mời gọi sống như vậy (1 Pr 2:21). Chu toàn lề luật (Rm 8:4) là phương cách thánh hóa. Chúng ta phải nỗ lực đạt được lời hứa của Thiên Chúa nhờ đức tin (Pl 3:12). Thánh Phaolô cho biết: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1:29).

Việc thánh hóa phải được thực hiện cả đời (1 Ga 1:8-10). Thánh hóa liên quan việc chấn chỉnh tính cách nhờ sức mạnh của sự thật. Nói cách khác, thánh hóa là biến đổi, là trở về, là tái sinh, là phát triển thành con người toàn diện và hoàn hảo (Rm 6:13; 1 Cr 6:19; 2 Cr 4:6; Cl 3:10; 1 Ga 4:7). Đó là tác động của Chúa Thánh Thần trong kế hoạch cứu độ (1 Cr 6:11; 2 Tx 2:13). Đức tin là khí cụ thánh hóa kết hiệp với Đức Kitô (Gl 2:20), giúp chúng ta sống với sự thật, vâng lời để đón nhận lời hứa của Thiên Chúa.

Sự thánh hóa hoàn hảo không thể đạt được ở đời này (1 V 8:46; Cn 20:9; Gv 7:20; Gc 3:2; 1 Ga 1:8). Trong Rm 7:14-25; Pl 3:12-14; 1 Tm 1:15, Thánh Phaolô liệt kê nhiều thứ. Rồi lời tự thú của Thánh vương Đa-vít (Tv 19:12-13 và 51), của Mô-sê (Tv 90:8), của Thánh Gióp (G 42:5-6), của Đa-ni-en (Đn 9:3-20). Càng thánh thiện, người ta càng khiêm nhường, từ bỏ mình, ghê tởm tội lỗi, và kết hợp mật thiết với Đức Kitô.

Thánh hóa hoặc thánh hiến là tặng phẩm của Thiên Chúa, nhưng cần chúng ta cộng tác tích cực. Chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của chúng ta do lòng yêu thương của Ngài (Pl 2:13).

Về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu, Sắc lệnh Perfectæ Caritatis (Đức Mến Trọn Lành, số 1, ĐGH Phaolô VI, 28-10-1965) cho biết: “Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa.” Điều đó cho thấy đời sống Thánh hiến là một trong những cách thức sống đạo để được thánh hiến ‘sâu xa hơn’, bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy và việc tận hiến cho Thiên Chúa. Trong đời sống thánh hiến, dưới tác động của Thánh Thần, các Kitô hữu sẵn sàng “vâng nghe Lời Người Con Yêu Dấu” (Mc 9:7), tự hiến cho Thiên Chúa là Cha Toàn Năng hằng hữu – Đấng được yêu mến trên hết mọi sự; đồng thời theo đuổi đức ái hoàn hảo (mến Chúa, yêu người) để phục vụ Nước Trời, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo đến tận cùng trái đất”.

Các Kitô hữu sống đời thánh hiến là tự nguyện “buộc mình tuân giữ ba lời khuyên của Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn dòng; nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt. Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với sự sống và sự thánh thiện của Giáo Hội” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 44).

Nói chung, cả Giáo Hội đều được thánh hiến qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, sau đó sự thánh hiến được nâng tầm cao hơn tùy theo bí tích hoặc lời tuyên khấn do cá nhân hay cộng đoàn Kitô hữu tự chọn. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata, số 31, ĐGH Gioan Phaolô II, 25-3-1996) nói: “Sứ vụ của giáo dân – những người có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên Chúa – đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức Thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt; sự thánh hiến này, tuy không mang tính bí tích nhưng ràng buộc, khiến họ chấp nhận sống độc thân, khó nghèo và vâng phục, đã được Đức Giêsu đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn đệ. Cho dù cả ba bậc sống khác nhau đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô, nhưng các giáo dân thì có đặc tính riêng biệt tuy không độc hữu là sinh hoạt giữa trần thế; các mục tử mang trách nhiệm về tác vụ, còn những người tận hiến nên cố gắng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục”.

Thánh Phaolô nói: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4:11). Cả nam và nữ đều có thể là người thừa hành sứ vụ đối với Nhiệm Thể Đức Kitô.

Mỗi người đều có một tặng phẩm trong chín tặng phẩm được Thánh Phaolô liệt kê: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12:7-10).

Có năm tặng phẩm về sứ vụ: [1] Tông đồ, người kiến thiết và củng cố Giáo Hội; [2] Ngôn sứ, người loan báo sứ điệp của Thiên Chúa; [3] Người truyền bá, người được gọi để loan báo Tin Mừng; [4] Mục tử, người chăm sóc và hướng dẫn các tín hữu; [5] Thầy dạy, người chỉ bảo các tín hữu theo Lời Chúa.

ĐGH Phanxicô có năm mơ ước đối với những người sống đời thánh hiến: [1] Ở đâu có các tu sĩ thì có niềm vui; [2] Phải đánh thức thế giới, vì tu sĩ là “những ngôn sứ chứng tá cho Đức Giêsu đã sống ở thế giới này, tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ; [3] Các tu sĩ và những người tận hiến phải trở nên các chuyên viên hiệp thông; [4] Tất cả mọi thành phần của Giáo Hội phải ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời; [5]
Mỗi hình thức đời sống thánh hiến hãy tự vấn về điều mà Thiên Chúa và nhân loại đang đòi hỏi, các đan viện và các nhóm có khuynh hướng chiêm niệm có thể gặp gỡ hoặc liên kết với nhau để trao đổi những kinh nghiệm về đời cầu nguyện, về cách thức tăng trưởng sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, về cách thức nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại, về cách thức đón tiếp và đồng hành với người tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn hoặc đang cần sự nâng đỡ tinh thần hay vật chất.

Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992, về việc đào tạo linh mục), Thánh GH Gioan Phaolô II nói rằng các linh mục tương lai phải là “những con người quân bình, mạnh mẽ và tự do, có khả năng mang gánh nặng của trách nhiệm mục tử” (số 43). Ngài tuyên bố mạnh mẽ rằng tầm quan trọng hàng đầu của toàn bộ tiến trình chuẩn bị cho chức linh mục trong việc đào tạo nhân bản, là các ứng viên chức thánh phải phát triển nhân bản, phát triển các đức tính tự nhiên cộng với các nhân đức thiêng liêng; ngài nói rằng nhân cách của chúng ta, bản chất, tính khí con người hòa trộn và trở thành “phẩm chất” của chức tư tế, rồi được Chúa “sắp xếp lại” và sử dụng trong bí tích Truyền chức. Nhân cách, tính khí và con người của họ với tư cách là linh mục, hoặc sẽ lôi cuốn mọi người đến với Chúa Giêsu và Giáo Hội, hoặc xua đuổi họ. Nhân cách cơ bản của một linh mục phải được hòa hợp cách hợp lý, lành mạnh đủ để đời sống thiêng liêng có thể phát triển, nhờ đó mà trở thành mục tử tốt lành, rất nhân bản mà cũng rất thánh thiện.

Đó là “ơn thánh được xây dựng trên nhân tính”. Lời mời gọi tiến đến chức linh mục là công việc của ân sủng, nhưng lại đòi hỏi sự hợp tác của con người. Chúng ta cung cấp “nguyên liệu thô” cho ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa, như ngạn ngữ có câu: “Chủng sinh sao, linh mục vậy”.

Chiếc áo không làm nên tu sĩ, chữ “tâm” mới quan trọng, nhưng chiếc áo vẫn cần để nhắc nhở họ phải làm gì cho xứng đáng. ĐGH Phanxicô nhắn nhủ: “Tôi muốn nói với anh chị em một chữ, và chữ đó chính là NIỀM VUI. Ở đâu có người sống thánh hiến, ở đấy luôn có niềm vui!”.

Trong Thư Luân Lưu, số 2, gửi những người sống thánh hiến nhân dịp năm dành riêng cho đời sống thánh hiến, Thánh Bộ Dòng Tu và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ nói: “Bằng chữ niềm vui (tiếng Hêbrơ: simhâ/samah,gyl), Thánh Kinh muốn diễn tả vô số những trải nghiệm tập thể và cá nhân, gắn kết đặc biệt với việc phụng tự và các lễ hội, để nhận ra ý nghĩa sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử Israel”.

Tu sĩ là ai? Là người “đi tu”. Tu là sửa. Tu sĩ là người sửa mình trước, rồi có trách nhiệm sửa người khác: “Hãy an ủi dân Ta, hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem” (Is 40:1). Tục ngữ nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Điều đó chứng tỏ việc tu thân rất quan trọng, phải là điều tiên quyết của mọi người – đặc biệt là những người sống đời thánh hiến. Họ phải là người trung tín bước theo Chúa, trở nên sứ giả niềm vui của Thần Khí, làm vang dội tiếng “alleluia” (hoan ca) nơi đoàn người đông đảo (Kh 19:6), và kiến tạo “trời mới và đất mới” (Is 66:22) ngay tại thế gian này.

Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chẳng có chi tự đông đoài hay sa mạc làm cho ai được cất nhắc lên” (Tv 75:7). Được gọi và được chọn thì phải cố gắng sống xứng đáng với đời sống thánh hiến, làm đẹp lòng Đấng thánh hiến – Thiên Chúa. Ba lời khấn là “lời khuyên Phúc Âm” – một số dòng còn có thêm một hoặc hai lời khấn khác, như một tam giác đều làm “khung” cho đời sống thánh hiến: Vâng lời, nghèo khó, và khiết tịnh (thanh tuân, thanh bần, thanh tịnh). Hãy luôn ghi nhớ “lời thiêng” mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta: “Ta thương con, thương con thật nhiều” (Gr 31:20). Điều này càng phải được ghi nhớ sâu sắc hơn đối với những người sống đời sống thánh hiến.

TRẦM THIÊN THU



1 nhận xét:

  1. CO NHUNG NGUOI RAT DAC BIET DOI VOI THIEN CHUA.CAC LINH MUC,CAC SOEUR LA NHUNG TU SI KHONG PHAI LO VE VAT CHAT VI DA CO NHA DONG .CON NHUNG NGUOI DAC BIET NAY DA SONG CUOC DOI TAN HIEN VOI LOI KHAN :KHIET TINH,VANG LOI VA NGHEO KHO,NHUNG HO PHAI SONG THANH GIUA DOI VI HANG NGAY HO PHAI SINH SONG LO CHO BAN THAN MINH,CUOC SONG LANG LE VA BINH DI NHU BAO NGUOI.HO SONG GIUA TRAN GIAN NHU KHONG THUOC VE TRAN GIAN.KHONG AI BIET CA VI HO KHONG MAC AO DONG VA SONG HOA DONG TRONG LONG SINH HOAT CUA THE GIAN.DIEU KHO KHAN NHAT CUA HO LA PHAI TRANH MOI CAM DO CUA THE GIAN NHAT LA VE TIEN TAI VA NHUC DUC.CHI CO THIEN CHUA MOI NHAN BIET HO LA NHUNG TU SI DA AM THAM SONG TRONG BONG TOI MENH MONG TRONG THE GIAN MA KHONG THUOC VE THE GIAN....

    Trả lờiXóa