Sự Dữ và Đau Khổ
(Wed,
24/06/2015 - Trầm
Thiên Thu – thanhlinh.net)
Thánh
Phaolô tông đồ đã từng phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành
hành” (2 Tx 2:7).
Từ xưa tới
nay, vấn đề sự dữ và đau khổ là thách đố lớn đối với mọi tôn giáo, kể cả Kitô
giáo. Trong Cựu Ước, sách Gióp đã đề cập vấn đề tương tự. Ông Gióp là người tốt
lành nhưng mất hết con cái và tài sản, lại còn bị bệnh nặng. Dù thế nào ông
cũng vẫn tin vào Thiên Chúa, đau khổ của ông cho biết một phần câu trả lời về
lý do có đau khổ: Điều tốt lành có thể đến từ đau khổ. Ông Gióp trở nên người
thánh thiện hơn, là người bạn tốt hơn, và tin tưởng Thiên Chúa hơn nhờ đau khổ
của ông. Câu chuyện về Giuse (St 37–45) cũng cho thấy điều này. Giuse bị các
anh em xô xuống hố sâu cho chết, nhưng rồi họ lại bán Giuse làm nô lệ. Nhưng
nhờ chịu đau khổ, Giuse trở nên phụ tá của Pha-ra-ô ở Ai Cập, có quyền phân
phát lương thực khi nạn đói hoành hành khắp nơi. Trong cương vị này, ông có thể
cứu gia đình mình khỏi chết đói.
Sự hiểu
thấu giúp ông Gióp kiên trì cho tới cùng, ông thưa với Thiên Chúa: “Con biết
rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không
thành tựu. Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế
hoạch của Ta không còn được rõ ràng minh bạch? Phải, con đã nói dù chẳng hiểu
biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. Vậy, xin Ngài lắng nghe, và cho
con thưa gửi đôi điều, con sẽ hỏi và xin Ngài đáp lại. Trước kia, con chỉ được
biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì
thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn
năn” (G 42:2-6).
Ông gióp
chân nhận rằng đường lối Chúa nhiệm mầu, không thể hiểu được. Hãy khiêm nhường,
tín thác, và chân nhận rằng chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết mầu nhiệm
của sự đau khổ và sự dữ xảy ra trên thế gian.
Nhưng
chúng ta có thể hiểu một số điều về sự dữ và đau khổ. Hãy cân nhắc mấy điểm
này:
● Thế giới được tạo dựng để tiến tới sự hoàn hảo. Thế giới ở trong quá
trình biến đổi vì chưa hoàn hảo. Sức mạnh xây dựng và sức mạnh hủy hoại của
thiên nhiên cùng hiện hữu. Điều hoàn hảo hơn cùng xảy ra với điều ít hoàn hảo: “Theo
ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật
khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn
phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn
hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý” (GLCG, số 310).
Như vận
động viên phải khổ luyện nhiều mới có kỹ năng, thế giới cũng phải trải qua đau
khổ để đạt tới sự hoàn hảo như Thiên Chúa muốn. Chúng ta không thể đánh giá sự
đau khổ trong quá trình phát triển vì thấy có những người vô tội chịu đau khổ
dưới bàn tay của thiên nhiên. Nhưng chúng ta tin rằng, trong sự khôn ngoan của
Thiên Chúa, sự phát triển này tốt cho riêng mỗi cá nhân và cả nhân loại khi
chúng ta hành trình tới sự hoàn hảo.
● Lạm dụng tự do là nguyên nhân gây sự dữ về luân lý. Thiên Chúa tốt
lành đã tạo dựng con người (và các thiên thần) là các sinh vật thông minh
và tự do, chứ không tự động. Nhưng hai tặng phẩm này đòi hỏi
trách nhiệm. Chúng ta có quyền tự do chọn yêu mến Thiên Chúa và những điều khác
trên hành trình tiến tới sự vĩnh hằng. Khi chúng ta từ chối yêu thương, chúng
ta phạm tội. Tội lỗi sinh ra sự dữ và đau khổ.
Mặc khải
Kitô giáo cho chúng ta biết rằng khi các thiên thần phạm tội, họ sa ngã và trở
thành ma quỷ đối nghịch với Thiên Chúa. Đây là một cách giải thích về sự dữ
trên thế gian (đánh bom, động đất, bão tố, lụt lội,…).
Tội lỗi
con người dẫn tới sự dữ luân lý như chiến tranh, hiếp dâm, phá thai, lạm dụng
ma túy, xét đoán, tham lam,... Thiên Chúa không gây ra sự dữ luân lý. Vì lạm
dụng tự do, chính con người là nguyên nhân. Tuy nhiên, Thiên Chúa “cho phép” sự
dữ luân lý xảy ra vì Ngài yêu thương và tôn trọng sự tự do của các sinh vật mà
Ngài đã tạo dựng. Theo cách mà chỉ có Thiên Chúa biết (sự thật mà ông Gióp chấp
nhận), Thiên Chúa biết cách làm cho điều tốt xảy ra từ điều xấu.
● Đức tin Kitô giáo loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chiến
thắng sự dữ. Chắc chắn rằng sự dữ luân lý tồi tệ nhất trên thế giới là nhân
loại đã giết chết Con-Thiên-Chúa-làm-người. Như một người bình thường, Chúa
Giêsu rất ghét đau khổ và Ngài đã xin Chúa Cha loại bỏ đau khổ. Nhưng Chúa
Giêsu vẫn tự do ôm lấy đau khổ xảy đến với Ngài bằng cách dâng mọi đau khổ lên
Chúa Cha: “Xin cho ý Cha nên trọn” (Mt 26:39 và 42).
Thiên Chúa
nghe lời cầu của Đức Kitô, nhưng không cứu Chúa Giêsu khỏi cái chết mà cứu Ngài
trong cái chết. Sự đau khổ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã chiến
thắng sự dữ tồi tệ nhất: Sự chết và sự tách khỏi Thiên Chúa. Nếu chúng ta yêu
thương như Chúa Giêsu dạy và liên kết sự đau khổ của chúng ta với Ngài, chúng
ta sẽ thông phần sự sống dồi dào của Thiên Chúa.
Đây là
“tin vui” có thể giúp chúng ta đối phó với mầu nhiệm sự dữ và đau khổ: “Hãy
ngắm xem việc Thiên Chúa làm: Người đã bẻ cong, nào ai uốn thẳng được? Ngày gặp
may mắn, hãy cứ vui hưởng. Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem: Ngày nào cũng do
Thiên Chúa làm nên, vì thế con người không thể khám phá những gì sẽ xảy ra sau
khi mình nhắm mắt xuôi tay. Xét lại quan điểm truyền thống về sự thưởng phạt”
(Gv 7:13-14).
Chúng ta
cảm thấy thế nào và làm gì khi có điều xấu xảy ra cho chính mình?
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét