Những Đợt Sóng
(Chúa Nhật XII TN, năm B)
(14.6.2015 - TRẦM THIÊN THU-TINVUI.NET)
Có lẽ chẳng ai lạ gì với câu ca dao này: “Người
ta đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình”. Đó là nói về tình
trạng một phụ nữ có chồng nhưng chẳng nhờ chồng được gì, cứ phải mình ên lo
toan mọi thứ cho gia đình.
Nói đến sóng là nói đến nước, sông và biển.
Sóng có nhiều loại: Sóng lớn (to), sóng nhỏ, sóng cao, sóng thấp, sóng cồn,
sóng cả, sóng bạc đầu, sóng thần,… Sóng còn mang nghĩa khác như sóng truyền
hình, sóng phát thanh, sóng điện từ,… thậm chí còn gọi là làn sóng người. Chắc
hẳn nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất là sóng cám dỗ, sóng tội lỗi, sóng mê đắm,
sóng thù hận,… Các xu hướng xấu càng ngày càng xuất hiện nhiều, đó cũng là
những “con sóng” nguy hiểm cần phải lưu ý!
Về điện tử, sóng còn gọi là bước sóng, có
chuyển động với tần số dài hoặc ngắn, và có tác dụng khác nhau. Ví dụ: Sóng
phát thanh có tần số ngắn thì có thể phát đi xa, sóng phát thanh có tần số dài
thì có thể phát đi gần. Trong vật lý, sóng là sự lan truyền của dao động, sóng
có thể mang theo năng lượng, lan truyền trong nhiều môi trường khác nhau, cũng
có thể bị đổi hướng (bởi khúc xạ, phản xạ, tán xạ, nhiễu xạ,...), và có thể
thay đổi năng lượng (bởi hấp thụ, bức xạ,...), thậm chí là thay đổi cấu trúc
(như thay đổi tần số, môi trường phi tuyến tính,...).
Trong ca khúc “Sóng Về Đâu”, cố NS Trịnh Công Sơn đã từng nói với biển: “Biển
sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người; biển sóng biển
sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu?”.
Sóng là hình tượng của nỗi gian truân, cực
khổ của con người. Không ai muốn gặp đau khổ, nhưng chính đau khổ mới làm cho
người ta thành nhân. Vả lại, thử thách càng lớn, cơ hội càng lớn. Ngạn ngữ Phi
châu có câu: “Biển lặng chẳng tạo nên thủy thủ tài ba”. Tục ngữ
Việt Nam cũng nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính gian khổ
cho chúng ta biết ai là người đáng là thầy ta hay không.
Thomas Carlyle (1795-1881, triết gia, nhà
văn châm biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Tô Cách Lan) đã nhận
định: “Tai ương là bụi kim cương mà Thiên Đường dùng để đánh bóng châu
báu” (Adversity is the diamond dust that Heaven polishes its jewels
with).
Từ cổ chí kim – và có thể cho đến tận thế,
có lẽ không ai phải lao đao chịu khốn khổ như Thánh Gióp, thậm chí còn bị Satan
thử thách đủ kiểu (Sách Gióp, chương 1). Nhưng dù thế nào thì ông Gióp vẫn một
niềm tín trung. Và rồi ngay giữa cơn bão táp, Đức Chúa đã lên tiếng trả lời
ông: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực
sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh
giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài” (G 38:8-10).
Rồi Thiên Chúa nói với ông Gióp: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không
được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”
(G 38:11).
Trong tâm tình tạ ơn vì được Thiên Chúa
giải thoát, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Họ vượt biển ngược xuôi nghề
thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường việc Chúa làm nên và
kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão
táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng
khôn đã chìm đâu mất” (Tv 107:23-27). Thiên Chúa là Tạo Hóa, là
Đấng cầm quyền sinh tử, Ngài có quyền “đẩy
xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6). Quả
thật, đúng như ông Gióp nhận định: “Thân
trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban
cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G
1:21). Xác định được như ông Gióp thì không gì
phải lo. Nhưng muốn được vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta có dám chấp nhận
thân phận mình mà vẫn chúc tụng Chúa hay không. Điều này không dễ chút nào!
Có tin tưởng thì mới trung thành, và ai
trung thành thì chắc chắn không phải thất vọng. Tác giả Thánh Vịnh nói về những
người thành tín với Thiên Chúa: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên
cùng Chúa, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió
thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên
bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình
thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv
107:28-31).
Thánh Phaolô cho biết: “Tình
yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi,
vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người thì mọi người
đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn
sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr
5:14-15). Tình yêu có sức mạnh hơn cả tử thần, khả
dĩ khiến người ta làm được những điều lạ lùng, ngỡ như không bao giờ làm được.
Tình yêu biến đổi tất cả. Vì yêu thương mà người mẹ liều lấy thân mình che cho
đứa con dù biết mình sẽ bị thương hoặc thiệt mạng. Vì yêu thương mà Thánh Lm
Maximilian Maria Kolbe (1894-1941, Dòng Phanxicô) đã dám chết thay cho một tử
tù. Đó là tình yêu vị tha (vì người khác) chứ không hề có chút gì vị kỷ (vì
mình).
Loại tình yêu cao thượng như vậy được Đức
Kitô gọi là “tình yêu vĩ đại nhất” (Ga 15:13). Và chính Ngài đã thể hiện tình
yêu này vì yêu thương và để cứu độ các tội nhân chúng ta: Ngài bị đóng đinh vào
Thập Giá và chết trên đồi Can-vê. Thật hợp lý khi Thánh Phaolô nhắc nhở chúng
ta phải “sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”.
Và vì thế, Thánh Phaolô xác định: “Từ
đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng
tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi
không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều
là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr
5:16-17). Người ta luôn thích mọi thứ đổi mới (quần áo, vóc dáng, giày dép,
điện thoại, xe cộ,…), nhưng có lẽ người ta chưa thực sự quan tâm việc đổi mới
tâm hồn, đặc biệt là tâm linh. Chúng ta đã được Đức Kitô đổi mới, nhưng chúng
ta chưa tích cực duy trì sự đổi mới đó nên tâm hồn chúng ta vẫn có cái gì đó “cũ” lắm!
Mỗi khi con sóng duyềnh lên, nó không chỉ “đổi mới” mà còn đem theo phù sa bồi đắp cho vùng đất đó. Tâm hồn
chúng ta cũng cần có những đợt sóng mới để đổi mới, để hoàn thiện. Các đợt sóng
đó vẫn hằng ngày như thủy triều: Sóng tình yêu, sóng ân sủng, sóng thứ tha,
sóng thương xót,… Ước gì “vùng đất”
chúng ta để cho Sóng Tình Chúa biến đổi bất cứ lúc nào!
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là đoạn Mc
4:35-40, nói về việc Đức Giêsu dẹp yên sóng gió (tương đương Mt 8:23-27 và Lc
8:22-25).
Hôm ấy, khi chiều đến, sau khi giảng dạy
cho dân chúng về một loạt các dụ ngôn (người gieo giống, ngọn đèn, cái đấu, hạt
giống tự mọc, hạt cải), Đức Giêsu bảo các môn đệ cho thuyền sang bờ bên kia. Bỏ
đám đông ở lại, các ông chở Ngài đi, có những thuyền khác cũng chèo đi theo
Ngài. Bỗng dưng một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi
thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối
mà ngủ. Các môn đệ thấy Thầy “vô tư”
thế không biết, nên họ vội đánh thức Ngài, gọi giật dậy và hốt hoảng la toáng
lên: “Thầy
ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.
Có lẽ chúng ta cũng như các môn đệ xưa, chứ
chẳng “ngon lành” gì hơn ai, ở ngay
bên Thầy Giêsu mà vẫn chưa thấy an tâm khi gặp giông tố cuộc đời. Gọi như điện
giật thế thì ai mà chợp mắt nổi. Ngài thức dậy, rồi ngăm đe gió, và truyền cho
biển phải “im ngay và câm ngay”. Thế
là gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
Đâu vào đấy rồi, Ngài nghiêm mặt và nghiêm
trách các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà
anh em vẫn chưa có lòng tin?”.
Họ chỉ có nước ngậm tăm chứ nói chi được. Đúng quá mà! Cãi gì nổi? Các ông
hoảng sợ – vừa sợ vì thấy phép lạ vừa sợ vì Thầy mắng thẳng, rồi họ xì xầm với
nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”.
Theo Thầy vì tin Thầy hay thích điều gì ở Thầy mà giờ này còn hỏi nhau “người này là ai” vậy chứ?
Vâng, thật buồn! Buồn cho họ và buồn cho chính chúng ta, vì
chúng ta cũng vẫn “thắc mắc” như vậy,
dù chúng ta không nói ra thôi. Chúa Giêsu cũng buồn, Ngài không buồn vì Ngài
chưa được chúng ta tin thật, mà Ngài buồn cho đức tin của chúng ta còn non nớt,
còn ấu trĩ, chỉ chạy theo “sự lạ” chứ
chưa “bén rễ sâu” vào đất-ân-sủng và
chưa lưu thông “nhựa” của Cây Nho.
Kinh Thánh đã cho chúng ta biết chắc rằng Thiên Chúa là “Đấng gìn giữ chúng ta, không để chúng ta lỡ
chân trật bước”, chắc chắn “Ngài không ngủ
quên” và cũng “không chợp mắt ngủ quên” bao giờ (Tv
121:3-4). Thiên
Chúa không hề vô tâm vô tính như chúng ta tưởng, đừng suy bụng ta ra bụng
người! Miệng thì nói tin, nhưng khi gặp sóng đời duyềnh lên là chúng ta hốt
hoảng ngay, mà sóng đời đâu đã to gì cho cam, chỉ mới “lăn tăn” thôi! Chúng ta có đáng trách không nhỉ?
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vững tay chèo,
chống, bát, cậy,... dù sóng đời nhỏ hay
to. Chúng con không dám xin Ngài đưa thuyền của chúng con ra khỏi vùng biển
động hoặc nước xoáy, nhưng xin Ngài làm Hoa Tiêu hướng dẫn chúng con chèo lái
để có thể vượt qua mọi con sóng dữ. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét