Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

TÂM SỰ VỚI NGƯỜI Y SĨ


TÂM  SỰ  VỚI  NGƯỜI  Y  SĨ
(Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức –CGVN)

Trong lịch sử nền y học Việt Nam từ xưa cho tới nay, có rất nhiều vị lương y đã làm rạng rỡ danh dự nghề nghiệp với các khả năng, kiến thức và lòng yêu nghề của mình.
Đã có biết bao nhiêu y sĩ tận tụy cứu chữa làm nhẹ cơn đau đớn bệnh hoạn của bà con dù với phương tiện thiếu thốn, hoàn cảnh hiểm nghèo. Họ phục vụ với cả một tấm lòng nhân ái, trân trọng tình cảm giữa con người với con người. Cho nên đã có câu ví trong dân gian là người lương y tốt bụng như người mẹ hiền. Con cái còn tấm bé, không tự lực tự tồn được, cho nên đều trông cậy ở mẹ cha, nhất là phụ thuộc vào thiên chức nuôi con của người mẹ.
Người bệnh cũng vậy. Trong cơn đau bệnh, họ hoàn toàn bất lực, vì không hiểu gì về bệnh, vì bối rối lo sợ, sợ chết. Với họ, người y sĩ như cái phao cứu mạng. Họ giao phó tính mạng của mình cho người y sĩ. Y sĩ tận tâm, hiểu nỗi đau của người bệnh thì mang toàn sức toàn tài cứu chữa, cơn đau của họ mau thuyên giảm. Gặp phải người y sĩ xấu, thì họ chịu đựng đau đớn lâu hơn, trầm trọng hơn, đôi khi còn bị khai thác, lạm dụng.
Cho nên, mỗi khi “có bệnh thì vái tứ phương”, tìm thầy chữa trị, nhiều khi chúng tôi nhận được rất nhiều từ tâm của y giới thì cũng không ít trường hợp, chúng tôi cảm thấy buồn buồn đối với các vị tự coi là “lương y” mà rất ít lương tâm.
Và cũng vì lẽ đó, nên có những tâm sự, những ước vọng như sau, gửi người y sĩ.

1- Trước hết là khi khám chữa, xin hãy nhìn con người chúng tôi một cách toàn diện chứ không chỉ để ý tới triệu chứng, dấu hiệu rồi đau đâu chữa đó. Vì một dấu hiệu, triệu chứng sẽ hành hạ cả con người chúng tôi mà không khoanh vòng, tập trung vào một góc. Cổ nhân có câu nói “nhìn cả rừng chứ không chỉ nhìn một cây”, để ước lượng chuyện gì đã và đang xảy ra, hậu quả sẽ như thế nào nếu không có phương pháp đối phó hữu hiệu.

2- Xin quý vị hãy dành cho sự kể lể bệnh tình của chúng tôi một sự chú tâm. Khi đau ốm, bệnh hoạn thì lời nói của chúng tôi nó cũng không mạch lạc, rõ ràng, đôi khi lại cà kê dê ngỗng, nói năng lung tung, lạc đề. Chúng tôi biết là đối với quý vị, “thì giờ là vàng bạc”, bệnh nhân chờ phòng ngoài quá đông, bảo hiểm giới hạn, cho nên mỗi bệnh nhân chúng tôi mà được quý vị dành cho từ 5 tới 10 phút là cùng. Với khoảng thời gian này, vừa để nghe y sử vừa để khám rồi ghi ghi chép chép, biên toa thì cũng quá ngắn ngủi đấy. Cho nên xin hãy kiên nhẫn lắng nghe. Chúng tôi nhớ rằng “VĂN” là một trong bốn chiêu thức căn bản mà các nhà y học vẫn áp dụng khi khám bệnh. Đó là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”. Nhìn sắc diện người bệnh, nghe và ước lượng âm thanh khi bệnh nhân nói bệnh tình, hỏi chi tiết về bệnh và bắt mạch”. Những lời kể này nhiều khi cũng giúp quý vị dễ dàng chẩn đoán bệnh.

3- Chúng tôi rất “I tờ” ít hiểu biết về bệnh tật, y lý, nên xin hãy vui lòng giải thích cho chúng tôi một cách nhẹ nhàng cởi mở, với các ngôn từ bình dân, dễ hiểu.

4- Nhấn mạnh cho chúng tôi những điểm quan hệ của bệnh trạng để chúng tôi nhớ và dễ bề chăm lo, thuốc thang. Thiết nghĩ sự chữa trị của quý vị sẽ công hiệu hơn, nếu chúng tôi cũng biết đau ra sao, diễn tiến bệnh thế nào. Để biết so sánh kết quả điều trị rồi “báo cáo” với quý vị chứ.

5- Chúng tôi cần sự hướng dẫn chi tiết một chút về cách dùng thuốc cũng như về ẩm thực ăn uống trong thời gian đau ốm. Vì chúng tôi được biết thuốc và thức ăn cũng có tương khắc, chẳng chịu cùng nhau chung đường chung lối, tiếp tay nhau giúp đỡ người bệnh.

6. Xin hãy mang tất cả tài năng, kiến thức, kỹ thuật cao để chữa trị cho chúng tôi. Chúng tôi cũng biết là y khoa học ngày nay rất tiến bộ, “rừng y” thì mênh mông, quý vị “thông kim bác cổ”, nhưng chúng tôi chỉ xin được hưởng kiến thức thực tế áp dụng thích hợp trong trường hợp riêng của chúng tôi để rút ngắn thời gian hành xác do bệnh. Và hãy chỉ thực hiện những thử nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán, theo dõi điều trị chứ không làm quá nhiều để thỏa mãn tò mò, thêm lợi nhuận hoặc để tránh vi phạm luật lệ hành nghề, đôi co kiện tụng

7- Nhân vô thập toàn, kinh nghiệm chuyên môn mỗi y sĩ nhiều ít khác nhau, nếu thấy cần tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp về bệnh tình của chúng tôi, xin hãy làm ngay chứ không chần chừ, trì hoãn, nuôi giữ bệnh. Vì các bậc thầy ngành y đều nói, chẩn đoán sớm, điều trị ngay, bệnh mau lành. Vả lại, “Cứu bệnh như cứu hỏa” ấy mà.

8- Có bệnh là có âu lo, sợ sệt và ai mà chẳng sợ đau ốm, chết chóc. Xin hãy làm giảm thiểu tâm trạng bất an của chúng tôi với thái độ tự tin mà không kiêu căng, nhẹ nhàng mà không hời hợt. Xin hãy “Thấy người đau, giống mình đau, phương nào cứu đặng, mau mau trị lành”(1), mà thông cảm với hoàn cảnh chúng tôi. Vì người y sĩ là nơi để bệnh nhân gửi gắm tính mệnh.

9- Nghề y là nghề cao quý, có những quy luật y đức. Xin hãy hiểu rõ và áp dụng các quy luật nghề nghiệp, cần phải làm gì, không được làm gì để “cứu nhân độ thế” và cũng để tích tụ “âm đức” cho con cháu. Cổ nhân có nói “Ba đời làm nghề y, về sau có người làm khanh tướng”, chẳng là điều nên theo hay sao!

10- Dân gian cũng như y giới đều nói “nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”. Xin hãy dành cho chúng tôi mấy thang thuốc bổ tinh thần này mỗi khi khám chữa tư vấn, để làm dịu niềm đau đang tàn phá cơ thể chúng tôi.

11- Xin hãy bớt lạnh lùng gắt gỏng, vô cảm trước sự ngớ ngẩn đòi hỏi cầu thiện của chúng tôi, vì chúng tôi chỉ quá ám ảnh về bệnh tình, mong sao chóng khỏi, cho nên đôi khi có những cử chỉ hành động vụng dại, thất thố.

12- Có người nói sự khác biệt giữa y sĩ với bệnh nhân là họ có công học tập để có bằng cấp y khoa, có kiến thức y học, trong khi chúng tôi cũng có những kiến thức chuyên môn khác mà họ không có. Cho nên xin hãy nhẹ nhàng, khiêm nhượng với nhau. Có ý kiến cho rằng, lòng sốt sắng, nhiệt tình, tài năng, kiến thức cao, kỹ thuật tốt là những đức tính không thể để phí phạm qua sự bất cẩn của người y sĩ cũng như qua sự coi thường của người khác, để tránh thiệt hại cho cả đôi bên. Vả lại, “Lời nói chẳng mất tiền mua”, mà chúng tôi lại còn thanh toán y phí đầy đủ sau khi khám trị bệnh.

13- Bệnh nhân có người giầu, kẻ nghèo, có người cao sang “lãnh đạo” thì cũng có người làm việc tùy tiện chân tay. Xin hãy đối xử bình đẳng, đừng “Chỗ giàu trân trọng, chỗ nghèo đảo điên” (2) để rồi “ nhất bên trọng, nhất bên khinh” “Đủ tiền đủ vị, thiếu tiền hốt vơ” (3).

Và còn nhiều tâm sự khác nữa, nhưng “giấy ngắn, tình dài”, xin tạm biệt ở con số 13.
Nhiều người cho số 13 là xui xẻo, là không tốt. Tâm sự chẳng ai thèm đọc thèm nghe mà có khi còn mang họa vào thân. Thôi thì có họa cũng đành gánh chịu, nhưng tự trấn an là ít ra cũng thổ lộ được đôi điều mà nhiều “đồng bệnh tương lân” muốn nói ra. Và cũng có ý mong rẳng người y sĩ chẳng nên “đổi nhân thuật thành chước lừa dối, thay lòng nhân đức ra lòng bán buôn, khiến người sống trách móc, người chết oán hờn” (4).
Vả lại, đây là chúng tôi thầm kín tâm sự như vậy mà thôi, chứ thành văn bộc lộ ra ngoài là do người ký tên dưới đây “chủ xướng”, xin cứ y ta mà “trăm dâu đổ đầu tằm”, trách móc.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức  
(1, 2,3). Ngư Tiều Vấn Đáp- Nguyễn Đình Chiểu
(4) Y Huấn Cách Ngôn” trong Hải Thượng Lãn Ông Tâm Lĩnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét