Dù Laudato Si không được viết riêng cho người Công
Giáo, nhưng muốn hiểu nó đến ngọn nguồn, người ta buộc phải đọc nó dưới cái
nhìn Công Giáo, hay ít nhất Kitô Giáo. Đó là điều linh mục James Martin của tạp
chí America và các biên tập viên của Viện Acton đã làm. Linh mục Martin kể ra
10 điểm hàng đầu của Thông Điệp Laudato
Si trong khi các biên tập
viên của Viện Acton, một “think
tank” đại kết của Hoa Kỳ, kể
ra 11 điểm mà báo chí thế tục ít khi lưu ý tới và do đó, khó tới mắt người đọc.
Mười món “mang đi”
Linh mục James Martin gọi
10 điểm ngài tóm lược là 10 món “mang
đi” (takeaways).
Món đầu tiên: viễn ảnh
tâm linh nay đã trở thành một phần của cuộc tranh luận về môi sinh.
Từ trước đến nay, môi
sinh chỉ chủ yếu được bàn thảo bằng ngôn ngữ chính trị, khoa học và kinh tế.
Nay, ngôn ngữ đức tin đã bước vào cuộc tranh luận, một cách rõ ràng, cương
quyết và có hệ thống. Điều này không có nghĩa: Đức Phanxicô muốn áp đặt các
niềm tin của ngài lên những ai quan tâm tới môi sinh (xem số 62). Tuy nhiên, thông
điệp đặt cơ sở vững chắc trên viễn ảnh tâm linh và mời gọi mọi người lắng nghe
một quan điểm tôn giáo, nhất là cái hiểu của quan điểm này về tạo dựng như là
quà phúc qúy giá của Thiên Chúa, cần được mọi người nam nữ tôn kính.
Thứ hai, người nghèo và các nước đang phát triển bị ảnh
hưởng xấu một cách bất cân xứng bởi việc thay
đổi khí hậu.
Vấn đề này hầu như được
tìm thấy rải rác khắp thông điệp. Gần ở phần đầu, Đức Phanxicô quả quyết rằng
tập chú vào người nghèo là một trong các chủ đề của thông điệp và ngài cung cấp
nhiều điển hình cho thấy hiệu quả tai hại của việc thay đổi khí hậu mà tệ hại
hơn cả là đối với những người sống tại các nước đang phát triển. Lý do, các
quyết định của kẻ quyền thế không đếm xỉa gì tới người nghèo là những người
không có tài nguyên tài chánh giúp họ thích ứng với việc thay đổi khí hậu. Mặt
khác, tài nguyên của các nước nghèo được dùng để “cung cấp nhiên liệu” cho việc phát triển của các nước giầu
mà gây hại cho “chính hiện tại
và tương lai” của mình (xem
số 52).
Đức Phanxicô không ngừng
nại tới Tin Mừng, tới giáo huấn xã hội của Giáo Hội và tới các tuyên bố của các
vị giáo hoàng gần đây để phê phán việc loại bỏ bất cứ ai ra khỏi các phúc lợi
do thiện ích tạo dựng đem lại (xem số 158).
Thứ ba, kém là hơn.
Các điểm sau đây bị ngài
phê phán mạnh mẽ: a) não trạng kỹ trị (technocratic) coi kỹ thuật là chìa khóa
chính của nhân sinh (số 110); b) việc vô ý thức dựa vào các sức mạnh của thị
trường, chỉ biết lao theo các tiến bộ kỹ thuật, khoa học hay kỹ nghệ mà không
chịu đắn đo suy nghĩ xem nó tác động ra sao đối với môi sinh, nhất là đối với
những con người nhân bản (số 109); c) chủ nghĩa tiêu thụ cực đoan trong đó, con
người không làm sao cưỡng lại được bất cứ thứ gì thị trường đặt trước mặt họ,
khiến trái đất bị bóc lột và hàng tỷ người trở thành nghèo khổ (số 203). Thành
thử, đối với Đức Phanxicô, nay đã tới lúc, một số nơi phải chấp nhận một phát
triển chậm đi, ngõ hầu giúp các nơi khác phát triển lành mạnh hơn (số 193).
Ngược với não trạng duy tiêu thụ, linh đạo Kitô Giáo khuyến khích một sự phát
triển với đặc điểm “điều độ và khả năng biết vui lòng với việc có ít” (số 222).
Đây quả là cách tái định nghĩa ý niệm tiến bộ.
Thứ tư, giáo huấn xã hội Công Giáo nay bao gồm giáo
huấn về môi sinh.
Trái với suy nghĩ của một
số người cho rằng thông điệp về môi sinh không có thế giá thực chất, Đức
Phanxicô quả quyết: Laudato Si nay là một phần của giáo huấn xã hội
Công Giáo (số 15). Nên nhớ: thế giá của một thông điệp giáo hoàng chỉ thua Tin
Mừng và các sắc lệnh công đồng mà thôi. Laudato
Si cũng có thế giá như Rerum Novarum của Đức Lêô XIII hay Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII.
Thứ năm, các cuộc thảo luận về sinh thái có thể đặt cơ
sở trên Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Tuy không bắt đầu
thông điệp bằng một suy niệm Thánh Kinh và Thánh Truyền, có thể gây phản ứng
tiêu cực nơi người vô tín ngưỡng, nhưng ngay ở chương hai, Đức Phanxicô đã dẫn
ta tới “Tin Mừng Tạo Thế”, trong đó, từng bước, ngài cho thấy lời
kêu gọi chăm sóc tạo dựng đã khởi đầu ngay từ Sách Sáng Thế qua đó con người
được kêu gọi “cày cấy và gìn
giữ” trái đất. Nhưng theo
ngài, ta quá cày cấy mà coi nhẹ gìn giữ. Ngài còn đi xa hơn bằng cách dạy rằng
Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, không những trở nên con người, mà còn trở
thành một phần của thế giới tự nhiên. Ngài nhắc tới việc Chúa Giêsu ca ngợi tạo
thế, các thánh, nhất là thánh Phanxicô Assisi, hết lời tán dương.
Thứ sáu, mọi sự đều liên hệ với nhau, kể cả kinh tế.
Đóng góp lớn nhất của Laudato Si là nó đưa ra một cách tiếp cận có tính
hệ thống cho vấn đề môi sinh. Trước nhất, nó nối kết ta với tạo thế: “ta là thành phần của thiên nhiên,
bao hàm trong nó, và do đó, không ngừng
tương tác với nó” (số 139).
Nhưng các quyết định của ta, nhất là trong lãnh vực sản xuất và tiêu thụ, có
những hậu qua không thể tránh đối với môi sinh. Đức Phanxicô liên kết “quan niệm ảo thuật về thị trường” với việc lạm dụng môi sinh, một quan
niệm ưu đãi lợi nhuận hơn tác động đối với người nghèo (số 190). Ngài nhắc lại
quan điểm của Thánh Phanxicô Assisi cho rằng có một sự nối kết chặt chẽ giữa
việc quan tâm tới thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân cho xã hội và
hòa bình nội tâm” (số 10). Ngài bảo: “Lợi
nhuận không thể là tiêu chuẩn độc nhất” của
các quyết định của ta (số 187).
Thứ bẩy, khảo cứu khoa học về môi sinh đáng được ca ngợi và
sử dụng.
Trong văn kiện này, Đức
Phanxicô không ráng chứng minh bất cứ điều gì về việc thay đổi khí hậu. Ngài
thành thực thú nhận rằng Giáo Hội không “có
cao vọng giải quyết các vấn nạn khoa học” (số
188). Và dù minh nhiên tuyên bố rằng hiện đang có nhiều tranh luận về khoa khí
hậu học, thông điệp của ngài vẫn chấp nhận “cuộc
nghiên cứu khoa học tốt đẹp nhất
hiện có ngày nay” và xây dựng
trên nó, hơn là đi vào cuộc tranh luận của nhà chuyên môn (số 15). Giống mọi
thông điệp vĩ đại khác, Laudato
Si dựa vào cả giáo huấn của
Giáo Hội lẫn các khám phá của các lãnh vực khác, nhất là khoa học, trong trường
hợp này, để giúp người thời đại dễ dàng suy nghĩ về các vấn đề này.
Thứ tám, sự dửng dưng và vị kỷ phổ quát đang làm cho các
vấn đề môi sinh trầm trọng thêm.
Đức Phanxicô dành các phê
phán mạnh mẽ nhất cho các người giầu, chuyên làm ngơ vấn nạn do thay đổi khí
hậu tạo ra, nhất là hậu quả của nó đối với người nghèo. Họ tìm cách che giấu
các triệu chứng… (số 26); các quyết định của họ không hề đếm xỉa tới người
nghèo, không bao giờ tiếp xúc với anh chị em mình (các số 90, 49).
Thứ chín, cần có cuộc đối thoại và tình liên đới hoàn cầu. Không phải chỉ bên trong
Giáo Hội Công Giáo (các số 14, 16). Thượng phụ đại kết Bartholomew của Chính
Thống Giáo cũng góp phần vào thông điệp và cả một thi sĩ của phái Sufi Hồi Giáo
nữa. Ngài kêu gọi mọi người bước vào cuộc đối thoại về “tổ ấm chung” (các số 62, 155).
Thứ mười, đòi hỏi thay đổi cõi lòng.
Để nhìn sự vật cách mới
mẻ, một cuộc “cách mạng văn
hóa mạnh dạn” (các số 3,
114). Dù cho rằng trái đất đang càng ngày càng trở nên “đống rác rưởi mênh mông”, tài
liệu vẫn đầy hy vọng, nhắc ta nhớ rằng vì Thiên Chúa ở với chúng ta, nên ta vẫn
có thể thay đổi đường đi. Ta có thể đánh thức tâm trí ta để chúng hướng về một “cuộc hồi tâm sinh thái” trong đó, ta tìm ra mối liên kết thân
thiết giữa Thiên Chúa và mọi hữu thể, và sẵn sàng hơn để lắng nghe “tiếng kêu của trái đất và tiếng
kêu của người nghèo” (số 49).
Mười một điều ít được truyền thông lưu ý
Viện Acton thì trích dẫn
chính thông điệp để chỉ ra 11 điều ít được truyền thông nhắc đến vì phần lớn họ
chỉ chú ý tới vấn đề thay đổi khí hậu và hâm nóng địa cầu.
Trước nhất là các đoạn 75 và 77 cho thấy tạo thế có một Đấng Tạo Hóa, và
không hề chỉ là một thiên nhiên cộng với
biến hóa. Một linh đạo quên mất
Thiên Chúa, Đấng toàn năng và tạo dựng, là điều không thể chấp nhận được. Vì
chính vì thế mà kết cục ta đi thờ phượng các quyền lực trần thế, tiếm đoạt chỗ
đứng của Thiên Chúa, đến độ tự cho mình quyền hành vô hạn trong việc dầy đạp
tạo dựng.
Tạo thế do một quyết định
tự do của Thiên Chúa, không phải do hỗn mang hay may rủi, một quyết định của
yêu thương. Sách Khôn Ngoan (11:24): “vì
Ngài yêu thương mọi vật hiện hữu, và không ghét bỏ bất cứ vật nào do Ngài tạo dựng; vì Ngài sẽ không
dựng nên vật nào nếu Ngài ghét nó”. Thánh
Basilêô Cả mô tả Đấng Tạo Hóa là “lòng
tốt khôn lường” còn Dante nói
tới “tình yêu chuyển mặt trời
và tinh tú”. Nhờ thế, ta có thể từ các vật được tạo thành vươn tới “sự cao cả
của Thiên Chúa và lòng từ nhân đầy yêu thương của Người”.
Thứ hai, họ trích dẫn đoạn 15 để nhận định rằng sinh thái nhân bản có nghĩa là thừa
nhận và đánh giá cao sự khác biệt giữa nam tính và nữ tính vì đó là quà tặng tự nhiên của Thiên Chúa, mà ta “phải kính trọng chứ không tùy tiện
thao túng” như lời dạy của
Đức Bênêđíctô XVI.
Thứ ba, với đoạn 98, theo viện Acton, Laudato Si cho rằng Chúa Giêsu thánh hóa lao công con người: Người làm việc bằng đôi tay trong tư cách “thợ mộc, con trai bà Maria” (Mc 6:3).
Thứ bốn, đoạn 47 cho thấy: hãy rời bỏ điện thoại để gặp
gỡ nhau. Vì các phương tiện truyền
thông và thế giới kỹ thuật số đang trở thành toàn diện (omnipresent), ngăn cản
con người không học cách sống khôn ngoan, suy nghĩ sâu sắc và yêu thương đại
lượng.
Thứ năm, các đoạn 120, 136 và 91 dạy ta phải cứu trẻ thơ: bảo vệ thiên nhiên không thể biện minh cho việc phá thai,
dùng phôi thai người để nghiên cứu, nạn buôn bán người...
Thứ sáu, đoạn 128 khuyến khích ta giúp người nghèo đòi hỏi nhiều hơn
phát chẩn. Giúp họ về tài chánh chỉ là 1 giải pháp tạm, giải pháp lâu dài
là giúp họ có việc làm. Việc làm đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, mở đường cho
tiến bộ, phát triển nhân bản và thành toàn bản thân. Phải giúp họ 1 đời sống
xứng đáng qua việc làm.
Thứ bẩy, đoạn 50 cho thấy thặng dư dân số không phải là vấn
đề. Vấn đề là chủ nghĩa duy tiêu thụ cực đoan và có tính lựa lọc
của một số người. Tăng dân số hoàn toàn tương hợp với một chính sách phát triển
toàn bộ và biết chia sẻ.
Thứ tám, các đoạn 118 và 65 dạy: sinh thái chân thực đòi một nền
nhân học đích thực và lòng tôn trọng nhân phẩm. Không thể trông mong con người nhân bản chịu trách nhiệm về
môi sinh nếu đồng thời các khả năng độc đáo của họ như trí hiểu, ý chí, tự do
và trách nhiệm không được thừa nhận và đánh giá cao.
Thiên Chúa ban cho mỗi
con người một phẩm giá độc đáo: họ có khả năng tự nhận thức, tự chiếm hữu mình,
tự do cho mình đi và bước vào hiệp thông với người khác. Người nào cũng được
ước muốn, được yêu thương, và cần thiết cả.
Thứ chín, các đoạn 123, 211 cho thấy: thay đổi thực sự phải là thay đổi
văn hóa, chứ không phải thay đổi chính trị. Vì khi văn hóa sa đoạ và chân lý khách quan và các nguyên tắc
có giá trị phổ quát không còn được tuân giữ, thì luật lệ chỉ là những áp đặt
tùy tiện hay các trở ngại cần phải tránh.
Thứ mười, các đoạn 60 và 188 cho thấy Giáo Hội không có
cao vọng giải quyết các vấn đề khoa học và
ta cần một cuộc tranh luận trung thực và cởi mở. Hiện đang có hai phương thức cực đoan: “huyền thoại tiến bộ” cho rằng chỉ cần áp dụng kỹ thuật mới
là giải quyết tức khắc mọi vấn đề sinh thái, chẳng cần gì tới đạo đức hay thay
đổi sâu xa; phía kia coi con người đơn thuần là một đe dọa phá nát hệ sinh thái
hoàn cầu, nên cần giảm thiểu sự hiện diện của họ. Cả hai không giải quyết được
gì, cần mọi người bước vào đối thoại nhằm đưa ra các giải pháp toàn bộ. Giáo
Hội khích lệ cuộc đối thoại trung thực và cởi mở để các quyền lợi đặc thù hay
các ý thức hệ không phá hoại ích chung.
Thứ mười một, Viện Acton trích dẫn đoạn 229 là đoạn dạy phải chấm dứt các chủ nghĩa khuyển nho (cynicism), duy tục và vô luân: ta cần nhau, ta có trách nhiệm chung đối với nhau và đối với
thế giới và sống tốt lành và tao nhã là điều đáng làm, hiện có quá nhiều nhạo
báng đối với đạo đức, sự thiện, niềm tin và lòng trung thực. Khi những nền tảng
này không còn, thì việc chăm sóc môi sinh cũng chấm dứt.
Trước sau, giải pháp
chính yếu của Laudato
Si vẫn không hẳn là giải pháp
kỹ thuật. Kiên nhẫn đọc cho tới phần kết, ta thấy nó nở ra cả một chân trời
cánh chung tươi đẹp. Số 244 cho rằng: “mọi
điều tốt lành đang hiện hữu nơi đây sẽ được đem vào bàn tiệc nước trời. Hợp
nhất với mọi loài thụ tạo, ta hành trình xuyên qua mảnh đất này để đi tìm Thiên
Chúa, vì ‘nếu thế giới có một khởi đầu và nếu nó được dựng nên, ta phải tìm
hiểu xem ai đã ban cái khởi đầu này cho nó, và ai là Đấng tạo ra nó?’. Ta hãy
hoan ca trên đường hành trình. Ước chi các tranh đấu và quan tâm của ta cho
hành tinh này không bao giờ lấy mất niềm vui trong lòng hy vọng của ta”.
Vì dù có thế nào, Thiên
Chúa “cũng không bỏ rơi ta, không bao giờ Người để ta một mình, vì Người đã
dứt khoát kết hợp chính Người với trái đất của ta, và tình yêu của Người không
ngừng thúc đẩy ta tìm ra đường để tiến tới. Ngợi ca Người!” (số 245)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét