Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Apr 3, 2016 - Chúa nhật thứ II Phục Sinh năm C



Apr 3, 2016 - Chúa  nhật  thứ  II  Phục  Sinh  năm  C

Hãy  làm  cho  Đức  Giesu  trở  thành  hữu  hình

Kính  Lòng  Thương  Xót  Chúa



    
Các Bạn thân mến, 

Như chúng ta biết, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã lập Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa theo mặc khái mà Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ Maria Faustina để chuyển lại cho Hội Thánh.

Yêu cầu cử hành Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào chúa nhật thứ II Phục Sinh có một ý nghĩa vô cùng to lớn và rõ ràng liên kết với Tin Mừng dành cho phụng vụ chúa nhật này. Bởi khi Đức Giesu Phục Sinh hiện ra lần đó là để thuyết phục Toma, cho ông tin thật Ngài đã sống lại.

Như lần đầu, Ngài cũng xuất hiện bất ngờ lạ lùng. Sau khi ban bình an cho các ông, Ngài quay qua ông Toma, mời gọi ông kiểm chứng những vết thương trên cơ thể Ngài như ông đòi hỏi.

Lòng từ ái, thương xót và sự hiểu biết của Chúa đã thuyết phục Toma tin chẳng những vào sự sống lại của Ngài, mà còn hơn thế nữa, vào Thần Khí của Ngài. 

Lần thứ nhất Chúa Phục Sinh xuất hiện bất ngờ lạ lùng vì cửa phòng vẫn đóng kín. Ngài đứng giữa, ban bình an và cho các ông xem cạnh sườn cùng các dấu tay chân bị đóng đinh, để các ông nhận ra Ngài, rồi trao sứ mạng rao truyền Tin Mừng cho muôn dân cho các ông như Chúa Cha đã trao cho Ngài, cùng thổi hơi thở để ban tình yêu và sức sống mới cho các ông mở lòng đón nhận Thánh Thần.

Ngài cũng thấu hiểu tâm trạng sợ sệt, ngờ vực và nỗi khó khăn của các ông. Nên Ngài không kết án, trách móc, mà giải cứu các ông khỏi tội lỗi bất trung vì chối bỏ, hồ nghi Ngài; khỏi sợ hãi về số phận mình trước mặt Chúa, trước dư luận, và tương lai; khỏi ray rứt vì yếu đuối, giới hạn, ảo tưởng. Tình yêu thương ấy đã đốt cháy tội lỗi của các ông, giúp các ông lấy lại niềm tin, an vui, mạnh dạn.

Đoạn Tin Mừng cho chúng ta nhiều bài học quí giá:


 1. Sự bình an:

-   Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Đức Giesu đều mở đầu với câu: Bình an cho anh em, như lời chào thông thường của người Do Thái, đặc biệt như lời ban phúc ân lành cho các môn đệ.

-   Bởi bình an là điều quí giá nhất mà con người hằng mơ ước: bình an trong tâm trí, cõi lòng, thân xác, gia đình, công ăn việc làm, hoàn cảnh xã hội, thiên nhiên, tình hình đất nước…

-   Có thể nói bình an là trạng thái tự do, yên ổn, thanh thản, vui sống, không bị chi phối bởi một thế lực tinh thần, nội, ngoại cảnh nào dù vẫn có thể gặp nguy hiểm, vẫn tiếp cận kẻ thù, vẫn bất hạnh…

-   Như vậy bình an là một sức mạnh, một nương tựa, một an ủi giúp người được bình an không nao núng sợ hãi trước bất cứ thế lực, quyền uy, hay nguy hiểm, đe dọa nào, cả bề ngoài lẫn bên trong.

-   Kinh nghiệm các môn đệ cho thấy dù đang sợ hãi ẩn trốn, nhưng có Chúa ở củng, các ông được bình an ngay, khi không có Ngài, các ông lại sợ hãi lo âu, chỉ đến khi an tâm rằng luôn có Chúa đồng hành, các ông mới được bình an thật sự.

-   Như thế, sự bình an mà Chúa Phục Sinh chào ban là sự bình an xa tránh hận thù, để thuộc trọn về Chúa, để phục vụ và yêu thương anh em, mà không gì có thể làm xao xuyến hoặc mất đi.


2. Khủng hoảng đức tin:

-   Là chuyện thường gặp không chỉ ở người yếu kém, mà đôi khi ở cả những người đạo đức, trưởng thành trong đức tin, trong trí khôn như những triết gia, những thần học gia…

-   Đó là những trạng thái băn khoăn thắc mắc, bối rối lo lắng chung quanh những vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, sự vật, sự vận hành và hủy diệt; giới hạn và vĩnh cửu, thể xác với linh hồn, sự dữ và tạo hoá.

-   Theo cả lý thuyết và kinh nghiệm thì chỉ có đức tin mới có thể trả lời những câu hỏi sâu xa đó.

-   Nhưng thực tế không chỉ tin mà giải quyết được tất cả mọi thắc mắc ngoài tâm trí con người, bởi tin là tín nhiệm, chứ không phải là chắc chắn, nên chúng ta đừng dại khờ kỳ vọng quá mức.

-   Tuy nhiên nó giúp chúng ta hiểu rằng đức tin Kito giáo không phải là giáo điều mơ hồ, mà tin vào một Đấng chết vì yêu thương với những thương tích vẫn còn mãi nơi thân thể Ngài để các môn để nhận ra Ngài, để đức tin của Toma sống lại, để mọi người không quên cuộc khổ nạn của Ngài, và để những ai muốn kiểm chứng thì có thể chạm vào!

-   Lại không chỉ có niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa cũng dặt niềm tin nơi chúng ta nữa.

-   Chúa Phục Sinh hiện ra đã ổn định và nâng đức tin của các môn đệ lên, từ sự phải đưa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được lên đến mức độ cao hơn là tin chỉ vì nghe, vì mình đã an tâm về uy tín của người nói với mình.

-   Không biết từ thời nào, con người đã biết gắn liền hai chữ "Tin-Yêu" với nhau, và thực tế đã không thể tách rời.

-   Hình ảnh hai môn đệ Gioan và Phero cùng chạy ra ngôi mộ trống của Đức Giesu, và thái độ của hai ông cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự kết hợp của"Tin-Yêu".

-   Một ngôi mộ trống, với khăn liệm được xếp gọn gàng, Gioan hiểu và tin ngay Thầy mình đã sống lại, còn Phero thì rất đỗi ngạc nhiên, nên ông phải vượt qua dấu chỉ của khả giác.

-   Toma lại phải vượt qua cái nhìn của giác quan, chứ không thể tin những lời làm chứng của các bạn mình.

-   Rõ ràng Gioan có cái nhìn bằng con mắt đức tin, con mắt tình yêu chứ không phải cái nhìn bằng con mắt xác thịt. 

-   Mặt khác, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài không áp đặt, bắt buộc họ phải tin theo ngay. Mà Ngài thuyết phục họ từ từ, tùy trình độ và hoàn cảnh thực tế của đối tượng.

-   Hiển nhiên có nhiều loại khủng hoảng đức tin, với nhiều giai đoạn, diễn tiến phức tạp khác nhau.

 -   Khủng hoảng đức tin nơi Toma là loại nghi ngờ, thì Chúa thuyết phục bằng cách cho ông kiểm chứng các dấu đinh nơi Ngài.

-   Thánh Augustin không hiểu nổi màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, muốn dùng kiến thức, suy luận của bộ óc mình để chạm vào Chúa, thì Ngài thuyết phục bằng hình ảnh cậu bé cố gắng múc nước biển đổ đầy một lỗ cáy ngoài biển khơi.

-   Hơn nữa, dân tộc khác nhau thì mọi người cũng có những truyền thống, nền văn hóa, và trình độ khác nhau. Vậy hãy nói gương Chúa Phục Sinh, tế nhị với những khác biệt đó, Ngài không áp đặt niềm tin Phục Sinh nơi các môn đệ, nên chúng ta cũng đừng áp đặt chân lý cho ai, mà nên cố gắng làm cho những khác biệt đó sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, có thế họ mới có thể gặp được Đấng Phục Sinh nơi chúng ta, chứ không chỉ để nghe những lý thuyết về Chúa Phục Sinh.  (ĐGM GB Bùi Tuần)

-   Sự nghi ngờ của Toma khiến Chúa cho ông một dấu hiệu đặc biệt minh chứng thực sự Ngài đã sống lại. Để như thế, người môn đệ khi nghi ngờ và khi được kiểm chúng trở nên chứng nhân vững vàng của chân lý Phục Sinh.

-   Toma cũng như chúng ta, cần có ơn Chúa để tin, để giải quyết những khủng hoảng của niềm tin, và để giữ vững niềm tin.

-   Vì các chân lý mặc khải thường được chuyển trao qua lời rao giảng, qua chứng từ của các vị được Đức Kito sai đi với quyền năng của Chúa Thành Thần để rao giảng đức tin.

-   Tuy nhiên niềm vui lớn lao là lòng chúng ta công nhận điều mà mắt chúng ta không thấy:" Phúc thay những người không thấy mà tin!"

-   Bởi sự thật chúng ta chỉ tin khi chúng ta hành động theo điều lòng mình vững tin.

-   Và khi yêu hết mình thì chúng ta cũng sẽ tránh được những khủng hoảng về đức tin.


3. Nên lưu ý:

-   Trong suốt thời gian ba năm Chúa đi rao giảng, rất đông người đã nhìn thấy Chúa, nghe Ngài giảng dạy, chữa lành, cho ăn uống thỏa thuê, nhưng nhiều người trong số họ vẫn không tin. Vì thế, sự tiếp xúc, sự thân cận không thể dẫn đến sự tin, mà muốn tin, phải có ý thức quyết định, chọn lựa. 

-   Các tông đồ cũng không được dễ dàng trong niềm tin, mà cũng có người gặp khó khăn, Toma chắc chắn không phải là người duy nhất hoài nghi về việc Chúa Phục Sinh.

-   Thật ra chuyện kém tin của các môn đệ cũng dễ hiểu, bởi họ đã bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa, nên cái chết của Ngài làm họ cảm thấy hụt hẫng, như mất mát, như trắng tay!

-   Giá trị và ý nghĩa của mọi thứ đều bị đe dọa, từ tinh thần với Ngài, niềm tin vào Ngài đến cuộc sống riêng của họ.

-   Đang lúc thất vọng chua cay như vậy, đột nhiên Ngài hiện ra đứng giữa họ, tất nhiên họ nghi ngờ là ảo giác, ảo tưởng!

-   Nên việc đầu tiên Ngài làm là cho họ xem và mời họ sờ vào những vết thương của Ngài để họ nhận ra Ngài, Người đã chết và sống lại vì thương yêu họ đến cùng.

-   Riêng Toma, ông đã thẳng thắn bày tỏ sự hồ nghi của mình, không giả vờ, không quanh co dấu diếm.

-   Người như Toma thật đáng tin, còn có thể giúp người khác tin tưởng vững vàng như ông.

-   Và sự hồ nghi của ông đã là bước khởi đầu tốt dẫn tới mọi sự được rõ ràng sâu sắc hơn.

-   Nhờ đó Toma đã đạt tới một lời tuyên xưng đức tin cao nhất:”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

-   Thái độ của Toma rất đáng làm gương cho mọi người, mọi thời đại chúng ta.

-   Thật vậy, sau khi vượt qua cơn khủng hoảng đức tin, Toma đã mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục Sinh tại Batu, Syria, Ấn Độ và trở thành một trong những vị tông đó vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai. Còn là tông đồ đầu tiên chết vì đức tin. 

-   Trần gian này chẳng có gì là chắc chắn tuyệt đối, lại có nhiều điều không kiểm nghiệm được nên cần phải có niềm tin; suy ra những sự việc thiêng liêng, là những điều vượt mọi khả năng của tất cả các giác quan con người và còn vượt cả khả năng kiểm chứng của khoa học, nên còn cần niềm tin cao hơn nữa. Đó là điều ai cũng có thể hiểu được.

-   Thế giới càng ngày càng đầy những hoài nghi, nên những người không tin càng ngày càng gia tăng.

-   Chắc chắn Đức Kito Phục sinh luôn mời gọi chúng ta làm chứng về Ngài, và sẵn sàng cho mọi người chạm vào những vết thương của Ngài để đức tin được lan rộng.

-   Như các môn đệ đã nhận ra Chúa Phục Sinh, đã cảm nhận được Ngài luôn ở bên mình, nên hăng say mạnh dạn rao truyền về Ngài.

-   Đây là nhiệm vụ làm cho Đức Giesu trở thành hữu hình để những người chung quanh chúng ta cũng tin vào Ngài.

-   Thực tế cách duy nhất làm cho họ tin là cho họ nhận thấy được Đức Kito qua chúng ta, như họ chạm được vào chính Ngài vậy.



Lạy Chúa Phục Sinh, Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng con, nhưng chúng con thường quên điều đó nên sống và làm việc như không có Ngài ở bên. Ngài cũng là nguồn gốc và nền tảng của sự vui mừng và bình an, nhưng chúng còn lại thường để mình bị giao động, buồn phiền, lo lắng, bâng khuâng.

Vì Lòng Thương Xót Chúa, xin cho chúng con vượt qua những khắc khoải của niềm tin, và soi sáng hướng dẫn chúng con nhận ra những dấu chỉ của Ngài trong mọi biến cố hàng ngày. Lạy Chúa Tình Thương, chúng con tin cậy nơi Ngài. Amen.

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét