NIỀM HẠNH PHÚC
(Sat,
02/04/2016 - Trầm Thiên Thu)
Hạnh phúc khó tìm và hạnh phúc mau qua, nó tùy sự biến đổi
của mọi thứ – từ thời tiết đến tiền bạc. Chúng ta không nói đến việc chúng ta khả
dĩ đạt đến trạng thái vĩnh cửu gọi là “hạnh
phúc tột đỉnh” và vẫn duy trì được nó hay không, chỉ cần chúng ta cảm thấy
vui và thoải mái.
Có nhiều
cách loại bỏ lo lắng, tức giận, thất vọng và u sầu, thoát khỏi “bóng tối tâm hồn” một hoặc vài lần
trong ngày cũng là hạnh phúc. Đây là 20 ý tưởng giúp bạn “khởi động”. Hãy chọn những cách tác dụng đối với bạn, cách này
không được thì dùng cách khác. Điều cần là phải kiên trì: “Có công mài sắt có ngày nên kim” và “có chí thì nên”.
1.
HIỆN
TẠI
Hãy
sống với hiện tại. Thay vì lo lắng về chuyện ngày mai khi ăn tối với gia đình,
hãy tập trung vào thực tế lúc đó – đồ ăn, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị
em, chuyện trò,…
2.
VUI CƯỜI
Tham
gia một sự kiện vui có thể làm tăng mức endorphin và các hormone tạo hưng phấn,
đồng thời làm giảm các hormone gây stress. Các nhà nghiên cứu tại ĐH
California, ở Irvine, đã thí nghiệm 16 người coi video hài, có 8 người được coi
trước 3 ngày. Họ thấy mức thay đổi ngay về sinh học. Khi họ xem phim, mức
hormone gây stress giảm đáng kể, còn mức endorphin tăng 27% và mức hormone phát
triển (lợi ích đối với hệ miễn dịch) tăng 87%.
3.
NGỦ NGHỈ
Hãy ngủ
trưa hàng ngày và đi ngủ từ 8 giờ tối với một cuốn sách hay, sau 60 phút thì
tắt đèn. Điều này có thể giúp bạn hưng phấn hơn so với liệu pháp tắm hoặc
mát-xa.
4.
ÂM NHẠC
Nghiên cứu
cho thấy âm nhạc kích hoạt các phần não sản sinh hạnh phúc, các phần não đó
cũng được kích hoạt bởi thực phẩm và tình dục. Một nghiên cứu khác ở người lớn
tuổi được nghe loại nhạc họ thích sau khi phẫu thuật mắt, họ có mức giảm đáng
kể về nhịp Tim và huyết áp. Âm nhạc rất kỳ diệu!
5.
NGĂN NẮP
Hầu như
bạn không thể suy tư hoặc thư giãn khi nhà cửa bừa bộn và ồn ào. Cố gắng tránh
ồn ào và giữ vệ sinh nhà cửa để tinh thần khả dĩ thư thái. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” là vậy.
6. KHƯỚC TỪ
Khước từ
là một nghệ thuật. Hãy loại bỏ các hoạt động không cần thiết và không thích
hợp. Nếu có thể thì từ chối các hoạt động gây phiền phức để bạn không cảm thấy
áy náy.
7. DANH SÁCH
Hãy viết
ra giấy những gì cần làm – việc nào trước, việc nào sau. Điều này giúp đầu óc
thanh thản, không bị rối trí và không mất thời giờ sắp xếp.
8.
BUÔNG THẢ
Đừng
ôm đồm. Giờ nào việc nấy. TS Edward Suarez, GS tâm lý y khoa tại ĐH Duke, thấy
rằng những người ôm đồm công việc dễ bị cao huyết áp. Thay vì vừa làm việc vừa
nghe điện thoại thì hãy ngưng làm việc để tập trung nghe điện thoại cho thoải
mái. Cứ “quên đi” để cho đầu óc thanh
thản.
9.
LÀM VƯỜN
Không chỉ
không khí trong lành và tập thể dục giúp giảm stress và cảm thấy khỏe mà làm
vườn, ngắm hoa, chăm sóc cây kiểng, trồng cây, làm cỏ,… cũng làm bạn sảng khoái
khi nhìn kết quả của mình.
10. TÁCH RỜI
Hãy
tách rời với ngoại cảnh. Một tuần không đọc báo, nghe đài, xem thời sự, kiểm
tra email hoặc lướt web để đầu óc thư thái, không bị ám ảnh. Biệt lập với thế
giới bên ngoài để tĩnh tâm, bạn sẽ thấy nhẹ lòng và hạnh phúc hơn.
11.
VẬT CƯNG
Nhiều cuộc
nghiên cứu cho thấy lợi ích của vật cưng đối với việc làm giảm stress. Các nhà
nghiên cứu phân tích đánh giá Tim mạch của 240 cặp vợ chồng, 1/2 số họ có nuôi
vật cưng. Các vợ chồng nuôi vật cưng giảm nhịp Tim và huyết áp đáng kể so với
các vợ chồng không nuôi vật cưng.
12.
HƯƠNG LIỆU
Các nhà
nghiên cứu cho thấy lợi ích của liệu pháp hương liệu khả dĩ làm giảm stress.
Những người tiếp xúc hương thảo (rosemary) thì giảm mức lo lắng, tăng mức tỉnh
táo và tính toán nhanh hơn. Những người tiếp xúc oải hương (lavender) thì có
dạng sóng não biểu hiện tăng mức thư giãn. Có nhiều phương pháp dùng hương liệu
như xịt thơm phòng, tắm hoặc mát-xa với dầu thơm, và thắp nến thơm.
13.
THƯ GIÃN
Các nhà
nghiên cứu Trung quốc thấy có mối liên hệ giữa chứng khóan với sức khỏe tâm
thần của những người chơi chứng khóan. Hãy dành thời gian “xả hơi”, đừng “ráng” đầu
tư chứng khoán.
14. TĨNH LẶNG
Thư viện,
bảo tàng viện, vườn cây, và những nơi tôn nghiêm (nhà thờ, chùa chiền, đền
đài,…) là những nơi tĩnh lặng giúp tâm hồn lắng đọng để cân bằng cuộc sống hiệu
quả.
15.
TỰ NGUYỆN
Chia sẻ
tâm sự để người khác giúp bạn tăng mức hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy những
người tự nguyện có thể tăng hạnh phúc, thỏa mãn cuộc sống, tự tin, kiềm chế,
sống khỏe và giảm trầm cảm.
16.
TRẦM MẶC
Các mối
quan hệ giúp bạn giảm stress, nhưng đôi khi bạn vẫn cần thời gian một mình trầm
mặc để nạp thêm năng lượng. Có thể đi ăn một mình, xem phim một mình, đọc sách,
nghiên cứu, sáng tác, vào nhà sách, xem triển lãm,…
17. ĐI BỘ
Tập thể
dục tốt hơn dùng thuốc trấn thống và an thần. Đi bộ có lợi cho sức khỏe và tinh
thần. Nghiên cứu cho thấy đi bộ và suy nghĩ tích cực thì có lợi hơn là đi bộ
bình thường. Những bước nhanh tốt hơn những bước chậm.
18.
THÂN THIỆN
Nghiên cứu
hơn 1.300 người (nam và nữ ở nhiều độ tuổi) cho thấy những người có nhiều bạn
thân thì tốt hơn về huyết áp, cholesterol, chuyển hóa đường máu, và ít hormone
gây stress so với những người chỉ có 1 hoặc 2 bạn thân. Những người cảm thấy
đơn độc và trầm cảm dễ mắc bệnh và chết yểu gấp 3-5 lần so với những người cảm
thấy yêu thương, liên kết và hòa nhập.
19.
TIN TƯỞNG
Nhiều cuộc
nghiên cứu cho thấy những người sống tích cực với niềm tin tôn giáo sẽ cảm thấy
hạnh phúc hơn và xử lý các đợt khủng hỏang tốt hơn. Chính cộng đồng giúp bạn
cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, có thể chấp nhận và tha thứ. Nếu bạn không có niềm
tin tôn giáo, tinh thần mạnh mẽ vẫn có thể tạo lợi ích tương tự.
20. TÍCH
CỰC
Những
người dành thời gian mỗi ngày để suy tư về các lĩnh vực tích cực của cuộc sống
(sức khỏe, gia đình, bạn bè, tôn giáo, nhân bản, giáo dục,…) sẽ cảm thấy khỏe
mạnh và hạnh phúc hơn.
Ngoài ra,
nếu bạn là người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, còn có những dạng hạnh phúc
khác: Thực hành theo Bát phúc (Mt 5:3-11), tuân thủ Mười điều răn (Xh 20: 3-17;
Đnl 5:12-21) và các Luật Giáo Hội, thực thi “điều
răn trọng nhất” (Mt 22:34-40; Mc 12:28-34; Lc 10:25-28), noi gương “người Samari nhân hậu” (Lc 10:29-37),
luôn “nhờ đức tin để nên công chính” (Rm
3:21; Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:6; Gl 3:24; Dt 11:7), khiêm nhường “nhận mình là đầy tớ vô dụng” (Lc
17:10), thể hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (1 Cr 13:1-13), tin tưởng vào tình
thương của “người cha nhân lành” (Lc
15:11-31), sốt sắng đọc “Kinh Lạy Cha”
(Mt 6:9-13; Lc 11:2-4), cố gắng không như “cây
vả không trái” (Mt 21:18+), không
như “con nợ không xót thương” (Mt
18:23-35), không đi “dâng lễ mà còn giận
ghét người khác” (Mt 5:23), không đòi hỏi như “hai con ông Dêbêđê” (Mt 20:20-23; Mc 10:35-40), không sống “giả hình” (Mt 23:1-12; Mc 12:38-40; Lc
11:43-46, 20:45-47), không “thấy cái rác
trong mắt người mà không thấy cái đà trong mắt mình” (Mt 7:3-5; Lc
6:1.41-42),…
Vì tất cả
chúng ta đều phạm tội (Rm 5:12), ngay cả người chân chính cũng sai lầm mỗi ngày
7 lần, thế nên ai cũng phải biết tha thứ 70 lần 7 (Mt 18:22). Nói yêu Chúa mà
không yêu người thì là nói dối. Thánh Phaolô nói: “Đức mến tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13:7), ai
cũng đã từng phạm tội và từng được Thiên Chúa tha thứ, thế nên “phải có lòng thương xót và biết tha
thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ trong Đức Kitô” (Ep 4:32).
Thánh
Gioan nói rõ: “Ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Không
kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3:15). Chúa
Giêsu còn nói đến nơi đến chốn hơn: “Ai giận anh em mình thì đáng
bị đưa ra tòa, ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra
trước Thượng Hội Đồng, ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng
bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5:22).
Các dạng
hạnh phúc của người yêu mến Thiên Chúa, dấn thân theo Đức Kitô, trú ẩn nơi
Thánh Tâm Chúa Giêsu và tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, chắc hẳn
hoàn toàn “không giống ai” nhưng lại
trên cả tuyệt vời, không thể nào cân-đo-đong-đếm được!
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét