Thái độ đúng đắn trong việc chào đón
tông huấn Amoris
Laetitia
(Thu,
07/04/2016 - Vũ
Văn An)
Trong mấy
ngày qua, hai phe bảo thủ và cấp tiến trong Giáo Hội Công Giáo liên tiếp đưa ra
nhiều “mong ước” đối với tông huấn Amoris
Laetitia sắp được công bố vào ngày 8 tháng Tư này về chủ đề gia đình, dựa
vào kết quả của hai thượng hội đồng năm 2014 và 2015.
Nhưng ít
ai chịu lưu ý tới tài liệu và thư hướng dẫn đọc tông huấn trên của Văn Phòng
Thượng Hội Đồng. Tài liệu và thư hướng dẫn này nhấn mạnh rằng Amoris Laetitia “trước nhất và trên hết là một văn kiện mục
vụ” và là “lời mời gọi đối thoại”.
Tài liệu
trên, do tờ National Catholic Reporter đưa tin, nói rằng “nói về gia đình và ngỏ lời với các gia đình, thách đố không phải là
thay đổi tín lý mà là hội nhập văn hóa các nguyên tắc tổng quát cách nào đó để
chúng được hiểu biết và đem ra thực hành”.
Nhân nói
tới đối thoại, tài liệu nhấn mạnh rằng “viễn
kiến của Đức Giáo Hoàng về xã hội có tính bao gồm. Việc bao gồm này liên quan
tới cố gắng nhằm chấp nhận tính đa dạng, đối thoại với những người suy nghĩ
khác (với ta), khuyến khích việc tham gia của những người có những khả năng
khác”.
Tài liệu
trên được gửi cho các vị giám mục cùng với các bản tóm lược các buổi yết kiến
vào ngày thứ Tư gần đây về gia đình của Đức Phanxicô, và Thần Học Thân Xác của
Đức Gioan Phaolô II; các tài liệu này được mô tả như “nguồn quan trọng” của Amoris Laetitia.
Joshua J.
McElwee, khi đưa tin này, cho biết theo tài liệu trên, Đức Giáo Hoàng muốn Giáo
Hội chấp nhận một chủ trương bao gồm mới đối với xã hội và phải làm sao để các
tín lý “phục vụ sứ mệnh mục vụ” của
mình. Ngài “khuyến khích không những một
cuộc ‘canh tân’ mà còn hơn nữa, phải là một cuộc ‘hoán cải ngôn từ’ chân thực
nữa”.
Tài liệu
trên viết rằng “Tin Mừng không nên chỉ có
tính lý thuyết, nó không được xa rời khỏi đời thực của người ta… Ngôn từ của
chúng ta phải khích lệ và làm an tâm mọi bước đi tích cực của mọi gia đình chân
chính”.
Tài liệu
nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “muốn
phát biểu bằng một ngôn từ thực sự tới tai người đọc, và điều này ngụ ý biện
phân và đối thoại”. Về biện phân, tài liệu cho rằng phải “tránh việc coi các chân lý và quyết định là
việc đương nhiên; nó buộc ta phải khảo sát và chấp nhận có ý thức các công thức
của ta về chân lý và các quyết định ta đã chọn”.
Tài liệu
viết tiếp: “Giống các vị tiền nhiệm của
ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu rằng là các mục tử, chúng ta phải biện
phân giữa nhiều tình huống khác nhau mà các tín hữu và mọi người, mọi gia đình,
mọi cá nhân từng trải nghiệm”.
"Biện phân… khích lệ ta phát triển từ tốt tới tốt hơn.
Theo Thánh Inhaxiô thành Loyola, một trong các đặc điểm của biện phân là nhấn
mạnh không những việc phải tính tới sự thật khách quan, mà cả việc phát biểu sự
thật này bằng một tinh thần tốt lành, biết xây dựng”.
“Biện phân là cuộc đối thoại của các vị chăn chiên với Đấng
Chăn Chiên Lành để luôn đi tìm phần rỗi các con chiên”.
Về đối
thoại, tài liệu hướng dẫn cho rằng đối thoại “nghĩa là ta không nên… coi những điều ta suy nghĩ là đương nhiên, cả
những điều người khác suy nghĩ cũng thế”.
Tài liệu
cùng ngụ ý cho rằng tông huấn muốn nại tới 2 lạc giáo ngày xưa để phê phán
những người sợ đối thoại. Tài liệu viết “Đức
Phanxicô cho chúng ta thấy 2 loại người không thể đối thoại vì họ đều co rút
hay co cụm vào chính họ. Một số người giản lược con người của họ vào điều họ
biết hay cảm nhận mà thôi (ngài gọi họ là ‘ngộ đạo’); một số khác giản lược con
người của họ vào các điểm mạnh của họ mà thôi (ngài gọi họ là ‘tân Pêlagiô’ =
tự sức mình, không cần Thiên Chúa)”.
Nhưng “đối với văn hóa đối thoại, việc bao gồm mọi
người là điều chủ yếu… Đức Giáo Hoàng gợi ý rằng ta nên minh nhiên hiện hữu
trong cách thế hiểu Giáo Hội như thế này: như dân trung thành của Thiên Chúa”,
một dân biết chấp nhận sự đa dạng, đối thoại và khuyến khích sự tham dự của
những người khác với ta.
Tuy nhiên,
tài liệu cũng có đoạn nhấn mạnh rằng “không
nên giải thích ưu tư mục vụ như là chống đối luật lệ và việc chăm sóc mục vụ.
Vì sự thật không hề trừu tượng; nó tự hoà nhập vào cuộc hành trình nhân bản và
Kitô giáo của từng tín hữu”.
Tài liệu
cho hay: “Chăm sóc mục vụ cũng không phải
chỉ là việc áp dụng thần học thuần ngẫu nhiên thực tiễn. Ta không hề có ý định
gồm tóm chăm sóc mục vụ vào tín lý mà thôi, nhưng duy trì ấn tích mục vụ nguyên
thủy và cấu thành của tín lý”.
Tài liệu
kết luận như sau: “ngôn từ của lòng
thương xót là hiện thân của sự thật ở trong đời. Do đó, quan tâm của Đức Giáo
Hoàng là tái cảnh huống hóa (re-contextualize) tín lý để phục vụ sứ mệnh mục vụ
của Giáo Hội”.
Theo tài
liệu này, “tín lý nên được giải thích
trong tương quan với trọng điểm của sơ truyền (kerygma) Kitô Giáo và dưới ánh
sáng của cảnh huống mục vụ nơi nó được áp dụng”. Vì dù gì, nguyên tắc của
Bộ Giáo Luật vẫn có giá trị: “Phần rỗi
các linh hồn, điều luôn là luật tối cao của Giáo Hội, phải được để trước mắt
ta”.
Quan
điểm của hai vị giáo phẩm Hoa Kỳ
Cũng trong
mấy ngày qua, hai vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ đã lên tiếng,
giúp ta hiểu rõ hơn những điều vừa trình bầy ở phía trên.
Vị đầu
tiên là Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York. Tại Rôma gặp gỡ nhiều
giới chức Tòa Thánh trước khi lên đường tới vùng người Kurd ở Iraq để bầy tỏ
tình liên đới với các Kitô hữu bị bách hại ở đấy, Đức Hồng Y Dolan đã dành cho
tạp chí Crux một cuộc phỏng vấn.
Trả lời
câu nhận định cho rằng bất luận Đức Phanxicô nói gì trong Amoris Laetitia,
nhiều người cũng sẽ không hài lòng, Đức Hồng Y Dolan trả lời rằng: thì ngay từ
thuở đầu, đã có người không hài lòng với giáo huấn của Chúa Giêsu rồi. Sau đó,
với Giáo Hội cũng vậy. Luôn có những cách nhìn sự vật khác nhau, những cách
giải thích sự vật khác nhau. Bất chấp những điều này, “trong sứ điệp của Chúa Giêsu, vốn có sự rõ ràng và chính xác mà ta
không được phá rối, và tôi không muốn phá rối, và tôi tin Đức Giáo Hoàng
Phanxicô muốn phá rối. Sứ điệp tôi hy vọng sắp xuất hiện một cách trong trẻo
trong tông huấn… là: một lần nữa, Giáo Hội, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh
Thần, sẽ thành thực cố gắng trung thành với giáo huấn vượt thời gian của Chúa Giêsu,
nhưng biết áp dụng giáo huấn này một cách đầy thương xót, hiểu biết, nhân
hậu".
“Điều ấy không mới mẻ gì, vì tôi hy vọng ta vẫn đang cố làm
điều ấy từ lâu. Tôi nghĩ hiện có chút kịch tính hơn trước, và được nhiều người
chú ý tới nó hơn, vì nhân cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã làm cho sự
nhậy cảm mục vụ ấy thành tiêu điểm suốt ba năm qua".
“Tôi nghĩ điều bạn sắp sửa thấy sẽ là một phương thức Công
Giáo cổ điển, minh bạch bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội nhưng vẫn kêu gọi những
phương cách sáng tạo để đem lòng thương xót của Thiên Chúa tới người ta”.
Theo Đức
Hồng Y Dolan, thái độ đúng đắn nhất là khiêm nhường chăm chú (humble
attentiveness): đọc, nghiên cứu, xem kỹ Đức Giáo Hoàng muốn nói gì, chứ không
chỉ các tít lớn, những câu vừa lòng truyền thông (sounbites), dù là truyền
thông đứng đắn như Crux!
Đạo Công
Giáo, theo Đức Hồng Y, chỉ biến mạng (evolution) chứ không cách mạng. Giáo Hội
không thay đổi để làm vừa lòng con người hiện nay. Nhưng nếu Tông Huấn, dựa vào
tòa trong, cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn rước lễ thì sao? Đức Hồng Y
Dolan cho biết: ngài không dành nhiều thì giờ cho điều này. Thứ nhất, vì ngài
nghĩ nó sẽ không diễn ra. Thứ hai, thực ra nó đã diễn ra bằng nhiều cách rồi.
Dĩ nhiên, vốn có một phương thức bảo thủ đối với giải pháp toà trong được các giáo luật gia và thần học gia bênh vực. Như Thánh Anphongsô Đệ Liguori chẳng hạn. Người ta chỉ sợ sự việc trở nên quá lỏng lẻo thôi.
Điều cũng
khiến Đức Hồng Y Dolan quan tâm là giải pháp toà trong, dù rất quan trọng,
nhưng đừng che khuất sự thật này: sứ mệnh chính và khẩn trương của Giáo Hội
hiện nay là đề cao vẻ đẹp và cao quí của bí tích hôn nhân và đời sống gia đình,
chứ không phải ly dị. Dù gì, những người Công Giáo ly dị tái hôn mà còn đi nhà
thờ chỉ là số rất nhỏ.
Vị giáo
phẩm cao cấp thứ hai của Hoa Kỳ là Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington D.C.
Trong dịp tới thăm Học Viện Bắc Mỹ ở Rôma, ngài cũng đã lên tiếng với cùng một
quan điểm như Đức Hồng Y Dolan. Vì dù Tông Huấn có cho phép người Công Giáo ly
dị tái hôn rước lễ, dựa vào tòa trong, thì đây cũng không phải là cách mạng mục
vụ gì. Vì thực ra, việc này đã được nhiều vị giải tội thực hiện rồi.
Về tín lý,
Đức Hồng Y Wuerl cũng cho rằng “Tại tâm
điểm giáo huấn của chúng ta là mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội cố gằng
duy trì và bảo vệ mạc khải ấy bằng tín lý của mình. Nhưng tín lý cần được làm
cho sống động, và việc này, đối với cộng đồng, mang hình thức giáo luật, còn
đối với các cá nhân, nó mang hình thức thực hành mục vụ".
“Tôi nghĩ chúng ta sắp được thấy một việc làm tươi mát lại
các đường hướng trên. Chúng ta biết giáo huấn là gì rồi, nhưng trong cả hai
thượng hội đồng, ta luôn nghe nói rằng giáo huấn không y hệt như thực hành mục
vụ. Tôi nghĩ chúng ta sắp được thấy điều đó trong văn kiện này…”
Theo Đức
Hồng Y Wuerl, việc sử dụng tòa trong không hề là tiêu hôn trong tòa giải tội,
cũng không phải là án vô hiệu, mà chỉ là gặp gỡ người ta một cách có ý thức tại
nơi họ thấy họ hiện diện. Đây là thực hành mục vụ, một việc vốn đã có từ thuở
đầu của Giáo Hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét