ƠN BÌNH AN của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
(Chúa Nhật II Phục Sinh – Đại lễ
LCTX)
Sự bình an luôn là điều cần thiết ở
mọi nơi và mọi lúc. Tại sao người ta luôn cần ơn bình an? Vì xã hội bất ổn, vì
thế giới chiến tranh, vì tâm hồn bất an, vì gia đình xáo trộn, vì cộng đoàn rắc
rối, vì các mối quan hệ rạn nứt, vì con người thiếu tình yêu thương, thiếu lòng
thương xót,...
Được bình an hay không là có liên
quan sự chọn lựa, mà sự chọn lựa lại có liên quan sự tự do. Thế nào là tự do?
Phải chăng tự do là muốn làm gì thì làm?
Thánh GH Gioan Phaolô II có định
nghĩa rất thú vị: “Tự do KHÔNG có nghĩa là LÀM điều chúng ta THÍCH, mà là CÓ
QUYỀN LÀM điều chúng ta PHẢI LÀM”. Còn Thánh LM Gioan Kim Khẩu nhận định: “Sau
khi đặt sự thiện và sự dữ trong khả năng của chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho
chúng ta QUYỀN TỰ DO để lựa chọn. Người KHÔNG CHẤP NHẬN những gì MIỄN CƯỠNG,
nhưng ĐÓN NHẬN những gì TỰ NGUYỆN”. Tự do cũng có giới hạn trong phạm vi
hợp lý, tự do phải được hiểu chính xác theo ý Chúa.
Cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục
sinh của Đức Kitô Giêsu liên quan sự tự do và Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Về
nhân tính, Chúa Giêsu cũng sợ uống chén đắng nên Ngài xin Chúa Cha bỏ qua,
nhưng Ngài không muốn theo ý Ngài mà muốn tuân phục.
Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng
vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng chí
thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua trời đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị
đóng đinh chết tất tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị
chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng
cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là
Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng chính là Sự
Sống Lại.
Và thật là kỳ diệu, “Cây Thánh Giá là hy vọng của Kitô hữu, là
sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù lòa, là cây gậy cho người
què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành
hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng vượt trên ma quỷ, là người chỉ đạo cho
thanh niên, là bánh lái cho người vượt sóng, là cửa biển cho người đi xa, là
thành lũy cho người bị vây hãm” (Thánh LM Gioan Kim khẩu). Mọi sự hoàn toàn
đã thay đổi!
Trình thuật Cv 5:12-16 cho chúng ta
biết về phép lạ do quyền năng Thiên Chúa thực hiện qua các Tông Đồ: “Nhiều
dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông Đồ. Không một
ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có
thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông, đàn bà rất đông. Người ta còn
khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi
ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào
đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem
theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa
lành”.
Trình thuật ngắn gọn nhưng cho thấy
đầy đủ các dạng phép lạ như chính Chúa Giêsu đã làm trong ba năm rao giảng công
khai. Ngày nay, các phép lạ thực sự cũng vẫn xảy ra qua lời cầu bầu của các tôi
trung của Chúa, chẳng hạn ngay tại Việt Nam có LM P.X. Trương Bửu Diệp. Rất
nhiều người hàng ngày đến Tắc Sậy để cầu xin ngài nguyện giúp cầu thay, trong
số những người đến cầu xin ngài có nhiều người là dân ngoại. Đó là minh chứng
hùng hồn và sống động về tôn giáo do chính Đức Kitô Giêsu thiết lập.
LCTX vẫn trải qua từ đời nọ đến đời
kia, như lời xác nhận của Đức Maria trong “Bài
Ca Ngợi Khen” (Magnificat – Lc 1:50). Tác giả Thánh Vịnh cũng đã minh định:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:2-4). LCTX bao la và
không hề thay đổi. Mỗi người trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ đón nhận LCTX.
Đó là điều không thể chối cãi hoặc phủ nhận, đơn giản nhất là không khí. Thiếu
không khí thì chúng ta không thể sống, không khí loãng hoặc đặc lại một chút
thì chúng ta cũng chết chắc!
Đấng Thương Xót bị khước từ nhưng
người ta vẫn phải công nhận, người ta hả hê nhạo cười và coi Ngài là thua cuộc
nhưng Ngài đã vinh thắng, Ngài bị giết chết nhưng Ngài đã sống lại: “Tảng đá
thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của
Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta
hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:22-24).
Chúng ta cũng là những người đồng
lõa trong “vụ án Giêsu”, nhưng Đấng
Thương Xót vẫn đại lượng tha thứ, coi là chúng ta lầm mà thôi (x. Lc 23:34).
Thật là diễm phúc cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải tiếp tục cầu xin: “Lạy
Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công. Nguyện xin Chúa
tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi
chúc lành cho anh em” (Tv 118:25-26).
Trình thuật Kh 1:9-13. 17-19 nói về
thị kiến đầu tiên của Thánh Gioan, người-được-Chúa-yêu. Thánh Gioan đã xuất
thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau có một tiếng lớn như thể tiếng kèn, nói
rằng hãy ghi điều đã thấy vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh: Ê-phê-xô,
Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a.
Ông quay lại để xem tiếng ai nói thì thấy bảy cây đèn vàng, ở giữa các cây đèn
có ai giống như Con Người mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.
Thánh Gioan cho biết: “Lúc thấy
Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy”. Nhưng rồi Người
đặt tay hữu lên Gioan và động viên: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là
Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa
khoá của Tử thần và Âm phủ. Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang
diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này. Đây là ý nghĩa mầu nhiệm của bảy ngôi
sao ngươi đã thấy trên tay hữu Ta, và của bảy cây đèn vàng: bảy ngôi sao là các
thiên thần của bảy Hội Thánh, và bảy cây đèn là bảy Hội Thánh”. Sự lạ
quá đỗi, thật là mầu nhiệm, phàm nhân không thể hiểu nổi. Quả thật, Thiên Chúa
toàn năng làm nên mọi sự, biến không thành có. Và tất nhiên Ngài cũng có thể
biến có thành không.
Tin Mừng hôm nay cho biết về việc
Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (Ga 20:19-31 – tương đương Mt 28:16-20; Mc
16:14-18; Lc 24:36-49).
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần,
tức là chiều ngày phục sinh, nơi các môn đệ ở đều đóng kín các cửa, vì các ông
sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và chúc bình an cho họ. Nói
xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Họ rất vui mừng vì được thấy Ngài
nhãn tiền. Rồi Ngài nói với họ: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai
Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Ngài thổi hơi vào họ và bảo: “Anh
em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em
cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Họ đầy ơn Chúa Thánh Thần và có thể
làm những gì Thầy Giêsu cho phép – tức là cử hành các bí tích nhân danh Ngài.
Lúc đó chỉ có mười môn đệ, không có
mặt Tôma, cũng gọi là Điđymô. Các môn đệ khác nói với ông Tôma về việc được
diện kiến Thầy-Giêsu-phục-sinh, nhưng ông Tôma không tin: “Nếu tôi không
thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt
bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
Sau đó tám ngày, các môn đệ Đức
Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng
kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi
Ngài bảo ông Tôma đặt ngón tay vào vết thương ở cạnh sườn, nhìn xem tay Ngài,
và bảo ông đừng cứng lòng nhưng hãy tin. Nhãn tiền thấy Thầy, ông Tôma vội
thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Có lẽ lúc đó ông Tôma
chẳng dám đưa tay ra sờ để kiểm chứng đâu. Sau đó, Đức Giêsu bảo: “Vì đã
thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Đó là
mối phúc mới. Chúng ta đang thừa kế mối phúc này, thật là hạnh phúc biết bao!
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết
rõ là trong hai lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đã chúc bình an ba lần.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của sự bình an. Và hàng ngày, khi tham dự Thánh
Lễ, chúng ta cũng được mời gọi chúc bình an cho nhau.
Thánh Gioan kết luận: “Đức Giêsu
đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không
được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em
tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà được SỰ
SỐNG nhờ danh Người”. Như vậy, tin là bí quyết để được thương xót và được
cứu độ. Còn Thánh Phaolô cầu chúc: “Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho bạn được ân sủng, lòng thương xót và sự bình
an” (2 Tm 1:2).
Thương xót là một trong Bát Phúc: “Phúc
thay ai xót thương người – Bởi vì sẽ được Chúa Trời xót thương” (Mt 5:7).
Đây là “bộ tứ” (4T) để sống LCTX: Tín Thác, Thỉnh Cầu, Thương Xót, và Tha Thứ.
Hôm nay, ngày Đại lễ LCTX, chúng ta cùng nhau chân thành cầu nguyện: “Jezu
ufam Tobie – Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nguyện xin Máu và Nước
chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu tẩy rửa linh hồn của mọi người nên tinh tuyền
theo lượng từ bi của Ngài!
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin giúp con biết tin nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, biết ẩn náu nơi
Thánh Tâm Chúa Giêsu, biết thương xót tha nhân và luôn sẵn sàng tha thứ. Xin
ban cho con Ơn Bình An đích thực của LCTX. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu
Phục Sinh, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Khuôn Mặt Thương Xót: https://www.youtube.com/watch?v=v8Vw4VfEgtY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét