CON CÁ và
CON NGƯỜI
(Chúa Nhật III Phục Sinh, năm C)
(Tue,
05/04/2016 - Trầm
Thiên Thu)
Con cá và
con người có điểm giống nhau là động vật, nhưng lại có điểm khác nhau là con cá
chỉ có giác hồn, còn con người có linh hồn.
Người ta
thường dùng con cá để ví von. Như khi nói về tình quân và dân: Quân và dân như
cá với nước; khi so sánh về giáo dục: Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ
trăm đường con hư. Và khi kêu gọi Phêrô và Anrê đi truyền giáo, Chúa Giêsu cũng
dùng hình ảnh con cá để nói về con người: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm
cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4:19; Mc 1:18; x. Lc
5:10).
Cá là loài
chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, đặc biệt là khi ăn chay theo Kitô giáo,
người ta không phải kiêng cá. Quả thật, cá là loài có gì đó rất đặc biệt.
Sau khi Chúa
Giêsu phục sinh, các Tông Đồ không còn nhút nhát như trước, vì họ đã xác tín và
được Thầy Giêsu ban Chúa Thánh Thần khi Ngài hiện ra và thổi hơi vào họ (Ga
20:22). Trình thuật Cv 5:27b-32. 40b-41 cho biết về lòng can đảm của các Tông
Đồ.
Khi người
ta điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng, vị thượng tế hỏi: “Chúng tôi
đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã
làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy
đổ trên đầu chúng tôi!”.
Nói về Ông
Giêsu thì mắc mớ chi tới họ mà họ cấm? Ngày nay cũng vậy, người ta vẫn tìm mọi
cách bách hại những người tin vào Đức Kitô. Cả xưa và nay, tại sao người ta tìm
bắt Chúa Giêsu và những người tuyên xưng Đức Kitô? Nếu không là ghen tức thì là
lý do gì? Những người tin vào Đức Kitô thì chỉ làm điều tốt chứ có hại ai mà họ
lại ghét thế? Thật là vô lý hết sức!
Tuy nhiên,
họ nói gì thì cứ nói, ông Phêrô và các Tông Đồ khác vẫn hiên ngang đáp lại
thẳng thắn: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức
Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông
chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người
lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối
và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng
với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”.
Nghe nói
vậy, họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không
được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi
Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh
Đức Giêsu. Và tất nhiên các Tông Đồ không thể im lặng theo lệnh của những người
có quyền lực kia.
Thật vậy,
họ vẫn rao giảng về Đức Kitô dù biết khó yên thân. Và hàng ngày, cả trong Đền
Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức
Kitô Giêsu – Đấng chịu đóng đinh, chịu chết nhưng đã phục sinh.
Vì “vô tri” mà “bất mộ”. Nhưng một khi đã biết rồi thì người ta càng thêm lòng yêu
mến và không thể lặng im: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương
cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2). Ai cũng có
kinh nghiệm sống, đặc biệt là sống thật về phần linh hồn. Chỉ những
người cố chấp và vô ơn mới không chịu nhận ra hồng ân của Thiên Chúa trao ban
hàng ngày, từng phút và từng giây.
Chúa Giêsu
phục sinh vinh hiển, nhưng người ta không muốn tin; chính người ta cũng đã và
đang được cứu thoát, nhưng người ta vẫn không muốn công nhận. Tuy nhiên, sự
thật vẫn là sự thật minh nhiên, không thể phủ nhận: “Lạy Chúa, từ âm phủ
Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Hỡi những kẻ
tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận
trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm
buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:4-6).
Chuỗi
vui-buồn-sướng-khổ hoặc chuỗi sinh-lão-bệnh-khổ – mà người ta gọi chung là “bể khổ” – chính là chuỗi cuộc đời nhân
thế. Buồn khổ nhiều hơn vui sướng, nhưng người có đức tin vẫn thấy thanh thản,
ngay cả khi đối diện với cái chết. Họ tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót nên họ
vẫn cầu nguyện liên lỉ: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy
Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc
cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín
lặng” (Tv 30:11-13).
Đúng như
Thánh Phaolô đã xác định: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Kitô” (x. Rm 8:35).
Trong
trình thuật Kh 5:11-14, Thánh Gioan cho biết thị kiến về sự tôn thờ Con Chiên: “Tôi
thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và
các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô: Con
Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn
ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”. Vô số
các sinh vật tôn vinh và xưng tụng Con Chiên, không thể đếm nổi. Dù ngày nay
con số đó chưa nhiều, chỉ là số ít so với dân số thế giới, nhưng ngày cuối cùng
sẽ là đa số, có hằng hà sa số những người tin vào Đức Kitô. Con số đó đang gia
tăng hàng năm, hàng tháng, và hàng ngày. Một sự thật minh nhiên!
Thánh
Gioan cho biết thêm: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất,
trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:
‘Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh
quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!’. Bốn Con Vật thưa: ‘Amen’. Và các
Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy”. Con số những người tín thác vào Lòng
Chúa Thương Xót đã và đang tăng lên theo cấp số cộng, rồi theo cấp số nhân. Và
chúng ta đang chứng kiến sự lạ lùng này.
Trình
thuật Ga 21:1-14 cho biết về cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa Giêsu ở Biển Hồ
Tibêria, sau khi Ngài sống lại.
Hôm đó,
ông Simôn Phêrô, ông Tôma (Điđymô), ông Nathanaen (người Cana miền Galilê), các
con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, họ đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói
đi đánh cá. Các ông kia cũng muốn cùng đi. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền,
nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời
đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính
là Đức Giêsu. Ngài hỏi: “Này các chú, không có gì ăn ư?”. Các ông nói là
“không”. Ngài bảo các ông cứ thả lưới
xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng
không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Ông Gioan nói với ông Phêrô: “Chúa
đó!”. Vừa nghe nói vậy, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần,
rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá,
vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Lên bờ,
các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức
Giêsu bảo các ông đem ít cá mới bắt được tới nướng. Ông Simôn Phêrô lên thuyền,
rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.
Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Rồi Đức Giêsu bảo mọi người đến ăn.
Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là
ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho
các ông; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy. Như vậy là Ngài dâng Thánh Lễ ngay tại
bờ biển, Chúa Giêsu thật tuyệt vời và vô cùng bình dân!
Tiếp theo,
trình thuât Ga 21:1-19 cho biết mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo hội.
Khi các
môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô có mến Ngài hơn các anh em không.
Ông thưa là “có”, và nói rõ: “Thầy
biết con yêu mến Thầy”. Chối Thầy mấy hôm trước nên ông hối hận lắm. Tội to
mà được Thầy tha thì còn gì bằng, thế nên ông yâu Thầy lắm. Đức Giêsu bảo ông
chăm sóc chiên của Ngài. Rồi Ngài lại hỏi lại như trước, ông cũng thưa như
trước. Nhưng Ngài lại hỏi ông lần thứ ba, thế nên ông hơi buồn. Lần này ông
thưa rạch ròi: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Đức Giêsu cũng bảo ông chăm sóc chiên của Ngài. Ôi, thật kỳ diệu, vì buổi đăng
quang giáo hoàng của Phêrô rất giản dị trong khung cảnh thân mật tình Thầy trò,
cũng ngay tại bờ biển. Hay quá chừng! Rõ ràng Thiên Chúa không câu nệ nghi thức
chi cả. Từ nay, ngư phủ Phêrô không còn lưới cá nữa, mà chuyên lưới người.
ĐƯỢC nhiều
thì ắt bị ĐÒI nhiều. Đó là sự công bằng. Và Chúa Giêsu nói với giáo hoàng tiên
khởi: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy,
và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác
thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Ngài nói vậy có ý ám chỉ ông
sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Rồi Ngài bảo ông: “Hãy theo
Thầy”. Và Phêrô đã theo Thầy Giêsu đến cùng, chứng minh bằng cái chết là bị
đóng đinh ngược trên thập giá!
Con cá
sống nhờ nước, con người sống nhờ không khí. Nước và không khí có được là nhờ
hồng ân thương xót của Thiên Chúa. Thiếu nước thì cá chết, thiếu không khí thì
người cũng chết. Nhưng có nước và có không khí mà cá và người cũng vẫn chết.
Sinh – tử là quy luật muôn thuở. Sinh là để chết. Chết là để sống lại. Chết là
ngưỡng chuyển tiếp từ cõi chết qua cõi sống. Một cuộc vượt qua ngoạn mục. Chúa
Giêsu đã chết và đã sống lại. Sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm cho cuộc vượt
qua kiếp người của chúng ta. Thật là mầu nhiệm về sự chết và sự sống của những
người tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
Tiên tri
Muhammad không sống lại. Khổng Tử không sống lại. Lão Tử không sống lại. Phật
Thích Ca không sống lại. Chẳng thấy có bất kỳ ai sống lại. Nhưng CHỈ CÓ ĐỨC
GIÊSU KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI, dù bị người ta giết chết, và đúng như Ngài đã BÁO
TRƯỚC. Cũng CHỈ CÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ đi trên nước, tuyên bố là Thiên Chúa, và làm
cho người khác sống lại. Chính Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, chiến thắng
Tử Thần, chiến thắng vĩnh viễn.
Thật là
hạnh phúc, vì chỉ có trong Kitô giáo của chúng ta mới có Đức Kitô là Thiên
Chúa, làm nhiều phép lạ chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, và chỉ có một mình Chúa
Giêsu tuyên bố Ngài “là Con Đường, là Sự
Thật và là Sự Sống” và chúng ta chỉ có thể đến với Chúa Cha qua Đức Kitô
(Ga 14:6). Thật hạnh phúc biết bao, vì niềm tin của chúng ta là chính đáng,
không hề mơ hồ!
Cuộc đời
giống như một sân khấu lớn, và ai cũng là diễn viên trên “sàn diễn cuộc đời”. Sau mỗi màn diễn, dù là phim hay kịch, chúng
ta thường nhận xét về cách diễn của diễn viên có đạt hay không, chứ chúng ta
không cần biết vai diễn của người đó là chính diện hay phản diện, là hoàng đế
hay tướng cướp, là chủ nhân hay đầy tớ,...
Tương tự,
Thiên Chúa không xét VAI DIỄN của chúng ta – là giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân,
giàu hay nghèo, mà Ngài chỉ xét CÁCH DIỄN của chúng ta – tức là chúng ta có
sống đúng cương vị của mình và thể hiện đức ái theo Thánh Ý Chúa hay không.
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp con luôn duy trì sự sống trong ơn nghĩa với Ngài, được
ngụp lặn trong Dòng Tình Thương Xót của Ngài. Vâng, lạy Ngài, xin giữ gìn con
như thể con ngươi, và dưới bóng Ngài, xin thương che chở (Tv 17:8). Con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét