Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu



Lòng  thương  xót,  yếu  tính  của  Tin  Mừng  và  chìa  khóa  dẫn  vào  đời  sống  Kitô  hữu
(Vũ Văn An4/2/2016)

Lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, chủ đề đầu tiên của Đức Phanxicô là lòng thương xót. Bốn ngày sau đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Tân Giáo Hoàng đã nói tới chủ đề này rồi.

Và khung cảnh để ngài nói tới chủ đề đó thật rất thích hợp: Tin Mừng hôm ấy (Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay) kể lại câu truyện người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình, người đã được Chúa Giêsu cứu khỏi bị kết án tử hình (Ga 8:1-11).

Điều đáng nói là trong buổi yết kiến này, Đức Tân Giáo Hoàng đã ca ngợi một thần học gia Công Giáo nổi tiếng xưa nay vì đã nói tới lòng thương xót. Ngài nói: “Trong ít ngày qua, tôi đã đọc một cuốn sách của một vị Hồng Y, Đức Hồng Y Kasper, một thần học gia khôn khéo, một thần học gia tốt lành, viết về lòng thương xót. Và cuốn sách đó đem lại cho tôi rất nhiều thiện ích… Đức Hồng Y Kasper nói rằng cảm nhận được lòng thương xót … là thay đổi được mọi sự. Đây là điều tốt đẹp nhất ta có thể cảm nhận: nó thay đổi thế giới. Chỉ một chút thương xót cũng làm thế giới bớt lạnh lẽo và công chính hơn”.

Lúc được Đức Phanxicô ca ngợi như trên, Đức Hồng Y Kasper vốn đã được mọi người trong Giáo Hội biết rõ chủ trương của ngài muốn được thấy các người Công Giáo ly dị và tái hôn không có án vô hiệu của Giáo Hội được rước lễ, một chủ trương ngài đã bắt đầu công khai vận động lúc mới chỉ là một giám mục khiêm tốn tại quê hương Đức năm 1993.

Chủ trương trên chưa hề được Đức Hồng Y Bergoglio công khai ủng hộ bao giờ. Nhưng điều ngạc nhiên là ngày 20 tháng 2 năm 2014, trong công nghị Hồng Y để chuẩn bị triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần đầu tiên của triều giáo hoàng bàn về Mục Vụ Gia Đình, Đức Phanxicô đã mời Đức Hồng Y Kasper trình bầy những suy nghĩ có tính khai phá của ngài. Và dù nội dung bài trình bầy của Đức Hồng Y Kasper chưa được công bố, Đức Phanxicô đã không tiếc lời ca ngợi như sau:

“Hôm qua, trước khi thiếp ngủ, dù chưa ngủ hẳn, tôi đã đọc, hay đã đọc lại, các nhận định của Đức Hồng Y Kasper. Tôi muốn cám ơn ngài, vì tôi thấy một nền thần học sâu sắc, và những tư tưởng thanh thản về thần học. Đọc thần học thanh thản là một điều tốt đẹp. Nó giúp ích cho tôi rất nhiều và tôi nẩy ra một ý tưởng, và xin lỗi Đức Hồng Y, nếu tôi làm ngài bối rối, nhưng ý tưởng là: có thể gọi việc này là làm thần học trong khi qùy gối. Cám ơn Đức Hồng Y. Cám ơn Đức Hồng Y”.

Theo truyền thông, thì trong công nghị trên, các vị Hồng Y đang tập chú tìm sự quân bình giữa việc trung thành với Tin Mừng và học lý thương xót, khi đụng tới các vấn đề gai góc như cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ.

Thế là từ đấy, người ta ít nói tới thương xót, mà tập chú vào cuộc tranh cãi hết sức nóng bỏng không hẳn về mục vụ gia đình nói chung mà về việc rước lễ của những người vừa nói. Hai thượng hội đồng về gia đình trong các năm 2014 và 2015 đã qua đi, sự nóng bỏng của cuộc tranh cãi vẫn chưa nguội đi bao nhiêu. Hy vọng rằng với tông huấn hậu thượng hội đồng hứa hẹn vào đầu tháng Tư này, sự nóng bỏng kia sẽ nguội dần.

Chưa biết tác động của Đức Hồng Y Kasper ra sao trong văn kiện trên, vì có lúc, Đức Phanxicô đã minh nhiên tách mình khỏi chủ trương của ngài. Nhưng các suy tư của ngài về lòng thương xót thì vẫn gây nhiều ảnh hưởng đối với Đức Đương Kim Giáo Hoàng, qua việc mở Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót với sắc chỉ “Misericordiae Vultus” (Gương Mặt Của Lòng Thương Xót) và câu khẳng định “Lòng Thương Xót: chữ này mạc khải chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi” (số 2) và với tác phẩm mới xuất bản “Tên Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” và câu quả quyết: “Thương xót là thuộc tính thứ nhất của Thiên Chúa”.

Đó chính là chủ điểm trong tác phẩm “Lòng Thương Xót, Yếu Tính Của Tin Mừng và Chìa Khóa Dẫn Vào Đời Sống Kitô Giáo” của Đức Hồng Y Kasper, một cuốn sách được Đức Phanxicô ca ngợi nhân buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài.

Năm 2012, nó được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức dưới tựa đề Barmherzigkeit. Năm 2014, nó được William Madges dịch sang tiếng Anh. Dựa vào bản tiếng Anh của Madges, chúng tôi cho dịch tác phẩm này sang Việt Ngữ để cung cấp cho độc gia Việt Nam một cái nhìn thực sự thần học về lòng thương xót trong Năm Thương Xót này, một cái nhìn được tóm lược trong câu khẳng định của Đức Hồng Y Kasper: “Theo chứng từ của mọi sách thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa... là thuộc tính giữ vị trí thứ nhất trong cuộc mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi…” Tuy nhiên, không phải chỉ có thế, “lòng thương xót còn là khía cạnh hoạt động hiển thị và hữu hiệu bề ngoài của yếu tính Thiên Chúa”. Trong ngôn từ của Đức Phanxicô, thì lòng thương xót nói lên chính mầu nhiệm Thiên Chúa, như trên đã trích.

Lời nói đầu

Cuốn sách nhỏ này bắt nguồn từ một dự kiến trình bầy một loạt bài thuyết trình cho một cuộc tĩnh tâm. Nhưng bài nói về lòng thương xót của Chúa đã không được bao gồm. Mọi tìm tòi thần học cho chủ đề này đã không đi tới đâu. Trong mấy năm sau, tôi đã trở tới trở lui với chủ đề này nhiều lần. Suy nghĩ và tìm hiểu vấn đề này đã dẫn tôi tới nhiều câu hỏi căn bản liên quan tới học lý về Thiên Chúa và các thuộc tính của Người cũng như các câu hỏi căn bản về cuộc hiện sinh Kitô hữu. Tôi quả quyết rằng lòng thương xót, một điều hết sức chủ yếu trong Thánh Kinh, nói chung đã bị lãng quên hay rất ít được chú ý trong nền thần học hệ thống. Về vấn đề này, cũng như nhiều vấn đề khác, linh đạo và huyền nhiệm học Kitô Giáo đã tiến xa hơn thần học kinh viện. Bởi thế, cuốn sách này cố gắng nối kết suy tư thần học với các xem xét linh đạo, mục vụ và cả xã hội nữa liên quan tới văn hóa thương xót.

Phần lớn mới chỉ bắt đầu được nghĩ tới. Tuy nhiên, tôi dám hy vọng rằng điều tôi nói có thể sẽ kích thích thế hệ các nhà thần học trẻ trung hơn tiếp nối sợi chỉ xuyên suốt này để suy tư thấu đáo một lần nữa học lý Kitô Giáo về Thiên Chúa và các hệ luận thực tiễn rút ra từ đó, nhờ thế lên khuôn cho khúc rẽ quy thần hết sức cần thiết trong thần học và trong đời sống Giáo Hội. Và trong diễn trình này, việc vượt qua cảnh xa lạ giữa thần học kinh viện và thần học mục vụ phải là một quan tâm quan trọng.

Tôi bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Viện Đức Hồng Y Walter Kasper tại Vallendar, Giáo Sư Tiến Sĩ George Augustin, Ông Stefan Ley, và Ông Michael Wieninger đã cẩn thận đọc và sửa bản thảo. Tôi cũng xin cám ơn Công Ty Xuất Bản Herder đã thận trọng giám sát dự án này.

Hồng Y Walter Kasper,
Rome, Mùa Chay 2012.

*Kỳ sau: Lòng thương xót, một chủ đề có liên hệ chủ yếu nhưng bị lãng quên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét