Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Vì sao học sinh Việt Nam không dám tố xâm hại tình dục





Vì  sao  học  sinh  Việt  Nam  
không  dám  tố  xâm  hại  tình  dục
(Thứ sáu, 1/4/2016 – VnExpress.net)



Nguyên nhân lớn nhất, theo nhiều chuyên gia, vì các em không được gia đình, nhà trường hoặc bất cứ cuốn sách giáo dục giới tính nào dạy cho phải làm gì khi bị lạm dụng, xâm hại tình dục.
Sự việc hơn 20 học sinh 5-10 tuổi tại trường tiểu học bán trú La Pan Tẩn (Lào Cai) bị bảo vệ nhiều lần lạm dụng tình dục, có em bị suốt 3 năm, gây bức xúc dư luận. Trong khi cậu bé dưới 14 tuổi người Mỹ đã tìm đến cảnh sát tố cáo Minh Béo lạm dụng tình dục với mình thì vụ việc ở Lào Cai khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Vì sao trẻ em Việt Nam lại nhát tố cáo những hành vi này?

Ths. Lã Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục cho biết, rất đông khách hàng của bà gồm cả học sinh (đặc biệt là các em cấp 2), sinh viên và người đi làm đều từng bị lạm dụng, xâm hại tình dục nhưng không chia sẻ với ai. Những trường hợp này chỉ khi có biểu hiện rất bất thường như rạch tay, tự sát, gia đình mới phát hiện có vấn đề. Tuy nhiên, phải đến khi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý trao đổi nhiều lần, họ mới giãi bày tâm sự.

Theo bà Nga, việc bị lạm dụng, xâm hại tình dục gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sự hình thành nhân cách của trẻ. Rất nhiều trường hợp bị ám ảnh, sợ hãi dẫn đến hành vi gây hại cho bản thân như tự sát. Có trường hợp lại trở nên bất cần và trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. 2 trẻ trai (13 và 15 tuổi) bán dâm Hà Nội được đưa đến chỗ bà Nga để giúp đỡ là ví dụ điển hình. Các em này ban đầu bị những gã trai lớn dụ dỗ rồi xâm hại tình dục. Sau nhiều lần bị ép buộc gây tổn thương tâm lý, các em trở nên trơ cứng về cảm xúc, sống bất cần, hoang dã rồi bắt đầu hành nghề mại dâm.



 Ths. Lã Linh Nga, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục.



"Trường hợp gần đây nhất tôi làm việc là một bé gái bị lạm dụng tình dục rồi ám ảnh, mơ ác mộng suốt 2-3 năm. Em này sau đó thay đổi hoàn toàn, từ một học sinh vui vẻ với bạn bè trở nên trầm lắng, rạch tay, cắt tóc, mặc quần áo như con trai. Các bộ phim em xem cũng chỉ liên quan đến nội dung bạo lực, tự sát, chán nản…", Ths. Nga kể và cho biết phải mất rất nhiều ngày trò chuyện, nữ sinh mới nói rõ nguyên nhân thay đổi của mình là bị lạm dụng tình dục.

Theo Ths. Lã Linh Nga, lý do trẻ em Việt Nam hiếm khi tố cáo hành vi xâm hại tình dục đến từ nhiều phía: bản thân, sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Vấn đề trinh tiết vốn được coi trọng đã trở thành "rào cản" khiến học sinh, nhất là em gái không dám nói việc mình bị xâm hại tình dục.
Thực ra, không chỉ Việt Nam, các nước phương Tây động đến vấn đề bị lạm dụng, xâm hại tình dục thường mọi người cảm thấy xấu hổ, sợ hãi. Người ta có xu hướng tự trách tội mình nhiều hơn là nghĩ đến lý do khách quan. Trong trạng thái mặc cảm về tâm lý, nghĩ mình là kẻ không sạch sẽ, là đồ bỏ đi, sợ bị mọi người dị nghị, phán xét…, trẻ sẽ chọn phương án im lặng, tự chịu đựng. 
Nguyên nhân đến từ gia đình, theo bà Linh Nga, là sự thiếu quan tâm tới con cái của bố mẹ. Bà dẫn chứng hầu hết trường hợp phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục là khi em đó có biểu hiện rất bất thường, thậm chí tự sát. "Bố mẹ thường chỉ quan tâm đến vấn đề học tập của con, nếu thấy con vẫn đến trường bình thường thì càng không để ý. Khi phụ huynh chỉ quan tâm hỏi han hôm nay con học thế nào, trẻ càng không có cách để mở lòng chia sẻ việc mình bị lạm dụng, xâm hại tình dục", bà Nga phân tích.
Việc bố mẹ ít trao đổi những vấn đề liên quan đến kiến thức giới tính, tình dục với trẻ hoặc nói theo cách cấm đoán, đặc biệt hầu hết phụ huynh không đề cập chuyện nếu bị lạm dụng, xâm hại tình dục thì phải làm thế nào… cũng khiến trẻ không có sự chuẩn bị trước và không biết xử lý ra sao khi sự việc xảy ra.
Sự giáo dục của nhà trường với vấn đề giới tính hiện nay, theo Ths Nga, đã bắt đầu được chú trọng nhưng vẫn làm chưa tới. Những khách hàng học sinh bị lạm dụng tình dục của bà đều cho biết, các em chủ yếu được học về sinh lý học giải phẫu, biết làm thế nào để tránh bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, việc xử trí ra sao khi sự việc thực sự xảy ra lại chưa được đề cập. Sách giáo dục giới tính của Việt Nam cũng bị khuyết nội dung này.
"Các trường học phương Tây luôn có chuyên gia tâm lý để học sinh tìm đến tâm sự vấn đề của mình. Khi đã quen với việc được sẻ chia, lúc gặp tình huống xấu, trẻ sẽ biết cách tìm sự trợ giúp. Ở Việt Nam, bình thường có chuyện nọ chuyện kia, học sinh chẳng biết tâm sự với ai, cùng lắm là than vãn với bạn. Do đó, khi gặp chuyện lớn các em càng không có thói quen tìm đến sự trợ giúp", chuyên gia tâm lý giáo dục phân tích.

Thạc sĩ tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Đại học Toulouse Le Mirail (Pháp) lý giải thêm, việc trẻ em phương Tây dám tố cáo hành vi lạm dụng, xâm hại tình dục hơn trẻ Việt Nam vì từ 3 tuổi đã được giáo dục và khuyến khích bảo vệ quyền của mình. Bố mẹ và nhà trường phương Tây có tâm thế để đứa trẻ biết chúng có những quyền và luôn được tôn trọng ý kiến. Các em được giáo dục sớm về luật pháp, để biết hành vi của ai đó với mình có phạm luật không. "Khi trẻ hiểu biết về quyền của bản thân và có ý thức đấu tranh bảo vệ quyền đó, lúc bị xâm hại trẻ sẽ biết phải làm gì để đòi lại quyền của mình", chuyên gia tâm lý Linh Nga chia sẻ.
Cho rằng việc bị lạm dụng, xâm hại tình dục trong học đường là vấn đề đáng báo động hiện nay, Ths Lã Linh Nga nhấn mạnh, cần giáo dục sớm kiến thức giới tính một cách toàn diện cho trẻ. Cả gia đình và nhà trường phải dạy cho học sinh biết, trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xấu có thể xảy ra, ngoài việc phòng tránh, cần phải xử lý ra sao nếu nó thực sự đến.




TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đồng quan điểm cho rằng, người lớn nên bỏ qua những ái ngại trước đây khi nói về tình dục, giới tính để dạy cho học sinh cách xử trí tình huống bị lạm dụng, xâm hại tình dục.
"Các em nữ thường bị xâm hại tình dục trong học đường nhiều hơn. Những em này, xét về tâm lý giới thường e dè, kín đáo, nhìn nhận việc bị lạm dụng tình dục là vô cùng ghê gớm, ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Bởi sự xấu hổ, nỗi sợ hãi đó, các em hiếm khi phơi bày chuyện của mình, thậm chí với cả bố mẹ. Do đó, gia đình, nhà trường ngoài việc trang bị kỹ năng để trẻ biết tự bảo vệ bản thân, giao tiếp với người lạ và biết ứng xử khi gặp tình huống xấu, cần phải tạo được cảm giác gần gũi, tin tưởng để trẻ sẵn sàng mở lòng sẻ chia", ông Lâm nói. 

TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng lý do trẻ không tố giác tội phạm là cha mẹ không bao giờ dạy con về giới tính, mỗi khi con hỏi thì lại mắng át đi. "Việc này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng giới tính là thứ xấu xa. Ai làm việc đó cũng xấu hết. Khi bị xâm hại, các cháu nghĩ mình vừa làm một việc vô cùng tệ hại và là kẻ phạm tội, tìm cách giấu diếm mọi chuyện. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cháu bị xâm hại rất nhiều lần", bà Hương phân tích.
Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét