Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ



ĐẶC  ĐIỂM  NGƯỜI  MÔN  ĐỆ  ĐỨC  KITÔ
Thứ năm - 11/04/2019-ĐGM Gioan B. Bùi Tuần


Trong các thánh lễ “Truyền Dầu”, người ta có thói quen nhắc tới chức linh mục, để ca tụng Chúa đã thành lập Bí tích Truyền chức thánh và để cầu nguyện cho các linh mục.
Trong thánh lễ Truyền Dầu hôm nay, tôi cũng nhắc tới chức linh mục, nhưng với nhiều lo âu. Bởi vì tình hình xã hội cũng như tình hình tôn giáo có rất nhiều chuyển biến phức tạp, đặt ra cho linh mục nhiều đòi hỏi nặng nề. Một trong những đòi hỏi đó là khả năng giới thiệu Đức Kitô cho xã hội Việt Nam hôm nay.
Tôi nghĩ rằng giới thiệu Đức Kitô cho xã hội hôm nay không phải chỉ là bổn phận của các linh mục, mà cũng là bổn phận của các tu sĩ, của các giáo dân. Nó là bổn phận riêng của từng cá nhân tín hữu, nó cũng là bổn phận chung của từng cộng đoàn đức tin. Tất cả đều có bổn phận. Tất cả đều phải có khả năng. Mà khả năng là chuyện không dễ. Chính vì thế mà phải quan tâm đào tạo.
Nhân dịp thánh lễ hôm nay có đông linh mục, tu sĩ và giáo dân, tôi muốn nói tới một cách giới thiệu Đức Kitô, mà tôi cho là phổ thông nhất và cũng hữu hiệu nhất trong thời nay. Mục đích để chúng ta cùng quan tâm tăng cường đào tạo cách đó cho có nhiều khả năng. Cách đó là chính con người chúng ta với những đặc điểm của người môn đệ Đức Kitô.

Người môn đệ Đức Kitô phải có những đặc điểm nào ? Ở đây, tôi chỉ nhắc tới hai đặc điểm, mà Đức Kitô đã nhấn mạnh.

Đặc điểm thứ nhất của người môn đệ Đức Kitô là tinh thần từ bỏ.
Chúa Giêsu phán : “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Ngài khẳng định : “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy” (Lc 14,33).
Từ bỏ nói đây là dứt lìa những dính bén xấu, những ham muốn bất chính, không phải đối với những của cải vật chất, mà cũng đối với những của cải tinh thần, như danh vọng, uy tín, ý riêng.
Từ bỏ là ra khỏi cái tôi ích kỷ, bỏ con người cũ, trở nên con người mới (x. Col 3, 9-10).
Từ bỏ là chấp nhận hy sinh, khiêm tốn chôn vùi, như lời Chúa dạy : “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12,24).
Từ bỏ như thế là để gắn bó chặt chẽ với thánh ý Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải theo ý con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
Từ bỏ như thế là để tập trung vào Đức Kitô, chính nhờ Người, với Người và trong Người, và vì Người mà chúng ta sống và hoạt động.
Từ bỏ như thế là để sống phục vụ vị tha, không tìm vui sướng nào ngoài vui sướng được liên kết mật thiết với Đức Kitô, như lời Ngài phán : “Thầy là cây nho, các con là ngành” (Ga 15,5).

Đặc điểm thứ hai của người môn đệ Đức Kitô là tinh thần bác ái.
Chúa Giêsu phán : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Tình yêu thương đối với nhau phải là tình yêu thương giống tình yêu thương của chính Chúa Giêsu dành cho chúng ta. “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 15,12). Suốt cuộc đời Đức Kitô là một sứ điệp tình yêu. Chính bản thân Ngài là một lời yêu. Tình Ngài xót thương. Tình Ngài cứu độ. Tình Ngài chữa lành. Tình Ngài tha thứ. Tình Ngài phục sinh. Ngài thương ta, khi ta chưa biết Ngài. Ngài yêu ta, khi ta còn trong tội lỗi. Ngài thương ta, đến nỗi đã thí mạng sống vì ta: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người … không phải để xét xử thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3, 16-17).
Trên đây là sơ lược về tình yêu bác ái và vị tha từ bỏ. Với hai đặc điểm này, con người môn đệ Đức Kitô sẽ là chứng nhân sống động của Tin Mừng Cứu độ, Tin Mừng Phục sinh, họ sẽ có khả năng giới thiệu Đức Kitô một cách có sức thuyết phục, họ sẽ là một thứ dầu thánh thiêng liêng, đem lại ơn ích cho mọi người.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mọi người chúng ta, đặc biệt là ban cho các linh mục của chúng ta, được ơn biết cộng tác với Chúa trong việc huấn luyện mình, đào tạo mình thường xuyên và kỹ lưỡng về hai đặc điểm quan trọng nói trên.
Được như vậy, Tin Mừng sẽ dễ được loan truyền và dễ được chấp nhận tại Việt Nam hôm nay.

GM Gioan B. Bùi Tuần


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét