Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

PHỤC SINH VÀ CÁNH BƯỚM


PHỤC  SINH  VÀ  CÁNH  BƯỚM
Trần Mỹ Duyệt




Tôi nợ bạn tôi một câu trả lời: “Thế nào là đời sau? Ở cuộc đời ấy mình sẽ như thế nào?”.

Bạn tôi là một nha sĩ rất nhiệt tình và quan tâm đến từng chiếc răng của tôi. Bạn tôi thường khen tôi có hàm răng tốt, khuyên tôi phải lo giữ gìn, năng đến văn phòng để khám xét và chữa trị kịp thời. Đối với một người yêu nghề, bạn tôi rất quan trọng và nghiêm chỉnh về lời khuyên này. Riêng với tôi thì ngược lại, rất ơ hờ và thường trốn có khi cả năm mới đến văn phòng một lần. Mỗi lần gặp mặt như thế, chị thường trách yêu tôi:

- Trốn đâu mà lâu vậy. Răng lợi tốt thì phải lo mà gìn giữ chứ, đợi đến khi nó rụng mất mới lò mò tới văn phòng sao? Nói rồi đó nghe, răng cỏ mà rụng mất là tiếc lắm đó.

Những lúc như vậy, tôi cũng hay nói đùa với chị:

-  Gặp ai thì vui, chứ gặp bà lần nào cũng kìm, cũng mỏ lết hằm hằm đòi đục khoét, chà sát răng lợi người thì nghĩ tới là đã khiếp rồi, hứng thú gì mà tới.

- Ừ, đừng tới nữa, chờ cho nó rụng luôn cả hàm răng rồi ngồi đó mà húp cháo.

Ngoài những trao đổi thân tình như vậy, cũng có một lần trong lúc vừa chăm lo hàm răng của tôi, chị đã nêu lên một câu hỏi mà cho đến hôm nay tôi mới có cơ hội trả lời. Đại khái, chị hỏi tôi: “Anh là người Công Giáo, anh tin có đời sau, anh tin có sống lại. Tôi là người Phật Giáo, tôi cũng tin có luân hồi. Nhưng tôi hỏi anh, sau khi chết chúng mình sẽ ra sao? Không lẽ cũng mang cái thân xác rã rời, mệt mỏi này mà sống sao? Nhiều lúc mình cảm thấy hoang mang quá!”. Tôi đã cười và nói:

- Thôi đi bà ơi! Bà còn đang ham làm tiền quá mà nghĩ đến đời sau làm chi. Tôi thấy coi bộ bà muốn kiếm tiền xây mấy căn lâu đài rồi ở luôn dưới đất này quá.

Nói vậy, nhưng tôi cũng hứa là có dịp thì chia sẻ một vài cảm nghiệm về đời sau với chị. Nhưng tôi đã về đời sau đâu mà biết cái đời ấy như thế nào để trả lời! Trong đời thường, thỉnh thoảng tôi cũng nghe nói có chuyện người này, người khác sau khi chết hiện về với con cháu, người này, người nọ, nhưng tôi thì chưa có kinh nghiệm này, ngay cả mơ đến bố, mẹ, ông, bà đã chết hiện về trong giấc ngủ mà cũng không có. Vậy phải nói sao về đời sau. Về nơi mình sẽ đến? Và cuộc sống ở đó như thế nào? Nghĩ vậy, nên tìm đọc trong Thánh Kinh, Thánh Phaolô đã viết về lần ông xuất thần được đưa lên các tầng trời đã viết như sau: “Mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng trí không hề tưởng tượng nổi những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài (1 Cor 2:9). Theo ngài, dù chỉ là mới lên đến tầng trời thứ ba mà đã như thế, thì khi ở với Ngài trên nơi vĩnh hằng ấy hạnh phúc sẽ như thế nào!

Sẽ có những người không tin về chuyện này, gọi đó là chuyện nhảm nhí. Nhưng nói thì nói vậy, ngay từ rất xa xưa khi đề cập đến sự sống lại, thiên đàng, hỏa ngục, con người đã có những cái nhìn rất phong phú, đa diện. Những người nghèo khổ thì lo tích lũy đức độ làm giầu cho cuộc sống mai sau, người giàu có thì lo gom góp tiền bạc, vàng vòng, hạt ngọc, kim cương để khi chết mang theo bỏ vào quan tài mà dùng khi sang bên kia thế giới. Riêng đối với những kẻ làm ác, những kẻ chỉ gây cho người khác những khổ đau, thua thiệt nhưng khi đến giờ chết cũng cố tìm cách tránh né. Người đời thường nói về họ: “Ăn ở ác nhân, ác đức thì không đầu thai được”, hoặc “chết xuống chín tầng địa ngục”!  Và luân hồi theo thuyết nhà Phật đã phát xuất từ cái nhìn về đời sau như vậy: “Ác giả, ác báo”, “có vay, có trả”. Tóm lại, Công Giáo, Phật Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Hồi Giáo… bất cứ ai có niềm tin chân thật vào Đấng Toàn Năng thì đều mong và nghĩ tới đời sau.

Ngoài phúc mà Thánh Phaolô đã khẳng định về thiên đàng, con người mình sau khi chết thì sẽ như thế nào? Vì là người có niềm tin (vào Thượng Đế), nên câu trả lời lại phải dựa vào Thánh Kinh: “Vào ngày thứ nhất trong tuần, ngay buổi chiều trong khi các môn đệ họp nhau cửa khóa kín vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu đã đến, đứng giữa các ông và nói với họ: “Bình an cho các con” (Gioan 20:19). Đó là thân xác Chúa sau khi sống lại. Một thân xác thần linh có thể xuyên suốt và đi qua cả những cửa ngỏ đóng kín để đến với các bạn hữu mình. Nhưng trước khi đi vào cõi phục sinh vinh hiển này, chính thân xác ấy cũng đã rũ rượi, toát mồ hôi máu trong vườn Giệtsimani, cũng đã bị bầm dập, run rẩy dưới những trận mưa đòn của những kẻ ghét Ngài, cũng đã gục ngã dưới sức nặng của cây thập tự trên đường lên đỉnh Calve, và cũng đã nức nở khi trút hơi thở sau khi bị đóng đinh vào thập tự. Đó là thân xác của Giêsu trước khi chết.

Đến đây, tôi muốn dùng một hình ảnh cụ thể của thiên nhiên để diễn tả về thân xác tự nhiên và thân xác con người trong cuộc sống đời sau. Đó là hình ảnh những cánh bướm. Những cánh bướm muôn màu sắc vẫn hằng xuất hiện trong khu vườn của bạn, trên những cánh hoa, tung tăng, chập chờm theo gió. Nhưng xuất thân những cánh bướm đó là gì?

Là những cái trứng nhỏ bé bám vào những tàn lá. Sau đó, nở thành những con sâu hình thù xấu xí, gai nhọn khắp mình. Những con sâu này sau một thời gian lại cuốn mình trong những kén nhỏ, và rồi một lúc nào đó nở thành những cánh bướm muôn màu, đẹp, nhởn nhơ giữa bầu trời nắng nhẹ, trên những cánh hoa.

Thưa chị, người nha sĩ thân thương của tôi. Đến hôm nay thì câu trả lời của tôi xin được gửi về chị. Chị sẽ sống lại, rực rỡ, và đẹp lộng lẫy như những cánh bướm trong cõi vĩnh hằng, nơi được gọi là thiên đường, niết bàn, hay miền cực lạc. Nhưng chị cũng hãy lưu ý một điều, khi chăm lo răng lợi cho những thân chủ của chị, chị hãy nghĩ đến người đã tạo nên những hàm răng đó, và hãy dành cho người đó lòng kính mến, sự tôn thờ. Đấng đó là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa tốt lành, mà một ngày kia, khi từ biệt cõi trần, chị sẽ là những cánh bướm trong vườn hoa xuân vĩnh cửu của Ngài.

Phục Sinh 2019

Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét