ĐỆ NHẤT TIN MỪNG
SUNDAY,
APRIL 14, 2019- TRẦM
THIÊN THU
CHẾT
ĐI THOÁT LY QUYỀN LỰC TỘI LỖI
SỐNG
LẠI VUI HƯỞNG SUỐI NGUỒN HỒNG ÂN
Khi còn mặc xác phàm,
Chúa Giêsu đã nói trước về sự chết và sự phục sinh của Ngài. Thật vậy, trong một
lần thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Ngài đã nói với các đệ tử: “Con Người sắp bị
nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”
(Mt 17:22-23; Mc 9:31).
Lần khác, dịp lên Đền Thờ
gần Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã xua đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, người
ta bực mình và chất vấn Ngài về quyền hành, và Ngài đã nói với họ: “Các ông cứ
phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Ngài nói về
chính Ngài nhưng người ta không hiểu.
Và rồi mọi điều đã ứng
nghiệm, sự thật đã minh nhiên – xuyên suốt công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Trước
tiên, trình thuật St 1:1–2:2 tường thuật quá trình Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ
hồng hoang. Giáo Hội muốn nhắc chúng ta nhớ lại công cuộc sáng tạo của Thiên
Chúa – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vì sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô là
công cuộc sáng tạo mới, những thụ tạo chết bởi tội đã trở thành những thụ tạo sống
động nhờ Đức Kitô vâng phục và hoàn tất ơn cứu độ qua việc chịu chết và phục
sinh.
Trong suốt 40 năm – thời
gian dân chúng tiến về Đất Hứa và gặp bước hoạn lộ, Đức Chúa phán với ông Môsê:
“Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm
gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng
biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra
chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển
hách khi đánh bại Pharaô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy.
Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách
vì đã đánh bại Pharaô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy” (Xh 14:15-18). Quả
thật, nước đã rẽ ra cho dân đi qua, khi người Ai-cập đuổi theo thì nước ập lại,
họ hoảng hồn mà không kịp chạy thoát, thế nên vùi thây giữa lòng biển.
Tương tự, chúng ta cũng
đang trên đường lữ hành trần gian, tức là chúng ta cũng đang làm một cuộc xuất
hành, không về Đất Hứa bình thường mà là về Đất Hứa Vĩnh Hằng – Thiên Quốc.
Thông thường, hành trình nào cũng lắm gian nan, đầy vất vả, cam go vô cùng – dù
đó là một cuộc hành trình dài hay ngắn. Chúng ta gặp nhiều gian khó, nhưng
Thiên Chúa luôn độ trì chứ không bỏ mặc chúng ta phải tự xoay sở. Ngài nâng đỡ
nhiều kiểu mà đôi khi chúng ta khó nhận biết.
Trình thuật rõ ràng trong
sách Xuất Hành: Thiên sứ của Thiên Chúa đi trước hàng ngũ Ít-ra-en, lại rời chỗ
mà xuống đi đằng sau họ. Cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa
hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Ít-ra-en. Bên kia thì mây toả mịt mù, bên này thì
mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được.
Ông Môsê giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt
đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái
Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên
tả hữu. Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của
Pharaô tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Ít-ra-en.
Vào lúc gần sáng, từ cột
lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Ngài gây rối loạn trong hàng
ngũ chúng. Ngài làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển
nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: “Ta phải trốn bọn Ít-ra-en, vì Đức Chúa chiến đấu chống
lại người Ai-cập để giúp họ”. Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy giơ tay trên mặt
biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của
chúng”. Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ. Quân Ai-cập
đang chạy trốn thì gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển.
Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của
Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. Còn
con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, an toàn nhờ Đức Chúa đã ra tay
hùng mạnh đánh quân Ai-cập.
Chứng kiến nhãn tiền, bấy
giờ toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, và tin vào ông Mô-sê, tôi
trung của Chúa. Sau đó, ông Môsê cùng với con cái Ít-ra-en đồng thanh hát mừng
Đức Chúa: “Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã,
Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người
cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ
tiên, xin mừng câu tán tụng” (Xh 15:1-2). Chúng ta không biết hùng ca này rộn
rã như thế nào, nhưng chắc hẳn giai điệu đẹp và nhịp mạnh mẽ lắm.
Khi được phóng thích, bất
cứ tù nhân nào cũng rất hạnh phúc. Khi được phục hồi, bệnh nhân rất hạnh phúc,
nhất là sau cơn bạo bệnh. Đơn giản như người đang khát nước cũng cảm thấy hạnh
phúc khi được giải khát. Hạnh phúc càng lớn hơn đối với người đang mong chờ mà
bất ngờ được mãn nguyện. Rất nhiều dạng hạnh phúc khác khi chúng ta được như ý.
Nhưng chắc chắn không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được “cải tử hoàn
sinh”. Hạnh phúc lớn lao đó chúng ta được Thiên Chúa cho tận hưởng – cùng chết
với Chúa thì được sống lại với Ngài (Rm 6:8; 2 Tm 2:11), thế thì thật tuyệt vời
biết bao!
Chúa Giêsu phục sinh là
niềm vui khôn tả của Kitô hữu, Ngài sống lại đúng như lời Ngài đã nói trước:
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau
khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9:31). Và mọi điều đã xảy ra đúng từng
chi tiết. Người ta có bẻ cong hay bóp méo thì sự thật vẫn minh nhiên, bất biến.
Thời gian Tuần Thánh là
khoảng chồng chất nỗi buồn, đặc biệt là Tam Nhật Vượt Qua, nhưng đêm Thứ Bảy
Thánh đầy ắp hân hoan – niềm vui nối tiếp nỗi mừng. Cho nên trong bài Công bố
Tin Mừng Phục Sinh (Exultet), Giáo Hội nhiều lần mời gọi mọi người “mừng vui
lên!”, vì Đức Kitô “đã thay thế chúng ta trả nợ của Adam với Chúa Cha muôn thuở,
và đã lấy máu hồng quý giá rửa sạch án tổ tông xưa”, và “vì đây là lễ vượt qua,
lễ mà Chiên thật bị sát tế, trong máu Chiên môi miệng tín hữu được thánh hiến
đêm nay”.
Đêm Thứ Bảy Thánh là Đêm
Hạnh Phúc vì “là đêm mà cha ông chúng ta, là con cháu Israel, thoát ly Ai Cập
xưa, Chúa đã cho tiến qua Biển Đỏ vẫn khô chân; là đêm nhờ ánh sáng cột lửa
thiêng xóa tan mọi bóng tối nhân gian; là đêm mà hết những ai có lòng tin Chúa
Kitô khắp trên trần gian, được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên,
được ơn thiêng đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân; và “là đêm mà xiềng xích bị
bẻ tung, Đức Kitô khải hoàn chiến thắng vinh quang”.
Đặc biệt Thứ Bảy Thánh là
Đêm Hạnh Phúc vì “nếu không được ơn cứu chuộc khỏi tội khiên, chúng ta sinh ra
nào có ích chi!”. Thật kỳ diệu đối với phàm nhân: “Ôi nhiệm mầu thay! Lòng Yêu
Thương của Chúa không ai hiểu thấu!”. Niềm vui đêm nay được nhân lên vì “tội
Adam đã được tẩy xóa chính nhờ sự chết Chúa Kitô!”. Niềm vui tột đỉnh nên Giáo
Hội gọi Tội Nguyên Tổ là “tội hồng phúc”, chính tội-hồng-phúc đó “đã ban cho
chúng ta Đấng cứu chuộc rất cao sang”, và Giáo Hội gọi đêm nay là “đêm hồng
phúc”, vì đêm nay là “đêm nối kết trời đất”.
Thánh Vịnh gia xác định:
“Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu
thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất. Một lời
Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv
33:4-6 ). Có đau khổ mới biết hạnh phúc ngọt ngào thế nào, và muốn vinh quang
thì phải biết chịu đựng đau khổ. Đức Kitô đã đau khổ tột cùng nên mới được vinh
quang, vì thế: “Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay
dân nào Người chọn làm gia nghiệp” (Tv 33:12). Đồng thời chúng ta phải luôn cầu
nguyện với Chúa: “Xin đổ tình thương xuống trên chúng con như chúng con hằng
trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22). Lời cầu đó cũng là lời hứa của chúng ta thân
thưa với Ngài.
Sử dụng cách nghi vấn là
cách xác định mạnh mẽ hơn. Thánh Phaolô đặt câu hỏi, nhưng cũng chính là câu trả
lời: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc
về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao?” (Rm
6:3). Thánh nhân giải thích: “Được dìm vào trong cái chết của Ngài là chúng ta
đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi
chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời
sống mới” (Rm 6:4). “Được dìm vào cái chết của Đức Kitô” lại chính là niềm hạnh
phúc của chúng ta. Nghe chừng quá “ngược đời”, người không có niềm tin sẽ không
thể hiểu nổi. Nhưng đó lại là sự thật 100% và không thể chối cãi.
Tình trạng “được dìm vào
cái chết của Đức Kitô” không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là sự may mắn đối với
chúng ta, bởi vì “chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết,
thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại”
(Rm 6:4), và không chỉ như thế, “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào
thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt,
để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6). Đó là CHUỖI KỲ DIỆU
CỦA CUỘC ĐỜI NGƯỜI CÔNG GIÁO. Thật là diễm phúc lớn lao khi chúng ta được Thiên
Chúa mở trí soi lòng mà đặt trọn niềm tin vào Đấng-bị-đóng-đinh-đã-phục-sinh.
Thật vậy, không diễm phúc
và không kỳ diệu sao được, bởi vì “ai đã chết thì thoát khỏi quyền lực của tội
lỗi” (Rm 6:7). Thật vậy, “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng
sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Thánh Phaolô xác quyết đó là NIỀM TIN CỦA
CHÚNG TA – CÁC KITÔ HỮU. Từ 3 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Tử Thần tưởng đã
chiến thắng, nhưng hắn đành chiến bại ê chề từ Đêm Vọng Phục Sinh: “Đức Kitô đã
sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết chẳng còn quyền
chi đối với Ngài. Ngài đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ” (Rm
6:9-10).
Tin Mừng của các tin mừng:
Đức Giêsu đã sống lại thật. Đó là Tin Mừng vĩ đại nhất, là Tin Mừng lớn nhất,
là Đệ Nhất Tin Mừng. Ngài sống cho Thiên Chúa, và chắc chắn chúng ta cũng cùng
sống lại với Ngài. Không còn niềm hạnh phúc nào hơn nữa, đó là điều “trên cả
tuyệt vời”. Nhưng không thể cứ “khơi khơi”, không thể cứ “thấy sang bắt quàng
làm họ”, hoặc “cục muối cắn đôi, còn cục đường ăn cả”, mà phải có điều kiện “ắt
có và đủ” – nghĩa là ai đã thực sự sống Mùa Chay thì mới có thể cảm nhận niềm
vui phục sinh, và ai đã “dám chết cho tội” thì mới xứng đáng cùng phục sinh với
Đức Kitô: “Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho
Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6:11). Ngưỡng sinh – tử thật là kỳ diệu!
Trình thuật theo Thánh sử
Luca cho biết: Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang
theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước
vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có
hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm
xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?
Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với
các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị
đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24:5-7).
Các phụ nữ đến mộ nhưng rất
sợ người Do-thái làm khó dễ, đến nơi lại chẳng thấy thi hài Thầy Giêsu đâu, họ
càng hoang mang hơn. Phụ nữ mà, mạnh mà yếu, yếu mà mạnh. Thiên thần phải nhắc
họ nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói, và rồi họ cảm thấy an tâm. Khi từ mộ trở
về, các bà léo nhéo kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự
việc ấy, có lẽ họ giành nhau nói theo bản năng nữ tính, nói như sợ người khác
nói mất, chẳng vậy mà người Việt nói rằng “ba bà, bốn chuyện” kia mà. Phụ nữ là
thế! Mấy bà nói đây là bà Maria Mađalena, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông
Giacôbê. Cũng có thêm một số các bà khác cùng đi với mấy bà này và cũng nói với
các Tông Đồ y như vậy. Thật rồi, không thể không thật.
Có lẽ các ông không tin
phụ nữ nên cho là chuyện vớ vẩn, và nhất định chẳng tin. Ra cái vẻ đàn ông chứ
bộ! Tuy vậy, một hoặc hai người còn nghi ngờ, đây có tới gần chục bà, thế nên
có lẽ bán tín bán nghi, ông Phêrô liền đứng lên chạy ngay ra mộ. Nhưng khi cúi
nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc
nhiên về sự việc đã xảy ra, chắc là bụng bảo dạ: “Mấy bà này nói đúng thật!”.
Chuyện quan trọng, đại sự, sao có thể đùa được chứ?
Nghĩ cũng thấy tội nghiệp
các bà. Chiều ngày Thứ Sáu, họ không sợ mà cứ lẽo đẽo tiễn biệt Chúa Giêsu lên
Đồi Can-vê như “đưa đám tang sống”, và họ khóc lóc thảm thiết, khóc hết nước mắt.
Thế mà bây giờ, biết Chúa Giêsu đã sống lại, cảm xúc lẫn lộn, họ sợ hãi và chạy
mất dép như ma đuổi vậy. Phụ nữ là vậy, thông cảm, đáng thương hơn đáng trách.
Nhưng mang tiếng là nam giới mà cũng có hơn gì họ?
Và rồi điều gì phải đến
cũng đã đến. Nỗi buồn đã vậy, niềm vui nỗi mừng giờ đây quá lớn, dâng trào như
sóng cồn. Vì thế, việc cần quan tâm nhất là TIN VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH. Và cùng
Đức Mẹ hân hoan: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, alleluia! Vì Chúa đã sống
lại thật, alleluia!”.
Lạy Thiên Chúa hằng hữu, cảm tạ Ngài cho chúng con tận hưởng niềm
vui sống lại khi Con Chúa phục sinh. Chúng con thực sự hạnh phúc được đắm mình
trong Đại Dương Thương Xót bao la của Ngài, xin tạ ơn Thánh Phụ đại lượng trao
ban Thánh Tử Giêsu cho chúng con, xin tạ ơn Đức Kitô đã cứu độ chúng con, và tạ
ơn Thánh Linh luôn hướng dẫn chúng con trong mọi hoàn cảnh. Xin Thiên Chúa Ba
Ngôi gìn giữ, nâng đỡ và thánh hóa chúng con mọi lúc và mọi nơi. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét