Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Đạo đức học của việc phân phối thuốc chích ngừa Covid-19


Đạo  đức  học  của  việc  phân  phối  thuốc  chích  ngừa  Covid-19
Vũ Văn An-13/Aug/2020



Theo hai ký giả Kevin W. Wilde và Warren von Eschenbach của tạp chí America, Hiệp Hội Y Tế Công Giáo của Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 7 vừa qua có công bố một hướng dẫn nhấn mạnh rằng “điều thiết yếu là phải xem xét một cách có suy nghĩ cách chế tạo hợp đạo đức và phân phối hợp công bằng” thuốc chích ngừa (vaccine) chống Covid-19.

Cũng theo hai ký giả trên, không hẳn ai ai cũng hoan nghinh thuốc chích ngừa, kể cả thuốc chích ngừa Covid-19. Ở Hoa Kỳ, có cả một khối thiểu số khăng khăng chống việc chích ngừa cộng với nhiều người khác không sẵn sàng chấp nhận các biện pháp đơn giản nhằm ngăn chặn việc truyền nhiễm virút. Họ không ý thức được rằng chương trình chích ngừa quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng, nên phải được coi là quan trọng đối với bất cứ ai.

Con người, trong yếu tính, vốn là con vật có tính xã hội, phúc lợi của họ tùy thuộc một cộng đồng sinh động và mạnh khỏe. Ta thấy bằng chứng của điều này trong nỗi lo lắng và trầm cảm ảnh hưởng đến rất nhiều người trong thời gian bị cấm cửa để chặn đứng đại dịch. Phần lớn người ta thường chú trọng tới sức khỏe cá nhân, nhưng thuốc chích là điều chủ yếu đối với sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng.

Nên khi có thuốc chích, ta nên phân phối nó ra sao? Câu trả lời tất nhiên là: mọi người nên nhận được nó. Nhưng căn cứ vào những đình trệ và những hàng nối đuôi thật dài để được xét nghiệm Covid-19, người ta có thể gặp rối loạn một khi có thuốc chích. Theo hai ký giả này, ta cần một chiến lược.

Ở các quốc gia tự do, người ta thường sử dụng phương thức thị trường để phân phối phần lớn các hàng hóa trong xã hội. Điều này có nghĩa: ai có khả năng và sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm sẽ nhận được sản phẩm này trước hết. Nhưng thuốc thang, vì là một hàng hóa căn bản mà chúng ta cố gắng chế tạo cho mọi người, thực sự không nên phân phối kiểu đó.

Cho đến khi ta có đủ để phân phối tổng quát, việc ưu tiên hóa ai nhận được thuốc chích đòi phải có nỗ lực đồng hợp giữa các chính phủ và các viên chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ và một hội đồng cố vấn đã khai triển một kế hoạch sơ bộ để phân phối thuốc chích ngừa. Cũng cần có các thủ tục để bảo đảm việc tuân thủ của các nhà bào chế, của các cơ quan y tế tiểu bang và địa phương.

Theo khuyến cáo của CDC, điều quan trọng là bắt đầu phân phối thuốc chích cho những người có phản ứng dương tính (responders) và những người ở tuyến đầu chăm sóc y tế, vì cả hai loại người này đều là những người có nguy cơ nhất và đang phục vụ người khác cách tuyệt vời. Sau đó, để phục hồi kinh tế, ta nên nghĩ đến các công nhân không thể làm việc từ xa, như các công nhân trong các xưởng máy và kho chứa, họ là những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Sau đó, ta nên ưu tiên cho các công nhân làm việc gần gũi số lượng người đông đảo, như các thầy cô giáo chẳng hạn. Rồi những người dễ mắc Covid-19 vì có những điều kiện tệ hại về sức khỏe và các vị cao niên. Một phương thức hiện đang gây tranh cãi là phân phối thuốc chích ưu tiên cho người da đen và nói tiếng Tây Ban Nha, vì họ là những người hiện có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn.

Sau các ưu tiên trên, dĩ nhiên đến phần dân số tổng quát.

Tuy nhiên, trong việc phân phối vừa nói, nhất là ở Hoa Kỳ, sẽ có những người không muốn chích ngừa, y hệt như có những người từ chối đeo mặt nạ nơi công cộng, cho rằng họ muốn mọi người để mặc kệ họ. Nhưng ta nên nhớ rằng, như trên đã nói, sức khỏe công cộng không thể chỉ lưu tâm tới quyền cá nhân. Bạn không cần phải bị bệnh mới là người lây nhiễm Covid-19 cho người khác...

Chúng ta có thể tôn trọng việc tự do lựa chọn. Nhưng lựa chọn có các hậu quả của nó. Những người từ chối các biện pháp phòng ngừa, từ đeo mặt nạ tới chích ngừa khi có thuốc chích, không những tự chuốc lấy nguy hiểm mà còn gây nguy hiểm tới sức khỏe người khác. Việc chăm sóc sức khỏe không hoàn toàn rơi vào lãnh vực tác phong công cộng và tư riêng.

Hơn nữa, chúng ta không vô giới hạn trong việc cung cấp các dụng cụ y khoa như giường bệnh viện và máy thở, và chi phí chữa trị do nhiều người khác gánh vác hoặc trong cộng đồng hoặc trong các qũy bảo hiểm. Và những người ưu tiên nhận lãnh thuốc chích ngừa phải có nghĩa vụ đặc biệt; các công nhân thiết yếu nên được yêu cầu nhận chích ngừa hoặc mất việc.

Dù không nên bắt buộc mọi người phải chích ngừa Covid-19, nhưng ta nên qui trách nhiệm cho những người từ khước không phòng ngừa cần thiết về y khoa, nhất là những người từ khước thuốc chích ngừa. Thí dụ, điều thích đáng là không cho họ hưởng giường bệnh viện hay máy thở nếu họ mắc Covid-19 do hậu quả của việc cố ý dấn thân vào một tác phong nguy hiểm.

Trong khi đó, hướng dẫn của Hiệp Hội Y Tế Công Giáo Hoa Kỳ nhấn mạnh mấy điểm sau đây về việc chế tạo và phân phối thuốc chích ngừa Covid-19:

1.Các thuốc chích ngừa nên được chứng minh là an toàn và thử nghiệm một cách hợp đạo đức. Gánh nặng thử nghiệm không nên chủ yếu rơi xuống đầu người nghèo, hoặc những người ở các nước đang mở mang.

2. Các thuốc chích ngừa nên được chứng minh là hữu hiệu về phương diện khoa học. Không nên chấp nhận nó một cách quá nhanh chóng vì các lý do chính trị hay kinh tế.

3. Việc khai triển thuốc chích ngừa phải tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống con người ở mọi giai đoạn.

4. Các thuốc chích ngừa nên được phân phối công bằng với ưu tiên dành cho những người có nguy cơ nhất trong việc chịu các hậu quả tiêu cực từ Covid-19.

5. Các cố gắng để khai triển và phân phối các thuốc chích ngừa hữu hiệu nên nhấn mạnh tới nguyên tắc liên đới – làm việc với nhau, quốc nội cũng như quốc tế, nhằm đạt một mục tiêu chung.

6. Nhất quán với nguyên tắc phụ đới, việc phân phối các thuốc chích ngừa hữu hiệu nên có sự can dự của các cộng đồng địa phương, bao gồm các chính quyền địa phương, các nhà cung cấp chăm sóc y tế, các tổ chức vô vị lợi và các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét