Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Những thử nghiệm thông thườn


Những  thử  nghiệm  thông  thường

Bs Nguyễn Ý Đức

Hỏi

Xin bác sĩ cho biết về những thử nghiệm thông thường mà chúng tôi phải làm. Xin đa tạ bác sĩ.
Lê Trung Hưng

Đáp:
Thưa ông Hưng
Các thử nghiệm này gồm sáu nhóm chính:

1-Phân tích sinh hóa các dung dịch chất lỏng trong cơ thể.
Ngoài máu ra, các dung dịch khác của cơ thể là nước tiểu, mồ hôi, nước tủy sống, nước miếng, đàm, dịch vị bao tử. Thành phần cấu tạo các chất lỏng này cũng như các hóa chất, chất dinh dưỡng hiện diện hoặc các tác nhân gây bệnh cũng nói lên tình trạng bình thường hoặc bệnh hoạn của cơ thể. Kết quả các thử nghiệm này giúp ta có ý niệm về bệnh và giúp xác định bệnh.

a-Thử Máu.

Thử máu cho biết nhiều dữ kiện quan trọng về sức khỏe của cơ thể.

-Trước hết là về hiện trạng các tế bào trong máu như hồng huyết cầu, bạch huyết cầu, tiểu cầu. Các tế bào này có thể thiếu (Thiếu hồng cầu), hoặc quá nhiều ( ung thư bạch cầu).

-Loại máu với bốn nhóm O, A, B và AB. Nhóm O hào phóng cho tất cả mọi người; anh chị AB nghèo khó nên sẵn sàng nhận máu từ mọi người.

                                                A

O                          AB

                                                 B      

-Thành phần hóa chất của máu như potassium, calcium, sodium, đường glucose, cholesterol, LDL, HDL, chất phế thải BUN, creatinine.

-Các kích thích tố của tuyến giáp, noãn sào, nang thượng thận, tụy tạng, ngọc hành.

-Nhiễm trùng với vi khuẩn hoặc số lượng chất kháng thể (anti body). Thí dụ khi ta bị viêm gan A hoặc B thì kháng thể với sinh vật này xuất hiện trong máu và có thể tồn tại suốt đời.

-Khi bị tổn thương, một số mô bào tiết ra vài diêu tố (enzymes), có thể đo được trong máu. Chẳng hạn khi bị ung thư nhiếp tuyến thì tuyến này tiết ra diêu tố PAS, nhờ đó ta xác định được ung thư của cơ quan này.

-Khi dùng dược phẩm trị bệnh, có thể đo mức độ thuốc trong máu, để dùng thuốc cho chính xác, đúng nhu cầu. Ðặc biệt là với các thuốc chữa bệnh tim, thần kinh hoặc bệnh tâm thần.

Máu thường được lấy ở huyết quản nơi khuỷu tay hoặc đầu ngón tay và không gây ra rủi ro gì quan trọng. Chỉ khi kim chọc hơi đau và một chút vết bầm trên da.

b-Nước tiểu.

Nước tiểu là dung dịch được thử nghiệm nhiều nhất, hầu như trong bất cứ lần khám bệnh nào.

Có nhiều cách để lấy mẫu nước tiểu: lấy tự nhiên; sau khi sát trùng cơ quan sinh dục; bằng thông ống vào bọng đái.

Phân tích nước tiều để tìm bệnh nhiễm trùng, để coi có đường hay không hoặc để ước lượng chức năng của thận.

Bình thường thì không có glucose trong nước tiểu và chỉ có khi bị bệnh tiểu đường. Khi nước tiểu có máu thì có thể nhiễm trùng hoặc có sạn bộ phận tiết niệu.

c- Các dung dịch khác:

-Thử đàm từ cuống phổi để kiếm vi khuẩn;

-nước tủy sống để coi có viêm nhiễm não, màng bọc não, bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis);

-chất lỏng từ khớp xương khi bị viêm hoặc bệnh thống phong (gout);

-tinh dịch để đếm số lượng tinh trùng;

-mồ hôi với các khoáng chất ;

-nồng độ acid trong dịch bao tử lên cao khi bị loét dạ dầy, tá tràng.

d- Phẩn.

Phẩn là chất bã của sự tiêu hóa thực phẩm.

Phẩn có thể mang các ký sinh trùng, chất béo hoặc máu.

Ký sinh trùng lẫn trong thức ăn và gây bệnh.

Máu bầm hoặc máu tươi trong phẩn đều là dấu hiệu bệnh của đường tiêu hóa như ung thư ruột già, loét bao tử, tá tràng, trĩ và tất cả đều cần được xét nghiệm thêm với các thử nghiệm khác như nội soi, sinh thiết

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét