NỮ TU KHÔNG TU PHỤC
Mon,
10/08/2020-Trầm Thiên Thu
Có quá nhiều vấn đề để
nói về người mẹ, dù người mẹ chỉ là một thụ tạo bình thường của Thiên Chúa. Chẳng
bao giờ nói hết ý nghĩa của chữ Mẹ. Lại càng bao la, vô tận và khó nói về Người
Mẹ tâm linh, một thụ tạo vô cùng đặc biệt của Thiên Chúa, đó là Đức Maria, với
bốn đặc ân: (1) Mẹ Thiên Chúa, (2) Đồng Trinh trọn đời, (3) Vô Nhiễm Nguyên Tội,
(4) Mông Triệu – Hồn xác lên trời.
Có thể nói rằng Đức Mẹ là
Nữ Tu Không Tu Phục – một trong những điều kỳ diệu nơi Đức Mẹ. Tháng Tám có những
điều đặc biệt, tự nhiên và siêu nhiên. Thiên nhiên có trăng tròn nhất và sáng
nhất trong năm, thời gian đã vào giữa mùa Thu, nghĩa là giữa năm – âm lịch gọi
là Rằm Trung Thu, điều đó gợi nhớ Vầng Trăng Mẹ Maria, Vầng Trăng Thánh của
Thiên Chúa; Công giáo có điều thú vị là lễ Đức Mẹ Lên Trời cũng vào ngày rằm –
rằm tháng Tám dương lịch, và tháng Tám cũng là tháng biệt kính Mẫu Tâm Đức
Maria. Tôn sùng Mẫu Tâm là một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đã yêu cầu năm 1917
khi hiện ra với ba em nhỏ tại làng Fátima – Bồ Đào Nha.
Thế gian là cõi tạm,
không là nơi vĩnh cư, chỉ cần có chỗ định cư (an cư lạc nghiệp) để an tâm lữ
hành về trời. Chắc chắn rằng về trời là niềm hy vọng lớn nhất và cũng là hoài
bão cuối cùng của những người tin vào Cứu Chúa Giêsu Kitô. Động từ “về” chỉ
hành động “tới nơi mình ở,” người ta nói “về nhà” chứ không nói về nơi không là
nơi ở của mình. Ngay cả khi nói “lên trời” là có ý nói “về trời” chứ không là
chuyện viễn vông – như chú Cuội lên cung trăng, phi hành gia “tham quan” mặt
trăng, hoặc “khám phá” một hành tinh nào đó, kể cả Sao Hỏa hoặc “lỗ đen” trong
vũ trụ. Về trời là để sống đời trường sinh, được đồng hưởng vinh quang với
Thiên Chúa, sau khi chúng ta chết trong ơn nghĩa của Ngài và được Ngài cho sống
lại. Mục đích sống của tín nhân chính xác chứ không mơ hồ theo kiểu “luân hồi”
vô định.
Đại lễ Đức Mẹ Mông Triệu
[*] là lời nhắc chúng ta nhớ tới định tín được đề cập trong Kinh Tin Kính: “Tôi
tin xác loài người ta sẽ sống lại.” Niềm tin này được củng cố bằng tín điều Đức
Mẹ Mông Triệu, qua Tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại) của
ĐGH Piô XII, ngày 1-11-1950. Với Quyền Tông Tòa, ngài đã long trọng công bố tín
điều Đức Maria lên trời cả hồn và xác. Định tín này là điều buộc mọi tín nhân
phải tin.
Đại lược Tông Hiến quan
trọng này: “Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương
quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức
Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc
chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria
và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật
vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt
dào những đặc ân mà Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng
ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời.”
Là phàm nhân, có CHẾT rồi
mới SỐNG LẠI và LÊN TRỜI, chứ chúng ta không thể “lên trời” như ngôn sứ Êlia.
(2 V 2:11) Được về trời nghĩa là có “tấm visa đặc biệt” để được trở thành công
dân Thiên Quốc, muốn vậy thì phải sống trọn vẹn các điều khoản trong Thánh Luật
mà Thiên Chúa truyền. Thánh GM Fulgentius (460-533) xác định: “Đức Mẹ là chiếc
thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ
Mẹ mà loài người từ đất lên tới Trời.”
THIÊN KHẢI
Thiên Chúa luôn chuẩn bị
và báo trước những gì sẽ xảy ra – dù xa hay gần. Thánh Gioan cho biết rằng Đền
Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: “Một
người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên
mười hai ngôi sao.” (Kh 12:1) Thật là uy nghi và vinh hiển, nhưng cũng đầy gian
nan khổ cực: “Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.”
(Kh 12:2) Đó là điều chắc chắn, bởi vì không có vinh quang nào lại vắng bóng
đau khổ – dù nhiều hay ít. Thật vậy, chính Đức Kitô cũng đã chịu đau khổ tột
cùng rồi mới phục sinh vinh thắng. Công thức bất biến: Khổ + Sướng = Hạnh Phúc.
Chưa hết, lại có thêm một
điềm khác xuất hiện trên bầu trời: “Một Con Mãng Xà đỏ như lửa, có bảy đầu và
mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các
ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt
người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.” (Kh
12:3-4) Nhưng “người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.” (Kh
12:5a) Sau đó, “Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người,”
(Kh 12:5b) còn “người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc,” nơi mà “Thiên Chúa đã dọn sẵn
cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu
mươi ngày.” (Kh 12:6) Các thị kiến trong sách Khải Huyền rất lạ, chúng ta không
thể hiểu hết.
Bất ngờ nối tiếp bất ngờ,
ngay lúc đó Thánh Gioan nghe có tiếng hô to trên trời: “Thiên Chúa chúng ta thờ
giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của
Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm
tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12:10) Đó chính là
Giờ Cứu Độ, khoảnh khắc cuối cùng, buổi cánh chung, ngày tận thế, thời khắc tái
lâm của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất.
Từ thời Cựu Ước cũng đã
tiên báo về Đức Mẹ: “Hoàng hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng
ròng lộng lẫy.” (Tv 45:10) Và có lời hiệu triệu: “Tôn nương hỡi, xin hãy nghe
nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.” (Tv 45:11)
Một khi đã có Thiên Chúa rồi, được diện kiến Thánh Nhan rồi, chắc chắn người ta
vô cùng hạnh phúc, vì thế mà người ta chẳng còn cần gì nữa và xác định: “Người
là Chúa của bà.” (Tv 45:12) Và người đó thể hiện niềm hạnh phúc tuyệt vời cùng
những người khác: “Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước, vẻ tưng bừng, vào tận
hoàng cung.” (Tv 45:16) Ôi, hạnh phúc biết bao! Cứ bám chặt áo Mẹ thì chẳng lo
chi ráo trọi. Thật vậy, Thánh Hilariô xác định: “Dù tội lỗi đến đâu, nếu tôn
sùng Mẹ, cũng không hư mất đời đời được.” Nhưng phải chân thành, không thể nói
suông hoặc ra vẻ, cụ thể là lần chuỗi Mân Côi – linh khí chống lại sự dữ ngày
nay.
LINH NGHIỆM
Tất cả những gì được tiên
báo đều linh nghiệm, trở nên hiện thực một cách kỳ diệu. Tín nhân chúng ta được
biết rằng Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của người sống chứ không
phải của người chết. Thánh Phaolô xác định: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết,
mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1 Cr 15:20) Lý do? Bởi vì “nếu tại
một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.”
(1 Cr 15:21) Thánh Phaolô giải thích: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải
chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.
Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô
quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi
Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao
vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” (1 Cr 15:22-24) Chẳng chóng thì chày, tất
cả đều linh nghiệm tuyệt đối.
Đó là sự thật minh nhiên,
vì chính Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch
dưới chân Người: Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, (1 Cr 15:25) nghĩa
là Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô – Vua của muôn vua và Chúa của
các chúa. Theo Thánh Phaolô, khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt
muôn loài dưới chân Đức Kitô. Vì “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính
Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và
như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” (1 Cr 15:28) Lý luận của Hiền
triết Phaolô thật là mạch lạc, thú vị và tuyệt vời!
Qua trình thuật Lc
1:42-55, Thánh sử Luca tường thuật rạch ròi: Hồi ấy, cô Maria vội vã lên đường,
đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi
Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Em Maria chào thì đứa con trong bụng
nhảy lên, và Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền nói: “Em được chúc
phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”
Rồi Chị Êlisabét thể hiện niềm vui sướng của mình: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu
Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa
con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ
thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Vấn đề quan trọng là tin
hay không tin, mà tin rồi thì phải tin vững vàng chứ không thể mơ hồ, “chắc chắn”
chứ không “có lẽ” – gọi là xác tín và thâm tín. Đức Mẹ là người diễm phúc vì Đức
Mẹ có đức tin kiên vững. Điều này “nhắc khéo” chúng ta rằng mỗi tín nhân phải tự
xem lại đức tin của chính mình. Thật vậy, đôi khi chúng ta tưởng mình có niềm
tin kiên vững, nhưng rồi chúng ta lại chao đảo khi “không như ý.” Thật tồi tệ!
Tiếp theo là lời chúc tụng
Thiên Chúa qua bài MAGNIFICAT – Bài Ca Ngợi Khen, sau khi Chị Êlidabét lên tiếng
“khen” Cô Em Maria có phúc và là người đầu tiên gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Và đến năm 431, Giáo Hội chính thức tuyên nhận chức phẩm Mẹ Thiên Chúa qua Công
Đồng Êphêsô. Trong bài Magnificat, ngôn từ của Đức Mẹ chứa đầy sự khiêm nhường,
lòng tín thác và tình yêu thương. Đó cũng là lời kinh mà Giáo Hội sử dụng hằng
ngày khi cầu nguyện, đặc biệt trong giờ kinh Nhật tụng (Thần vụ).
Thánh Luca cho biết rằng
Đức Mẹ ở lại với Chị Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà. Đức Mẹ không chỉ đi
thăm chị họ theo phép xã giao mà còn là để “báo tin mừng,” đặc biệt là để phục
vụ Bà Chị đang mang thai bé Gioan Tẩy Giả, người anh họ của Chúa Giêsu.
Đức Mẹ có một điều rất đặc
biệt: Nữ Tu Không Tu Phục. Bởi vì Đức Mẹ không hề đi tu ngày nào, cũng không
tiên khấn hoặc vĩnh khấn, thế nhưng Đức Mẹ đã anh dũng và kiên cường sống trọn
vẹn ba lời khấn: Thanh tuân, thanh bần, và thanh khiết. Một tấm gương chói ngời
mà mọi người đều phải “soi” vào, nhất là giáo sĩ và tu sĩ.
Mỗi khi kính mừng Thánh Mẫu
mông triệu là dịp tốt để chúng ta tái xác nhận điều mình vẫn cầu nguyện: Xin được
ơn CHẾT LÀNH trong vòng tay của Đức Mẹ, và xin ĐƯỢC THƯỞNG cùng Đức Mẹ trên Thiên
Đàng. Thánh TS Bonaventura (1221-1274) xác định: “Đức Mẹ là phần rỗi của mọi
người kêu cầu Người. Ai bền lòng phụng sự Mẹ thì không thể hư mất. Những ai tin
tưởng xin Mẹ cầu bầu đều được cứu rỗi.” Được cứu rỗi nghĩa là được về trời. Ôi,
Mẹ thật kỳ diệu, đồng thời cũng rất hạnh phúc cho chúng ta – phàm nhân và tín
nhân. Thánh Lm Pio Năm Dấu (1887-1968, Ý) khuyên: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và lần
chuỗi Mân Côi, vì đó là vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay. Mọi ân
sủng đều được Thiên Chúa trao ban qua Đức Mẹ.”
Trong cơn đại dịch corona
hiện nay, chắc chắn là lúc chúng ta cần đến Đức Mẹ hơn bao giờ hết. Hên – xui,
may – rủi, cái gì cũng có cái giá của nó, dạng hệ lụy tất yếu. Đấng đáng kính
Lm Charles Eugène de Foucauld (Tử Tước Foucauld, 1858-1916, người Pháp, ẩn tu tại
Sahara ở Algeria) nói: “Đôi khi Thiên Chúa để chúng ta chìm trong tăm tối đến độ
bầu trời của chúng ta không có lấy một vì sao chiếu sáng. Chúng ta phải nhớ rằng
chúng ta sống trên trần gian là để chịu đau khổ, trong khi vẫn bước theo Đấng Cứu
Độ dịu hiền trên con đường tăm tối và chông gai. Chúng ta là những người lữ
hành và những người xa lạ trên trần gian. Những người lữ hành ngủ trong những
túp lều và nhiều lúc phải băng qua hoang mạc, nhưng khi nghĩ đến QUÊ NHÀ là họ
quên hết mọi sự khác.” Quê Nhà của tín nhân chúng ta là Nước Trời: “Thánh
Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ
lâm tử. Amen.” Được Mẹ cứu thì an tâm theo Mẹ vô Nước Trời.
Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ
Ngài đã quan phòng và tiền định cho chúng con một Người Mẹ Thánh. Nhưng phàm
nhân chúng con quá hèn mọn mà lại chảnh, xin giúp chúng con biết khiêm hạ Phụng
Vụ và vâng lời trong mọi hoàn cảnh. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin giúp chúng
con biết tu thân trước khi làm bất cứ việc gì. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Mẹ, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Theo Hán ngữ, “mông
triệu” được rút gọn từ câu “mông chủ sủng triệu” (mông chủ nghĩa là “chúa”),
các từ ngữ thường được nghe trong phim lịch sử của Trung Hoa. Về ý nghĩa, MÔNG
là “chịu” hoặc “được” và TRIỆU là “gọi” (triệu tập, hiệu triệu.) Mông triệu
nghĩa là “được sủng ái” (yêu mến) nên được Chủ (Chúa) gọi về trời, Anh ngữ dùng
thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ” – nghĩa là “chết mà như ngủ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét