Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Bạn có đang mắc 7 sai lầm này khi đánh răng không?


Đánh răng là hoạt động cơ bản trong nếp sống của chúng ta. Tuy vậy, đánh răng không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại như viêm lợi, sâu răng, chảy máu chân răng… Nếu bạn đang mắc những sai lầm này khi đánh răng, hãy sửa lại ngay từ hôm nay.

1. Đánh răng không đủ lâu

Để làm sạch răng, bạn cần chải từ 2-3 phút. Vì vội đi học hay đi làm, thông thường chúng ta chỉ tính bằng giây hoặc đánh răng trong 1 phút, nhưng như thế chưa đủ. Bạn có thể bật 1 bài hát hoặc bản nhạc dài 3 phút khi đánh răng để tạo hứng khởi và cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.

đánh răng
(Ảnh: Shutterstock)

2. Không soi gương

Thay vì nhắm mắt ngái ngủ, bạn nên quan sát mình trong gương để biết bàn chải đang đi đến đâu, chất lượng đánh răng sẽ tốt hơn. Khu vực bên phải, sát lợi là nơi mảng bám, cao răng và vi khuẩn tích tụ nhiều nhất, khiến nướu bị viêm và nhiễm trùng (còn gọi là viêm nướu), bởi đây là phía chúng ta thường dùng để nhai.

3. Đánh răng theo đường thẳng

Men răng có kết cấu thanh giống như thủy tinh, gắn bó chặt chẽ kéo dài ra bề mặt của răng. Khi bạn chải theo đường thẳng, những thanh giòn này có thể bị gãy, dẫn đến nứt và làm suy yếu răng. Bạn nên giữ cho lông bàn chải ở góc 45 độ so với bề mặt răng rồi chải theo vòng tròn nhỏ. Tập trung chải một vài chiếc răng rồi chuyển sang bộ tiếp theo, tiếp tục vòng từ bên này sang bên kia, trên và dưới, trước và sau.

đánh răng
(Ảnh: Shutterstock)

4. Đánh răng quá mạnh

Dùng lực quá mạnh để đánh răng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mòn men răng và làm tụt nướu. Ngoài ra, khi chải răng quá mạnh còn dễ làm chảy máu chân răng dẫn đến kích ứng nướu gây viêm nướu.

5. Dùng sai bàn chải

Không nên ham rẻ mà mua bàn chải lông cứng, bạn nên chọn bàn chải mềm hoặc ultrasoft để bảo vệ răng. Nhiều người sợ dùng bàn chải điện vì có độ rung (sợ làm mất men răng), thực ra thì bàn chải điện đã được thiết kế với độ rung vừa phải, đầu bàn chải có sự quay tròn hợp lý, bạn chỉ cần đưa bàn chải vào miệng mà không cần phải chỉnh gì cả. Ngoài ra, bàn chải đánh răng là một nơi trú ẩn lý tưởng cho vi trùng, vậy nên bạn cần thay bàn chải 3 tháng 1 lần, không nên chờ đến lúc sợi bàn chải thảm hại đến mức bị cong, sờn, mòn.

đánh răng, bàn chải đánh răng
(Ảnh: Unsplash)

6. Chọn sai kem đánh răng

Ví dụ kem đánh răng baking soda rất tốt trong việc loại bỏ vết bẩn vì chúng có chức năng làm sạch, nhưng song song với đó răng của bạn cũng bị mài mòn. Nhiều người chọn các loại kem đánh răng có chất tẩy mạnh vì muốn làm trắng răng, bạn nên lưu ý hiệu quả ban đầu không thể cứu vớt cho hàm răng xám xịt sau này được. Tốt nhất là bạn nên dùng kem đánh răng dịu nhẹ, thành phần tự nhiên, có chức năng làm sáng răng từ từ.

7. Không dùng nước súc miệng

Để có hàm răng chắc khỏe và miệng sạch, thơm tho không bị các bệnh lý thì bạn nên áp dụng cách vệ sinh răng miệng đúng kỹ thuật và đầy đủ. Bề mặt răng bên ngoài luôn được chú ý làm sạch nhưng chúng ta lại quên mất mặt trong của răng. Để đảm bảo vi khuẩn rời đi hết, bạn nên súc miệng sau khi đã đánh răng xong. Nước súc miệng thường có các chất sát khuẩn như: axit boric, kẽm sulfat, menthol, cetylpyridinium, chlorhexidine… được pha chế dưới dạng dung dịch. Khi mua nước súc miệng, bạn cần kiểm tra hàm lượng cồn (ethanol, với tỉ lệ biến đổi từ 6-27%), vì nếu chứa lượng cồn quá lớn thì sẽ dẫn tới khô khoang miệng. Nước súc miệng chứa flour sẽ có tác dụng phòng ngừa bệnh sâu răng. Khi sử dụng nước súc miệng loại này, bạn nên chú ý tới hàm lượng fluor trong nước phải thật phù hợp nếu dùng cho trẻ em.

(Ảnh: Shutterstock)

Bạn đã xỉa răng đúng cách chưa?

Sâu răng hình thành khi chất bẩn bị kẹt dưới chân răng. Viêm nhiễm xuất hiện khi răng lợi không được làm sạch đầy đủ. Khi bạn dùng tăm hoặc chỉ nha khoa xỉa răng không đúng cách, để răng bị bẩn, lợi chảy máu, thì khi đánh răng, răng lợi của bạn càng bị tổn thương nhiều hơn. 
Lý do tại sao hầu hết mọi người gặp vấn đề với việc sử dụng chỉ nha khoa là vì họ dùng quá nhiều chỉ. Bạn chỉ cần một lượng chỉ vừa phải giữa các ngón tay này để bạn có thể điều khiển chúng dễ dàng từ bên này sang bên khác. Khi làm sạch kẽ răng ở hàm trên, bạn cần đặt hai ngón cái ở cách nhau khoảng 2.5 cm, rồi đưa chỉ nha khoa vào kẽ răng, thực hiện chuyển động lên, xuống dọc các răng, thay vì làm động tác “cưa” từ bên này sang bên kia. Trong đó, một ngón tay cái nên giữ đứng yên, trong khi ngón tay cái còn lại được dịch chuyển lên và xuống để tạo thành chuyển động loại bỏ vi khuẩn ra khỏi kẽ răng. Tương tự đối với hàm răng dưới, một ngón tay giữa nên giữ đứng yên, trong khi ngón giữa còn lại dịch chuyển lên, xuống giữa các răng.
Ngoài ra, bạn không nên đánh răng xong rồi mới dùng chỉ nha khoa mà nên sử dụng chỉ nha khoa trước khi đánh răng để fluor có trong kem đánh răng có thể bám dính vào kẽ răng mà không bị chỉ nha khoa làm sạch.
Minh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét