Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Những lời hứa tốt đẹp hơn của Giao ước mới



Những  lời  hứa  tốt  đẹp  hơn  của  Giao  ước  mới
Thu, 06/08/2020 - Lại Thế Lãng - dịch

Năm 1870, một nhà phát minh người Đan Mạch tên là Rasmus Malling-Hansen đã giới thiệu với thế giới chiếc máy đánh chữ đầu tiên. Thật là một phát minh tuyệt vời, một cải tiến lớn trên công việc in ấn chậm chạp và buồn tẻ. Nó được coi như một sự đổi mới mà một tác giả có lúc đã hết lời ca ngợi nó. Cái máy mới, có hiệu qủa này, ông ta viết, đã giúp ông ta sắp xếp những ý tưởng của ông ta tốt hơn  và còn đóng một vai trò “hình thành” cách ông ta suy nghĩ. Còn có gì tốt hơn?

Nhưng đã có cái gì đó tốt hơn – lập trình xử lý chữ viết đầu tiên được phát hành năm 1979, nhanh chóng theo sau bởi máy điện toán để bàn và rồi máy tính xách tay được nối với mạng lưới toàn cầu. Ngày nay những chiếc máy điện toán này đã trở nên rất bé nhỏ có thể bỏ vừa trong túi – và còn gọi điện thoại được nữa! Có ai ở năm 1870 có thể nghĩ rằng kỹ thuật có sức mạnh và có thể ứng dụng rộng rãi như thế có thể thực hiện được?

Có lẽ những người Do Thái cổ xưa nghĩ cách tương tự khi suy gẫm về giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với họ. Còn có gì có thể tốt hơn là được chọn bởi Thiên Chúa toàn năng để là sở hữu đặc biệt của riêng Ngài? Môsê đã từng hỏi “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4: 7)

Tuy nhiên Thiên Chúa còn có điều gì đó vĩ đại hơn ở trong tâm trí: một giao ước mới sẽ thay đổi cuộc sống của con người còn sâu sắc hơn và vượt khỏi quốc gia Do Thái để bao gồm tất cả mọi người trên trái đất. Nó rất khác biệt, thực ra, tiên tri Giêrêmia đã công bố “Đức Chúa đã tạo ra điều mới lạ trên mặt đất” (Gr 31: 22). Nó giống như Thiên Chúa đã tái tạo dân của Ngài thêm một lần nữa. Trong bài này, chúng ta muốn khám phá giao ước mới này tốt hơn giáo ước trước như thế nào. Và quan trọng nhất, chúng ta muốn hỏi làm sao chúng ta có thể nhận được những ơn phước của giáo ước đó.

Gắn kết với máu Chúa Giêsu  Thánh Kinh cũng như truyền thống cổ xưa là rất rõ ràng: nếu bạn muốn có một khế ước, bạn cần có ai đó làm trung gian. Trong Cựu Ước, Môsê và sau này các thầy tư tế trông coi Đền thờ, là người đi giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Qua những lời cầu nguyện và những hy sinh họ đã dâng lên, họ giúp dân chúng nối kết với Thiên Chúa và với nhau.

Nhưng có một vấn đề: giống như dân Do Thái, các tư tế, là những người trung gian của giao ước, bị hạn chế. Những hy sinh của họ có thể tha tội lỗi của người ta, nhưng họ không thể giúp người ta khắc phục tội lỗi cách trọn vẹn. Điều đó có nghĩa là một chu kỳ vô tận của tội lỗi và hy sinh như người ta tiếp tục cố gắng nhưng đã thất bại trong mong muốn của họ để hoàn thành những giới răn của Chúa. Nếu tình huống thay đổi, nó phải đến từ Thiên Chúa, không phải đến từ con người ngay cả các tư tế. Và đó chính xác là những gì đã xẩy ra.

Chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở thành người trung gian của một giao ước mới. Nhưng thay vì được gắn kết trong máu của một con vật, giao ước này được gắn kết trong máu của chính Chúa Giêsu. Và thay vì một tư tế bất toàn, Chúa Giêsu hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Cha, trở thành người trung gian. Bởi vì Ngài đã dâng chính máu của mình, tôi lỗi của chúng ta được tha thứ và rửa sạch. Bởi vì là thánh thiêng và vô tội, máu của Chúa Giêsu đã có sức mạnh đi vào nơi sâu kín của tâm hồn chúng ta và tẩy sạch lương tâm chúng ta. Quan trong hơn, nó có sức mạnh kết hợp chúng ta với Thiên Chúa trong một mối ràng buộc mà không có sự hy sinh nào khác có thể hoàn thành.

Đây là một giao ước tốt đẹp hơn nhiều, phải không? Nó không phải là ơn phúc bao la để được chào đón vào mối quan hệ mới này với Thiên Chúa sao? Có thể khó mà tin rằng Thiên Chúa quá hào phóng với chúng ta, nhưng đó là sự thật. Giống như Ngài đã làm với Abraham, Ngài đã chủ động đến và đưa chúng ta đến bên Ngài.

Một giao ước tốt đẹp hơn, những lời hứa tốt đẹp hơn

Thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Do Thái nói với chúng ta rằng giao ước mới này được “lập trên những lời hứa tốt đẹp hơn” những giao ước trước (8: 6). Nhưng “những lời hứa tốt đẹp hơn” này là gì?

Trước hết, Thiên Chúa hứa rằng Ngài sẽ viết luật của Ngài trong lòng trí chúng ta (Dt 8: 10). Trong giao ước đầu tiên, Thiên Chúa đã “cầm tay” dân Do Thái và dẫn họ đến tự do ra khỏi nô lệ (8: 9). Ngài hướng dẫn họ và nói cho họ biết phải đi đâu. Nhưng bây giờ Ngài hướng dẫn chúng ta từ bên trong. Ngài đã gieo đường lối của Ngài và những giới răn của Ngài vào ngay lòng trí chúng ta. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện, trong lời của Ngài và cử hành các bí tích với tấm lòng mong đợi, chúng ta có thể cảm nghiệm Thần Khí của Ngài đang nói với chúng ta và đang hướng dẫn chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy Ngài làm cho tâm hồn chúng ta mềm ra để yêu thích đường lối của Ngài, và chúng ta có thể cảm nghiệm ân sủng của Ngài biến đổi chúng ta trong hình ảnh của Ngài. Nói cách khác, Ngài ở trong chúng ta chứ không chỉ ở với chúng ta!

Thứ hai, Thiên Chúa hứa rằng mỗi một người trong chúng ta – “từ người nhỏ đến người lớn” – có thể có sự gặp gỡ sâu lắng và cá nhân với Ngài qua ân sủng của Chúa Thánh Thần (Dt 8: 11). Dưới giao ước đầu tiên, Thần Khí rơi trên những người được chọn khác nhau để họ có thể tiến xa hơn các kế hoạch của Ngài. Thần Khí có thể hoạt động qua các vua chúa, các tiên tri, các tư tế, là những người đóng một vai trò trong việc hướng dẫn dân tộc. Nhưng bây giờ, Thần Khí đã đã được ban cho tất cả những ai tin, không phải chỉ một ít những người lãnh đạo đặc biệt. Người giầu hay người nghèo, được giáo dục hay mù chữ, đàn ông hay phụ nữ, trẻ nhỏ hay người lớn – tất cả mỗi người chúng ta có thể biết Thiên Chúa với tư cách cá nhân.

Thứ ba, bởi vì Chúa Giêsu đã đổ máu ra,Thiên Chúa đã hứa không chỉ tha thứ chúng ta mà còn “không nhớ tội lỗi của chúng ta nữa” (Dt 8: 12). Khi chúng ta xưng thú tội lỗi, tội lỗi không còn nữa. Tội lỗi đã được quên hết. Tội lỗi đã bị chìm dưới đại dương của lòng thương xót Chúa, và Ngài không bao giờ nắm giữ chúng để chống lại chúng ta. Và bởi vì Ngài đã quên hết, chúng ta không còn cảm thấy bị đè nặng bởi tội lỗi hay hổ thẹn trên quá khứ của chúng ta. Chúng ta có thể được tự do.

Ân sủng đang ở trong chúng ta

Cho đến đây, chúng ta đã tập trung chủ yếu vào vai trò của Thiên Chúa trong giao ước mới; ân sủng của Ngài, lời hứa của Ngài, tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta cũng có một vai trò để thực hiện. Thiên Chúa trông đợi chúng ta cố gắng tuân giữ những giới răn của Ngài và yêu thương con cái Ngài như Ngài yêu thương chúng ta – nhất là những người ở giữa chúng ta đang đau khổ hay cần được giúp đỡ. Ngài mời gọi chúng ta mở lòng ra cho Thần Khí của Ngài mỗi ngày và dùng thời gian để học hỏi và nghe tiếng Ngài trong cầu nguyện.

Vậy chúng ta sẽ sống như thế nào phần của chúng ta trong giao ước? Đây chính là nơi “những lời hứa tốt lành hơn” đi vào hoạt động (Dt 8: 6). Thiên Chúa đã hứa ân sủng của Ngài cho chúng ta – Chúa Thánh Thần – để thay đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh chúng ta cần để luôn trung thành với những giới răn của Ngài.

Ân sủng này sẵn sàng cho chúng ta mỗi ngày và mọi ngày. Chúng ta có thể cảm nhận được ân sủng đó vào những lúc chúng ta đến với Chúa trong cầu nguyện. Chúng ta có thể cảm nhận được sức mạnh của Ngài mỗi khi nói “không” với cám dỗ và để tình yêu hướng dẫn chúng ta thay vì tội lỗi. Chúng ta có thể cảm thấy ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta chăm sóc cho ai dó. Chúng ta cũng có thể cảm nhận được ân sủng của Ngài khi chúng ta tha thứ cho ai đó hay là xin người khác tha thứ. Và hầu như tất cả, ân sủng của Thiên Chúa rất gần với chúng ta mỗi khi chúng ta tập họp chung quanh bàn thờ để cử hành giao ước mới của Chúa Giêsu, vị thượng tế đời đời đời.

Thiên Chúa đã giao ước chính Ngài với Tôi

Khi chúng ta nghĩ đến một giao ước, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ về nó theo các điều khoản chung. Chúng ta nghĩ “Đây là những gì Thiên Chúa đã làm cho tất cả nhân loại” hay “Giao ước là tất cả về mối quan hệ của Chúa Giêsu với Giáo Hội của Ngài”. Dĩ nhiên, những điều này là đúng – và là những sự thật tuyệt vời. Nhưng mỗi người chúng ta là một thành viên thiết yếu của Giáo Hội. Vì vậy Chúa Giêsu đã lập giao ước này với bạn – cá nhân bạn, cũng như với mọi người đã được rửa tội trong danh Ngài.

Vì vậy đừng bao giờ quên rằng Thiến Chúa đã viết luật của Ngài trong tâm hồn bạn. Đừng bao giờ quên rằng Ngài đã đan kết ân sủng của Ngài vào chính kết cấu con người của bạn và biến đổi bạn thành một tạo vật mới. Bạn có khả năng vượt trên cám dỗ. Bạn có khả năng để cảm nhận được sự hướng dẫn của Thần Khí khi bạn bối rối và biết được lòng thương xót của Ngài khi bạn rơi vào tình trạng làm mồi cho tội lỗi. Và hơn hết tất cả bạn có khả năng tôn vinh Thiên Chúa với cuộc sống của bạn. Như thánh Phaolô đã nói, khi ông yếu đuối, là lúc ông mạnh mẽ (2 Cr 12: 10). Đây là tất cả có thể bởi vì bạn đã được rửa tội trong giao ước mới trong Chúa Kitô.

Vượt qua vinh quang

Nhờ Thiên Chúa mà bây giờ chúng ta đang sống dưới một giao ước tốt đẹp hơn, với những hứa hẹn tốt đẹp hơn, được gắn kết trong máu Chúa Giêsu. Và nó không chỉ là một giao ước tốt đẹp hơn, nó là giao ước tốt đẹp nhất chúng ta có thể mường tượng! Không có gì có thể vượt qua sự vinh quang của nó – không cho tới khi Chúa Giêsu trở lại để đem chúng ta vào thiên đàng để ở với Ngài đời đời.

Ba mươi năm từ bây giờ, chúng ta sẽ nhìn thấy những chiếc máy điện toán còn mạnh hơn những chiếc máy chúng ta đang có bây giờ và kỹ thuật vượt quá bất cứ điều gì mà chúng ta có thể tưởng tượng, Nhưng chúng ta có thể chắc chắn điều này: chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì vĩ đại hơn những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta./.

https://wau.org/archives/article/the_better_promises_of_a_new_covenant/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét