Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Aug 16, 2020 - Chúa nhật 20 thường niên năm A


Aug 16, 2020 - Chúa  nhật  20  thường  niên  năm  A
Hoa  qủa  của  đức  tin 




Các Bạn thân mến,

Chúng ta hợp cùng hết thảy chư dân hãy ca tụng Thiên Chúa, vì Ngài từ bi và nhậu hậu. Thật vậy, từ rất bé, chúng ta đã được dạy dỗ và cũng có kinh nghiệm về một Thiên Chúa nhân từ luôn muốn con cái mình được mọi sự tốt đẹp bền vững, Ngài không muốn ai khổ đau, lạc đường lầm lối, nên Ngài luôn quan phòng, ban ơn và dùng các dấu chỉ để nhắc nhở. Những dấu chỉ của Ngài thì muôn hình vạn trạng, có khi xa xa, có khi gần gần, có khi ở đây, có khi ở đó, có khi tinh thần, có khi thể chất, có khi ngay nơi con người, có khi ngoài con người chúng ta… chẳng ai có thể đóan gìa đóan non, chẳng ai có thể tự hào hiểu biết, nắm bắt…Và hiển nhiên giá trị của nhửng dấu chỉ cũng vô cùng lớn lao, ảnh hưởng, tác dụng trên chính đương sự, người chung quanh, người liên hệ, trong xã hội, dưới nhiều khía cạnh khác nhau, mà đôi khi có thể đảo ngược cả tình hình hiện tại.

Vậy trước những dấu chỉ nào, vui - buồn, lớn - nhỏ…chúng ta cũng hãy cố gắng bình tâm đón nhận Thánh ý Chúa để suy nghĩ với tâm lòng cảm ơn Ngài đã thường xuyên thức tỉnh chúng ta. Để chúng ta không tự hào, tự mãn, vung vít, là căn bệnh có thể quật ngã bất cứ người nào. Bởi chỉ một mình Thiên Chúa mới trọn vẹn chân thiện mỹ, mới cầm quyền sinh tử toàn vũ trụ. Đó là điều con người phải ý thức rõ ràng, không được quên, nếu vì lý do nào mà sao nhãng thì cần nhắc nhở, chấn chỉnh ngay và rèn luyện liên tục tính khiêm tốn, trung thực.

 Tin Mừng chúa nhật tuần này thánh Mattheu ghi lại một câu chuyện có thể xem là có nhiều điểm thú vị độc đáo, và cũng được coi như một dấu chỉ cho dân ngoại chúng ta.

Câu chuyện xẩy ra vào lúc Đức Giesu lui về miền Tia và Xidon, là cơ hội duy nhất Ngài đi ra ngoài xứ Palestin và lãnh thổ Do Thái. Tiên báo sự phổ cập của Tin Mừng ra khắp thế giới và cho thấy hàng rào ngăn cách bắt đầu bị triệt hạ.

Thời gian này Đức Giesu muốn tiếp tục dạy dỗ, vì còn nhiều điều phải nói và làm cho họ hiểu. Vì thế Ngài đã đi thẳng tới đất ngoại bang, là nơi mà chắc chắn Ngài không bị nhóm luật sĩ, biệt phái và dân chúng theo sát quấy rầy.

 Ngài muốn có thời gian để chuẩn bị cho chính mình cũng như cho các môn đệ trong trận chiến cuối cùng đang đến gần.

Thế nhưng ngay trong đất ngoại bang này, Đức Giesu cũng không tránh được sự đòi hỏi của nhu cầu con người: một người đàn bà có con bị qủi ám nặng nề đã đến nài xin Ngài giúp đỡ. Trước sự làm thinh của Ngài, bà vẫn năn nỉ dai dẳng đến độ các môn đệ bực mình, phải lên tiếng xin Chúa giải quyết ngay cho rồi!

Dĩ nhiên phản ứng của các môn đệ không phải là thương xót, thông cảm, mà vì bị làm phiền. Đáp ứng lời cầu xin của một người vì sợ người ấy quấy rầy là một phản ứng thông thường, nhưng lại hoàn toàn khác với sự đáp ứng vì tình yêu, nhân từ, thương xót của Chúa.

Lúc đó đối với Đức Giesu, chắc chắn Ngài đã động lòng thương xót bà mẹ này, nhưng hình như Ngài muốn thinh lặng để bà thấm thía được sự bất lực của mình, nhờ đó mà thấy được rõ hơn rằng, Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của con người. Còn một vấn đề tế nhị nữa, đó là vì bà này là một người ngoại bang, bà còn là con cháu của người Canaan, mà từ ngày xưa và hiện tại vẫn là kẻ thù của người Do Thái. Thế mà bà lại dám đến nài nỉ kêu cầu Ngài thương, chữ bệnh cho con bà; vì thế chỉ có một việc để Đức Giesu làm là phải thức tính đức tin chân thật trong bà cho mọi người noi theo. Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”

Dân chúng Đông Phương cũng như Á Đông mà gọi một người là con chó là một sự nhục mạ thậm tệ. Nhưng người Do Thái xấc xược vẫn gọi người ngoại bang là “những con chó bất trung”, “chó ngoại bang” và sau này là “chó Kito”…

Tuy nhiên giọng nói và từ “chó con” mà Đức Giesu dùng ở đây hẳn là trìu mến chứ không nặng lời miệt thị. Bà này là người Hy Lạp nên hiểu ngay và nhanh miệng đáp lại: “Thưa Thầy đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mẩu bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Đức Giesu rất hài lòng về niềm tin sắt đá của bà, nên Ngài đã ban phúc hạnh cho bà và chữa lành cho con bà như bà mong muốn cầu xin.

Bà mẹ Canaan này là tấm gương cho các bậc làm cha mẹ. Bởi cha mẹ nào cũng thương con, làm mọi sự vì con, dù phải khổ đau. Và con đau bệnh cũng không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Tuy nhiên trường hợp nào, lòng thương con của các bậc cha mẹ cũng cần gắn chặt với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa để tha thiết cầu xin, kiên tâm cầu khẩn, tin tưởng cầu nguyện như người mẹ Canaan này thì sẽ được Thiên Chúa đáp lại.

Chúng ta cần lưu ý vài điểm về đọan Tin Mừng này:

1.     Người đàn bà Canaan:

       a)     Có lòng yêu thương:

   -  Bà có lòng yêu thương con tha thiết nên đã đau khổ trước nỗi bất hạnh của con mình.

   -  Tình yêu thương đó phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với con cái Ngài.

   -  Chính bởi tình yêu mà bà can đảm liều mạng đến gần những người ngoại quốc vốn hận thù với cả tổ tiên giòng dõi bà.

   -  Cũng chính bởi tình yêu mà bà cam chịu sự im lặng lạnh lùng cùng những lời nói như nặng nề của Đức Giesu, để tiếp tục kiên nhân cầu xin.

   -  Chính tình yêu đã khiến bà có thể thấy và hiểu được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Đức Giesu.

   -  Đúng là sức mạnh tình yêu đã dẫn dắt bà và không có gì mạnh mẽ hơn, gần gũi Thiên Chúa hơn là tình yêu.

       b) Có đức tin:

 -  Đức tin của bà là một đức tin được lớn lên qua sự tiếp xúc mới mẻ, nhanh chóng với Đức  Giesu.

 -  Lúc đầu bà gọi Đức Giesu là con vua Đavit, là một danh hiệu chính trị phổ thông.

 -  Danh hiệu theo ý nghĩa của vinh quang giầu có và quyền lực.

  -  Vì thế lời gọi của bà xem Đức Giesu như một người làm nhiều phép lạ phi thường nhất, nhìn nhận Ngài đầy vinh quang và quyền lực trần gian.

  -  Vì thế bà đã đến tha thiết nài xin ân huệ nơi một vĩ nhân đầy quyền năng.

  -  Đức tin của bà là đức tin tôn thờ.

   -  Lúc đầu bà đi theo van xin, sau đó bà qùi xuống bái lạy Ngài, lời cầu xin này chính là lời cầu nguyện ước của bà.

   -  Đây là một bài học để chúng ta luôn nhớ rằng mỗi khi đến với Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải đến với tâm lòng tôn thờ sự uy nghiêm của Ngài, rồi sau đó mới trình bầy nhu cầu của mình.

          c)  Có quyết tâm lớn:

  -   Quyết tâm của bà không gì có thể lay chuyển được vì bà có nhu cầu thúc bách, ước vọng tha thiết nên không nản lòng.

   -   Bà đến với Đức Giesu không chỉ tin rằng Ngài có thể giúp đỡ, mà tin rằng Ngài còn là hy vọng duy nhất của bà.

   -   Rõ ràng bà như cảm biết được mình không thể bị từ chối.

   -   Đây được coi như những đức tính tối cần để lời cầu nguyện được hữu hiệu.

   -   Nhiều khi chúng ta cầu nguyện chung chung, mơ mơ… không thật sự tin vào sự cầu nguyện.

   -  Đôi khi chỉ có cảm giác là may ra thì lời cầu nguyện đó có thể được, nên không bỏ lỡ cơ hội.

   -  Hiển nhiên Chúa sẽ chẳng đáp ứng những lời cầu nguyện nhạt nhẽo, cầu nguyện cho có, nhưng lời cầu nguyện như búi rối, cầu nguyện theo ý riêng mình...

    d) Có tính lạc quan:

    -  “ Đứa con gái tôi bị qủi ám khổ sở lắm!”

    -   Bà mẹ đang ở trong tình trạng bối rối, đau khổ, tâm can như lửa đốt.

    -   Nhưng bà mang con đến Đức Giesu với một tình yêu can đảm, mạnh dạn, lạc quan tin tưởng, quyết tâm sắt đá, với một đức tin được tăng trưởng mạnh mẽ trong từng giây phút, đến độ Đức Giesu không thể không nhận lời.

    -   Thiên Chúa luôn yêu thích một đức tin lạc quan, một đức tin trong ánh mắt luôn có tia hy vọng, một đức tin với nụ cười có thể xua tan nỗi u sầu như vậy.

2.  Sự im lặng của Đức Giesu:

     Rất nhiều lần chúng ta cầu xin mà Chúa vẫn im lặng như không nhận lời, không nghe, có thể là do những nguyên nhân chính như sau:

     -  Chúa thử thách xem đức tin của chúng ta mạnh hay yếu? Có kiên trì cầu nguyện, có trông cậy, có xác tín Chúa sẽ ban điều tốt lành không?

     -  Phần lớn lời cầu xin của chúng ta chỉ là cá nhân. Nên hãy xin cộng đoàn, các thánh và các linh hồn trong luyện ngục cùng hợp ý cầu nguyện, cầu bầu Chúa cho chúng ta.

    -  Lời cầu xin của chúng ta có thể chưa khiêm tốn, muốn Chúa phải ban như ý, thay vì phải vâng theo ý Thiên Chúa.

    -  Có thể lời cầu xin của chúng ta còn thiếu sự hy sinh, nên hãy kèm theo những việc đạo đức như xưng tội rước lễ, các việc hy sinh hãm mình, tha thứ, làm hòa.

   -  Có thể những điều chúng ta xin không cần, chưa cần, hay có hại cho phần rỗi của chúng ta, nên đừng đòi Chúa phải ban theo ý mình, mà hãy tin cậy vào lòng từ bi của Chúa, Đấng hằng muốn ban ơn cứu độ cho chúng ta.

   -  Cầu xin với lòng ích kỷ hại người: Xin những gì có lợi cho mình mà hại cho người hoặc xin Chúa làm điều trái nghịch với lòng từ bi nhân hậu của Ngài.

   - Tóm lại nên chú trọng xin những ơn như trong kinh Lạy Cha mà Đức Giesu đã dạy, sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.

3. Thái độ cầu nguyện:

    a) Cần có một đức tin mạnh mẽ, vững chắc, trưởng thành.

     -  Người đàn bà trong Tin Mung hôm nay đã kêu to lên để xin Đức Giêsu thương cứu con gái bà đang bị ma quỷ ám. Bà nói: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Đức Giêsu im lặng không đáp lại một lời!

    - Thực ra không phải Người thờ ơ lãnh đạm trước nỗi khổ đau của mẹ con bà. Nhưng Người muốn thử thách để xem đức tin của bà thế nào? Nếu bà không kêu xin nữa thhẳn bà chỉ vụ lợi. Xin Chúa để được như ý thì nhiều khi chúng ta cũng gặp phải sự im lặng của Chúa như thế.

   b) Cần có sự trông cậy vững vàng:

-  Người đàn bà này đã không ngã lòng trông cậy dù bị Đức Giêsu làm ngơ. Bà cũng vững tâm, kiên trì kêu xin Ngai cứu giúp. Cuối cùng bà đã được như ý.

- Nhiều tín hữu chúng ta khi cầu xin mà không được nhậm lời, thì liền chán nản ngã lòng trông cậy, không cầu nguyện nữa, và quay ra đi tìm các thần thế gian hay đến với thầy bói, thầy bùa ngải, làm những điều mê tín dị đoan....

      c) Khiêm tốn, phó thác:

-  Nghe Đức Giêsu trả lời: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà mẹ này vẫn sẵn sàng chịu đựng những lời miệt thị của người Do Thái, vì họ đã coi khinh dân ngoại như loài chó.

-   Chính sự khiêm tốn ấy khiến bà được Chúa yêu mến.

-  Như vậy, tin không phải là cầu xin để đòi Chúa ban theo ý mình, nhưng là kiên nhẫn và vững lòng cậy trông, phó thác cho Chúa quan phòng định liệu.

-  Đây là một điều rất khó, bởi ai cũng muốn xin điều mình cảm thấy cần thiết, và đau khổ khi không được Chúa ban ơn theo ý mình xin, hay những khi Chúa để gặp những rủi ro trái ý.

-  Vậy chúng ta hãy rèn luyện sống đơn giản, phó thác, để giảm các nhu cầu, càng nhiều càng tốt, hầu hành trang chúng ta nhẹ nhàng trong cuộc lữ hành tiến về Nước Trời

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho chúng con, là những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm cuộc đời mình một sự tuyệt đối, tìm kiếm mục đích để di vào cứu cánh của cuộc đời, tìm kiếm một cuộc sống vượt lên trên cái chết, tìm kiếm một tình yêu không tàn phai, tìm kiếm chân lý và nỗ lực nắm lấy ánh sáng thật, tìm kiếm hạnh phúc dích thật, tìm kiếm sự nhân hậu, sự quyền năng và sự an ủi tuyệt đối.

Xin Chúa làm cho chúng con tìm thấy điều chúng con tìm kiếm bằng cách mặc khải chính Chúa cho chúng con trong sự bí mật của tinh thần và của con tim. Để tăng cường đức tin nơi Đức Kito Chúa chúng con. Nhờ đó khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi đuợc như ý cũng như khí phải sự trái ý cực lòng, chúng con cũng luôn biết cậy trông phó thác trọn vẹn trong tình thương quan phòng của Ngài. Amen [muon y]

Than men,

duyenky  











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét