Trẻ em là 'nguồn lây thầm lặng' nCoV
Chủ
nhật, 23/8/2020-vnexpress.net
Trẻ
em Nga đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, ngày
12/7. Ảnh: Reuters
Một báo cáo mới ở Mỹ kết
luận trẻ em không miễn dịch với Covid-19, thậm chí có thể là một nguồn lây quan
trọng trong cộng đồng.
Điều này khác hoàn toàn với
một số quan điểm trước đây, rằng tình trạng nhiễm nCoV chủ yếu gặp ở người lớn.
Theo một nghiên cứu được
công bố vào ngày 20/8 trên Tạp chí Nhi khoa, các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đa
khoa Massachusetts và Bệnh viện Đa khoa Nhi khoa Đại chúng tại Mỹ cho biết
trong số 192 trẻ em được theo dõi, 49 em dương tính nCoV có mật độ virus trong
đường thở cao hơn đáng kể so với các bệnh nhân trong độ tuổi trưởng thành.
Tiến sĩ Alessio Fasano,
tác giả chính của công trình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học và Miễn dịch
thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, phát biểu: "Trẻ em không có miễn dịch
với Covid-19. Mức độ nặng của triệu chứng không liên quan đến việc tiếp xúc và
nhiễm trùng".
Nghiên cứu được tiến hành
trên các đối tượng trong độ tuổi từ 0 đến 22, nhập viện hoặc tới phòng khám do
nghi ngờ nhiễm nCoV.
Fasano cho biết một số trẻ
em tới những cơ sở này sau khi có biểu hiện mắc Covid-19. Những trẻ khác không
có triệu chứng nhưng vẫn được đưa đến bệnh viện vì chúng đã tiếp xúc với người
nhiễm bệnh hoặc sống trong khu vực lưu hành dịch.
Ông nói: "Trong đại
dịch, nhân viên y tế chủ yếu sàng lọc các đối tượng có triệu chứng, vì vậy
chúng ta đã đưa ra kết luận sai lầm rằng phần lớn người mắc bệnh là người lớn,
không coi trẻ em là một nguồn lây nCoV quan trọng. Điều này hoàn toàn không
đúng".
Mặc dù số lượng trẻ xét
nghiệm dương tính có thể là một cú sốc đối với một số người, tiến sĩ Roberta
DeBiasi, trưởng khoa Truyền nhiễm Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở
Washington DC, Mỹ cho biết bà không ngạc nhiên với kết quả này khi dựa trên những
bệnh nhân mà bà đã gặp.
Bà phát biểu: "Chúng
ta đã biết trong nhiều bệnh đường hô hấp khác, trẻ em là một nguồn lây quan trọng".
Tuy nhiên, bà cho rằng nghiên cứu này rất độc đáo vì nó bổ sung thêm phần xác định
tải lượng virus.
Các tác giả của nghiên cứu
này phản đối giả thuyết hiện tại rằng trẻ em ít khả năng mắc Covid-19 hơn người
lớn vì chúng có ít thụ thể ACE2 (phân tử protein nằm trên màng tế bào) hơn. Các
thụ thể này liên kết với nCoV và cho phép nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh.
Mặc dù các nhà khoa học
phát hiện trẻ nhỏ có ít thụ thể ACE2 hơn người lớn, họ thấy trẻ em nhiễm nCoV
mang tải lượng virus rất cao. Điều này khiến các tác giả nghĩ rằng trẻ em dễ
lây nhiễm hơn người lớn và gọi chúng là "nguồn lây thầm lặng" của
Covid-19, dù chúng có biểu hiện triệu chứng nặng hay không.
Các nhà nghiên cứu cũng
phát hiện ra chỉ một nửa số trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV bị
sốt. Như vậy, quá phụ thuộc vào máy đo thân nhiệt có thể gây bỏ sót các đối tượng
mắc Covid-19.
"Tỷ lệ phát hiện được
tất cả các trường hợp nhiễm nCoV là bao nhiêu? Câu trả lời là khoảng 50%",
DeBiasi nói. "Chúng ta vẫn phải áp dụng tất cả các biện pháp để ngăn chặn
sự lây lan mầm bệnh vì trẻ em rất dễ bị bỏ sót khỏi các phương pháp sàng lọc".
Tiến sĩ Matthew Heinz từ
Trung tâm Y tế Tucson ở Arizona đã tận mắt chứng kiến sự lây truyền từ trẻ em
sang người lớn. Ông ủng hộ kết luận của báo cáo này.
Heinz nhận định: "Điều
này không nhất quán với những gì tôi đã thấy ở bệnh nhân và gia đình của họ.
Chúng ta đang tận mắt chứng kiến con người đang phải trải qua những gì mà
nghiên cứu xác nhận".
Giữa hàng loạt cuộc tranh
luận về việc có nên mở cửa lại trường học hay không, nhiều chuyên gia lo ngại
trẻ em tạo ra một làn sóng nhiễm nCoV mới, nhất là khi các trường học chỉ giám
sát dịch dựa vào việc theo dõi triệu chứng, thay vì đeo khẩu trang và thực hiện
giãn cách xã hội. Họ cho rằng trẻ em có thể mang mầm bệnh đến các hộ gia đình
và lây nhiễm cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ chuyển nặng như
người già hoặc người mắc bệnh mạn tính.
Mạnh Kha (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét