Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Hãy cảm tạ Chúa

 

Hãy  cảm  tạ  Chúa!

Fri, 13/11/2020 - Laị Thế Lãng dịch

 

Bạn biết ơn điều gì cho ngày hôm nay? Một số người có thói quen ghi lại ít nhất năm ơn lành lớn hay nhỏ, trong cuốn nhật ký biết ơn mỗi ngày. Thực hành này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây vì lý do chính đáng. Trong thập kỷ qua, các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng những người cố gắng nhớ lại những ơn lành đã nhận thường hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Điều đó có lẽ không có gì là ngạc nhiên – tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm rằng khi chúng ta dành thời gian để biết ơn và bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta cảm thấy tốt hơn đối với bản thân và cuộc sống của mình.

Tất nhiên chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa về công ăn việc làm, gia đình của chúng ta, tài năng và khả năng của chúng ta. Nhưng ngoài những thứ đó và cơ bản hơn, chúng ta nên cảm tạ Ngài vì tình yêu và ơn cứu độ của Ngài. Chúng ta biết ơn vì chúng ta có một Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và yêu thương chúng ta vượt qúa sự hiểu biết của chúng ta. Ngài quan tâm chúng ta đến nỗi sai Chúa Giêsu đến thế gian để cứu chúng ta. Qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được giải thoát khỏi sự trói buộc và mặc cảm của tội lỗi. Cha chúng ta trân quý chúng ta đến nỗi bây giờ chúng ta được dự phần trong cuộc sống thánh thiêng của Ngài trên trần thế này qua Chúa Thánh Thần. Và không ngừng ở đó, Ngài đã hứa ban cho chúng ta cuộc sống với Ngài trên thiên đàng mãi mãi. Chân lý của đức tin cho chúng ta qúa nhiều để biết ơn.

Thật không may, chúng ta thường dễ dàng chú tâm vào những vấn đề hàng ngày của mình mà quên đi những ơn lành của Thiên Chúa. Thật qúa dễ dàng được hưởng nhưng không tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta và tiếp tục làm cho chúng ta. Trong bài này chúng ta hãy cố gắng phát triển đức tính biết ơn và để cho nó lan tỏa trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách suy gẫm một câu chuyện quen thuộc trong Kinh Thánh: Chúa Giêsu chữa lành cho 10 người phong cùi.

Một căn bệnh chết người. Chứng bệnh được gọi là phong cùi thời Chúa Giêsu có thể là một loạt những bệnh ngoài da, không giống với chứng bệnh Hansen chúng ta biết ngày nay. Bởi vì loại bệnh như thế không lây lan, các thầy  tư tế đã làm theo những hướng dẫn chi tiết được ghi trong sách Lêvi chương 13 về cách kiểm tra và theo dõi vết thương trên da. Nếu sau một thời gian, vết thương không được chữa lành, một người sẽ bị coi như ô uế về mặt nghi lễ. Nếu vết thương đã  lành thì người đó có thể quay lại gặp vị tư tế để được tuyên bố đã được sạch trở lại.

Một trong những lý do bệnh phong cùi quá đáng sợ là bởi vì nạn nhân thường phải bị cô lập khỏi cộng đồng của mình. Những người cắt nghĩa luật Môsê theo đúng nghĩa đen đã buộc những người bệnh phong cùi phải rời khỏi nhà cửa của họ. Họ không thể sống chung với gia đình mình. Họ bị đuổi ra khỏi làng mạc và nơi làm việc của họ. Tệ hơn nữa là bất cứ  khi nào họ đến gần một người nào, họ phải hô to “Ô uế” (Lv 13: 45). Trong những trường hợp như thế, căn bệnh này không chỉ hủy hoại thân xác họ, nó còn hủy hoại mối liên kết xã hội của họ nữa.

Vì vậy khi mười người bị bệnh phong cùi đến với Chúa Giêsu, họ đứng từ xa. Nhưng họ rất muốn người làm phép lạ này mà họ đã nghe nói đến nhiểu sẽ chữa lành cho họ, vì vậy họ kêu lên “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Lc 17: 13). Chúa Giêsu đã không chữa cho họ ngay tại chỗ, thay vào đó, Ngài bảo họ đi gặp vị tư tế, người sẽ phải kiểm tra lại những vết thương của họ để họ được tuyên bố là đã được sạch. Và trên đường đi, họ đã được chữa lành. Tuy nhiên chỉ có một người trong số họ, một người Samaritanô, trở lại để cảm tạ Ngài.

Chứng phong cùi của tội lỗi. Nhiều nhà bình luận trong nhiều năm đã coi căn bệnh phong cùi trong Kinh Thánh là một sự tương đồng với tội lỗi. Đó là bởi vì tội lỗi đem đến cho chúng ta hậu quả theo cách tương tự như căn bệnh phong cùi. Giống như bệnh phong cùi làm biến dạng thân xác con người, cũng vậy tội lỗi có thể làm biến dạng tâm hồn chúng ta. Khi bệnh phong cùi tiến triển nó làm chết những phần trong cơ thể; những người bị bệnh có thể bị mất ngón tay và ngón chân. Trong cách tương tự tội lỗi giết chết lương tâm và ý thức của chúng ta. Nhưng có thể còn tồi tệ hơn cả là bệnh phong cùi buộc nạn nhân của nó phải sống tách biệt với xã hội, cho nên một trong những hậu qủa của tội lỗi là nó gây nên sự xa cách trong mối quan hệ  của chúng ta với Thiên Chúa và có thể cô lập chúng ta khỏi dân Chúa.

Mười người biết rằng chỉ Chúa Giêsu mới có thể chữa lành cho họ khỏi cảnh ngộ khủng khiếp của họ. Và chúng ta biết rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa chúng ta khỏi bóng tối của tội lỗi. Tin tốt lành là Ngài đã làm! Qua cái chết và phục sinh của Ngài, Ngài không chỉ tẩy sạch tội lỗi chúng ta mà bây giờ chúng ta còn có đời sống thánh thiêng của Ngài chảy qua chúng ta. Bất kể chúng ta cảm thấy như thế nào vào bất kỳ ngày nào, chúng ta có lý do để vui mừng! Chúng ta là những tạo vật mới trong Chúa Kitô (2 Cr 5: 17)

Nhận ra rằng cuộc sống của mình đã hoàn toàn được biến đổi, một trong những người bị bệnh phong cùi- chính xác là người Samaritanô -  đã trở lại cảm ơn Chúa Giêsu. Anh ta quá phấn kích với lòng biết ơn đến nổi anh ta qùy dưới chân Chúa Giêsu và thờ phượng Ngài. “Đứng dậy về đi!” Chúa Giêsu nói với anh ta “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”(Lc 17: 19). Người Samaritanô, người bị bệnh phong cùi xa cách Chúa nhất, đã có đáp trả đúng đắn. Lòng biết ơn của anh ta đã tràn ngập trong lời nói và việc làm của anh ta.

Nhưng chín người kia, những thành viên của dân Chúa, người Do Thái thì sao? Tại sao họ không trở lại cám ơn Ngài? Chắc chắn họ cũng vui mừng vì được chữa lành. Không nghi ngờ rằng họ đã trở về gia đình họ, những người bây giờ có thể chào đón họ về nhà. Họ chắc chắn được hưởng những thành qủa của việc chữa lành, tuy nhiên họ đã không trở lại với nguồn gốc của nó: lòng thương xót và nhân từ của Chúa Giêsu.

Đáp trả đầu tiên của chúng ta. Có thể chúng ta cũng dễ dàng như chín người này, hết lần này đến lần khác được hưởng thành quả cuộc sống trong Chúa Kitô mà không trở lại để cám ơn Ngài. Lòng biết ơn phải là là đáp trả đầu tiên của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng qúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa, Đấng đã chữa lành chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới. Chúng ta sẽ ở đâu nếu không có Chúa? Làm sao chúng ta có thể  đối mặt mỗi ngày nếu không có lòng thương xót và ân sủng của Ngài?

Chúng ta chỉ cần mở Thánh Kinh để khám phá ra rằng sự đáp trả tự nguyện của biết bao người đối với sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa là ca ngợi và biết ơn. Khi Thiên Chúa phân rẽ Biển Đỏ và cứu dân Ngài khỏi cảnh nô lệ, Môsê và dân chúng hát một bài ca ngợi khen “Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.” (Xh 15: 2). Trong ngày sinh của con trai Gioan Baotixita, Dacatia nói “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” (Lc 1: 68). Và khi Maria  đươc thiên thần Gabrien loan báo sẽ cưu mang đấng Mêsia, Mẹ đã ca lên “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (1: 46).

Những lá thư của thánh Phaolô cũng chứa đầy những lời tạ ơn. Ông biết rằng Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót vĩ đại đối với ông. Ngay cả khi đối diện với tù tội và cái chết, Phaolô không ngừng cảm ta và ngợi khen Thiên Chúa, trở nên một mẫu gương sống động về những gì ông đã viết và giảng dậy “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.” (1 Tx 5: 18)

Cũng cần lưu ý rằng tất cả những biểu hiện của lòng biết ơn này tràn đầy niềm vui như thế nào. Niềm vui tự nhiên lớn lên khi chúng ta biết ơn. Chúng ta càng tập trung vào Chúa và hồng ân của Ngài dành cho chúng ta, chúng ta càng trở nên hạnh phúc hơn. Đó không phải là một hạnh phúc nông cạn ma là hạnh phúc bắt nguồn trong tình yêu không bao giờ dứt của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu trải dài đến vĩnh hằng. Bất kể điều gì đang xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta, không có gì có thể lấy đi những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Chúa Kitô. Miễn là chúng ta ở gần Ngài và để Ngài tẩy sạch tội lỗi của chúng ta, chúng ta có thể nóng lòng mong chờ được sống đời đời.

Nhân chứng của lòng biết ơn. Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta luôn biết được những ơn lành và sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta? Chúng ta phải giống như Joan có người chồng nằm trên giường với chứng bệnh thoái hóa nhưng thường nói với mọi người rằng bà thật may mắn vì có Chúa hiện diện và săn sóc cho họ. Chúng ta phải nên giống như Mike, người sau khi chỉ sống cho bản thân và cho những thú vui trong cuộc sống, đã trải nghiệm được chiều sâu của lòng thương xót Chúa và đã không ngừng nói với người khác về điều đó. Chúng ta phải giống như Stella, một góa phụ sống bằng đồng lương hưu trí ít ỏi trong khu vực nghèo nàn trong thành phố nhưng vẫn thích ca ngợi Chúa về ơn lành cho dù là nhỏ bé nhất. Qua lòng biết ơn của họ, những người này đang làm nhân chứng cho tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa, bất chấp những thử thách rất thật trong cuộc sống của họ.

Thật ra, lòng biết ơn thậm chí còn lây lan hơn cả “phong cùi” của tội lỗi. Càng nhìn thấy lòng biết ơn ở người khác, bản thân chúng ta càng khao khát sống trong sự biết ơn – và chúng ta càng muốn bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta, như người Samaritanô đã làm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét