Những đặc điểm tiêu biểu của một người chồng mẫu mực
10/14/2020-conggiao.info
chong.jpg
Bất kỳ một người phụ nữ nào khi lập gia đình cũng mong mình lấy được một người chồng gương mẫu, chín chắn và trưởng thành. Nếu không phải là mẫu người đàn ông lý tưởng, hoàn hảo thì chí ít người ấy cũng là một người chồng mẫu mực, xứng đáng làm chỗ dựa cho người nữ nương tựa, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe. Như tục ngữ VN có câu “Thuyền mạnh về lái, gái mạnh về chồng”.
Tự bản thân người chồng phải luôn khẳng định rằng mình là ai trong gia đình và mình phải sống, cư xử và hành động như thế nào để xứng đáng là người gia trưởng, người thuyền trưởng, người lãnh đạo trong gia đình. Ông bà ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đàn ông xây nhà, điều đó giúp ta liên tưởng tới hình tượng người chồng, người cha, người chủ trong gia đình. Họ có bổn phận xây dựng nền móng sao cho ngôi nhà gia đình được vững chắc, sao cho mọi thành viên sống trong đó được an toàn, êm ấm, sao cho mái nhà bằng vật chất luôn giữ được tình thương của mái ấm gia đình.
Đại văn hào Pháp Victor
Hugo đã nói: “Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia
đình được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”. Người
chồng là gia trưởng chắc chắn sẽ phải là một nhân tố quan trọng trong việc vun
trồng và phát triển tình yêu và hạnh phúc trong gia đình. Để đạt được điều đó,
họ phải chứng tỏ mình có những phẩm chất và năng lực cần thiết mà bất kỳ người chồng
nào cũng cần có nhằm đáp ứng kỳ vọng của người bạn đời mình.
Phần đông phụ nữ rất sợ sống
với một người chồng “trẻ người non dạ”, chưa đủ trưởng thành về tâm lý và trong
tình yêu. Họ sống vô tâm, vô tư, vô lo và ham chơi. Những tuýp chồng này chưa đủ
độ chín để có thể dành trọn tình yêu cho gia đình, cho vợ, cho con. Họ không hiểu
tình yêu một cách đúng đắn và xem hôn nhân như một cuộc chơi, một canh bạc.
Thích thì ở với nhau, chán thì bỏ nhau ngay. Chính vì vậy mà tình trạng ly hôn
sớm nơi những đôi vợ chồng chưa trưởng thành, thiếu trải nghiệm luôn ở mức báo
động. Người ta gọi những vụ ly hôn sớm của những đôi vợ chồng này là ly hôn
xanh.
Một người chồng mẫu mực luôn coi tình yêu là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đời sống hôn nhân gia đình. Và người ấy sẽ thể hiện tình yêu theo lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô, như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14).
2- MẪU MỰC VỀ
KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO
Người ta thường liên hệ
vai trò của người chồng trong gia đình với 3 hình ảnh: gia trưởng, thuyền trưởng
và huynh trưởng. Tất cả những danh hiệu đều nói lên vai trò lãnh đạo chủ yếu của
người chồng, người cha trong gia đình.
Có thể liệt kê ba nhiệm vụ
chính sau đây của người gia trưởng: nhiệm vụ quản gia, nhiệm vụ quản lý và nhiệm
vụ quản giáo.
Người gia trưởng cũng còn là người quản lý của gia đình nữa. Quản lý ở đây không phải là độc đoán nắm giữ, điều hành tất cả, mà là quán xuyến mọi việc gia đình. Họ biết nắm bắt các nhu cầu của cả gia đình và của mỗi thành viên trong gia đình. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn có thể là xây cất sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị cho gia đình, việc sinh hoạt học hành của con cái vv. Việc nhỏ có thể liên quan đến cái ăn cái mặc, kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Dù gia đình ở trong hoàn cảnh nào bất kỳ, người gia trưởng tốt sẽ luôn quan tâm, lo lắng và điều hành các việc trong gia đình sao cho suôn sẻ, trôi chảy…
Cuối cùng, chúng ta biết
rằng trong gia đình, con cái không thể thiếu bóng dáng và sự hiện diện của người
cha được. Bởi như người ta thường nói: “Con không cha như nhà không nóc”. Cha mẹ
không chỉ sinh con, nuôi con, mà còn phải dạy dỗ, giáo dục con cái nữa. Và đây
là nhiệm vụ quan trọng nhất. Việc này thì kéo dài cả đời. Vì mười năm trồng
cây, nhưng mất trăm năm trồng người. Hơn ai hết, người gia trưởng quan tâm và đầu
tư công sức cho việc giáo dục con cái. Không thể khoán trắng việc này cho người
vợ được. Có thể gọi đây là nhiệm vụ quản giáo của gia trưởng trong gia đình.
Người phụ nữ nào cũng ước
mong mình có một người chồng đạo đức, chuẩn mực và có lòng bao dung. Và họ cũng
rất sợ những ông chồng nào vô đạo đức, sống buông thả, sống ích kỷ, sống vô kỷ
luật…
Một người chồng đạo đức thì luôn biết cư xử cách bao dung, tế nhị. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ đôi bạn sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.
Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).
Thiết nghĩ, để sống trọn
vẹn lòng mến như thế, một người chồng mẫu mực phải hy sinh, phải từ bỏ chính
mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Nhờ
xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của đôi bạn sẽ bền vững và hạnh
phúc lâu dài.
Người đàn ông mẫu mực về
tư cách đạo đức sẽ không bao giờ khiến bạn đời mình bị tổn thương, thất vọng,
trái lại người ấy sẽ luôn là nguồn động viên an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho
người vợ thân yêu của mình.
Vừa qua, trên trang
vnexpress.vn có bài viết tựa đề “Vì sao có những cuộc hôn nhân chết yểu?”, tác
giả đã đề cập đến vấn đề “Hôn nhân không chung thủy”, như sau:
Kết quả một điều tra,
thăm dò xã hội được thực hiện bởi chuyên trang Best Life (Mỹ) gần đây trên 441
người đã có gia đình và ngoại tình cho thấy, hơn một nửa (54,5%) đã chia tay
ngay sau khi sự thật lộ ra. 30% khác cố gắng ở bên nhau nhưng cuối cùng đã chia
tay, và chỉ 15,6% có thể duy trì quan hệ sau sự đổ vỡ lòng tin này”. [3]
Những ai thường xuyên
theo dõi một số chương trình trên truyền hình HTV 7 chuyên đề về hôn nhân gia
đình, như “Vợ chồng son” hay “Tâm đầu ý hợp”, đều nhận thấy rằng các bạn nữ giới
rất quan tâm đến tinh thần trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia
đình. Bởi vì trên thực tế hiện nay, nhiều đấng mày râu xem ra lơ là trách nhiệm
trong gia đình. Có người khoán trắng tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình cho
người vợ, khiến cho người nữ mệt mỏi, suy sụp vì công việc quá tải.
Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó cho thấy sự phân chia trách nhiệm trong gia đình là quá rõ, vì thế người phụ nữ luôn kỳ vọng nơi chồng mình ý thức trách nhiệm cao, đồng thời ý thức đó phải được thể hiện qua những việc cụ thể hằng ngày. “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”…là vậy.
Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt,
trên trang web của UB Mục vụ Gia đình (HĐGMVN), trong bài viết “Phụ nữ muốn gì ở
người chồng của mình?”, đã đưa ra 3 cái CÓ của người chồng trong đó ông nhấn mạnh
chồng phải có trách nhiệm như thế nào. Tác giả viết như sau:
Người chồng có thể nghèo, có thể thất học, có thể địa vị thua kém trong xã hội, nhưng không thể sống vô tâm, vô lo, không chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình. Để có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa hợp, con cái vui vẻ, điều không thể thiếu được đó là gia đình ấy có một người chồng và người cha mẫu mực về tinh thần trách nhiệm.
6- MẪU MỰC VỀ VIỆC ĂN NÓI GIAO TIẾP TRONG GIA ĐÌNH
Đa số chị em phụ nữ rất
quan tâm tới vấn đề giao tiếp và ăn nói của người chồng trong gia đình cũng như
ngoài xã hội. Phụ nữ rất dị ứng đối với những ông chồng nào ăn nói lỗ mãng, cộc
lốc, thô thiển, đối với vợ con cũng như với người ngoài. Dù ở trong hoàn nào đi
chăng nữa thì người đàn ông phải biết giữ mồm giữ miệng, ăn nói sao cho tế nhị,
lịch thiệp và hòa nhã.
Tuy nhiên trên thực tế,
chúng ta dễ dàng chứng kiến những cuộc ly hôn, tan vỡ của nhiều đôi vợ chồng, kể
cả những đôi mới kết hôn. Lý do ly hôn đơn giản chỉ là họ không thể sống chung
với nhau do bất đồng, mâu thuẫn chồng chất. Cứ cái kiểu, “Ông nói gà, bà nói vịt”,
hay “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sớm muộn gì cũng tan đàn xẻ nghé! Ca
dao VN ta cũng có câu, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau”. Khi lời nói không còn làm vừa lòng nhau nữa thì chẳng khác gì như những
nhát dao đâm vào trái tim bạn đời. Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả
quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh
phúc.
Trong gia đình, chồng không
nên có thái độ gắt gỏng, nạt nộ vì tính cách đó chẳng bao giờ làm đẹp lòng ai.
Có điều gì lầm lỡ, những lúc vắng vẻ bảo nhau còn có lợi hơn nhiều, dễ cảm hóa
hơn. Phụ nữ bao giờ cũng thích nghe những lời dịu dàng, êm tai và thích có những
sự vỗ về nho nhỏ. Thân mật, nhưng đừng suồng sã, không nên có hành động lỗ mãng
đối với vợ, cả trong những lúc kín đáo nhất.
Khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, xung đột trong gia đình, thì người có trách nhiệm chính trong việc hòa giải chính là người chồng, người cha trong gia đình. Thay vì làm cho chuyện lớn ra hay đổ thêm dầu vào lửa, thì người cha hay chồng sẽ khôn khéo dàn xếp mọi chuyện được êm thắm. Đó là một tài khéo, một nghệ thuật của một người đàn ông có uy tín và bản lãnh. Như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson).
Tác giả cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng” đã nói về cách điều khiển và kiểm soát tình huống khi có xung đột, như sau:
Mâu thuẫn, xung đột, cãi
vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít hay nhiều. Nó không phải
là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ
chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị! Nếu cư xử khôn
khéo và hợp lý, thì không những làm cho cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm
cho tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn.
Đôi bạn cần nhớ một điều
này là hãy tranh luận ôn hòa, tránh tối đa những xung đột trong giao tiếp. Thực
ra, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào mối tương quan giao tiếp cũng
trơn tru, suôn sẻ cả đâu. Có những lúc vì một lý do bất đồng hay bất bình nào
đó mà vợ hoặc chồng hay cả hai người đều nổi nóng. Sóng gió bắt đầu nổi lên.
Người ta nói rằng, tranh cãi luôn là một phần của mọi cuộc hôn nhân. Tranh cãi, tranh luận là chuyện bình thường. Nhưng nếu các cặp đôi thất bại trong việc thỏa hiệp thì thường là do sự ích kỷ và hiếu thắng của bản thân. Bên nào cũng muốn phe kia thay đổi. Ai cũng cho mình là đúng, đối phương sai. Một khi ai cũng bảo vệ ý riêng mình mà không chấp nhận dung hòa thì từ tranh luận sẽ chuyển sang tranh cãi, và cuộc tranh cãi thường trở nên căng thẳng.
Trên thực tế, không cặp vợ chồng nào mà không có lúc cãi vã, xung khắc nhau. Đó là điều tất nhiên. Họ chấp nhận sống chung là vì họ yêu nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau. Lúc đó, họ phải thấu hiểu nhau và học cách nhượng bộ nhau. Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Một danh nhân đã nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.
Vợ chồng khi cãi nhau đừng quên điều này là, dù yêu thương cách mấy cũng khó có đôi vợ chồng nào mãi mãi hòa thuận. Thế nhưng việc gì cũng nên có chừng mực, mỗi khi cãi vã xong, cả hai nên dành chút thời gian để hòa giải một cách ôn hòa. Nhiều cuộc hôn nhân sẽ tốt hơn nếu người chồng và người vợ hiểu rõ ràng rằng họ đang ở cùng một bên chứ không phải ở hai phe đối lập.
Xét cho cùng, người chồng vẫn luôn là mẫu mực đúng đắn trong bất kỳ một cuộc tranh cãi, tranh luận hay bất đồng nào. Phải giữ im lặng khi cần thiết. Phải có thái độ ôn hòa, bình tĩnh, không nóng nảy, quát tháo. Phải chừng mực và công bằng trong mọi quyết đoán. Phải nhớ một điều này là “Nền tảng của tình yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau” (Elijah Fenton)./.
Aug. Trần Cao Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét