Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Lòng biết ơn dẫn chúng ta đến việc thờ phượng và hành động

 

Lòng  biết  ơn  dẫn  chúng  ta  đến  việc  thờ  phượng  và  hành  động

Lại Thế Lãng dịch- Fri, 27/11/2020

 

Khi Jim phải trải qua bảy tuần lễ trong bệnh viện vào năm ngoái để chống chọi với một căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, anh ấy rất biết ơn đối với linh mục tuyên úy và những thiện nguyện viên đã đưa Mình Thánh Chúa cho anh mấy lần mỗi tuần lễ. Vì anh qúa yếu không thể đi dự thánh lễ, một số người đã quan tâm đem Chúa Giêsu đến với anh. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã cho anh thêm sức mạnh để vượt qua con đường dài phục hồi.

Trải nghiệm này đã làm cho lòng yêu mến Chúa của Jim thêm sâu sắc. Một khi anh đã đứng vững trở lại, Jim quyết định rước Mình Thánh Chúa và tôn thờ Chúa càng thường xuyên càng tốt. Anh cũng viếng thăm phòng tuyên úy bệnh viện để bày tỏ lòng biết ơn. Nhưng anh muốn làm nhiều hơn là chỉ nói “Cám ơn”. Anh hỏi liệu anh có thể được đào tạo để trở thành một thừa tác viên Thánh Thể không.

Lòng biết ơn không phải chỉ là thứ khiến cho chúng ta cảm thấy dễ chịu. Nó tràn ra ngoài chúng ta và dẫn chúng ta đến với cả hai việc: thờ phương và hành động. Người đàn ông được Chúa Giêsu chữa lành bệnh phong cùi đã trở lại với Chúa Giêsu và thờ phượng Ngài “Lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Thánh Luca viết “Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn” (17: 15, 16). Chắc chắn người đàn ông này cũng rất háo hức kể lại với những người khác về cách Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh.

 

Lòng biết ơn được thể hiện trong lời cầu nguyện.

Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc biết ơn sâu sắc trong cuộc sống– khi một lời cầu nguyện tận đáy lòng được đáp trả hoặc khi chúng ta cảm nhận rõ ràng về sự hiện diện của Chúa hoặc là khi một người bạn được chữa khỏi một căn bệnh hiểm nghèo. Tại những thời điểm đó, chúng ta biết rằng Chúa đang hoạt động, và chúng ta được tràn đầy lòng biết ơn. Nhưng cũng như những ơn lành hiển nhiên dẫn chúng ta đến việc thờ phượng thì những ơn lành nhỏ bé từ Thiên Chúa cũng có thể làm được như vậy. Và khi chúng ta nghĩ về nó, mọi thứ chúng ta có, tất cả những gì chúng ta đang có là từ Thiên Chúa. Chúng ta có qúa nhiều điều để biết ơn.

Những cảm giác biết ơn như thế có thể biến đổi chúng ta trong lời cầu nguyện. Khi chúng ta đến với Chúa trước hết trong việc tạ ơn, chúng ta bỏ sự chú ý ra khỏi những vấn đề riêng của mình và quan tâm trước hết nhìn vào Ngài và tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Tất nhiên chúng ta vẫn cần nói với Chúa về những gì đang đè nặng lên tâm trí chúng ta – đây là những quan tâm và những vấn đề thật sự. Nhưng khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện bằng cách ca ngợi Thiên Chúa về sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài, điều đó sẽ đặt ra những vấn đề của chúng ta. Chúng ta có thể tiếp tục cầu nguyện với niềm vui và lòng biết ơn khi biết rằng Thiên Chúa nhân lành không bao giờ bỏ rơi hay từ bỏ chúng ta. Thái độ của chúng ta trở nên như tác giả Thánh vịnh “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (116: 12).

Một thái độ như thế cũng đặt chúng ta trong mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Chúng ta đến với Ngài nhận biết rằng chúng ta không thể tự mình làm điều gì; tất cả những gì chúng ta có thể hoàn thành đều là hồng ân của Ngài ban cho chúng ta. Có tinh thần nghèo khó, chúng ta có thể nhận được tất cả ơn lành và lòng thương xót Ngài muốn tuôn đổ trên chúng ta.

May thay, Thánh Kinh tràn ngập những lời về lòng biết ơn và sự cảm tạ. Chúng ta chỉ cần mở Thánh vịnh ra và biến những lời đó thành lời của riêng mình “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (107: 1). Thánh Kinh là nơi tự nhiên để bắt đầu nếu chúng ta muốn lời cầu nguyện của chúng ta mở ra với việc tôn vinh Thiên Chúa và thờ phượng Ngài như những người bệnh phong cùi đã làm.

 

Lời cầu nguyện tạ ơn hoàn hảo.

Lời cầu nguyện tạ ơn tuyệt với nhất là việc cử hành Thánh lễ, dâng lên lời ca ngợi Thiên Chúa, Cha chúng ta vì đã sai Chúa Giêsu đến hy sinh thân mình cho chúng ta và chia sẻ chính bản thân Ngài với chúng ta. Thực ra ngôn từ “thánh thể” đến từ tiếng Hy Lạp eucharisto có nghĩa là “tạ ơn”.

Sách giáo lý nói với chúng ta rằng bí tích Thánh Thể không chỉ là “mầu nhiệm cứu độ chúng ta được thực hiện bởi Chúa Kitô trên thập giá”. Đó còn là “một của lễ ca tụng để ta ơn công việc của tạo hóa”

Trong hy tế Thánh Thể toàn thể tạo vật được Thiên Chúa yêu thương được trình lên Chúa Cha qua cái chết và Phục sinh của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô Hội thánh có thể dâng của lễ ca tụng để tạ ơn về tất cả những chân, thiện, mỹ Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ và cho cho người (1359)

Hãy thử điều này: Chúa nhật tới bạn hãy chú ý lắng nghe những lời cầu nguyện trong Thánh lễ để cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa. Khi bạn làm điều đó, hãy đem thái độ cảm tạ đó vào trong chính bạn. Hãy dành thời gian trong Thánh lễ để cảm tạ Thiên Chúa vì đã tạo ra thế giới tươi đẹp này, vì đã ban cho bạn sự sống, vì đã yêu thương bạn và vì đã cứu bạn khỏi tội lỗi. Hãy cố gắng nhớ lại biết bao ơn lành Ngài đã tuôn đổ trên bạn, đặc biệt là món quà của chính Ngài trong bí tích Thánh Thể.

 

Lòng biết ơn được thể hiện trong hành động.

Sau khi người Samaritanô quay lại với Chúa Giêsu và cảm tạ Ngài vì đã chữa lành bệnh cho anh ta. Chúa Giêsu đã nói với anh ta “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 17: 19). Ngoài lời cầu nguyện, lòng biết ơn thường dẫn chúng ta “đi” và làm những điều mà chúng ta có thể đã không làm. Một số thay đổi nào có thể xẩy ra khi chúng ta tràn đầy lòng biết ơn đối với Chúa?

Chúng ta nhân từ và yêu thương người khác hơn. Khi người phụ nữ đến xức dầu cho Chúa Giêsu trong nhà của người Biệt phái Simong, những người khách đã chỉ trích việc bà lấy nước mắt mình để rửa chân và xức dầu cho Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với họ “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều..” (Lc 7: 47). Chúng ta không khác với người phụ nữ đó. Chúng ta là những người tội lỗi đã được tha. Chúng ta càng nhận thức rõ về sự thật này thì lòng yêu mến và biết ơn càng lớn lên trong tâm hồn chúng ta và chúng ta càng muốn lan tỏa lòng thương xót và tha thứ cho mọi người chung quanh, ngay cả đối với những người chúng ta thấy khó yêu mến.

Chúng ta muốn nói với mọi người về Chúa Giêsu. Hãy xem người bị thần ô uế ám Ghê-ra-sa (Mc 5: 1- 20). Người đàn ông đáng thương này bị các thần dữ hành hạ đến mức không thể kiềm chế được nữa, ngay cả xiếng xích. Khi Chúa Giêsu đuổi các thấn ô uế ra khỏi anh ta, người đàn ông rất biết ơn và anh ta muốn đi theo Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã bảo anh ta “Anh cứ về nhà với thân nhân,” (5: 19). Người này “Ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh” (5:20). Giống như người đàn ông được giải thoát này, khi chúng ta tràn đầy lòng biết ơn về tất cả những cách mà Chúa đã giải thoát chúng ta, tha thứ cho chúng ta và chữa lành chúng ta, chúng ta cũng háo hức đi ra để nói với những người khác về Chúa Giêsu.

Chúng ta trở nên rộng rãi hơn với của cải của mình. Hãy nhìn những gì đã xầy ra trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Sau khi đã nhận Chúa Thánh Thần, các tín hữu của Chúa Giêsu đã đến với nhau và tự do chia sẻ của cải của họ cho những ai có nhu cầu (Cv 2: 45). Điều này chỉ có thể xẩy ra bởi vì có một sự thay đổi sâu sắc trong tâm hồn họ. Trong ánh sáng của sự nhận thức về tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho họ trong Chúa Giêsu, những gì mà họ đã coi là của mình trước kia bỗng nhiên cũng được coi như là thuộc về anh chị em trong Chúa Kitô.

Chúng ta trở nên rộng rãi hơn với những hồng ân và tài năng của mình. Chúng ta càng nhận ra rằng những hồng ân và tài năng thiên bẩm của chúng ta đến từ Chúa, chúng ta càng muốn sử dụng chúng trong việc phục vụ Ngài. Hãy xem Ta-bi-tha trong sách Công vụ Tông đồ. Một người thợ may “đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm.” Và phục vụ cộng đồng tín hữu bằng cách may  áo choàng và những quần áo khác cho họ (Cv 9: 36,39). Chúng ta đều biết những người như Ta-bi-tha, những người đã cống hiến thời gian và tài năng của họ để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Rất thường những người như thế được thúc đẩy bởi ý thức rằng những gì họ nhận được nhưng không như là những hồng ân từ Thiên Chúa, họ sẽ trả lại bằng cách phục vụ dân Ngài.

 

Vậy bạn biết ơn Chúa về điều gì? Bởi vì Thiên Chúa đã làm những việc kỳ diệu trong cuộc sống của bạn, một hoặc hai điều gì khiến bạn muốn “đi và làm”? Giống như tất cả mọi thứ, lòng biết ơn là một  hồng ân từ Thiên Chúa. Nhưng nó cũng là thứ mà chúng ta có thể nuôi dưỡng bằng những thực hành đơn giản./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét