Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Lối thoát nào cho những 'bà cô' ở Trung Quốc?


Lối  thoát  nào  cho  những  'bà  cô'  ở  Trung  Quốc?

Thứ hai, 19/10/2020, VnExpress.net

Phụ nữ nhiều tuổi mà chưa kết hôn đang phải gánh những áp lực rất lớn từ người thân và dư luận xã hội. Một số người "nhắm mắt đưa chân" đã phải hứng hậu quả.

Khâu Hoa Mai, 34 tuổi, một nữ luật sư thành danh tại Bắc Kinh "thề" sẽ kết hôn nhưng chỉ chấp nhận những "đối tượng đủ tiêu chuẩn". Điều kiện mà nữ luật sư đưa ra là người đàn ông phải được giáo dục tốt, có thể chia sẻ công việc nhà, tôn trọng sự lựa chọn của phụ nữ về mọi mặt, bao gồm cả khả năng sinh sản.

Nghe có vẻ những yêu cầu này không có gì quá đáng, nhưng người của công ty mai mối đã khiến Khâu bị sốc bởi đánh giá riêng của họ:

Cô không đẹp. Cô có tuổi đồng nghĩa với "khả năng sinh sản thấp". Cô quá mạnh mẽ nên có thể không phải là người vợ hay người mẹ tốt. Cô không nữ tính nên sẽ không được đánh giá cao về giá trị tình cảm.

Khâu Hoa Mai là một nữ luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh. Nhưng vì chưa lập gia đình nên ở quê cô vẫn bị coi là dưới đáy xã hội. Ảnh: qq.

Khâu Hoa Mai là một nữ luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh. Nhưng vì chưa lập gia đình nên ở quê cô vẫn bị coi là dưới đáy xã hội. Ảnh: qq.

Khâu không chấp nhận những gì người mai mối nói là đúng. Cô chứng minh những ưu điểm của mình như học vấn cao, là luật sư, thu nhập tốt, thường xuyên tập thể dục nên sức khỏe ổn... Nhưng dưới con mắt của người mai mối, không có lợi thế nào bù đắp nổi cho một lỗ hổng chết người: Tuổi tác.

Với nữ luật sư này, hôn nhân không có nhiều ý nghĩa, chỉ cần nhu cầu không quá cao, mọi người đều có khả năng tự chủ cuộc sống của mình. Tuy nhiên khi bắt đầu có tuổi, những phụ nữ chưa chồng như Khâu bị gọi với tên "bà cô" (tiếng Trung là thặng nữ) – nhằm chỉ những người phụ nữ tài giỏi, có học thức và tự lập nhưng qua tuổi kết hôn đã lâu mà vẫn chưa lấy chồng.

"Lúc này tôi mới hiểu giá trị lớn nhất của phụ nữ trên thị trường hôn nhân và tình yêu chỉ gói gọn trong hai chữ: Tuổi trẻ", cô Khâu nói.

Khi Cái Kỳ kết hôn ở tuổi 39, bạn bè hết sức ngạc nhiên. Cô là giáo viên của một trường đại học, đồng thời là một nhà hoạt động tích cực cho phong trào nữ quyền. Chồng cô là một người xuất thân từ nông thôn nên so về nền tảng gia đình, học vấn và địa vị xã hội, chồng hoàn toàn thua kém. Lý do duy nhất để nữ giảng viên đồng ý kết hôn với anh là "không muốn bị tổn thương thêm nữa".

"Sau khi trải qua những sinh ly tử biệt của người thân trong gia đình, tôi khao khát có được mái ấm riêng. Chồng tôi không ngại tuổi tác và sẵn sàng kết hôn với tôi. Đứa con đến bất ngờ và tôi phải giành lấy cơ hội được làm mẹ của mình", Cái Kỳ giải thích cho cuộc hôn nhân. Trong một năm, cô đã hoàn thành mọi thứ, từ yêu, kết hôn và sinh em bé.

Nhưng cuộc sống gia đình của hai người lại không được "trôi chảy" như vậy. Khi đứa con đi ngủ, không còn mối quan tâm chung, họ chỉ lặng lẽ làm những công việc riêng của mình, hiếm hoi mới cất lời với nhau. Ngay cả khi ngồi cùng bàn ăn, hai vợ chồng cũng không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, chứ chưa nói đến cảm xúc.

Cái Kỳ là giáo sư một trường đại học. Cô kết hôn năm 39 tuổi với người chồng kém mình về mọi mặt bởi áp lực dư luận. Ảnh: qq.

Cái Kỳ là giáo sư một trường đại học. Cô kết hôn năm 39 tuổi với người chồng kém mình về mọi mặt bởi áp lực dư luận. Ảnh: qq.

Có những rủi ro rất lớn đang rình rập cuộc hôn nhân của Những phụ nữ lớn tuổi nóng lòng kết hôn ở Trung Quốc. Cũng có nhiều người không nhân nhượng như nữ luật sư Khâu Hoa Mai. Dư luận luôn tìm cách chèn ép và buộc cô ấy phải kết hôn, nhất là những người thân trong gia đình. Đối với Khâu, mỗi lần về quê là một thảm họa. Trong cuộc họp gia đình, vấn đề nóng nhất luôn là phải thúc giục cô kết hôn càng sớm càng tốt.

Cha Khâu nói rằng, dù phụ nữ giỏi đến đâu cũng phải có người chồng bên cạnh. Người mẹ dễ xúc động, bà nói sức khỏe ngày càng yếu, mong muốn cuối cùng trong đời là được thấy con gái lên xe hoa. Anh chị em khác buộc tội Khâu "học nhiều nên ngớ ngẩn". Kể cả những đứa cháu cũng đặt cho cô biệt danh "Cử nhân già".

Trước đây thành tích học tập của Khâu luôn là sự ngưỡng mộ của mọi người trong làng. Cô đã có sự nghiệp vững chắc tại Bắc Kinh, mức sống của gia đình hơn hẳn dân làng, nhưng bởi chưa kết hôn nên các thành viên trong gia đình trở thành trò cười cho mọi người, bị chỉ trỏ mỗi khi họ bước chân ra ngoài. Ở quê của Khâu, "chưa lập gia đình" là một điều gì đó rất đáng xấu hổ. Nó khiến cô dường như vẫn ở dưới đáy xã hội.

Vào cuối mỗi cuộc tranh cãi, Khâu - người được biết đến với lý trí và sự nhạy bén trong nghề luật - sẽ rơi vào trạng thái điên loạn. Ai cũng chỉ trích cô là người quá ích kỷ. Cô chỉ có thể nói như một cái máy và sử dụng "tiếng gầm" của mình để át lời mọi người. Cuối cùng là bỏ trốn. Khâu trốn trong phòng và trốn ở Bắc Kinh, hy vọng có thể xoa dịu mâu thuẫn giữa bản thân và gia đình bằng cách này.

Cô gái 34 tuổi này không ghét hôn nhân. Ngược lại, vì coi trọng tình yêu nên cô mới hy vọng chờ được đúng người. Khi đã gần hết hy vọng, cô tìm đến giải pháp đông lạnh trứng để giữ quyền được làm mẹ của mình. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, phụ nữ muốn làm dịch vụ này phải có giấy đăng ký kết hôn. Bất lực, Khâu chỉ có thể bước vào công ty mai mối và chờ đợi một cuộc hẹn hò được sắp xếp.

Buổi hẹn đầu tiên đã thất bại. Chàng trai quê Bắc Kinh khi biết cô là người ngoại tỉnh lập tức từ chối vì "không cùng đẳng cấp". "Trung tâm thành phố khinh thường ngoại ô, người sống ở quận sẽ không thèm đếm xỉa những người ở huyện. Ngay cả ở nông thôn, những người có ít anh chị em sẽ phân biệt đối xử với những người có nhiều anh chị em", Khâu cay đắng.

Không ai coi trọng tình cảm, mọi người tìm bạn đời đều có mục đích rõ ràng. Chỉ cần có điều kiện phù hợp mới có thể nói chuyện tiếp. Cảm xúc hầu như không tồn tại trong yêu cầu lựa chọn bạn đời của những người này. Khâu rút lui hết lần này đến lần khác. Cô thử chuyển đổi chiến lược bằng cách trực tiếp đến góc hẹn hò được tổ chức tại các công viên để trao đổi với phụ huynh, nhưng vẫn thất bại. Không ai muốn nói chuyện với cô khi nghe đến tuổi tác, thậm chí do dự khi biết rằng Khâu là một luật sư.

Vợ chồng Cái Kỳ không biết nói gì với nhau trong bữa ăn, dù họ là vợ chồng. Ảnh: qq.

Vợ chồng Cái Kỳ không biết nói gì với nhau trong bữa ăn, dù họ là vợ chồng. Ảnh: qq.

Giảng viên Cái Kỳ, người phụ nữ 39 tuổi kết hôn với một người kém về mọi thứ đã nhận ra sai lầm sau cuộc hôn nhân của mình. Cô cho rằng, với hôn nhân, phụ nữ không nên để dư luận dẫn đường. "Phải suy nghĩ cho bản thân và nghe trái tim mình mách bảo". Nhưng một khi đã quyết định bước chân vào hôn nhân thì dù chọn hướng đi nào vẫn sẽ có những khó khăn chờ đợi ở tương lai.

Nếu chọn hôn nhân, phụ nữ phải chấp nhận rằng tuổi tác cao sẽ là hạn chế, đặc biệt là ở vấn đề sinh sản. "Ở độ tuổi từ 35, khả năng sinh sản bắt đầu giảm với tốc độ nhanh. Tuổi tác cũng làm tăng nguy cơ của các vấn đề di truyền. Đây là lý do làm tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down ở phụ nữ trên 35 tuổi", cô nói. Chỉ có hai cách để thực hiện, một là hoàn thành việc sinh đẻ trước 35 tuổi, hai là không sinh con.

Theo Cái, nếu chọn độc thân, phải chấp nhận áp lực kèm theo đó là dư luận. "Bạn phải chuẩn bị cho tương lai sớm hơn để đủ năng lực kinh tế và một trái tim vững chãi. Bởi vì tương lai bạn chỉ có một mình", cô nói.

Trước khi lựa chọn kết hôn hay độc thân, người phụ nữ nào cũng cần có sự chuẩn bị: Đó là sự mạnh mẽ. Vì cuộc sống vốn không hoàn hảo. Dù là người độc thân hay kết hôn, ai cũng phải trải qua cái chết, sự bỏ rơi thậm chí là hy sinh.

"Bất kể lựa chọn cuộc sống như thế nào, tôi hy vọng bạn có thể dũng cảm tiến về phía trước, nắm quyền điều hành cuộc đời mình và không dễ dàng từ bỏ nó", Cái Kỳ chia sẻ.

Nữ luật sư Khâu Hoa Mai và giảng viên Cái Kỳ đã trở thành nhân vật trong bộ phim tài liệu "Leftover Women" (Thặng nữ Trung Quốc) được hai đạo diễn người Isarel thực hiện, sau khi đồng hành với họ gần 5 năm.

Hải Hiền (Theo sohu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét