Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

THÁNG 11 VÀ ĐẠO HIẾU

 

THÁNG  11  VÀ  ĐẠO  HIẾU

Thứ năm - 01/10/2020-Trần Mỹ Duyệt

Truyền thống Giáo Hội Công Giáo về tháng 11 có liên quan đến điều mà người Việt Nam chúng ta gọi là đạo hiếu. Theo đó, Giáo Hội dành riêng tháng 11 để kính nhớ các tín hữu đã qua đời, còn gọi là tháng các linh hồn. Một tháng dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên, anh chị em và mọi người thân yêu, bạn hữu đã ra đi về bên kia thế giới. Việc làm này khiến chúng ta liên tưởng đến chữ hiếu, đạo hiếu, và việc thờ cúng ông bà, tổ tiên vẫn thường được thực hành theo quan niệm tâm linh người Việt Nam.  

Vậy hiếu đạo là gì?

Hiếu là hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Noi theo chí khí của cha ông. Tang cha mẹ. Hiếu dưỡng hay báo hiếu là việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo.

Hiếu còn được coi như một đạo sống, hiếu đạo hay đạo phụng thờ cha mẹ: “Hiếu đạo là Bổn phận (đạo) phụng thờ cha mẹ.”[1]

Hiếu được chia làm hai loại: hiếu thảo đối với cha mẹ, và hiếu đễ đối với anh em. [2]

Chính do hai chữ “phụng thờ” đã gây nên những hiểu biết khác nhau về ý nghĩa của đạo hiếu. Nó cũng đã trở thành đề tài gây tranh cãi, chống đối và đôi khi dẫn đến thù ghét giữa những người không cùng tôn giáo. Hầu như mỗi năm khi phụ trách lớp giáo lý tân tòng, câu hỏi của các anh chị em Phật Giáo, Khổng Giáo, Đạo Thờ Ông Bà thường nêu lên cho tôi, đại khái, nếu theo đạo Công Giáo thì họ có còn được thờ kính ông bà, tổ tiên không? Và liệu họ có phạm vào tội bất hiếu không nếu thực hành một hình thức “hiếu” khác với những gì mà họ vẫn tin và thực hành?

Thực tế, những câu hỏi như vậy không chỉ nói lên những bất đồng về lý thuyết, mà trong thực hành cũng đã xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc. Nhiều cha mẹ Công Giáo nhất định không cho con lấy người ngoài Công Giáo, trừ khi người đó cải đạo để trở thành người Công Giáo. Trong khi đó, ngược lại, một số cha mẹ cũng nhất định không cho con mình lấy người Công Giáo vì sợ rằng chúng không còn nhớ đến ông bà, tổ tiên và không được thờ kính ông bà, tổ tiên sau khi các vị khuất núi. 

CHO TRÒN CHỮ HIẾU

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

(Ca dao tục ngữ)

“Làm con phải hiếu!” Nhưng thế nào là “thờ mẹ, kính cha” ? Làm sao để giữ được “tròn chữ hiếu”? Câu truyện sau đây chỉ là một trong nhiều câu truyện đã xảy ra vì chữ hiếu được diễn dịch một cách sai lầm từ phía cha mẹ cũng như con cái:

Chàng trai trẻ ở Mỹ về chơi thăm quê hương, và được mối mai cho một người con gái. Họ đã có cảm tình ngay sau lần đầu gặp mặt. Nàng là con một gia đình đạo đức, còn chàng là một Việt kiều có trình độ đại học. Qua nhiều thử thách, nhiều lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam, cuối cùng cả hai cũng đã đến được với nhau. 

Sau ngày cưới chàng trở lại Mỹ để hoàn tất thủ tục đoàn tụ, còn nàng ở Việt Nam chờ người yêu đón sang Mỹ. Một năm chờ đợi qua mau, chàng đã đón được nàng qua Mỹ. Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi! Hai vợ chồng đoàn tụ tại Mỹ chưa được 4, 5 tháng thì những bất đồng, cãi vã, giận hờn bắt đầu nổ ra. Lý do vì người vợ đòi chồng phải bảo lãnh toàn bộ ông bà, bố mẹ, và các em của mình tổng cộng 8 người qua Mỹ ngay lập tức. Ngày này qua ngày khác, tuần này tiếp đến tuần kia, điện thoại giữa gia đình vợ và vợ cứ liên tiếp hối thúc chàng rể mang gia đình vợ qua Mỹ. Với quan niệm là việc đưa toàn bộ gia đình bên vợ qua Mỹ là hành động hiếu thảo, báo hiếu của con gái cũng như chàng rể! Thêm vào đó còn phải gửi tiền về cho ông bà, bố mẹ vợ tiêu xài, và nuôi mấy em ăn học trong thời gian chờ đoàn tụ.

Sức ép của gia đình bên vợ, sức ép của công ăn việc làm, sức ép của tài chính đã khiến người chồng có cảm tưởng mình bị lợi dụng, bị đặt vào một hoàn cảnh rất khó xử mà chung qui cũng vì chữ hiếu. Không một ai trong gia đình vợ, kể cả người vợ hiểu rằng hoàn tất thủ tục bảo lãnh đoàn tụ là việc người bên Mỹ có thể làm, nhưng được đoàn tụ hay không phải theo những luật lệ, tiến trình của sở di trú Mỹ. Cũng không ai hiểu thêm về sự tế nhị, eo hẹp tài chính. Lương một thợ tiện trung bình đủ để chàng lo toan cho gia đình mới lập, trả tiền đi về và cưới xin còn nợ ngân hàng. Câu hỏi được đặt ra là những người làm cha mẹ như trường hợp này đòi hỏi ở con cái họ những gì qua hành động hiếu thảo? Và người con gái đây đã hiểu cũng như sống thế nào với chữ hiếu trong vai trò người đã có gia đình?

THỰC HÀNH ĐẠO HIẾU

Hành động của đạo hiếu phải được hiểu như thế nào?   

“Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”. [3]

Một lời khuyên rất thực tế xét về cả thực hành và tâm lý. Vì khi cha mẹ còn khỏe mạnh, còn có khả năng ít khi cần đến con cái về vật chất. Chỉ khi về già cha mẹ mới cần đến con: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. (Ca dao)

Ngoài ra, “Gánh vác tuổi già cha mẹ, tránh làm phiền lòng các ngài khi các ngài còn sống, không khinh bỉ các ngài khi tinh thần các ngài sa sút” còn mang ý nghĩa thâm sâu của tâm linh. Điều này cũng phù hợp với những gì Đức Phật đã dạy về hiếu thảo:

-Thay cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc trong nhà.

- Giữ gìn truyền thống gia phong, văn hoá truyền thống.

- Bảo vệ tài sản của cha mẹ.

Mạnh Tử cũng đã nêu lên 3 trường hợp mà ông cho rằng phạm một trong ba điều đó sẽ phạm vào tội bất hiếu gọi là “Bất hiếu hữu tam”, gồm: “không con trai nối dõi tông đường; không can ngăn cha mẹ khi cần; không làm quan lấy lộc phụng dưỡng cha mẹ.” Ngoài ra trong Minh Tâm Bửu Giám, thiên Hiếu Hạnh cũng chép lời ông có thêm năm tội bất hiếu nữa, đó là:

-Tay chân lười biếng, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,

-Thích cờ bạc rượu chè, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,

-Ham tiền tài của cải vợ con, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,

-Theo ham muốn của tai mắt làm cho cha mẹ mang nhục,

-Thích hung hăng tranh hơn thua làm liên lụy đến cha mẹ.

Tóm lại, ngoài những điều mà quan niệm và nếp sống thời đại không còn phù hợp.Thí dụ, “Bất hiếu hữu tam” của Mạnh Tử, nhìn chung, những gì Đức Phật, Khổng Tử hay Mạnh Tử dạy về đạo hiếu là những ứng dụng thực hành tốt, giúp cho những bậc cha mẹ không bị bỏ quên, không phải tủi hổ do những hành động bất xứng của con cái.

ĐẠO HIẾU DƯỚI CÁI NHÌN TÂM LINH

Kitô Giáo không chỉ quan niệm hiếu là một đạo sống. Nó còn nằm trong 10 giới luật của Thượng Đế: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi như Yavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi.” [4]

 Phật Giáo cũng coi việc hiếu thảo như một nhân đức đòi buộc con cái phải thực hành: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu. Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.” (Kinh Nhẫn Nhục) .

 Trong chương đầu Khai Tông Minh Nghĩa của Hiếu Kinh, thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử: “Này đây, Hiếu là căn bản của Đức, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu…” [5]

 Như vậy, hiếu đạo không chỉ được coi như một nhân đức xã hội, một truyền thống văn hóa. Đúng hơn, nó là “đạo”, một lối sống mang chiều kích tâm linh đòi phải thực hành một cách nghiêm chỉnh trong đời sống con người.

 Trở lại tinh thần Đạo Hiếu và tháng 11 theo truyền thống Kitô Giáo, người Công Giáo chân chính không những phải thực hành những đòi buộc của chữ hiếu đối với cha mẹ, ông bà khi còn sống, mà hơn nữa cả khi các ngài đã qua đời.

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.” [6] Lời cầu được dâng lên trong các Thánh Lễ trên khắp thế giới.

Giáo Hội Công Giáo còn dùng cả tháng 11 để tạo cơ hội cho những người còn sống cầu nguyện và tưởng nhớ về những người đã chết. Hàng năm, ngày Mồng Hai Tết, một trong ba ngày thiêng liêng và quan trọng nhất của đầu năm mới đã được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dùng làm ngày tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ những vị còn sống cũng như đã qua đời. Truyền thống văn hóa hòa cùng niềm tin tôn giáo đã làm cho ngày Mồng Hai Tết trở nên một cơ hội để con cháu báo hiếu, bày tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thêm vào đó, hàng năm vào ngày giỗ, con cái, cháu chắt còn xin lễ, cầu nguyện và họp mặt tưởng niệm đến người quá cố. Tóm lại, hiểu theo tinh thần này thì người Công Giáo chân chính không thể là những người bất hiếu, và giáo thuyết Công Giáo hoàn toàn không phải là một giáo lý phản đạo hiếu. Có chăng sự khác biệt là do quan niệm và cái nhìn vấn đề, cũng như những cắt nghĩa chủ quan một chiều nặng về chữ nghĩa. 

THAY LỜI KẾT

Người Công Giáo không được “thờ kính tổ tiên” hay “cúng bái ông bà”. Người không phải là Công Giáo không giao tiếp, kết thân hay cho phép con cháu cưới xin người Công Giáo vì cho rằng giáo lý họ ngăn cấm việc thực hành đạo hiếu. 

Thực ra, việc “thờ kính” hay “cúng bái” tổ tiên là những vấn nạn từ rất lâu đã từng gây nhiều hiểu lầm và tranh cãi. Tuy nhiên, nó đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14 tháng 11 năm 1974 trong phiên nhóm họp tại Nha Trang giải đáp một cách rõ ràng dựa theo giáo lý Công Giáo và truyền thống văn hóa dân tộc trong 6 điểm như sau

a. Bàn thờ Gia Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa, miễn là không bày biện gì mê tín như hồn bạch.

b. Đốt hương, nhang, đèn, nến trước bàn thờ Tổ Tiên và những cử chỉ hiếu thảo tôn kính được phép làm.

c. Ngày “kỵ nhật” được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là bỏ những gì dị đoan mê tín như đốt vàng mã,… giảm thiểu, canh cải những lễ vật biểu dương ý nghĩa thành kính, biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn… 

d. Trong hôn lễ, cô dâu, chú rể được làm lễ Tổ, lễ Gia Tiên vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính, trình diện với ông bà.

e. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái lạy theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.

f. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng tại đình làng để tỏ lòng cung kính biết ơn với những vị mà theo lịch sử  là có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không như mê tín đối với các “yêu thần”, “tà thần”[7].

Tháng 11 về, tháng các linh hồn, cầu nguyện cho người đã chết. Những vần thơ sau đây của Nguyet Van trong một lần về thăm mộ cha mẹ, như khơi dậy trong tâm tư những người con về hình ảnh của các bậc sinh thành mà nay đang an nghỉ trong lòng đất lạnh: 

Nghĩa trang chiều nay, buồn thê thiết…

Con không sao quên được mẹ ơi.!

Dù bốn năm nay, con thường qua lại…

Kể từ ngày, ba mẹ đến “ở đây”,

……………………………………….

Hôm nay, con ghé lại “thăm nhà”

Vuông đất nhỏ, nơi ba mẹ “an nghỉ” …

Gió vi vu như lời.ai thủ thỉ…

Hòa lẫn tiếng mưa cứ ti tách vô tri …

Con ngồi đây, dán mắt vào “linh vị”…

Bia mộ ghi tên, hai đấng sinh thành,

…………………………………………

(Nguyet Van. Chiều Nghĩa Trang Buồn, 11/4/2015.) [8] 

Là người con, có bao giờ tôi tự hỏi lòng mình đã nhớ và đã nghĩ đến những người thân yêu đã khuất? Và mình đã làm gì đối với họ và cho họ khi còn sống cũng như sau khi họ qua đời?!!!

______

1. Từ Điển Tiếng Việt, do nhà xuất bản Hồng Phúc.       

 2.  Lm. Anthony Trần Văn Kiệm, Từ Điển Văn Học Việt Nam. Phần thứ nhì - cuốn 1, In lần thứ nhất 2007.  

3.  Huấn ca 3: 12.

4. Xuất Hành 5:16.

5. Hiếu thảo - Wikipedia tiếng Việt.

6. Kinh Nguyện Thánh Thể II

7. Các giám mục việt nam, quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên. http://www.dongten.net. truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.

 8. Nhân tiết Thanh Minh (17/2 âl) vừa qua, Nguyet Van nhớ lại, cũng ngày này năm trước, được về thăm mộ ba mẹ…xin ghi lại một chút cảm xúc nhân chuyến đi này…

 Tác giả:  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét