Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Mặt trận phò gia đình

Mặt  trận  phò  gia  đình
(Vũ Van An-7/30/2015-Vietcatholic)


Ông Obama không chỉ hài lòng với “chiến thắng” vừa qua tại Hoa Kỳ của phe đấu tranh cho quyền bình đẳng của các cặp đồng tính, ông còn tìm cách đem rao bán chiến thắng ấy ở khắp nơi ông đích thân bước chân đến hay qua các nhà ngoại giao khắp thế giới của ông nữa. 

Thực ra trong suốt 6 năm qua, ông vốn đã gây áp lực nặng nề lên các quốc gia nghèo để đẩy mạnh nghị trình cực đoan của mình, đặc biệt, ông ép buộc họ từ bỏ ngôn ngữ gia đình vốn là một phần của luật quốc tế ít nhất kể từ ngày có Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền. Bản Tuyên Ngôn và nhiều văn kiện khác có nhắc tới “gia đình”. Nhưng đối với Obama và các đồng minh cánh tả của ông ở Âu Châu, “gia đình” ấy không có tính bao gồm đủ và họ muốn nhấn mạnh tới “mọi gia đình” hay “các hình thức đa dạng của gia đình”.

Tuy nhiên, tuần này, 70 nhóm từ khắp thế giới khiếu nại với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về điều Obama đang mưu toan thực hiện. Và tại Kenya, chính phủ Kenya đã cho xé nát một bích chương lớn được dựng lên tại thủ đô của họ để đón chào Obama tới thăm. Buồn thay, biểu ngữ này lại do một nhóm lạc giáo tên là Catholics for Choice dựng lên, kêu gọi bãi bỏ Tu Chính Helms đối với luật lệ của Mỹ vốn ngăn cấm việc dùng tiền Mỹ hỗ trợ các nhóm phá thai ở ngoại quốc. Nhưng điều quan trọng hơn là Tổng Thống Kenya không ngại nói thẳng với Obama rằng quốc gia ông không chấp nhận nghị trình đồng tính của ông.

Liên Hiệp Quốc đừng xé bỏ Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền


Theo tin hôm nay, 31 tháng Bẩy, của C-Fam, một cơ quan phò gia đình có tiếng hiện nay, trong lúc thương thảo về kế hoạch phát triển quốc tế lâu dài, các nước hội viên LHQ cũng đang thương thảo vị trí của gia đình trong chính sách của Liên Hiệp Quốc.

Thực vậy, hơn 70 tổ chức khắp thế giới vừa đưa kiến nghị, yêu cầu LHQ duy trì ngôn ngữ vốn được tôn kính lâu đời của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền về gia đình như là “đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội” trong một hiệp ước mới gây nhiều ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc.

Các chính phủ theo phe tả, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ hiện nay, đang cố gắng thuyết phục Đại Hội Đồng vứt bỏ ngôn ngữ gia đình của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát và thay vào đó, sử dụng các kiểu nói bị các nhà phê bình coi là có tính ý thức hệ, đặc biệt là các kiểu nói “mọi gia đình”“các hình thức đa dạng của gia đình”. Các kiểu nói này mấy năm gần đây từng bị bác bỏ nhưng chính phủ Obama đã đặt ưu tiên trong việc làm chúng được sử dụng trong văn kiện quan trọng về phát triển kỳ này.

“Bẩy mươi năm sau ngày thành lập Liên Hiệp Quốc, ngôn ngữ này vẫn liên tiếp là rường cột của hầu hết mọi nghị quyết và hội nghị của Liên Hiệp Quốc khi nhắc tới gia đình”, các nhóm trên xác quyết như thế trong tuyên bố chung của họ về hiệp ước đang được thương thảo và sẽ được thỏa thuận vào tháng Chín tới, khi Liên Hiệp Quốc cử hành kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập.

Bản tuyên bố viết thêm rằng: quả là “bi thảm” khi thấy người ta, thay vào đó, đã chêm vào thoả hiệp một thứ ngôn ngữ hàm hồ về gia đình.

Bản tuyên bố thúc giục các quốc gia hội viên của LHQ bao gồm ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát ngõ hầu “bảo đảm thành quả của hậu thượng đỉnh 2015 phản ảnh được quan điểm của đa số vốn coi gia đình là đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội, nơi con cái là hoa trái tự nhiên của tình yêu giữa những người đàn ông và đàn bà”.

Điều 16 Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền hầu như đi kèm mọi tham chiếu tới gia đình trong các hiệp ước của LHQ kể từ ngày Bản Tuyên Ngôn này được chấp thuận lần đầu tiên năm 1948. Nay rất có thể không còn như thế nữa.

Đoạn nhắc tới gia đình trong dự thảo hiệp ước đang được thương thảo đã không có ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền.

Nhóm Phi Châu, gồm 57 quốc gia của châu lục này, và là khối thương thảo lớn nhất xét theo vùng, cho tới tuần này, là nhóm duy nhất phát biểu ý muốn thấy ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền được bao gồm trong hiệp ước phát triển mới. Họ nói rằng chẳng thà không nhắc tới gia đình còn hơn là loại bỏ ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát.

Các khối thương thảo khác, mà thông thường vẫn hay đứng về phía các quốc gia Phi Châu, như nhóm Ả Rập và các nước vùng Biển Caribbean, nay đang lung lay vì bị Hoa Kỳ và các nước Âu Châu gây áp lực. Dù họ không cam kết thừa nhận các liên hệ đồng tính, nhưng họ chấp nhận việc loại bỏ ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát.

Trong các cuộc thương thảo, các nước Âu Châu và Hoa Kỳ cho hay: gia đình là điều không liên quan gì tới việc phát triển xã hội và kinh tế, nên đã yêu cầu bỏ đoạn văn hay thừa nhận “các hình thức đa dạng của gia đình”, một kiểu nói họ muốn bao gồm cả các liên hệ đồng tính. Không một quốc gia nào của nhóm này muốn bao gồm ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát cả.

Người nội cuộc biết đó là chiến thuật thương thảo của họ.

Người Âu Châu và Hoa Kỳ không muốn nhắc đến gia đình (số ít) theo ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền vì ngôn ngữ này loại trừ bất cứ thừa nhận nào của quốc tế coi các liên hệ đồng tính có khả năng thiết lập một gia đình. Nhắc tới gia đình theo ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát cho phép người ta nhắc tới gia đình trong ngữ cảnh thi hành hiệp ước phát triển mới.

Loại bỏ ngôn ngữ ấy cho phép các quốc gia trên “lươn lẹo” (wiggle) để cổ vũ các liên hệ đồng tính như là các gia đình trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Đồng tính không được người Kenya ủng hộ


Theo tin CNN ngày 25 tháng Bẩy, cậy vào uy thế lớn của một cường quốc mạnh nhất thế giới và lòng mong mỏi của Kenya muốn được đón tiếp ông, một người con “hờ” của họ, Obama đã lên tiếng “dạy bảo” Tổng Thống nước này là Uhuru Kenyatta về quyền của người đồng tính, ngay trong cuộc họp báo chung vào ngày đầu trong chuyến viếng thăm 3 ngày của mình: “khi bạn bắt đầu đối xử với người ta một cách khác không phải vì bất cứ cái hại nào họ gây ra cho bất cứ ai, nhưng chỉ vì họ khác mà thôi, thì đó là con đường trên đó các quyền tự do bắt đầu bị xói mòn”.

Nhưng theo luật Kenya, hành vi làm tình giữa đàn ông với nhau là bất hợp pháp và bị phạt tù tới 14 năm. Nhiều nhà lãnh đạo Kenya từng khuyên Obama đừng nhắc gì tới quyền đồng tính trong chuyến công du đầu tiên trong tư cách Tổng Thống của mình.

Nhưng Obama đã không nghe. Ông tưởng nể mặt, Tổng Thống Kynyatta sẽ không nói gì, chỉ ngoan ngoãn ngồi nghe cho xong chuyện. Nào ngờ, Tổng Thống Kenyatta cho ông hay: tuy Hoa Kỳ và Kenya chung chia nhiều giá trị và mục tiêu chung, nhưng quyền đồng tính không có trong số này.

"Sự kiện của vấn đề là: Kenya và Hoa Kỳ chung chia khá nhiều giá trị: cùng yêu dân chủ, tài tháo vát, đề cao các gia đình, đó là một số điều chúng ta có chung với nhau. Nhưng có những điều chúng ta phải nhìn nhận là mình không chung chia. Nền văn hóa của chúng tôi, các xã hội của chúng tôi không chấp nhận”.

"Rất khó để chúng tôi có thể áp đặt lên dân chúng điều mà chính họ không chấp nhận. Đó là lý do khiến tôi nhiều lần nhắc tới nhắc lui rằng
ngày nay quyền đồng tính không phải là một vấn đề đối với người Kenya. Chúng tôi muốn tập chú vào các phạm vi khác”.



Tháng 8: kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm

Tháng  8:  kính  Mẫu  Tâm  Vô  Nhiễm
(Wed, 29/07/2015 - Trầm Thiên Thu –thanhlinh.net)




Tháng 8 được dành để kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Tháng 8 nằm trong phụng vụ thường niên, màu phụng vụ là màu xanh, mang ý nghĩa tràn trề niềm hy vọng thánh thiện. Biểu tượng hy vọng này là màu của hạt mầm và muốn đánh thức tín hữu biết hy vọng thu hoạch vụ mùa Nước Trời vĩnh cửu, đặc biệt hy vọng được sống lại vinh quang. Phụng vụ mùa thường niên nhắc chúng ta đang lữ hành về Quê Trời, nơi mà chúng ta hy vọng được lãnh nhận phần thưởng đời đời.

Mẫu tâm Vô nhiễm còn quen gọi là Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ. Người Công giáo cần có Đức Mẹ chở che và hướng dẫn, muốn vậy thì hãy tôn sùng Mẫu Tâm.

Tháng 8 còn có các lễ khác liên quan Đức Mẹ: Cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả (5-8), Đức Mẹ Mông Triệu (15-8), Đức Maria Trinh Vương (22-8). Lễ Đức Mẹ lên trời cho chúng ta biết chắc có sự sống lại và lên trời, đúng như Đức Kitô đã hứa. Hy vọng của chúng ta càng tăng thêm gấp bội.

Trong mầu nhiệm Vui thứ nhất, Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, chúng ta thấy cách Thiên Chúa muốn giao tiếp với nhân loại thế nào. Thiên Chúa chọn Đức Mẹ là phụ nữ của đức tin vì Đức Mẹ là người “đầy ơn phúc”. Nhờ Đức Mẹ, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và làm người để giao tiếp với chúng ta theo cách của nhân loại.

Chắc chắn vì Mẫu tâm Vô nhiễm mà Đức Mẹ có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như vậy, để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Điều này dạy chúng ta điều gì về tầm quan trọng của việc giữ lòng thanh khiết? Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai có lòng thanh sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).

Theo đuổi sự khiết tịnh và ước muốn nên thánh là Ý Chúa muốn nơi tất cả chúng ta. Trong 1 Tx 4:3-8, Thánh Phaolô nói: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người”.

Như vậy Đức Maria phải làm gì để phát triển sự thánh thiện? Thánh Louis M. De Montfort nói về điều này trong một bài giảng của ngài về “Bí quyết của Đức Mẹ”: “Chúng ta phải tìm ra một phương tiện đơn giản để đạt được hồng ân Thiên Chúa cần thiết để trở nên thánh thiện. Chính xác điều này là tôi muốn truyền dạy anh chị em. Luận điểm của tôi là trước tiên anh chị em phải khám phá Đức Maria nếu anh chị em muốn nhận được hồng ân Thiên Chúa” (#6).

Có thể lý thuyết này là lý do để diễn đạt trong lời cầu nguyện dâng ngày buổi sáng: “Lạy Chúa Giêsu, qua Mẫu tâm Vô nhiễm Mẹ Maria, con xin dâng Chúa…”.  Ngay cả chân phước Teresa Calcutta cũng thích nói: “Qua Mẹ Maria, hãy là duy nhất và tất cả cho Chúa Giêsu”. Thật vậy, hồng ân và phước lành hằng ngày của chúng ta từ nơi Chúa Giêsu, và đó là Ý Chúa trao cho chúng ta chính Con Một Ngài qua Mẹ Maria. Chắc chắn Đức Mẹ vẫn giữ vai trò chính trong đời sống hồng ân và sự thánh thiện ngày nay.

Đức Mẹ, trong sự thuần khiết của Mẫu Tâm và đầy tràn ân sủng, cũng dạy chúng ta bài học về lòng bác ái vị tha. Khi Đức Mẹ đi thăm người chị họ Elizabeth, chúng ta thấy cách Đức Mẹ chia sẻ món quà này của Đức Kitô trong việc phục vụ người khác vì yêu thương. Đức Mẹ dạy chúng ta biết tầm quan trọng của việc yêu thương người khác, giao tiếp với người khác. Chúng ta không thể sống chỉ vì mình, sống hoàn toàn biệt lập với người khác. Sự viên mãn của cuộc sống được tìm thấy trong việc trao tặng chính mình vì yêu thương và phục vụ người khác.

Một bài học thú vị khác về văn hóa ngày nay là phải hành động với Đức Mẹ như vị Hiền thê của Thánh cả Giuse. Mặc dù Thiên Chúa trong mầu nhiệm và quan phòng của Ngài đã chọn Đức Mẹ là người mang thai Con Thiên Chúa mà không có sự “nhúng tay” của loài người, tuy nhiên Thiên Chúa muốn Đức Giêsu được nuôi dưỡng trong một gia đình hoàn toàn nhân loại. Vì thế, Thánh Giuse được trao cho cả Đức Mẹ và Chúa Giêsu để hoàn tất mối quan hệ quan trọng này theo định dạng nhân loại và yêu thương. Qua Mẹ Maria, kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình được rõ ràng minh bạch.

Mong sao mỗi chúng ta càng ngày càng yêu mến Đức Mẹ và biết tận hiến cho Đức Mẹ! Mong sao dân Chúa biết khám phá Đức Mẹ! Bởi vì chính Đức Mẹ giữ vai trò thông ban ân sủng cần thiết để chúng ta nên thánh, và đó là công việc của Thiên Chúa. Tuy đòi hỏi chúng ta phải lưu tâm và hợp tác, nhưng Thiên Chúa luôn hành động trong chúng ta. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, càng ngày chúng ta càng có thể ước muốn nên thánh ngay tại trần gian này!

Lạy Mẫu tâm Vô nhiễm Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con, xin hướng dẫn và che chở chúng con trọn cuộc lữ hành trần gian này. Chúng con cầu xin nhờ Thánh Tử Giêsu, Chúa chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


Gia Đình Yêu Thương



Gia  Đình  Yêu  Thương
(Mon, 27/07/2015 - Trầm Thiên Thu)



 Gia đình là “tế bào gốc” của xã hội – của Giáo hội. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8), là lòng thương xót, Ngài sinh dựng chúng ta trong tình yêu của Ngài, để chúng ta được nhận lãnh và tận hưởng lòng thương xót của Ngài. Tình yêu phải có “hai người”, không thể yêu khi chỉ có một người, nếu có thì tự yêu mình, và rất dễ hóa thành vị kỷ hoặc ích kỷ.

Thánh Gia là gia đình đầu tiên, và là nơi “hội tụ” đầu tiên. Cuộc hội họp gia đình quan trọng là lúc đọc kinh chung, vì Chúa Giêsu đã xác định rạch ròi: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Cầu nguyện là một nhu-cầu-tâm-linh-có-thật, riêng và chung, rất cần thiết, vì chính Chúa Giêsu vẫn thường xuyên cầu nguyện và dạy cầu nguyện, cụ thể là Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4). Quy tụ là chứng tỏ đoàn kết và yêu thương. Đọc kinh chung gia đình là một cách chứng tỏ yêu thương.

Xin được “tản mạn” một chút: Thuở nhỏ, mỗi tối tôi đều “bị” cha mẹ bắt phải lần Chuỗi Mân Côi chung cả nhà, dù muốn làm gì hoặc đi chơi đâu thì trước tiên vẫn phải đọc kinh chung. Dù nhỏ, nhưng sáng nào cũng phải đi lễ sớm từ 4 giờ, ngày nào cha xứ đi vắng, không có lễ, thì cũng phải thức dậy đọc kinh sáng cả nhà, và cũng lần Chuỗi Mân Côi. Đó là “nghiêm luật”, không ai có quyền ý kiến gì!

Ngoài “nghiêm luật” gia đình, tôi còn còn phải giữ thêm “luật” khác: Giúp lễ. Khi nào đến phiên giúp lễ (nay gọi “sang” hơn là lễ sinh), tôi còn kiêm đọc sách thánh. Dù chỉ mới 10 tuổi, tôi chưa hiểu gì sâu sắc, nhưng “nghiêm luật” đó đã giúp tôi “lớn lên” trong đức tin Công giáo.

Theo “thói quen tốt lành”, dù có thể lúc đó tôi chỉ làm theo sự “bắt buộc”, tôi tiếp tục hoạt động ca đoàn với tư cách ca trưởng. Tập hát thời đó không tập ít như ngày nay, vì mỗi tuần thường tập hát 3-5 ngày. Ngoài ra tôi còn kiêm luôn việc ghi đáp ca lên bảng cho cộng đoàn cùng đọc. Nhiệm vụ đó chẳng ai bắt buộc, mà chỉ là tôi tự “chuốc” vào thân mà thôi. Nhưng cái mệt vì nhiệm-vụ-bao-đồng ấy lại trở thành gánh-nặng-thú-vị. Có lẽ người ta cho tôi là “kẻ điên khùng”, mà nghĩ lại tôi tự thấy có lẽ là tôi điên thật! Và đến nay, tôi vẫn đang điên… Làm toàn những chuyện “vô lương”. Chắc là tôi ngu thật: Ngu kinh niên, điên đột xuất, u uất đêm ngày, đọa đày suốt kiếp!

Tuy nhiên, tôi phải “thú nhận” rằng tôi thực sự tạ ơn Chúa đã cho tôi lớn lên trong môi trường Công giáo như vậy, để tôi có thể hít thở không khí của Tin Mừng, không khí của Đức Kitô và Đức Mẹ. Tôi viết những điều này là có ý chia sẻ chứ không có ý gì khác, thực ra tôi chỉ là một con-số-KHÔNG-to-lớn mà thôi: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:30).

Thiết tưởng, “đọc kinh chung” là một thói quen tốt lành và hữu ích, như Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ” (Mt 18:20). Các gia đình nên duy trì thói quen tốt lành này, không đọc nhiều kinh và thời gian dài như ngày xưa thì ít ra cũng là 15 phút.

Yêu thương là luật Chúa truyền. Yêu thương để dễ hoàn thiện. Không tuân giữ các điều răn của Chúa có thể làm cho gia đình mất ân sủng. Thiên Chúa không chỉ trở nên như chúng ta, mà Ngài còn sinh ra làm Con trong một gia đình có cha mẹ: Đức Maria và Đức Giuse. Gia đình phải là nơi thánh để con cái lớn khôn và chuẩn bị vào đời.

Điều răn thứ tư Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12). Đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa. Giá trị của điều răn đó trở nên hiển nhiên với chúng ta vì rồi chúng ta cũng sẽ trở thành cha mẹ, ông bà. Nhưng chúng ta thường đánh giá điều đó quá thấp khi chúng ta còn là con.

Tục ngữ nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Quả đúng như vậy. Những đứa con luôn cần có sự bắt đầu lại, thế nên có sự ân hận và sự tha thứ, kể cả cách đền bù – nếu cha mẹ còn sống, và đó là điều chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ.

Sau khi được cha mẹ tìm thấy trong Đền thờ, “Chúa Giêsu trở về và vâng phục cha mẹ” (Lc 2:51). Thiên Chúa đã khiêm nhường vâng lời hai thụ tạo do chính Ngài tạo nên. Tuy họ là thụ tạo, nhưng đó là cha mẹ của Ngài, thế nên Ngài vâng lời cha mẹ để làm gương cho chúng ta.

Điều răn thứ tư đặt mệnh lệnh vào gia đình nhưng cũng đặt trách nhiệm lên đôi vai những người làm cha mẹ. Con cái phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ thay mặt Thiên Chúa giáo dục con cái. Đó là trách nhiệm phải hoàn tất. Cha mẹ không là Thiên Chúa, nhưng cha mẹ phải phản ánh tình yêu Thiên Chúa trong đời sống gia đình.

Theo Giáo lý Công giáo (số 2197), điều răn thứ tư truyền phải bác ái. Thiên Chúa muốn con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ sinh dưỡng, thể hiện Thiên Chúa, và được Thiên Chúa trao quyền.

Đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ đối với Thiên Chúa mà chúng ta còn phải làm điều ngược lại: “Kính trọng những người mà Thiên Chúa trao quyền vì mục đích tốt của chúng ta”. Dù đã khôn lớn, chúng ta vẫn phải kính trọng cha mẹ, dù chúng ta không còn ở chung với cha mẹ nhưng chúng ta vẫn phải vâng lời cha mẹ.

Cũng vậy, không phải cha mẹ nào cũng đạo đức hoặc làm gương sáng. Nhưng vì trách nhiệm làm cha mẹ, chúng ta phải nêu gương cho con cái, và đôi khi con cái phải nêu gương cho cha mẹ. Cũng có thể có sự đối kháng, nhất là trong những việc đạo đức. Ông bà thúc giục cha mẹ và con cháu đi nhà thờ, nhưng đôi khi bị phản đối, thậm chí còn bị ghét bỏ vì các giá trị đạo đức. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng cha mẹ, dù chúng ta không đồng ý với cha mẹ. Chúng ta phải cầu nguyện và yêu thương cha mẹ, phải thể hiện lòng tôn trọng ngay cả khi có sự bất hòa.

Kính trọng những người được Thiên Chúa trao quyền nghĩa là chúng ta phải vâng lệnh của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Con cái không vâng lời cha mẹ là không kính trọng cha mẹ, đồng nghĩa không tôn kính hoặc vâng lời Thiên Chúa.

Điều răn thứ tư là điều răn tích cực. Chúng ta không được bảo làm điều gì đó, nhưng chúng ta được trao trách nhiệm là phải hoàn tất điều răn đó. Điều răn thứ tư còn liên quan đời sống, hôn nhân, lời nói, và những điều tốt lành trên thế gian. Mệnh lệnh này liên quan trực tiếp tới Thiên Chúa qua 3 điều răn đầu tiên (điều răn 1, 2 và 3) – tôn kính Thiên Chúa trên hết mọi thứ, yêu mến Ngài hết lòng hết sức, không được kêu Danh Ngài vô cớ, và giữ ngày thánh (Chúa nhật). Sau đó là đối với quyền của cha mẹ trước khi tiến hành các điều răn còn lại mà chúng ta gặp hằng ngày.

Theo Giáo lý Công giáo: “Điều răn thứ tư được truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến nhất. Điều răn này quan tâm hệ lụy thân thuộc giữa các thành viên trong gia đình và dòng tộc. Điều răn đòi hỏi lòng kính trọng, yêu thương, và biết ơn tổ tiên và những người lớn tuổi. Cuối cùng, điều răn này còn đề cập trách nhiệm của học sinh đối với thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo đất nước”.

Giáo lý Công giáo (số 2199) nói: “Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng”.

Vì thế, con cái phải tôn kính cha mẹ cả khi các ngài đã khuất bóng. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình vẫn là con cái, luôn cần vâng lời. Đó là điều tốt lành: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3).

Đọc kinh chung gia đình là một dạng cầu nguyện chung. Ẩm thực, ngủ nghỉ và không khí trong lành cần thiết cho sự phát triển thể lý của con cái, còn cầu nguyện là “thực phẩm dinh dưỡng” cho sự sống tâm linh. Thật vậy, cầu nguyện cần thiết cho sự phát triển của linh hồn lành mạnh.

Có nhiều cách để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của con cái. Đây là vài gợi ý:

1. Nói tích cực về Chúa. Cha/mẹ có thể hỏi con cái: “Con có biết Chúa Giêsu cũng có cha mẹ như con?”. Hầu hết trẻ em dễ hiểu nhất về Chúa Giêsu so với khái niệm về Thiên Chúa.

2. Khởi đầu đơn giản. Đừng cố gắng đọc hết cả Chuỗi Mân Côi chung với trẻ hoặc bắt chúng chầu Thánh Thể cả giờ. Tùy theo độ tuổi và hãy cầu nguyện đơn giản. Dần dần chúng sẽ quen, từ một kinh Kính Mừng tới một chục kinh Mân Côi mỗi tối. Vô tri bất mộ. Chưa quen biết nên không thể bắt chúng như người lớn.

3. Sử dụng ngũ quan. Người Công giáo dùng các “đồ nhà đạo” – nến, nước phép, hình ảnh Chúa hoặc Đức Mẹ hoặc các thánh, và thánh ca. Phương pháp thực hành rất quan trọng, tức là cầu nguyện theo “mùa”. Ví dụ: Mỗi tối, cả nhà có thể thắp nến rồi cùng hát hoặc nghe một bài thánh ca theo mùa phụng vụ – ví dụ, bài “Đêm Thánh Vô Cùng” cho mùa Vọng, bài “Con Nay Trở Về” cho mùa Chay,... Việc đơn giản nhưng có thể hiệu quả lớn.

4. Tạo thói quen cầu nguyện. Giờ ăn và giờ đi ngủ là thời điểm tốt nhất để gia đình cùng cầu nguyện với nhau. Khi ăn, nên đọc Kinh lạy Cha hoặc một lời nguyện ngắn. Cầu nguyện trước khi đi ngủ (và khi thức dậy) là việc nhắc nhở con cái nhớ tới Chúa và những người đau khổ, sẽ tạo thói quen tốt khi chúng trưởng thành.

5. Cứ để con trẻ ngọ nguậy. Trẻ em luôn hiếu động. Đừng vội trách con cái không nghiêm trang khi cầu nguyện, chỉ cần nhắc nhở nhỏ nhẹ để chúng học tập dần. Cứ để chúng ngọ nguậy, thậm chí chúng có thể nằm xuống và cầu nguyện, chúng sẽ khó chịu khi phải quỳ gối hoặc ngồi nghiêm trang khi cầu nguyện – nhất là khi chúng còn tuổi nhi đồng. Có thể Chúa lại vui khi thấy chúng như vậy đấy!

6. Tận dụng thời gian. Cha mẹ nên khuyến khích con cái cầu nguyện bất kỳ lúc nào trong ngày. Cầu nguyện chỉ cần ngắn gọn, không cần “lải nhải dài lời”. Khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương, nghe tin một người vừa qua đời hoặc bị tai ương, hãy thành tâm cầu nguyện cho họ. Làm như vậy để trẻ nhận biết rằng Chúa Giêsu ở với chúng cả khi cha mẹ vắng mặt. Đi đường thấy cờ tang hoặc tai nạn, khi nghe đài hoặc xem ti-vi thấy những chuyện thương tâm, hãy thầm thĩ cầu nguyện cho họ.

7. Tập sống tĩnh lặng. Cuộc sống cần có những lúc im lặng và cô tịch để khả dĩ phát triển tâm linh. Điều này không dễ trong cuộc sống vội vã, ồn ào và cấp tốc như ngày nay. Nhưng cố gắng thì sẽ làm được, vì người ta có thể sống cô tịch ngay giữa những hoạt động xô bồ thường nhật. Hãy lưu ý: Cũng như các thánh tông đồ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, chúng ta hãy noi gương. Hãy cầu nguyện thật lòng chứ đừng cầu nguyện để được chú ý. Khi con cái thấy cha mẹ đi lễ, đọc Kinh thánh, hoặc xin Chúa tha thứ, tự nhiên chúng cũng sẽ bị thu hút và thích cầu nguyện riêng: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Xin thử áp dụng “quy luật” Bàn-Tay-Cầu-Nguyện đơn giản này:

1. Ngón cái. Hãy cầu xin những điều gần gũi nhất và dễ nhớ nhất: Cầu nguyện cho những người thân yêu.

2. Ngón trỏ. Hãy cầu nguyện cho những người dạy dỗ mình, hướng dẫn mình, và chữa lành mình (cả thể lý và tinh thần). Đó là các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các bác sĩ, các ca trưởng, các huynh trưởng, các vị hướng dẫn tinh thần,… Họ cần sự hỗ trợ và khôn ngoan để “chỉ” cho người khác đi đúng hướng.

3. Ngón giữa. Hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo: tổng thống, giám đốc, nhà quản lý,… Những người này hình thành quốc gia và hướng dẫn nhân dân. Họ rất cần được Chúa hướng dẫn.

4. Ngón đeo nhẫn. Rất lạ vì đây là ngón yếu nhất. Giáo viên dương cầm luôn kiểm tra cách đánh đàn của ngón này. Hãy cầu nguyện cho những người yếu đuối, khốn khó, đau khổ, bệnh tật,... Họ rất cần chúng ta cầu nguyện.

5. Ngón út. Chúa Giêsu nói: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16). Hãy cầu nguyện cho chính mình, sau khi đã cầu nguyện cho người khác, lời cầu dành cho mình sẽ hiệu lực hơn.

Quả thật, gia đình là chiếc-nôi-yêu-thương quan trọng đối với bất kỳ ai. Yêu thương thì phải tha thứ. Được tha thứ thì phải quyết tâm chừa. Yêu thương phải khởi đầu từ gia đình. Cứ như vậy, chúng ta có thể “tiến bộ” trên con-đường-hoàn-thiện theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Được như vậy là chúng ta nên thánh, tức là “làm thánh” ngay trên thế gian này.

Cầu nguyện là yêu thương, cầu nguyện là “nhiệm vụ ngọt ngào” lắm, người ơi!

Sự quy tụ gia đình trở thành quan trọng hơn vào cuối ngày. Gia đình là mối dây thiêng liêng nối kết mọi thành viên gia đình. Khi gia đình quy tụ, niềm vui tăng gấp bội, hạnh phúc tràn ngập, bữa ăn tối dù có đạm bạc thì cũng vẫn ngon hơn bội phần, đặc biệt là thể hiện tình yêu thương liên đới của Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Gia.

Gia đình hạnh phúc trong ngần
Mỗi người là một con chiên tốt lành


TRẦM THIÊN THU

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Mười thứ “duy” đang triệt hạ Giáo Hội

Mười  thứ  “duy”  đang  triệt  hạ  Giáo  Hội
(Wed, 29/07/2015 -Văn An –Vietcatholic.net)

Giáo Hội đang bị rất nhiều lực lượng liên kết nhau đánh phá. Linh mục cựu mục sự Anh Giáo Dwight Longenecker liệt kê mười thứ “duy” (isms) đang như những lực lượng từ hành tinh khác tới đánh phá các hữu thể hữu lý của trần gian, nhằm tạo nên nền “độc tài duy tương đối” theo kiểu nói của Đức Bênêđíctô XVI.                   

Tất cả 10 thứ “duy” này, mỗi thứ dẫn tới một loại độc tài, nhằm tấn công văn hóa trước nhất nhưng đích điểm sau cùng của nó là Giáo Hội. Linh mục Longenecker  bảo rằng đa số chúng ta không nhận ra tính cách thù nghịch của chúng vì lẽ đơn giản này: chúng đã trở thành một phần nền văn hóa của ta. Chúng là không khí ta thở. Chúng là giấy dán tường trang trí nhà cửa ta.

Có nhận ra đôi chút lạc giáo trong chúng, thì chúng vẫn không phải là dối trá hoàn toàn. Chúng là những sự thật một nửa. Thành thử trong mỗi thứ duy này, đều có một điều gì đó lôi cuốn và đúng sự thật. Chúng chỉ trở thành lạc giáo khi bị cắt đứt khỏi một sự thật khác vốn dùng để cân bằng nó, hay khi đứng một mình, tách biệt khỏi mọi điều khác trong hệ thống sự thật.

1. Duy cá nhân - Người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương thích những người duy cá nhân nguyên hình, tức những người thích bước về hướng một anh đánh trống khác và tất cả những ai như thế, nhưng khi duy cá nhân bị cắt đứt khỏi bất cứ ý hướng cộng đồng, truyền thống hay sự thật nào, nó chỉ đem đến hỗn loạn. Đã đành mỗi cá nhân đều là một tạo dựng độc đáo và vĩnh viễn của Thiên Chúa, nhưng họ chỉ có thể thực hiện được sự thành toàn của mình nhờ một điều gì đó lớn hơn chính họ. Người duy cá nhân thích biến bài hát của Frank Sinatra “I Did it My Way” thành quốc ca của họ. Duy cá nhân chủ nghĩa hiện lớn mạnh đến nỗi ai cũng cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn miễn không gây hại tới ai khác là được. Đây chính là “kinh tin kính” của phái thờ Satan: “Hãy làm những gì bạn muốn, nhưng đừng làm hại ai”. Câu “đừng làm hại ai” cũng vừa mới được thêm vào “kinh tin kính” của phái thờ qủy để làm họ trở thành “những người lịch thiệp thân thiện” hơn.

2 . Duy cảm xúc – Duy tương đối có nghĩa không hề có những điều như sự thật. Nếu đã không có sự thật, thì chỉ còn mỗi một cách để người ta quyết định tin gì và hành xử ra sao là căn cứ vào cảm xúc của họ. Duy cảm xúc là lạc giáo cho rằng ta có thể xác định mọi việc căn cứ vào cảm xúc của mình. Vấn đề ở đây là nếu không có một hệ thống mạc khải và chân lý, thì các cảm xúc sẽ mau chóng bị giản lược vào hai cảm xúc căn bản và sơ đẳng. Biện phân sự thật thực ra đã đem lại việc định độ (gradation) cho cảm xúc và các xúc động khác mà thôi. Không có sự thật, chỉ còn lại hai thứ: thịnh nộ và ngây ngất. Thành thử trong các xã hội Tây Phương, ta thấy nhiều đoàn lũ người thi nhau chạy theo lạc thú nguyên tuyền một cách hối hả bao nhiêu có thể, nhưng khi điều gì đó không đem lại cho họ lạc thú thì họ nổi trận lôi đình la hét!

Trong đồng văn này, người ta đang sợ rằng lòng thương xót, nếu bị hiểu sai, hiểu theo nghĩa cảm xúc nguyên tuyền, có thể dẫn tới việc phá hủy những tín điều hay giáo huấn căn bản của Giáo Hội trong cuộc tranh luận về mục vụ gia đình hiện nay.

3. Duy dửng dưng - Nếu không có một điều gì đó như sự thật, thì tin gì đâu có quan trọng và thuộc tôn giáo nào cũng đâu có quan trọng. Điều gì nổi lửa thiêu rụi không những Giáo Hội Công Giáo mà cả thế giới Kitô Giáo? Duy dửng dưng! Nếu bạn chọn hệ thống tín ngưỡng của bạn hoàn toàn theo cảm xúc của bạn, thì bất cứ chọn lựa tôn giáo nào cũng đều tốt như các chọn lựa khác. Không cần mất nhiều thì giờ cũng hình dung được rằng nếu hình thức Kitô Giáo nào cũng có giá trị như nhau, thì mọi tôn giáo cũng có giá trị như nhau và nếu mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau, thì không có tôn giáo nào cũng thế thôi, cũng giá trị như thế.

4. Duy phổ quát (Universalism) – Duy phổ quát là tin rằng ai cũng lên thiên đàng cả. Duy phổ quát một nửa (Semi-universalism) là hy vọng rằng mọi người đều lên thiên đàng và nếu có địa ngục thì địa ngục vắng tanh như chùa Bà Đanh, không có “ma” nào ở đó cả, mà nếu có “ma” nào ở đó đi chăng nữa, thì cũng chỉ ở đó một thời gian mà thôi! Ta thấy duy phổ quát thực ra chỉ là một hình thức khác của duy dửng dưng. Nếu tin gì là điều không quan trọng và nếu mọi hệ thống tín ngưỡng đều có giá trị ngang nhau, thì hẳn nhiên mọi người phải cùng đi về một cuộc sống đời sau như nhau. Duy tương đối bám rễ thật sâu vào ý niệm của Phái Satan rằng: mọi phân biệt phải bị gột sạch.

5. Duy bình đẳng (Egalitarianism) – Duy bình đẳng không có ý nói tới giá trị nội tại mà mọi con người nhân bản đều có như nhau vì cùng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Điều này tốt. Tuy nhiên, khi duy bình đẳng mang hình thức chính trị và ý thức hệ, nó phục vụ không phải để duy trì các quyền bình đẳng của người ta, mà là tiêu diệt sự phân biệt giữa người ta. Quan điểm Công Giáo là: mọi người bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, nhưng mọi người cũng đều là độc đáo. Mỗi người đều có một vị trí độc đáo trong sự quan phòng của Thiên Chúa và một vị trí đúng đắn trong kế hoạch của Người. Giản lược mọi người vào một mẫu số chung nhỏ nhất luôn luôn là việc làm của bạo chúa. Hãy nhìn khắp các phong trào cách mạng, bạn sẽ thấy họ loại bỏ mọi phẩm giá hợp pháp của cá nhân bằng sức mạnh của chủ nghĩa duy tập thể.

Khỏi nói, cuộc tranh đấu đòi bình đẳng cho các cặp đồng tính rõ ràng đang đưa tới một hình thức độc tài mới: người tôn giáo nào từ khước phục vụ một “đám cưới” đồng tính, nhân danh tự do tôn giáo của mình, sẽ bị trừng phạt: tự do đồng tính tiêu diệt tự do tôn giáo.

6. Duy vật chất - Điều này không có nghĩa mua bán thỏa thích cho tới khi chán chê mệt mỏi không mua bán được nữa mới thôi. Việc này chỉ là hiện tượng của một điều nằm sâu hơn. Duy vật chất là lạc giáo cho rằng không hề có một thế giới siêu nhiên. Nó là thứ duy vô thần mật định (by default). Xã hội Tây Phương đầy những con người, trong đó, nhiều người đi nhà thờ đàng hoàng, chỉ toàn nhìn thấy khía cạnh vật chất của của cuộc đời. Hệ thống tín ngưỡng của họ là “thấy điều gì được điều đó”. Họ cho rằng chỉ những gì nhờ giác quan mà thấy mới có thực. Họ có thể đi nhà thờ, nhưng họ sống và hành xử như thể chẳng có gì khác ngoài thế giới vật chất.

7. Duy khoa học - Thứ duy này có cùng chung cái nhìn với duy vật chất, chỉ coi nhận thức khoa học là nhận thức duy nhất có giá trị. Nếu một điều gì đó không thể chứng minh bằng khoa học thì một là cố tình nói láo hai là chuyện thần tiên, dã sử hoặc chuyện nhân gian. Chủ trương bài tôn giáo, coi mọi người tôn giáo là đồ nhà quê đần độn, ngu dốt, mê tín dị đoan xuất hiện bừa phứa trên truyền thông chính dòng, trong ngành giáo dục cao đẳng và trong nền văn hóa quần chúng. Ít có người dừng lại để khảo sát chủ trương này, và khi hỏi “chứng cớ”, họ không biết ngay cả đây là loại chứng cớ gì. Chủ trương là tất cả. Khoa học là sự thật. Tôn giáo là sai lầm.

8. Duy thực dụng (Utilitarianism) - Điều gì được việc, điều ấy ắt phải tốt. Duy thực dụng cũng phát sinh từ duy vật chất. Nếu không có thiên đàng, hỏa ngục hay phán xét, thì con đường sống là tạo ra của cải vĩ đại nhất cho số người đông nhất. Bất hạnh một điều: xác định điều gì thực sự tốt và rồi làm sao đạt được nó đâu có dễ dàng gì. Thường thường duy thực dụng liên hệ với một thứ ý thức hệ nào đó, thường là kinh tế và chính trị, và “của cải vĩ đại nhất” đã được nhà độc tài áp đặt lên người ta. “Các anh sẽ phải hạnh phúc. Các anh sẽ phải tham dự vào thế giới mới lộng lẫy của chúng tôi. Các anh sẽ phải ủng hộ sự ảo tưởng của chúng tôi”.

Cha Longenecker cho rằng duy thực dụng cũng là một hình thức của duy vật chất. Vì chủ nghĩa này dựa trên chủ trương của Jeremy Bentham(1748 -1832): đau đớn và lạc thú là hai chúa tể cao cả cai quản tác phong con người; nhưng lý thuyết của Bentham dựa trên lý thuyết duy nghiệm (empiricism) của David Hume (1711-1776). Ông này cho rằng: chỉ có thể tin tưởng các kiến thức nhận được từ lý trí của con người và các cảm giác của họ về thế giới vật chất. Hệ luận là: là không có đời sau, không thiên đàng, địa ngục, không phán xét chung, ta hãy tạo thiên đàng nơi hạ giới! Đây dĩ nhiên cũng là lý thuyết của chủ nghĩa Mác và của các con, các cháu và các chắt sau này của nó.

Bên trong Kitô Giáo, đang có những người như cựu linh mục John Dominic Crossan tìm cách chỉ phục hồi một Ông Giêsu lịch sử, trút bỏ mọi nét ông cho là huyền thoại, gần như hiểu là siêu nhiên, trơ trụi chỉ còn là một người phàm bị đóng đinh mà thân xác chắc chắn bị qụa ăn thịt chứ không được nằm trong mộ để sống lại như các Tin Mừng nói. Ông Giêsu này cùng lắm chỉ giúp ta tạo ra một thiên đàng ở trần gian này.

9. Duy sử - Đây là niềm tin cho rằng “lịch sử là chuyện tầm phào” (“history is bunk”, câu nói của Henry Ford, cha đẻ ra dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt, và xe hơi Ford, thực ra có nghĩa: sống trong hiện tại). Kitô hữu tin vào Thiên Chúa Quan Phòng: lịch sử là “Sử của Người” (người Anh chơi chữ: history is “His Story”). Duy sử rút kết luận từ duy tương đối, cho rằng nếu không có sự thật, thì cũng không có Thiên Chúa, và nếu đã không có Thiên Chúa thì làm gì có thứ trình thuật có tính bao trùm cho lịch sử. Điều ta thấy như một mẫu mực hay một kế hoạch chỉ đơn thuần là một cố gắng của ta nhằm áp đặt một thứ ý nghĩa nào đó cho lịch sử mà thôi. Với người duy sử, lịch sử chỉ đơn thuần là một chuỗi nối tiếp tình cờ các biến cố gây ảnh hưởng tới con đường nhân loại đang đi. Một số người trở nên giầu có. Một số người trở nên nghèo mạt. Có những cuộc chiến tranh. Có bên thắng. Có bên thua. Cứ thế. Đàng khác, nếu lịch sử không hề có ý nghĩa nào, thì chính đời sống ta cũng đâu có ý nghĩa gì.

10. Duy tiến bộ - Điều oái oăm là con người hiện đại tin duy sử một đàng, theo đó, không hề có một trình thuật có tính bao trùm nào cho lịch sử, nhưng đàng khác, họ lại tin tiến bộ. Lớn lên với niềm tin vào duy biến hóa (thứ ý thức hệ biến hóa chứ không phải lý thuyết biến hóa có tính khoa học), con người hiện đại cho rằng nhờ biến hóa, ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Điều gì mới điều ấy phải tốt hơn. Mốt nào, khuynh hướng nào hay ý tưởng nào mới nhất hẳn phải tốt hơn những gì xẩy ra trước đó. Họ vẫn khư khư chủ trương hoang tưởng như thế dù thế kỷ 20 là thế kỷ đẫm máu nhất, dã man nhất, độc ác nhất và gây thảm họa nhất trong lịch sử nhân loại, và thế kỷ 21 đang diễn biến xem ra cũng chẳng tốt hơn gì.


Như đã thưa, các thứ “duy” trên đang phá hoại Giáo Hội của ta vì hiện chúng trở thành một phần nền văn hóa của ta. Phần đông người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương, kể cả người Công Giáo, đang sống với các giả thuyết của mười thứ duy trên đây nhưng không hề biết điều đó. Họ chọn lựa điều để tin và cách để hành xử theo duy cá nhân, duy cảm xúc, duy thực dụng…

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Cách nuôi con lạ lùng trên thế giới

Cách  nuôi  con  lạ  lùng  trên  thế  giới
(Thứ tư, 15/7/2015 -VnExpress,net)


Ở Na Uy, trẻ nhỏ có thể mặc ấm và ngủ trong xe đẩy ngoài trời băng giá, trong khi bố mẹ Đan Mạch sẵn sàng để xe nôi của trẻ ở bên lề đường lúc đi vào cửa hàng ăn.
Dưới đây là những bài học nuôi dạy con lạ lùng từ khắp nơi trên thế giới: 

Ở Na Uy, trẻ em ngủ ngắn ở ngoài trời ngay cả khi nhiệt độ dưới 0 độ C. 
Ở Na Uy, trẻ em rất được nhà nước quan tâm. Khi một đứa trẻ lên một tuổi, bé bắt đầu vào vườn trẻ (tiếng Na Uy gọi là Barnehage) - một hình thức chăm sóc trẻ ban ngày được nhà nước trợ cấp. 

Bố mẹ trả một vài trăm đô la mỗi tháng và con họ được chăm sóc từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Trẻ tuổi chập chững biết đi dành rất nhiều thời gian ngoài trời khi ở vườn trẻ, ngay cả khi nhiệt độ cực kỳ lạnh. Chẳng khó bắt gặp những em bé mặc ấm áp, nằm ngủ trong xe đẩy, ở ngoài trời trong những ngày đông giá lạnh tại vùng Bắc Âu này. 

Bố mẹ Việt Nam dạy con đi vệ sinh từ lúc bé 9 tháng
Đây là một điều tốt. Ở Việt Nam, các bà mẹ và ông bố dạy con họ đi tiểu bằng âm thanh "xì xì" từ lúc con còn nhỏ xíu. Đây giống như cách tạo cho trẻ phản xạ có điều kiện.

 Các phụ huynh Trung Quốc cũng làm theo cách này. Các bố mẹ bắt đầu bằng cách chú ý khi con họ có vẻ buồn tiểu hoặc canh thời gian rồi tạo một âm thanh như tiếng gió. Dần dần, em bé bắt đầu quen với âm thanh này và cứ nghe thấy thì sẽ đi tiểu.
Bạn nghĩ điều này có vẻ lạ. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nhiều trẻ em Việt Nam không cần đóng bỉm từ lúc 9 tháng. Kết quả khá ấn tượng đấy chứ?

Theo truyền thống, người Kisii tại Kenya tránh nhìn vào mắt con họ
Các bà mẹ Kisii hay Gussii ở Kenya địu con đi khắp nơi nhưng họ không thể hiện sự vui thích trước những tiếng ê a của con. Hơn thế, khi những đứa con của họ bắt đầu bập bẹ, các bà mẹ sẽ quay đi nơi khác.
Điều này nghe có vẻ quá khắc nghiệt với cách thể hiện tình cảm với trẻ ở phương Tây nhưng trong hoàn cảnh văn hóa Kisii thì nó khá dễ hiểu. Tiếp xúc mắt là một hoạt động thể hiện sự kính trọng với những người nắm nhiều quyền lực. Nó giống như nói "ngài là người che chở" - đó không phải là thông điệp mà bố mẹ muốn truyền tới con cái họ. Các nhà nghiên cứu nói rằng, kết quả là, những đứa trẻ Kisii ít tìm kiếm sự chú ý từ phía cha mẹ chúng. 

Bố mẹ Đan Mạch để con cái ở trên lề đường khi họ đi mua sắm
Ở Đan Mạch, tác giả Mei Ling Hopgood trong cuốn Người Eskios giữ ấm cho con bằng cách nào viết: trẻ thường được để ở ngoài trời - trong lúc bố mẹ vào trong ăn uống, sắm đồ - để nhận được không khí trong lành - một số bố mẹ nghĩ điều này cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển tim của trẻ - trong khi họ ăn uống hay mua sắm. 
Ý kiến này có thể khiến nhiều bố mẹ ở các nơi khác trên thế giới rùng mình vì sợ. Ở New York, Mỹ, một cặp cha mẹ (trong đó có một người là người Đan Mạch) đã bị bắt vì để con ở ngoài nhà hàng BBQ trong lúc họ vào bên trong ăn uống.
"Tôi đã ở Đan Mạch và đó là điều chúng tôi vẫn hay làm", Mariom Adler, một người New York đi dạo với con trai hai tuổi, nói với tờ New York Times. "Chúng tôi sẽ quan sát các con trong lúc không ở bên bé. Thành thật mà nói là chúng tôi cũng đã bị sốc. Nhưng Đan Mạch thực sự là nơi đặc biệt văn minh", cô nói. 



Trẻ em Đan Mạch nằm ngoài trời, trong xe đẩy, khi bố mẹ vào trong hàng ăn hay cửa hàng mua sắm. Ảnh: Npr.


Ở đảo Polynesia, trẻ em chăm sóc trẻ em
Anh trai lớn chăm sóc một đứa em mới biết ngồi có thể rất lạ ở nơi nào đó nhưng lại quen thuộc tại đảo Polynesi. Tác giả Hopgood viết trong cuốn sách của cô rằng những người lớn nhận nhiệm vụ hàng đầu cho việc chăm sóc trẻ ở Polynesia nhưng ngay khi trẻ biết đi, họ sẽ chuyển việc chăm sóc này cho trẻ khác.
Những đứa trẻ tuổi mầm non học cách dỗ em và những bé tuổi chập chững thì trở nên tự lập vì chúng được dạy rằng đó là cách duy nhất để chúng chơi cùng với trẻ lớn hơn. 
Jane và James Ritchie, cặp vợ chồng chuyên nghiên cứu về nhân loại học, quan sát hiện tượng này hàng thập kỷ tại New Zealand và đảo Polynesia. "Nhiều người trong xã hội phương Tây có thể sẽ cảm thấy khó chịu và khiếp sợ khi việc chăm sóc trẻ lại bị bỏ bê như vậy", hai nhà nhân chủng học viết trong cuốn Lớn lên ở Polynesia.

Bố mẹ Nhật Bản để con tự đi đường
Các phụ huynh ở Nhật Bản cho phép con họ tự lập khá sớm, sau một độ tuổi nhất định. Không khó bắt gặp một em bé 7 tuổi hay thậm chí trẻ 4 tuổi đi tàu điện ngầm một mình.
Christine Gross-Loh, tác giả cuốn sách "Nuôi dạy con không giới hạn" sống ở Nhật Bản một thời gian và khi cô ở đó, cô để cho các con tự chạy đi làm những việc vặt, đi tàu điện ngầm và lang thang quanh thành phố khi chúng có thể. Nhưng cô không dám làm điều này khi quay lại Mỹ.
"Nếu tôi để con tự đi ở Mỹ, tôi không chỉ bị người ta nhìn với ánh mắt lạ lùng mà một số người có thể gọi cho nhân viên bảo vệ trẻ em xử lý tôi", cô nói. 

Trẻ em Tây Ban Nha thức rất khuya
Các gia đình Tây Ban Nha chú trọng vào việc phát triển khả năng giao tiếp giữa cá nhân hay cá nhân với xã hội ở một đứa trẻ, theo Sara Harkness, giáo sư tại Khoa nghiên cứu gia đình và phát triển con người tại Đại học Connecticut.
Theo Harkness, ý tưởng để một đứa trẻ đi ngủ từ lúc 6 rưỡi tối (như nhiều nước ở châu Âu) là hoàn toàn xa lạ với các bố mẹ Tây Ban Nha. Họ không đồng ý với quan niệm này. Những đứa trẻ của họ sẽ lên giường lúc 10 giờ đêm để chúng có thể tham gia vào các sinh hoạt gia đình trong buổi tối. Điều này cũng đúng ở Argentina.

Những ông bố Aka tốt nhất thế giới
Với người Aka ở Trung Phi, vai trò của phụ nữ và nam giới thực sự có thể thay thế cho nhau. Trong khi phụ nữ săn bắn, nam giới sẽ chăm sóc trẻ và ngược lại. 
Theo giáo sư Barry Hewlett, một nhà nhân chủng học Mỹ, mức độ linh hoạt này thực sự chưa được biết nhiều trong xã hội chúng ta. Các ông bố Aka sẽ dễ dàng thực hiện những việc thường do các bà mẹ đảm nhận mà không cần đắn đo và không coi đó là điều gì đáng xấu hổ.


Ảnh: Nairaland.


Người Pháp cho rằng đói là loại gia vị tốt nhất, giúp trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào bữa chính thay vì làm đầy bụng bằng các loại đồ ăn vặt. Họ sắp xếp giờ ăn hợp lý, không cho con ăn quà vặt để trẻ thích thú với các món ăn trong bữa chính hơn.
Ngoài ra, các bà mẹ Pháp luôn để con ăn cùng gia đình, làm trẻ thấy hào hứng với bàn ăn được trang trí đẹp và trang trọng. Trẻ sẽ không bắt buộc phải ăn thứ gì mình không thích nhưng luôn được khuyến khích nếm thử mọi thực phẩm. Các bé người Pháp cũng cùng ăn các thức ăn như người lớn. Để tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho con, các bà mẹ Pháp chủ trương không dùng thức ăn như một phần thưởng hay đồ dụ dỗ trẻ vì có thể khiến trẻ ăn uống theo cảm xúc. 
Vương Linh (theo Globalpost)