Phong cách thản nhiên
(Chúa Nhật XIV TN, năm B)
Động thái
thản nhiên là một phong cách sống độc đáo – dễ mà khó. Người thản nhiên là
người bình tĩnh, điềm đạm, điềm nhiên, có thể làm chủ mọi tình huống và chính
mình. Họ là người “tự động” và “chủ động”,
chứ không “bị động” hoặc “thụ động”. Phong cách “cứ là chính mình” không phải ai cũng làm được – tức là không xu nịnh, không
tâng bốc bất cứ ai, nhưng không đè bẹp ai. Phong cách đó được người xưa gọi là “cái dũng của thánh nhân”.
Người có
phong cách thản nhiên không vui quá, cũng không buồn quá. Tuy nhiên, họ thường “bị kết án oan sai” vì người ta không đủ
hiểu họ nên cho rằng họ “lạnh như tiền”,
khinh người, tự kiêu,...
Cuộc sống
luôn mang tính thực tế, thế nhưng lại có những dạng “thực tế buồn”. Một người
bình thường, không thấy có gì nổi trội, nhất là khi người đó xuất thân từ một
gia đình không uy tín, không danh giá, cha mẹ nghèo, ít học,... thế mà bỗng
nhiên làm được điều “khác người”. Tuy
nhiên, dù họ có làm được việc gì “hơn
người” thì cũng chẳng ai tin. Xã hội là thế. Xưa nay vẫn thế. Đó là một
dạng “hàm oan”, một trong các dạng
thực-tế-buồn thường thấy nhất. Nhưng kinh nghiệm cho thấy một triết-lý-sống thú
vị: Chỉ có người giỏi mới nhìn thấy cái giỏi của
người khác, và công nhận cái giỏi của họ. Người giỏi luôn thản nhiên.
Chính Chúa
Giêsu muốn làm tốt mà vẫn bị người ta ghen ghét, Ngài cũng đành “bó tay” khi về quê hương, và Ngài đã
phải lắc đầu mà thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân
thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4; Mt 13:57; Lc
4:24). Con người là thế, họ muốn thách thức với ngụ ý như câu tục ngữ: “Thầy
lang ơi, hãy chữa lấy mình!” (Lc 4:23). Con gà tức nhau tiếng gáy.
Những người ghét mình, chẳng ai đâu xa lạ, họ chính là những người thân quen
nhất. Một sự thật quá phũ phàng và đáng buồn biết bao!
Đời là
thế! Chúa Giêsu còn phải “lắc đầu”
thì phàm nhân chẳng còn cách nào khác. Đúng là “miệng nam-mô, bụng một bồ dao găm”, chẳng sai chút nào. Mà kể cũng
lạ, không làm được thì thôi, người khác làm được thì họ lại ghét, họ kèn cựa đủ
cách, gièm pha đủ điều, trù dập tới cùng. Nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Sa-đốc, các
kinh sư, các nhà thông luật, các tư tế,… là loại “siêu nhân” như vậy, và đã bị Chúa Giêsu nhiều lần thẳng thắn
nguyền rủa là “đồ khốn”, vì loại
người “mỏ nhọn” (nhỏ mọn) như vậy là
hèn hạ!
Thấy mình
bị đối xử như vậy, những người “yếu bóng
vía” sẽ sợ, có thể “vào hùa” với
họ để được “bình an”. Muốn duy trì
phong cách thản nhiên cần có sự can đảm, vì có can đảm mới khả dĩ hành động.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en bộc bạch: “Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời
Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng. Người phán với tôi: Hỡi con người,
chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang
nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi
cho đến ngày nay” (Ed 2:2-3). Đến ăn nói với dân ngang ngược như vậy,
chắc chắn ngôn sứ Ê-dê-ki-en phải can đảm lắm. Lòng can đảm đó chính là ơn
Chúa.
Họ là “dân anh chị”, là “đại ca” thứ thiệt chứ không phải là dân vừa: “Những đứa con mặt
dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa
là Chúa Thượng phán thế này’. Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe
hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ
đang ở giữa chúng” (Ed 2:4-5). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en vẫn thản nhiên, không sợ.
Với người nghe, Thiên Chúa có phong cách độc đáo là “tùy hỷ”, nghe hay không nghe là tùy ý, không ép.
Những
người sống thẳng thắn thì thường thua thiệt, bị ghen ghét. Là con người, họ
cũng buồn lắm, nhưng họ không thể “gió
chiều nào ngả theo chiều nấy”. Và
họ chỉ còn biết tâm sự nỗi lòng với Đấng mà họ luôn tôn thờ và tín thác: “Con
ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của
gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt
con cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa của con, tới khi Người xót thương
chút phận” (Tv 123:1-2).
Cầu đêm,
nguyện ngày, miệt mài kết hiệp với Thiên Chúa ở mọi nơi, mọi lúc, dù họ làm bất
cứ việc gì. Nỗi buồn trĩu nặng tâm can, nhưng lời cầu xin của họ như không được
đáp lại. Chắc chắn không phải Thiên Chúa lãng tai hoặc làm ngơ, mà Ngài muốn
chính họ xác nhận niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Dù nhiều khi thất vọng nhưng họ
không tuyệt vọng, họ vẫn một lòng tín nguyện: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin
dủ lòng thương, bởi con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu
lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng” (Tv
123:3-4). Tất nhiên Thiên Chúa sẽ “ra
tay” đúng thời, đúng lúc, không sớm mà cũng chẳng muộn. Ngài không thể lặng
nhìn tôi tớ ngài sa cơ thất thế, gặp nguy hiểm, phải chịu oan uổng quá sức: “Ngài có đó khi ta tưởng cô đơn, Ngài nghe ta khi chẳng
ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ” (Thánh Augustinô).
Hiểu biết
nhiều giúp tăng thêm tự tin. Tự tin là đức tính cần thiết để sống thản nhiên,
nhưng tự tin thái quá có thể dẫn tới kiêu ngạo. Rất lô-gích! Thánh
Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi
đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan
được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr
12:7-8a). Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2
Cr 12:7-8). Ai cũng sợ đau khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Thánh Phaolô cũng “nổi da gà” khi đối mặt với đau khổ, ông
năn nỉ Chúa cứu thoát, thế nhưng Chúa vẫn tỏ ra như “vô tâm”, và rồi Ngài quả quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì
sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:7-8b).
Nhiệm mầu quá, lạy Chúa tôi!
Được lời
như cởi tấm lòng. Thế thì chẳng còn gì phải lo nữa. Thánh Phaolô trở nên thản
nhiên, rồi phấn khởi chia sẻ: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những
yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi
cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt
nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:9-10).
Thế cờ hoàn toàn đảo ngược. Nhược điểm (điểm yếu) trở thành yếu điểm (điểm
mạnh), sở đoản trở nên sở trường. Kỳ diệu vô cùng, phàm nhân không thể
tưởng tượng nổi!
Thiên Chúa
luôn như vậy. Ngài chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chịu nghèo khó
để chúng ta được giàu có, Ngài chịu nhục nhã để chúng ta được rạng rỡ, Ngài
chịu yếu đuối để chúng ta được mạnh mẽ, Ngài chịu chê bai để chúng ta được khen
ngợi, Ngài chịu bị loại bỏ để chúng ta được đón nhận, Ngài chịu tan nát để con
được nguyên vẹn,... và cuối cùng, Ngài chịu chết một lần để chúng ta được sống
mãi.
Cái gì đến
sẽ đến. Đời là thế! Một lần nọ, Chúa Giêsu trở về thăm cha mẹ và xóm làng, cũng
có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường.
Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ bàn tán với nhau: “Bởi đâu ông ta
được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được
những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2). Lý do rất đơn giả và hiển
nhiên: Đức Giêsu làm nghề mộc, là con của bác thợ mộc Giuse, con của Cô Maria,
anh em họ với Giacôbê, Giôết, Giuđa và Simôn, chị em của Ngài là bà con lối xóm
với họ (Mc 6:3). Hoàn toàn bình thường, chẳng có gì nổi trội. Họ đã vấp ngã vì
Ngài với lý do quá đỗi bình thường. Có lẽ người ta không đủ hiểu để phân biệt
sự khác nhau giữa điều bình thường và điều tầm thường. Điều bình thường nhưng
chưa chắc là điều tầm thường, thậm chí có khi lại là điều phi thường.
Đời là
thế! Và Đức Giêsu đưa ra một kết luận tất yếu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì
cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc,
và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Đáng sợ thật, nhưng một
khi xác nhận và biết rõ như vậy rồi thì lại không đáng sợ nữa!
Thánh sử
Mác-cô cho biết rằng, hôm đó Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào
tại đó, mà chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ (Mc 6:5), thậm
chí chính Ngài cũng lấy làm lạ vì họ không tin (Mc 6:6). Lạ thật,
nhưng cũng phũ phàng và chua chát quá!
Tuy nhiên,
Chúa Giêsu vẫn thản nhiên, không xốn xang, không nao núng. Khi người ta không
thích mình thì “tránh voi chẳng xấu mặt
nào”, cứ thản nhiên và im lặng. Ai muốn nói gì thì nói, mình cứ là chính
mình!
Lạy Chúa, xin trao ban cho con tặng
phẩm là ơn khôn ngoan và hiểu biết, con không dám xin gì khác, nhờ đó con có
thể hiểu biết thông thạo những gì cần thiết với một trái tim đầy ắp tình yêu
thương và lòng thương xót như Ngài. Xin thương sắp đặt cuộc đời con theo Ý Ngài
và xin Ý Ngài nên trọn để vinh danh Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu,
Đấng cứu độ con. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét