Bẩn ! Bẩn ! Bẩn ! Bẩn ! Bẩn !
Bẩn là dơ, là không sạch, là mất vệ sinh. Bẩn cũng có nhiều
dạng và nhiều mức độ: Ô nhiễm môi trường là bẩn, ô nhiễm không khí là bẩn, ô
nhiễm thực phẩm là bẩn, ô nhiễm nguồn nước là bẩn, ô nhiễm quản lý là bẩn, ô
nhiễm tư tưởng là bẩn, ô nhiễm ánh mắt là bẩn, ô nhiễm lương tâm là bẩn, ô
nhiễm giáo dục là bẩn, ô nhiễm âm nhạc là bẩn, ô nhiễm văn chương là bẩn,… Ô
nhiễm nào cũng bẩn, cũng xấu, cũng có hại!
Các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày đưa tin về các
loại bẩn. Nào là thịt thối, heo siêu nạc; nào là thuốc tăng trọng, cà-phê là
đậu nành trộn với hàng chục loại hóa chất; nào là giá làm bằng đậu bẩn, trái
cây được kích thích bằng hóa chất; nào là phở chứa phoóc-môn, nước tương (xì
dầu) chứa chất 3-MCPD, sữa chứa melamine,… Cơ man nào mà kể. Đó là dạng bẩn
thực phẩm gây hại cho cơ thể, có thể sinh ung thư, dẫn đến cái chết!
Chỉ nói riêng về thực phẩm thôi cũng đã thấy có nhiều mối
nguy hiểm đe dọa tính mạng con người hằng ngày, tính đến mức từng giây. Dạng
bẩn nào cũng nguy hiểm, nhưng dạng bẩn nguy hiểm và độc hại nhất là “lòng người
bẩn”, là “lương tâm bẩn”. Tất cả sẽ không bẩn nếu lòng người không nhiễm bẩn,
nếu lương tâm trong sạch. Có thể nói rằng mọi thứ bẩn đều bắt nguồn từ “lương
tâm bẩn”, vì từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy khác!
Lương tâm còn gọi là lương tri. Lương tâm bẩn cũng có nhiều
mức độ, từ nhẹ đến nặng: Nói dối, gian lận, tham lam, lừa đảo, hối lộ, tham
nhũng, nhiễu nhương, hiếu chiến, bịp bợm, trục lợi, thực dụng, độc ác,... Vĩ
nhân Mahatma Gandhi (Ấn Độ) nói: “Với lương tâm, quy luật của số đông không
có tác dụng. Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương
tâm. Nó thay thế cho mọi tòa án khác”.
Aleksandr
Solzhenitsyn so sánh: “Công lý là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà
là lương tâm của toàn bộ nhân loại. Những ai nhận thức rõ ràng giọng nói của
lương tâm chính mình thường cũng nhận ra giọng nói của công lý”. Còn Jean
Jacques Rousseau định nghĩa: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn; dục vọng
là tiếng nói của cơ thể”.
Như vậy,
vấn đề lương tâm rất quan trọng, vì Voltaire đã nhận định: “Con đường an
toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta
có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết”.
Walter
Lippmann lý giải: “Lương tâm của chúng ta không phải là vật chứa chân lý
vĩnh cửu. Nó phát triển cùng với đời sống xã hội của chúng ta, và điều kiện xã
hội thay đổi cũng dẫn tới sự thay đổi triệt để về lương tâm”.
Phàm cái gì từ con người xuất ra mới là cái làm cho người ta
ra ô uế. Có thể hiểu “cái từ con người xuất ra” theo cả nghĩa đen và nghĩa
bóng. Chính Chúa Giêsu xác định: “Những cái gì từ miệng xuất ra, là phát
xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. Vì tự lòng phát
xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp,
làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn
ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế” (Mt 20:18-20).
Hãy cẩn trọng, vì có thể Chúa Giêsu đang lên án chính mỗi
chúng ta: “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên
trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên
ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình
và gian ác!” (Mt 23:27-28).
Ngoại tại và nội tại đều cần thiết một môi trường trong
sạch, không bị ô uế. Văn hào Victor Hugo nói: “Lương tâm là Thiên Chúa hiện
diện trong con người”.
Ước gì mỗi
chúng ta có thể nói được như văn sĩ trào phúng Mark Twain đã xác định: “Nhờ
ơn Chúa mà ở đất nước chúng tôi có ba thứ quý giá không tả nổi: tự do ngôn
luận, tự do lương tâm, và sự khôn ngoan để không bao giờ dùng đến cả hai thứ
kia”. Ông Mark Twain là văn sĩ trào phúng, khôi hài, nhưng lại rất thật.
Nghe ông Mark Twain nói mà phát thèm!
Thánh
Phaolô nói về cái bẩn tâm linh: “Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi
mà trở thành nô lệ sự công chính. Ấy là tôi nói theo kiểu người phàm, hợp với
tầm hiểu biết yếu kém của anh em. Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà
làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân thì nay anh em cũng hãy
dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện” (Rm 6:18-19).
Dạng bẩn tâm linh còn độc hại hơn mọi dạng bẩn khác, dẫn đến cái chết đời đời.
Khủng khiếp quá!
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét